Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Chẳng ngoài một niệm, mau chóng chứng Bồ Đề

Chẳng ngoài một niệm, mau chóng chứng Bồ Đề. Bồ Đề ở đây là Vô Thượng Bồ Đề, là nhất niệm, là danh hiệu Di Đà gồm bốn chữ.

“Bất việt nhất niệm, đốn chứng Bồ Đề” (chẳng ngoài một niệm, mau chóng chứng Bồ Đề). Bồ Đề ở đây là Vô Thượng Bồ Đề, là nhất niệm, là danh hiệu Di Đà gồm bốn chữ. “Nam-mô” chẳng phải là danh hiệu, A Di Đà Phật mới là danh hiệu. Nam-mô có nghĩa là quy y, quy mạng, hay lễ kính. Do vậy, lúc Liên Trì đại sư tại thế, trong bộ Trúc Song Tùy Bút có một câu chuyện như thế này: Có người thỉnh giáo lão nhân gia: “Lão nhân gia bình thường niệm Phật như thế nào?” Ngài nói Ngài niệm bốn chữ A Di Đà Phật. “Ngài dạy người khác thì sao?” “Ta dạy người khác niệm sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật”. Vì sao khác nhau? Liên Trì đại sư nói: “Trong một đời này, ta nhất định muốn sanh về Tịnh Độ, cho nên kiểu cách khách sáo nào cũng chẳng cần, những lời lẽ khách sáo đều bỏ sạch”. Kinh dạy chúng ta chấp trì danh hiệu, danh hiệu là bốn chữ, Ngài bèn niệm bốn chữ. Vì sao dạy người khác niệm sáu chữ? Người khác chưa chắc đã có quyết tâm kiên định muốn sanh về Tịnh Độ, cho nên thêm chữ Nam-mô, tức là quy y A Di Đà Phật, quy mạng A Di Đà Phật, cung kính A Di Đà Phật, không nhất định trong một đời này người ấy đã có thể vãng sanh. Thêm vào chữ “cung kính”, đó là nói năng cung kính. Chính mình thật sự muốn vãng sanh, chẳng cần dùng đến lời lẽ cung kính, không cần thiết! Những chữ khách sáo đều không cần! A Di Đà Phật sẽ không trách quý vị, quý vị rất nghe lời! Thích Ca Mâu Ni Phật dạy quý vị chấp trì danh hiệu, danh hiệu là A Di Đà Phật, trong danh hiệu không có chữ Nam-mô. Quý vị thấy lời này rất có ý nghĩa!

Ấn Quang đại sư cả đời dạy người khác niệm sáu chữ, vì sao? Ngài thấy chúng sanh đông đảo, nhưng chẳng mấy ai thật sự muốn vãng sanh, nên dạy họ niệm hồng danh sáu chữ nhằm kết pháp duyên với A Di Đà Phật. Quý vị hiểu tổ sư dạy người khác sử dụng tâm gì, quý vị sẽ hiểu rõ! Tín nguyện kiên định, chẳng có mảy may hoài nghi, trong một đời này ta quyết định phải vãng sanh, quý vị thật sự buông xuống vạn duyên. Những trường hợp như vậy nhiều lắm! Quý vị đọc Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, sẽ thấy những tấm gương như vậy hiện tiền, thật sự cầu vãng sanh, biểu diễn cho chúng ta xem. Mấy năm trước, ở Thâm Quyến, ông Hoàng Trung Xương nghe kinh, thường nghe chúng tôi nói như vậy, ông ta thật sự giác ngộ, đại triệt đại ngộ! Sự đại triệt đại ngộ của ông ta chẳng phải là minh tâm kiến tánh, mà là ngộ “bất việt nhất niệm, đốn chứng Bồ Đề” (chẳng ngoài một niệm, mà mau chóng chứng Bồ Đề), ông ta ngộ điều này. Buông xuống hết thảy, mỗi ngày niệm một bộ kinh Vô Lượng Thọ, tiếp đó hoàn toàn niệm Phật hiệu, ước hẹn kỳ hạn cầu chứng đắc, ước định thời gian là ba năm, xem thử có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Niệm tới hai năm mười tháng, biết trước lúc mất, ra đi, chẳng sanh bệnh, còn thiếu hai tháng nữa mới đủ ba năm, đến thế giới Cực Lạc là đi làm Phật. Chúng tôi giảng kinh tại nơi đây là Thị Chuyển và Khuyến Chuyển, cư sĩ Hoàng Trung Xương làm Chứng Chuyển cho chúng tôi, tam chuyển pháp luân đã toàn vẹn. Ông ta làm chứng cho chúng tôi. Do điều này có thể biết: Triệt ngộ là thật sự buông xuống. Vì sao chúng ta chưa thể buông xuống? Giác chưa đủ trình độ. Thật sự giác ngộ sẽ thật sự triệt để buông xuống, như trong kinh Đại Thừa đã nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp). “Pháp” trong câu này là Phật pháp. Phật pháp cũng không cần, nắm vững một câu A Di Đà Phật là đủ rồi. “Đốn chứng Bồ Đề, khởi phi đại sự” (Mau chóng chứng Bồ Đề, há chẳng phải là đại sự?). Đi làm Phật! Sau thời gian hai năm mười tháng bèn đi làm Phật.

“Khả kiến Tịnh Tông chánh thị trực chỉ đốn chứng chi pháp” (đủ thấy Tịnh Tông chính là pháp chỉ thẳng, đốn nhập), đây là một đại sự nhân duyên, “Dĩ niệm Phật tâm, nhập Phật tri kiến. Tịnh Tông chi hưng khởi, chánh do thử đại sự nhân duyên dã” (dùng cái tâm niệm Phật để nhập tri kiến của Phật. Tịnh Tông hưng khởi chính vì đại sự nhân duyên này). “Hạ” là tiếp theo đó, “tường minh bổn kinh hưng khởi chi nhân duyên” (giảng rõ nhân duyên hưng khởi của bản kinh này). Trong phần trên là nói về nhân duyên chư Phật Như Lai xuất hiện trên thế gian này. Căn tánh của chúng sanh khác nhau, nhưng tổng mục tiêu, tổng phương hướng của chư Phật là nhất trí, ngàn kinh muôn luận tuy khác đường nhưng về cùng một chỗ, cuối cùng là trở về Tịnh Độ. Do vậy, trong Phật pháp, chẳng cần biết quý vị tu hành theo tông nào, phái nào, hay pháp môn nào, có ba khoa mục chung bắt buộc phải tu:

1) Thứ nhất là giới luật. Giới luật là khoa mục chung, là cơ sở. Quý vị phải vun bồi cội rễ vững vàng, giống như xây nhà, bất luận quý vị xây cao đến đâu, bất luận xây theo kiểu nào, trước hết, phải đắp nền. Giới luật là nền móng, không có giới luật thì điều gì cũng chẳng thể thành tựu!

2) Thứ hai là lý luận, đây là khoa mục chung. Đối với Pháp Tướng Duy Thức, Hoa Nghiêm là một bộ kinh điển trọng yếu trong Pháp Tướng Duy Thức. Pháp Tướng Duy Thức có sáu kinh, mười một bộ luận; trong sáu kinh có kinh Hoa Nghiêm giảng về căn nguyên của vũ trụ. Trong Hoàn Nguyên Quán đã giảng rất hay: “Hiển nhất thể, khởi nhị dụng” (hiển lộ một thể, khởi lên hai tác dụng). Nhị Dụng, bất luận là y báo hay chánh báo, nhỏ như vi trần, lớn như hư không pháp giới, đều có ba thứ trọn khắp chẳng thể nghĩ bàn. Thứ nhất là “trọn khắp pháp giới”, thứ hai là “sanh ra vô tận”, thứ ba là “chứa đựng không và có”. Lý này chung khắp, mỗi một pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng chẳng thể vượt ra ngoài, đó là lý luận để quý vị dựa vào.

3) Thứ ba là quy túc, tức là quý vị tu hành, kết quả cuối cùng đều là vãng sanh thế giới Cực Lạc. Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều quy vào thế giới Hoa Tạng, đến cuối cùng đều quy vào thế giới Hoa Tạng. Sau khi đã đến thế giới Hoa Tạng, Văn Thù và Phổ Hiền sẽ dẫn quý vị cùng tới thế giới Cực Lạc. Do vậy, thế giới Cực Lạc là nơi quy túc chung.

Đó là ba khoa mục chung. Đối với đoạn này, chúng ta học tập tới đây.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 11
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Thế giới Sa Bà, tương lai có 720 ức người niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

Định Tuệ

Pháp môn niệm Phật đơn giản nhất, dễ nhất, ổn định nhất

Định Tuệ

Con người chỉ cần một niệm hồi tâm thì chư Phật liền hộ niệm

Định Tuệ

Nơi này tu đại bố thí, cho nên tiền tài nườm nượp kéo đến

Định Tuệ

Ăn cái người không ăn, làm cái người không làm

Định Tuệ

Người ăn thịt có thể khai ngộ không?

Định Tuệ

Pháp môn Niệm Phật hợp với trình độ căn cơ chúng sanh đời nay

Định Tuệ

Con người sống ở thế gian, sống một cách tê liệt

Định Tuệ

Phẩm vị cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà

Định Tuệ

Viết Bình Luận