Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là thượng thiện, ngoài thượng thiện ra, người ấy còn giác ngộ, chẳng mê.
Tiếp theo là: “Thị cố kinh vân, đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bách tuế, kỳ hữu chúng sanh, trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ” (Vì thế, kinh dạy: “Trong đời tương lai, khi kinh đạo diệt hết, ta do lòng từ bi, thương xót, đặc biệt lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm. Có chúng sanh nào gặp được kinh này, tùy theo sở nguyện đều có thể đắc độ”). Đây là kinh văn ở phần sau kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ giới thiệu: “Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận” (trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết), khẳng định chẳng phải là hiện tại. Do trên thế giới có nhiều nhà tiên tri nói đến ngày tận thế, các tôn giáo ngoại quốc cũng nói tới tận thế; có đúng là thế giới sẽ có ngày tận thế hay không? Đều có vấn đề! Phật pháp chẳng có cách nói như thế! Phật pháp nói “pháp vận”. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một vạn hai ngàn năm. Thưa cùng quý vị, chư Phật xuất thế pháp vận khác nhau; nói thật ra, Phật đâu có pháp vận! “Vận” là do chúng sanh [mà có]; Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp đều do chúng sanh. Chúng ta sốt sắng chịu học, đấy chính là Chánh Pháp. Sau khi nghe xong, chẳng muốn thực hành, đó chính là Tượng Pháp. Nghe mà cũng chẳng muốn nghe, đó chính là Mạt Pháp. Do vậy, ba thứ pháp vận là nói theo phía chúng sanh, chứ không nói theo Phật pháp, Phật chẳng có vấn đề, mà Pháp cũng không có vấn đề, thật sự là con người có vấn đề. Chúng ta có tâm ưa thích Phật pháp mạnh mẽ như vậy, đó là Chánh Pháp. Nay chúng ta học tập như vậy có khác gì [thái độ] học tập của mọi người thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế hay không? Chẳng khác gì cả! Họ theo Thích Ca Mâu Ni Phật có thể thành tựu trong một đời; nay chúng ta gặp pháp môn này, bảo đảm cũng thành tựu trong một đời này, đấy là Chánh Pháp. Nhưng đức Phật thấy căn tánh con người, đời sau đúng là kém hơn đời trước. Đến chín ngàn năm sau, nay chúng ta dần dần nghĩ đến chuyện này: Nghiệp do chúng sanh đã tạo tích lũy lại, tích lũy ác nghiệp càng nhiều, vận may của con người chẳng còn, hoàn cảnh cư trụ biến đổi theo, Phong Thủy luân lưu xoay chuyển. “Phước nhân cư phước địa” (người có phước ở cuộc đất có phước). Chỗ Phong Thủy chẳng tốt, nhưng người có phước báo đến ở nơi ấy; hai ba năm sau, Phong Thủy sẽ biến thành tốt, sẽ biến chuyển. Nơi ấy trở thành đất báu trong Phong Thủy. Kẻ thiếu đạo đức, tạo tác ác nghiệp, đến ở đó ba năm, Phong Thủy đều biến thành xấu, cảnh chuyển theo tâm mà! Địa cầu là một khối bảo địa, người trên địa cầu đều có thể tùy thuận Tánh Đức, tu Thập Thiện, chẳng tạo Thập Ác, cả một khối bảo địa sẽ chẳng có tai nạn gì, sẽ trở thành giống như thế giới Cực Lạc.
