Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sự quan trọng của phát nguyện cầu vãng sanh

Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà khuyên phát nguyện vãng sanh.

Về động lực hướng dẫn của chữ “Nguyện”, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:

“Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”

Bởi thấy rõ công dụng cần yếu của sự phát nguyện, nên trong Kinh A Di Đà, đức Thích Tôn cứ mãi nhắc đi nhắc lại điểm ấy, qua các đoạn văn như sau:

“Lại nữa, Xá Lợi Phất! Chúng sanh về cõi nước Cực Lạc đều là hàng A Bệ Bạt Trí. Trong ấy có nhiều bậc Nhất Sanh Bổ Xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số tính biết được, chỉ có thể lấy số không lường không ngằn a tăng kỳ để nói mà thôi. Xá Lợi Phất! Chúng sanh nghe rồi, phải nên phát nguyện cầu sanh về cõi kia. Bởi tại sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhơn như thế đồng họp một chỗ.

… Xá Lợi Phất! Ta thấy sự lợi ích đó, nên nói lời này. Nếu có chúng sanh nào nghe lời nói đây, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.

… Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật A Di Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được không thối chuyển nơi quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ở cõi nước kia. Cho nên Xá Lợi Phất! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn nếu có lòng tin, phải nên phát nguyện cầu sanh về quốc độ ấy.”

Như trên, ta thấy đức Thích Tôn mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ “phát nguyện” lời ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết cuộc của kinh văn, Ngài cũng vẫn đôi ba phen bảo phải phát nguyện cầu sanh. Tại sao thế?

Vì nếu về cõi Cực Lạc, sẽ được ở cảnh giới vô cùng mầu đẹp trang nghiêm, được thân kim cương đủ ba mươi hai tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sanh già bịnh chết; được gần gũi Phật, chư đại Bồ Tát và hội họp với các bậc thượng thiện nhơn; được thần thông Tam Muội, không còn thối chuyển nơi quả vô thượng Bồ Đề.

Bởi trí huệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, Ngài mới vận lòng từ bi vì cứu độ loài hữu tình mà khuyên phát nguyện vãng sanh. Lòng bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn, thật là vô lượng.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật – Xin thường niệm!
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo!

(Trích “Niệm Phật Thập Yếu” – HT. Thích Thiền Tâm).

Bài viết cùng chuyên mục

Niệm hồng danh Quán Thế Âm Bồ Tát gặp nguy liền hóa kiết

Định Tuệ

Nếu bạn không thoát khỏi lục đạo thì nhất định làm súc sanh, ngạ quỷ, đọa địa ngục

Định Tuệ

Do có lòng tin mà phát nguyện, không một ai chẳng vãng sanh

Định Tuệ

Niệm Phật là việc của đời sau, đời hiện tại có lợi ích không?

Định Tuệ

Mười niệm quyết định khi lâm chung

Định Tuệ

Ngũ trần là gì? Phương pháp diệt trừ tai hại của ngũ trần

Định Tuệ

Vì sao Thế Giới của chúng ta có tai nạn xảy ra?

Định Tuệ

Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng, lạy Phật một lạy tội diệt hà sa

Định Tuệ

Ý nghĩa của Bồ Đề Tâm – Bồ Đề Tâm với môn Tịnh độ

Định Tuệ

Viết Bình Luận