Phật ở trong Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp thành tựu từ Nhẫn”. Bạn có thể buông xả, có thể giữ quy củ, có thể nhẫn nhục, đảm bảo bạn một đời này thành công.
Người biết dụng công và người không biết dụng công có khác biệt nhau rất lớn. Người biết dụng công, ở trong một đời nhất định thành đạo vô thượng. Hôm qua tôi nhìn thấy các bạn có in một tờ giấy “sống trong thế giới cảm ân”, in rất đẹp. Chúng ta mỗi ngày đọc một chút, mỗi ngày xem một chút, rất có ích đối với việc tu học của mình. Người ở thế gian thường nói: “Làm việc đã khó, làm người càng khó hơn”, nhất là xã hội hiện nay.
Người bình thường thiếu đi lời dạy của Thánh Hiền, thuận theo tập khí vô minh phiền não của mình, người như vậy rất khó chung sống, thường xuyên nổi giận với chúng ta. Người biết tu hành thì thấy đây là việc tốt, những người này giúp chúng ta, đây là tăng thượng duyên, thành tựu nhẫn nhục Ba-la-mật cho chúng ta.
Phật ở trong Kinh Kim Cang nói: “Tất cả pháp thành tựu từ Nhẫn”. Bạn có thể buông xả, có thể giữ quy củ, có thể nhẫn nhục, đảm bảo bạn một đời này thành công. Bạn không thể nhẫn thì chắc chắn bạn thất bại. Tôi là một người học giảng Kinh, tôi hiểu rõ những đạo lý này.
Trước đây, tôi ở Đài Trung, dưới hội của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi đã theo học mười năm. Thầy dạy tôi, đối đãi với tôi thật sự là người có trí huệ cao độ, lúc nào cũng đè nén tôi xuống phía dưới. Đài Trung Từ Quang Đại Chuyên Phật Học Giảng Tọa, tôi phát khởi. Khóa trình buổi giảng, Lý lão sư bảo tôi đến căn phòng của thầy để hỏi ý kiến của tôi, chẳng khác gì nói là “chúng ta cùng nhau đặt ra”. Mời những vị thầy nào đến dạy, Lý lão sư đều bàn bạc với tôi. Nhưng khi “Đại Chuyên Giảng Tọa” khai giảng thì thầy không xếp tôi vào.
Tôi làm tạp vụ ở trong đây, hay nói cách khác, không cho tôi có cơ hội biểu hiện. Đây là việc tốt, tôi hiểu rất rõ. Nếu như có cơ hội biểu hiện, bạn biểu hiện tốt thì sẽ khiến người ta đố kỵ, biểu hiện không tốt thì người ta sẽ châm biếm, phỉ báng. Thật khó!
Mặc dù sống ở Đài Trung như vậy, nhưng sống cũng không hoàn toàn thật dễ dàng. Trong tâm tôi biết rất rõ, nhất định không được phạm một chút sai lầm. Nếu như bạn phạm sai lầm thì bạn sẽ bị khai trừ, bạn sẽ phải xa lìa môi trường này, cơ hội học tập không còn nữa. Chú tâm cẩn thận, mười năm như một ngày, không nhẫn làm sao được? Không dám đắc tội với một người nào, chung sống với người nói năng nhỏ nhẹ.
Thầy Ngộ Uy muốn học giảng Kinh. Tôi đưa thầy đến Úc Châu. Thầy giảng ở Úc Châu rất tốt, mọi người đều rất tán thán, nào ngờ đã cãi vã với người ta. Cãi nhau như vậy thì phải ra đi, người ta khai trừ thầy, không cần thầy nữa. Đây đúng là không hiểu chuyện!