Quý vị thấy đức Thế Tôn giới thiệu thế giới Cực Lạc, kinh Di Đà nói người nơi ấy đều là bậc thượng thiện cùng ở một chỗ, chẳng phải là thiện tầm thường, mà là thượng thiện! Tiêu chuẩn thượng thiện cũng không cao lắm; đức Phật bảo chúng ta tu Thượng Phẩm Thập Thiện mà không muốn đến thế giới Cực Lạc thì sẽ sanh vào đâu? Sẽ sanh trong thiên đạo, từ Đao Lợi Thiên trở lên là Thượng Phẩm Thập Thiện. Vãng sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là thượng thiện, nơi ấy chẳng có tai nạn gì. Trung Phẩm Thập Thiện là nhân đạo, Hạ Phẩm Thập Thiện là A Tu La đạo; đó là tam thiện đạo. Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới không chỉ là thượng thiện, ngoài thượng thiện ra, người ấy còn giác ngộ, chẳng mê. Trong lục đạo, kẻ thượng thiện sanh lên cõi trời vẫn là mê, chẳng giác, chưa ngộ. Vì sao biết là ngộ? Trong kinh đã nói rất rõ ràng: Một người thật sự phát Bồ Đề tâm là giác ngộ. Phát tâm quyết định muốn cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ, ý niệm ấy là giác ngộ. Vì sao? Quý vị muốn rời khỏi lục đạo luân hồi. Không chỉ muốn rời khỏi lục đạo luân hồi, mà còn muốn thoát ly mười pháp giới. Thoát ly mười pháp giới là ai vậy? Bồ Tát! A La Hán chưa thoát được, A La Hán chỉ thoát ly lục đạo luân hồi, chẳng thoát ly mười pháp giới. Quý vị phát cái tâm này, muốn sanh về thế giới Cực Lạc, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư cũng thoát ly mười pháp giới. Tuy chưa phải là đại triệt đại ngộ, nhưng đã đạt được quả báo giống như người đại triệt đại ngộ, đây là pháp môn hy hữu. Thật sự phát tâm, chẳng còn lưu luyến thế giới này. Không chỉ chẳng lưu luyến thế giới này, mà thế giới Hoa Tạng cũng chẳng lưu luyến. Quý vị hướng tới thế giới Hoa Tạng, sẽ không sanh về đó được! Nếu quý vị thật sự không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước thì mới có thể sanh về thế giới Hoa Tạng, quý vị nói xem có khó khăn lắm hay không? Nhưng tới thế giới Cực Lạc là tới thế giới Hoa Tạng, chỗ bảo địa thù thắng nhất trong thế giới Hoa Tạng là thế giới Cực Lạc. Trước kia, tôi giảng kinh này tại Tân Gia Ba, đã nêu một tỷ dụ cho các đồng học, họ nghĩ Hoa Tạng và Cực Lạc là hai chỗ. Tôi bảo họ: Chẳng phải là hai chỗ, mà là một chỗ. Tôi nói thế giới Hoa Tạng giống như Tân Gia Ba, còn thế giới Cực Lạc giống như con đường Ô Tiết (Jalan Orchard). Con đường Ô Tiết là nơi phồn hoa nhất trong xứ họ, [Cực Lạc] là chỗ tinh hoa nhất trong thế giới Hoa Tạng. Sanh về thế giới Cực Lạc là sanh vào Hoa Tạng, sanh vào Hoa Tạng vẫn chưa đến thế giới Cực Lạc, nhưng cũng có người có thể đến! Văn Thù, Phổ Hiền dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc, vẫn có thể đến, nhưng chẳng trực tiếp vãng sanh thỏa đáng như vậy! Do vậy, chúng ta phải hiểu rõ điều này thì mới thật sự buông xuống vạn duyên, nhất tâm quy y Di Đà Tịnh Độ.
Trong đoạn này đã dẫn một đoạn kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận” (trong đời tương lai, kinh đạo diệt hết), có cùng một ý nghĩa như đã nói trong phần trên: “Ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bách tuế” (ta do lòng từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại kinh này tồn tại một trăm năm). Chúng ta phải biết: Thuở đức Thế Tôn tại thế, Ngài đã nhiều lần tuyên giảng bộ kinh này, nhất định phải ghi nhớ điều này. Thuở Phật tại thế, bất luận kinh điển nào cũng chỉ giảng một lần, chẳng nhắc lại, chỉ riêng bộ kinh này được tuyên giảng nhiều lần, vì sao? Là do mong mỏi kinh này có thể tồn tại đến khi pháp diệt tận, sẽ là bộ kinh bị diệt cuối cùng. “Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả” (có chúng sanh nào gặp được kinh này), “trị” (值) là gặp gỡ, cũng có nghĩa là đến khi pháp gần như bị diệt hết, kinh đạo đều chẳng còn, chỉ còn lại một bộ kinh, mà nếu quý vị được gặp. “Tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ” (tùy theo sở nguyện, đều có thể đắc độ). Quý vị nghĩ đến thế giới Cực Lạc là được rồi! Quý vị niệm Phật bèn có thể vãng sanh. Quý vị muốn sanh lên trời cũng được, muốn sanh trong loài người cũng được, thuận theo lòng mong mỏi, đều có thể mãn nguyện. “Lương dĩ thử kinh phù hợp xã hội chi thật huống” (ấy là vì kinh này phù hợp với tình huống thật sự trong xã hội). Đúng như kinh Hoa Nghiêm đã nói “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, pháp môn này là pháp môn vô chướng ngại. “Chân Tục tịnh chiếu, Lý Sự song dung, phàm thánh tề thâu, tâm Phật bất nhị” (Chân và Tục cùng chiếu, Lý và Sự đều viên dung, gồm thâu phàm lẫn thánh, tâm và Phật chẳng hai), tâm Phật bất nhị là Thật Đế. Trong phần trước, tôi đã nói với quý vị: “Phàm thánh tề thâu” là Tục Đế, đến phần sau sẽ nhắc lại ý nghĩa này, trong kinh nói đến điều này rất nhiều. “Cố năng trường tồn nhi độc lưu ư mạt thế” (Vì thế, có thể trường tồn, một mình được lưu lại trong đời Mạt), “mạt thế” là thời đại Mạt Pháp.
