Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Chánh tín: Tin nhân quả, tin nhân duyên

Mê tín và chánh tín là hai con đường tối sáng khác nhau. Nếu đi bên tối là không thấy bên sáng, nếu đi bên sáng thì không kẹt trong tối.

Chánh tín

Tin nhân quả

Đứng về chiều thời gian, vạn vật hiện có trong vũ trụ này, không một vật nào thoát ngoài nhân quả mà được hình thành. Trên tiến trình sanh diệt, quyết hẳn vạn vật từ nhân tiến đến quả, từ quả trở lại nhân.

Nhân quả, quả nhân xoay vần không dứt. Đó là hiện tượng sanh hóa trên cõi nhân gian. Nghiệm xét thấu đáo, chúng ta không thấy có một vật gì không nhân mà có, ngẫu nhiên mà thành.

Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta khéo uyển chuyển cái xấu trở thành tốt, cái dở trở thành hay. Thấy rõ lý nhân quả, chúng ta nắm chắc quyền tự chủ, tạo dựng tương lai tươi đẹp cho chính mình. Lý nhân quả vừa là khoa học vừa là sức mạnh chuyển tiến của con người.

Tìm hiểu tường tận lý nhân quả là người thông minh. Biết ứng dụng lý nhân quả là con người tiến bộ. Khảo sát theo nhân quả là lý luận chặt chẽ, là hiểu biết thấu đáo. Cho nên nghiệm xét lý nhân quả tường tận rồi, chúng ta tin tưởng là chánh tín.

Tin nhân duyên

Đứng về mặt không gian, vạn vật trong vũ trụ đều do nhân duyên hợp thành. Không một vật nào do một đơn vị làm nên, mà phải nhiều đơn vị hợp lại mới thành hình. Chính thế, lý nhân duyên thích ứng với tinh thần phân tích của khoa học hiện nay.

Nếu sự vật do một đơn vị làm nên thì còn gì phân tích. Bởi nhiều đơn vị hợp thành một vật thể, người ta mới phân tích chia ra nhiều đơn vị, nhiều loại. Nhỏ nhất như một nguyên tử, người ta phân tích trong đó vẫn có nhiều phần hợp thành, huống là những vật thể to tát.

Do đó, chúng ta thấy rõ lý nhân duyên nhà Phật nói, là một lẽ thật, đúng với tinh thần khoa học hiện thời. Hiểu được lý nhân duyên, chúng ta phá tan cái chấp lầm vô nhân và nhất nhân.

Hiểu được lý nhân duyên, chúng ta thấy rõ muôn vật trên thế gian có sự liên quan chằng chịt với nhau. Chúng ta không thể tách một cá thể đứng ngoài tập thể, một cá nhân đứng ngoài nhân loại. Đây là lý do khiến dẹp được quan niệm cá nhân ích kỷ.

Chúng ta tích cực xây dựng nên hạnh phúc chung cho nhân loại, không riêng của một cá nhân. Tin lý nhân duyên là tin bằng trí tuệ, bằng khoa học, cho nên chánh tín.

Lợi ích chánh tín

Trí tuệ

Nhận rõ lý nhân quả, lý nhân duyên là tác dụng của trí tuệ. Chính do nhận xét thấu đáo, phân tích rành mạch, khiến trí tuệ càng ngày càng phát triển. Nếu một đối tượng trước mắt, chúng ta cứ thầm nhận là tự nhiên nó có, do tạo hóa làm nên, thế là còn gì phải nhận xét, phải phân tích. Cứ thế mãi, trí tuệ sẽ cùn mằn, không thể nào bén nhạy được. Đó là cái cớ khiến người ta lười suy xét, lâu ngày trở thành tâm trí ù lỳ chai cứng.

Người Phật tử phải sống bằng trí tuệ, nên thấy rõ vạn vật sanh thành hoại diệt đều nằm trong hệ thống nhân quả, nhân duyên. Sự vật hiện có mà không do nhân quả, nhân duyên là phi lý luận, phản khoa học. Vì thế người chánh tín là người thực tế, khoa học, nhận xét bằng trí tuệ.

Chịu trách nhiệm

Thâm đạt lý nhân quả nhân duyên, người ấy sẽ nhận lấy trách nhiệm nên hư, hay dở, tốt xấu đều do mình. Mình là chủ động gây thành nhân tốt, tạo ra duyên lành. Mọi việc đều không được tốt lành là do mình không chịu gây tạo, đây là lỗi tại mình nào phải tại ai.

Biết thế, chúng ta không trốn tránh, không kêu than, trái lại can đảm chấp nhận để rồi xoay chuyển. Bởi nhận rõ nhân quả nhân duyên, chúng ta xét một sự kiện xảy ra tốt xấu, phát xuất từ nhân nào, hội đủ nhân duyên gì mới xảy ra như thế.

Thế thì dù có việc dở việc hay, chúng ta đều thấy rõ không lầm. Chúng ta nỗ lực cố gắng tạo điều kiện để chuyển đổi nó. Chịu trách nhiệm để chuyển đổi, không phải chịu trách nhiệm để thông qua, đó là tinh thần của người chánh tín.

Tự tín

Biết rõ dở hay do mình, quả thật mình là chủ nhân của mọi thành bại. Đau khổ an vui, chính mình là người tạo ra. Ngày mai tươi sáng, ngày mai tối tăm, ta là người chủ động. Do thấu hiểu lý nhân quả nhân duyên, con người sẽ có sức tự tín mãnh liệt.

Nhờ sức tự tín, con người mới cố gắng chuyển đổi, vươn lên trong mọi lãnh vực. Một dân tộc có đức tự tín, không bao giờ cam chịu khuất phục, chậm tiến. Có tự tín là có một sức mạnh phi thường. Có tự tín, sự tu hành mới không thối chuyển.

Kết luận

Mê tín và chánh tín là hai con đường tối sáng khác nhau. Nếu đi bên tối là không thấy bên sáng, nếu đi bên sáng thì không kẹt trong tối. Đạo Phật chủ trương chánh tín, không bao giờ chấp nhận mê tín. Do vì người truyền đạo không thông lý đạo, nên ghép những tập tục thế gian vào trong đạo, khiến người ta hiểu lầm đạo Phật mê tín.

Bản chất của đạo Phật là trí tuệ, là giác ngộ, làm sao dung nạp được mê tín. Nếu người ta thấy trong chùa chiền hiện nay còn những hiện tượng mê tín, vội phê bình đạo Phật mê tín. Đây là những oan tình của đạo Phật. Tất cả những kinh Phật không có nói những việc mê tín ấy, chẳng qua một số người vì tùy tục, vì thiếu hiểu Phật pháp vẽ bày ấy thôi.

Người học Phật chân chánh phải gan dạ loại bỏ những tập tục sai lầm ấy, can đảm dứt khoát đập tan mọi tệ đoan làm suy giảm giá trị Phật pháp. Có khi dẹp bỏ những điều đó, có thể thiệt thòi chút ít quyền lợi của mình. Song chúng ta cương quyết vì chánh pháp, chớ không vì lợi dưỡng, vì đưa người ra khỏi đường mê, không vì sợ mất mát bản đạo. Được thế, chúng ta mới xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ, mới không hổ thẹn là hàng Tăng Bảo.

Trích: Bước Đầu Học Phật – Hòa Thượng Thích Thanh Từ!

Bài viết cùng chuyên mục

Trong Phật pháp, Thiền Định có thể trở về quá khứ, cũng có thể bước vào tương lai

Định Tuệ

Ly kỳ chuyện Hòa Thượng Thiền Tâm và những con rắn thành tinh

Định Tuệ

Facebook là ảo nhưng tạo nghiệp là thật

Định Tuệ

Vì sao cần phải niệm Phật? Tại sao phải vãng sanh về Cực Lạc?

Định Tuệ

Tuyệt đối không phải là nói một khi đã chết là hết

Định Tuệ

Đức Phật thường nói: Phước cầu không được, tu thì được

Định Tuệ

Dùng phương pháp nào để trở về Tự Tánh, thành Phật viên mãn?

Định Tuệ

Thế giới Cực Lạc là chân tâm vốn có xưa nay của chúng ta

Định Tuệ

Nữ giới từ nhỏ tập tánh nhu hòa thì suốt đời hưởng nhiều phước

Định Tuệ

Viết Bình Luận