Nếu người ta mắng bạn thì phải rửa tai lắng nghe, nếu người ta đánh bạn thì hãy mau quỳ xuống để cho họ đánh. Chúng ta học Phật chỉ có như vậy. Người ta muốn đánh thì ngoan ngoãn quỳ xuống đất để họ đánh. Đợi họ đánh đủ rồi, không đánh nữa thì lại đứng lên. Bị mắng, không mắng lại; bị đánh, không đánh lại, nếu không thì việc học Phật này của bạn đi đến đâu được? Chúng ta tiếp nhận sự lăng nhục của người khác, nhưng bản thân chúng ta nhất định không có ác ý đối với người khác. Chịu oan để cầu toàn, đây là lễ mà nhà Nho nói. Tinh thần của lễ chính là chịu oan để cầu toàn.
Cho nên, các bạn thấy trong Lễ Ký, mở đầu thiên thứ nhất là “Khúc Lễ”. “Khúc” là oan ức, đổ oan cho mình. Đây là hiểu được Lễ. Lễ là mình phải biết, không phải để dạy người khác. Chúng ta dùng lễ để đối đãi với người, tuyệt đối không mong người khác dùng lễ để đối đãi chúng ta, tâm của bạn sẽ an ngay, bình ngay. Ta dùng lễ đối đãi người và cũng yêu cầu người dùng lễ đối đãi ta, điều này khó, quá khó! Tại sao vậy? Họ chưa được học, không thể trách họ.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật cũng nói rất rõ ràng: “Tiên nhân bất thiện”. Không có dạy họ, bạn làm sao có thể trách họ được? Cha mẹ họ không dạy họ, thầy họ không dạy họ, bản thân lại không chịu học nghiêm túc, họ sao có thể hiểu được? Cho nên, mọi hành vi tạo tác của họ thuận theo tập khí phiền não của họ là chuyện bình thường, phải biết đó là người phàm. Người tu hành chung sống với người không tu hành thì người tu hành phải chịu thiệt thòi, phải nhường nhịn. Điều này mới biểu hiện bạn là tu hành.
Bạn không nhường nhịn được, vẫn nghĩ muốn trả thù giống như họ, thậm chí là dù không trả thù họ mà xa rời họ, “ta tránh đi là được rồi”, đây đều không phải là thái độ của người tu hành. Bạn là người tu hành chân chánh thì bạn phải cảm hóa họ trong thời gian dài. Họ đối với ta xấu mấy đi nữa, ta vẫn một mực đối tốt với họ. Mọi người đều có lương tri, đều có Phật tánh, đều có lương tâm, chẳng qua là tập khí phiền não quá nặng, cho nên họ cần thời gian tương đối dài mới có thể quay đầu. Người phiền não nhẹ thì quay đầu nhanh, người phiền não nặng thì quay đầu chậm.
Phật Bồ-tát đối với chúng ta có tâm nhẫn nại, đời đời kiếp kiếp cũng không từ bỏ. Đây là chỗ chúng ta phải học tập. Cho nên tất cả phải vì Phật pháp mà suy nghĩ, phải vì hạnh phúc của chúng sanh mà suy nghĩ. Bản thân chúng ta có thể oan ức một chút, thay Phật làm thêm một chút việc. Đây là công đức chân thật.
Chúng ta thử nghĩ, thế gian có mấy người ở trong một đời có thể vì Phật pháp mà phục vụ, có thể vì tất cả chúng sanh mà phục vụ. Cơ hội này quá ít, quá hiếm có. Gặp được cơ hội này, có người đến chướng ngại bạn, đến kiếm chuyện với bạn, khiến bạn thoái tâm, đó là ma chướng hiện tiền. Gặp ma chướng, bạn cần phải có năng lực khắc phục. Phương pháp khắc phục duy nhất là nhẫn nhục Ba-la-mật, cho nên cần phải buông xả kiêu mạn của mình, buông xả tập khí của mình, tùy thuận chúng sanh.
Ở trong tùy thuận chúng sanh mà thành tựu sáu Ba-la-mật của mình, đó gọi là công đức. Tùy hỷ công đức là tu như vậy. Cho nên, người biết tu thì cảnh giới bên ngoài đều là tăng thượng duyên tốt. Người không biết tu hành, cảnh giới bên ngoài đều là nghịch tăng thượng duyên, đều khiến bạn sinh phiền não, đều khiến bạn tức giận, đều khiến bạn thoái chuyển. Từ đó cho thấy, cảnh giới bên ngoài không có tốt xấu.