“Lương dĩ thử kinh bất đản vi Tịnh Độ quần kinh chi cương yếu, nhất Đại Tạng giáo chi chỉ quy, thật diệc vi thử giới tha phương, hiện tại, vị lai nhất thiết hữu tình ly khổ đắc lạc cứu cánh Bồ Đề chi pháp yếu” (Ấy là vì kinh này không chỉ là cương yếu của các kinh Tịnh Độ, là chỗ chỉ quy của toàn bộ giáo pháp trong Đại Tạng Kinh, mà còn là pháp trọng yếu để hết thảy hữu tình trong cõi này, phương khác, hiện tại, tương lai, lìa khổ được vui, đạt đến Bồ Đề rốt ráo), kỳ diệu như vậy ư? Thật vậy, chẳng giả tí nào. Kinh này không chỉ là cương lãnh và tinh yếu của Tịnh Tông, mà Tịnh Độ còn là chỗ chỉ quy cuối cùng của hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong bốn mươi chín năm. Kinh Hoa Nghiêm đến cuối cùng là Tịnh Độ, mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Trong kinh Pháp Hoa, long nữ tám tuổi thành Phật cũng là do nghe Văn Thù Bồ Tát giảng kinh Pháp Hoa, nghe hiểu rồi bèn phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, thành Phật. Trong hết thảy các kinh, đức Phật chuyên giảng Tịnh Độ trong ba bộ kinh, tức là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh A Di Đà, những kinh này là chuyên giảng. Trong ba bộ kinh ấy, kinh Vô Lượng Thọ được tuyên giảng nhiều lần, còn hết thảy các kinh khác giảng kèm thêm về Tịnh Độ có hơn một trăm bộ. Do vậy, cổ đại đức bảo: “Thiên kinh vạn luận, xứ xứ chỉ quy” (ngàn kinh vạn luận, đâu đâu cũng chỉ về). Đặc biệt lịch đại tổ sư đại đức, chư đại Bồ Tát, bất luận tuyên giảng pháp môn như thế nào, đều khuyên thêm mọi người hãy niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Chỉ có mình pháp môn này Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, bất luận căn tánh nào cũng đều có thể tu, đều có thể thành tựu, giống như Thiện Đạo đại sư đã nói: “Vạn tu, vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người về). Muôn người căn tánh khác nhau, không một ai chẳng thành tựu. Do vậy, đúng là “thử giới, tha phương”; chữ “thử giới” chỉ thế giới Sa Bà, chữ “tha phương” chỉ cõi nước của hết thảy chư Phật, “hiện tại, vị lai” là hiện tại và tương lai trong thế giới này và các phương khác. Pháp yếu để hết thảy hữu tình lìa khổ được vui, đạt được Bồ Đề rốt ráo, Bồ Đề rốt ráo là thành Phật viên mãn, “pháp” là phương pháp, “pháp yếu” là phương pháp quan trọng nhất, chẳng dễ gì đạt được!
