Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Giải đáp 10 điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 3

Thế giới Cực Lạc cách xa cõi Ta-bà này đến mười vạn ức cõi Phật. Xa xôi như thế, kẻ phàm phu làm sao có thể tức thời sinh đến?

8. Điều nghi thứ tám

Hỏi: Kẻ phàm phu từ bao đời trước đến nay đã rộng tạo vô số nghiệp ác, khi lâm chung chỉ niệm Phật mười niệm, làm sao có thể được vãng sinh?

Đáp: Người làm nghiệp ác trong đời này nhưng đến khi lâm chung có thể hồi tâm niệm Phật mười niệm được vãng sinh, đó hẳn là nhiều đời trước đã có tu hành, bất quá chỉ là trong đời này sinh ra nhất thời mê muội đi theo đường ác.

Nếu không phải như thế, thì khi sắp qua đời nhất định các duyên xấu ác phải tìm đến, sao có thể trái lại gặp bậc thiện tri thức dạy cho việc niệm Phật? Hơn nữa, dù có được dạy cho việc niệm Phật, cũng làm sao có thể nghe mà tin nhận được ngay?

Huống chi vào lúc người ấy niệm Phật cuối đời, ắt trong lòng đã hồi tâm giác ngộ, chí thành sám hối những sai lầm trước đây, trong tâm phải hết sức kinh sợ việc ác mà thống thiết cầu vãng sinh, cho nên muôn duyên đều nhất thời buông xả, chỉ còn duy nhất một con đường hướng về Tây phương Cực Lạc, hoàn toàn không có bất cứ nơi nào khác để có thể quay đầu. Niệm Phật được như lúc ấy, chỉ một câu cũng bằng như ngàn vạn tiếng. Chính vì thế nên kinh Thập lục quán mới nói rằng: “Trong mỗi một niệm đều giải trừ được tám mươi ức kiếp tội lỗi trong sinh tử.”

Nếu như có thể nhận hiểu được sự tinh chuyên thành khẩn ấy, lại thêm sẵn có phước đức nghiệp lành từ đời trước, thì việc được Phật tiếp dẫn đâu có gì để phải hoài nghi?

9. Điều nghi thứ chín

Hỏi: Thế giới Cực Lạc cách xa cõi Ta-bà này đến mười vạn ức cõi Phật. Xa xôi như thế, kẻ phàm phu làm sao có thể tức thời sinh đến? Lại có nghe rằng nữ nhân, người khuyết thiếu các căn cùng với hàng Nhị thừa đều không được vãng sinh, điều đó tin được chăng?

Đáp: Đường xa khó đến là nói về hình thể. Một niệm có thể đến ngay là nói về tâm thức. Người niệm Phật sinh về Cực Lạc là chỉ nói tâm này sinh về, không phải mang theo hình hài thân thể sang cõi ấy. Ví như người nằm mộng thấy đi sang nước khác, tuy cách xa đến ngàn vạn dặm nhưng vừa lay gọi liền tỉnh giấc, lẽ nào lại do đường gần thì dễ thức giấc mà đường xa khó thức giấc hay sao?

Nói rằng nữ nhân với người căn khuyết không sinh ra ở cõi ấy, đó là nói ở thế giới Cực Lạc không có nữ nhân, không có người căn khuyết, không có nghĩa là nữ nhân với người căn khuyết không được vãng sinh về Cực Lạc.

Nếu nói nữ nhân không được vãng sinh, vì sao đức Thế Tôn lại thọ ký cho bà Vi-đề-hy và 500 thị nữ chắc chắn được vãng sinh? Kinh Vô Lượng Thọ có 48 lời đại nguyện của đức Phật A-di-đà, trong đó có một nguyện rằng: “Sau khi ta thành Phật, hết thảy nữ nhân trong vô số cõi thế giới, nếu được nghe danh hiệu của ta [liền mừng vui tin tưởng, phát tâm Bồ-đề,] sinh lòng chán ghét thân nữ. Sau khi lâm chung liền không còn phải thọ sinh làm thân nữ.”

Đối với nữ nhân là như vậy, thì đối với người căn khuyết có thể suy ra biết được. Hơn nữa, như chim sáo, chim vẹt còn có thể nhờ niệm Phật mà được vãng sinh. Như vậy, có lẽ nào người căn khuyết lại không bằng loài vật hay sao? Đến như hàng Nhị thừa đều là những vị đã chứng quả. Kẻ phàm phu còn được vãng sinh, có lý nào lại trừ ra những người Nhị thừa? Kinh A-di-đà dạy rằng: “Đức Phật A-di-đà có vô lượng vô biên các đệ tử Thanh văn, tất cả đều là A-la-hán.” Vậy sao có thể nói là không có Nhị thừa? Vì thế, lời ấy có nghĩa rằng, người sinh về Cực Lạc không còn mang tâm vướng chấp của hàng Nhị thừa, nên mới nói Nhị thừa không sinh. Bằng như cho rằng hàng Nhị thừa không được vãng sinh về Cực Lạc, điều đó thật hoàn toàn vô lý.

10. Điều nghi thứ mười

Hỏi: Nay tôi quyết định phát tâm cầu vãng sinh Cực Lạc, nhưng chưa biết phải thực hành những công hạnh gì, phải phát khởi những tâm nguyện gì để được vãng sinh? Lại nữa, người thế tục thảy đều có vợ con, chưa dứt trừ chuyện dâm dục, không biết rằng như thế có được vãng sinh hay chăng?

Đáp: Người quyết định cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc, ngoài việc trì niệm danh hiệu Phật, nếu có đủ hai tâm niệm mạnh mẽ khác nữa thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Thứ nhất là tâm niệm chán lìa đối với cõi thế gian uế trược. Thứ hai là tâm niệm mến mộ, ưa thích đối với thế giới Cực Lạc.

Lại cũng nên phát tâm Bồ-đề, tùy theo khả năng mà làm các việc thiện, hồi hướng về cho việc vãng sinh Tịnh độ. Được như vậy thì chưa từng có ai không được vãng sinh.

Đến như duyên nợ với vợ con nơi chốn thế tục, điều đó cũng không ngăn ngại. Chỉ cần có thể khiến cho vợ con cùng được hưởng lợi lạc từ giáo pháp, cùng biết tu trì, dứt trừ việc gieo trồng nhân xấu ác.

Về việc chán lìa cõi thế gian uế trược, đó là nói trong đời uế trược này, nhất cử nhất động đều là gai góc hầm hố dễ rơi vào sa đọa. Người đời chỉ vì hai chữ cơm áo mà khốn khổ suốt đời, chạy theo hai đường danh lợi mà bôn ba trọn kiếp, tay chân rối rít bận rộn không ngừng, cam chịu vì vợ con làm thân tôi tớ, ngày trăm mối nghĩ, đêm vạn mộng mơ, hết thảy đều là đem thân thể hình sắc này mà tìm cầu chuốc lấy phiền não.

Hãy tự hình dung, tấm thân cao chừng bảy thước này, dáng vẻ bên ngoài chỉ nhờ vào lớp da mỏng bao bọc, lại lấy đó vọng xưng là cao quý lớn lao, ví như có thể dùng thiên nhãn xem qua một lần, ắt sẽ thấy bên trong bất quá chứa đầy một bụng phẩn uế, cùng những máu mủ đờm dãi nhơ nhớp. Cho nên kinh Niết-bàn dạy rằng: “Thân này như một cái thành, là chỗ cư trú của những quỷ la-sát ngu si.” Như vậy, liệu có người trí tuệ nào lại ưa thích đắm say thân này mà không chán lìa?

Về việc mến mộ ưa thích thế giới Cực Lạc, đó là nói sự vui thích ở cõi Tây phương Cực Lạc dù cung điện cõi trời cũng không sánh kịp, không thể hình dung mô tả bằng ngôn ngữ. Mỗi ngày chỉ cần nhớ nghĩ đến những lời trong kinh, đem tâm tĩnh lặng mà suy xét từng lời, lại nghĩ rằng trong tương lai nhất định mình sẽ sinh về nơi ấy, thì tự nhiên tâm niệm mến mộ sẽ khởi sinh, nhân duyên Tịnh độ cũng tự thành thục.

Thế nào là phát tâm Bồ-đề? Luận Vãng Sinh nói rằng: “Tâm Bồ-đề tức là thệ nguyện sẽ thành Phật. Thệ nguyện thành Phật, đó là khởi lòng thương xót đối với hết thảy chúng sinh trong sáu đường luân hồi, đang chịu khổ não không cùng cực, nên mới phát tâm cứu độ, muốn giúp cho tất cả đều được vượt thoát ra ngoài ba cõi, đều được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, được như vậy mới tròn thệ nguyện.”

Người niệm Phật nếu có đủ hai tâm niệm mạnh mẽ như trên, lại thêm đã phát tâm Bồ-đề, cung kính nương theo tâm nguyện cứu độ của Như Lai, nếu như lại không được vãng sinh, không được Phật thọ ký, đó là việc chưa từng có vậy.

Trích: Tịnh Độ Thập Nghi Luận!

Bài viết cùng chuyên mục

Thâm nhập một môn trường thời huân tu, tâm quý vị sẽ Định

Định Tuệ

Khi lâm chung, Tham Sân Si trỗi dậy thì đi vào đường ác

Định Tuệ

Vì sao khi người lâm chung tắt thở không được đụng vào họ?

Định Tuệ

Giới luật là nền tảng căn bản của Phật Pháp

Định Tuệ

Sự chuyển hướng từ tu Thiền tông sang tu Tịnh độ

Định Tuệ

Ngạ quỷ là gì? Cõi vong linh ngạ quỷ có thật hay không?

Định Tuệ

Niệm Phật chính là diệt tội, niệm Phật chính là sám hối

Định Tuệ

Vãng sanh là gì? Điều kiện để người niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ

Định Tuệ

Mỗi ngày mười niệm hay một niệm đều có thể vãng sanh là người như thế nào?

Định Tuệ

Viết Bình Luận