Một bài văn nhỏ tôi in ở đây, “Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ” nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu”. Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, không có thiện ác, không có tốt xấu. Tốt xấu khởi từ tâm của mình. Tâm của mình khởi một niệm thiện, thì bên ngoài mỗi người đều thiện, mỗi sự mỗi vật đều thiện, không có gì là không thiện, đều là giúp đỡ ta. Cảnh giới thuận nghịch đều là giúp đỡ ta tu nhẫn nhục Ba-la-mật.
Ở trong thuận cảnh thì không tham luyến, nghịch cảnh thì không sân giận. Thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác hiện tiền, biết rất rõ ràng, biết rất minh bạch, không ngu si, thì có cảnh giới nào không phải là tăng thượng duyên tốt chứ? Chỉ xem chúng ta có thể chuyển một niệm này trở lại được không? Đây là quan trọng hơn hết. Bản thân chúng ta đời này có thể thành tựu hay không, mấu chốt là ở chỗ này. Phải học cái gì cũng có thể nhẫn được.
Nói lời thành thật, sống trong nghịch cảnh nghịch duyên đã khó, mà sống trong thuận cảnh thiện duyên càng khó hơn. Ở trong thuận cảnh thiện duyên không có một mảy may tâm tham ái khó hơn nhiều so với rơi vào nghịch cảnh. Cho nên, người Tiểu Thừa học từ trong nghịch cảnh, học ở trong khổ hạnh. Bồ-tát Đại Thừa học từ trong thuận cảnh. Trước tiên từ nghịch cảnh chuyển thân để tu lại trong thuận cảnh. Thuận – nghịch hai bên đều không dính nhiễm nữa thì bạn mới có thể vượt thoát mười pháp giới.
Phật ở trong Kinh nói đạo lý này rất rõ ràng, rất minh bạch. Hơn nữa, Bồ-tát làm mẫu cho chúng ta thấy. Tôn giả Ca-diếp tu khổ hạnh, Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện tu khổ hạnh, dạy người sơ học. Chỗ mà Thiện Tài Đồng Tử thị hiện là thuận cảnh, là Bồ-tát Đại Thừa. Ở trong thiện duyên thuận cảnh như như bất động, cái mà Tông môn gọi là “đi qua một rừng hoa, không chạm một chiếc lá”, cái tâm này của Bồ-tát Đại Thừa mới thật sự đạt đến thanh tịnh, cảnh giới thuận nghịch hiện tiền, không có gì là không thanh tịnh bình đẳng.
Bản thân chúng ta thành công rồi, [nếu gặp] người có duyên, thế nào gọi là người có duyên? Người chịu nghe, chịu tin, hiểu được, hành được là người có duyên. Người có duyên thì nhất định phải giúp đỡ họ. Người không có duyên thì sao? Không có duyên thì trong tâm [chúng ta] thường xuyên quan tâm, cứ từ từ, đến khi nào họ chịu quay đầu thì đến lúc đó giúp đỡ họ.
Tin được, hiểu được, hành được, đó gọi là quay đầu. Ba điều kiện này không đầy đủ, là hiện tại thời tiết nhân duyên chưa chín muồi. Từ từ đợi, chư Phật Bồ-tát có tính vô cùng nhẫn nại, đợi vô lượng kiếp cũng không sao cả. Cho nên, mọi việc không thể vội vàng gấp gáp, nhất định phải nhận rõ thời tiết nhân duyên. Thời tiết nhân duyên chưa chín muồi, miễn cưỡng không được. Miễn cưỡng thì trái lại sẽ trì hoãn nhân duyên này thêm mà thôi. Thật sự có tâm từ bi, nhất định biết cái gì gọi là hằng thuận chúng sanh, tu tùy hỷ công đức như thế nào. Cho nên, đồng học ở chung với nhau phải học hỏi lẫn nhau, phải tham vấn lẫn nhau.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 56
Tâm Hướng Phật/St!