Tiếp theo đó, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ phát nguyện, hồi hướng: “Niệm Tổ cảm ân đồ báo, phát vô thượng tâm, kính chú thử kinh, tục Phật huệ mạng” (Niệm Tổ cảm ơn, mong báo đáp, phát tâm vô thượng, kính cẩn chú giải kinh này nhằm duy trì huệ mạng của Phật). Báo ân, gặp được pháp môn này, tri ân, báo ân, vì sao mọi người chẳng thể dũng mãnh phát khởi như vậy? Do không biết ân đức. Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhiều lần tuyên giảng là vì ai? Khi chúng ta gặp được, chịu tin tưởng, có thể lý giải, phát nguyện cầu vãng sanh, đó chính là [đức Phật đã] vì ta [mà giảng]. Nếu quý vị hiểu rõ, có thể tiếp nhận, tức là Phật đã vì quý vị giảng kinh này. Ngay lập tức gánh vác mới là tri ân, [đức Phật] chẳng phải giảng cho ai khác, mà là giảng cho tôi, Hoàng lão cư sĩ gánh vác như thế đó! Dùng phương pháp nào để báo ân? Chú giải kinh này. Thầy phó chúc, sau khi Hạ lão cư sĩ hội tập thành công bộ kinh này, đã tự giảng, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là học trò của cụ Hạ, đã nghe từ đầu, chẳng sót buổi giảng nào, cụ nghe rất nghiêm túc, thầy có thể nhìn thấy: Đứa học trò này đối với pháp môn này mười phần thành kính, nó sẽ được mười phần lợi ích; vì thế, để cho trò chú giải, thầy tin tưởng trò. Đệ tử thật sự của đức Phật phải báo ơn Phật. Câu tiếp theo là “tục Phật huệ mạng”, niệm niệm mong cho chánh pháp của Thích Ca Như Lai tồn tại lâu dài trong cõi đời. [Muốn cho] chánh pháp tồn tại lâu dài trong cõi đời phải dùng đến phương cách nào? Chính mình phải nghiêm túc học tập, đời đời truyền thừa. Chúng ta học từ chỗ thầy, đạt được lợi ích thù thắng, phải truyền cho đời tiếp theo, Phật môn gọi chuyện này là “truyền đăng”, chớ để ngọn đèn sáng ấy bị tiêu diệt. Chúng ta chẳng truyền thì chẳng truyền là tiêu diệt. Hễ bị tiêu diệt tức là có tội, tội ấy rất nặng!
Làm thế nào để thực hiện tốt đẹp công tác này, làm rất đúng pháp, khiến cho chư Phật Như Lai đều thỏa ý? Đầu tiên là đức hạnh, đấy là điều kiện đầu tiên và trọng yếu nhất trong “tục Phật huệ mạng”; đây chính là ba hay bốn món căn bản như chúng tôi đã nói trong hiện thời. Nếu quý vị chẳng nghiêm túc và thật sự thực hiện Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo, Sa Di Luật Nghi, quý vị sẽ chẳng thể nối tiếp huệ mạng của Phật. Điều kiện đầu tiên là thành tựu đức hạnh, sau đó mới là học vấn. Học vấn là thâm nhập một môn, trường thời huân tu. Nho và Phật đều dạy chúng ta như vậy, chẳng dạy chúng ta học rộng nghe nhiều. Học rộng nghe nhiều khi nào? Sau khi khai ngộ. Khi chưa khai ngộ, mục tiêu đặt chắc nơi khai ngộ, chẳng phải là học rộng nghe nhiều. Học rộng nhất định chướng ngại khai ngộ, vì sao? Tâm quý vị chẳng thanh tịnh, quá tạp, quá nhiều thứ. Quý vị phải biết: Thâm nhập một môn là [dốc sức nơi] một bộ kinh. Tôi nói với mọi người: Tôi giảng ở đây, giảng xong một bộ kinh, sẽ làm như thế nào? Chẳng coi như đã xong, giảng lần thứ hai. Giảng xong lần thứ hai, bèn giảng lần thứ ba. Cổ nhân giảng kinh Di Đà, trong một đời giảng hơn hai trăm lượt, thính chúng nghe có hứng thú hay chăng? Họ giảng mỗi biến mỗi khác, cảnh giới khác nhau, càng nghe càng hoan hỷ, cảnh giới của người giảng không ngừng nâng cao, người nghe cũng tiến lên không ngừng, giảng tràn đầy ý vị, thật sự thực hiện, thật sự tu, được Tam Bảo gia trì. Trong quá khứ, tôi ở Đài Trung, thầy Lý cho tôi biết: Cụ giảng kinh Di Đà sáu lần, biểu hiện sáu cách [khác nhau], thật đấy, chẳng giả đâu! Tôi học kinh Lăng Nghiêm từ cụ, tôi giảng kinh Lăng Nghiêm bảy lần, kinh ấy quá dài, phải tốn rất nhiều thời gian. Tôi nhớ đã giảng viên mãn từ đầu đến cuối chỉ có hai lượt, năm lần giảng khác đều chưa viên mãn.
Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 9
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang