Dùng tâm luân hồi để học Phật pháp thì Phật pháp cũng biến thành pháp luân hồi. “Cảnh chuyển theo tâm”, Phật pháp cũng là cảnh giới, vậy thử xem tâm của bạn là tâm gì?
Hôm qua, chúng tôi đi viếng thăm Đạo giáo. Tôi đặc biệt kiến nghị với hội trưởng của họ là nhất định phải giảng Kinh thuyết pháp, phải phát tâm giáo hóa chúng sanh. “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” là một môn học bắt buộc của Đạo giáo. Chúng ta mỗi ngày đang giảng, rất nghiêm túc nỗ lực học tập, nhưng họ thì lơ là rồi. Hôm qua, tôi cũng nhìn thấy họ viết một cuốn sổ tay nhỏ “Giáo Nghĩa Giáo Lý Đạo Giáo”. Ở trong cuốn sổ tay nhỏ này, phần lớn là giới thiệu mấy câu nói quan trọng trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Những nghĩa lý này rất sâu, người hiện nay có thể thể hội được không nhiều. Phật pháp coi trọng khế cơ, khế lý. Trên lý nói rất hay, nhưng những lý luận này không có cách gì thực hiện được, đây chính là không khế cơ. Tôi nói với họ, Nho – Thích – Đạo ở Trung Quốc là tam giáo, mấy ngàn năm nay đều phối hợp mật thiết, hướng dẫn quảng đại quần chúng xã hội đoạn ác tu thiện. Ấn Quang Đại Sư không chỉ là Đại đức một đời của nhà Phật, mà còn là Tổ sư đời thứ mười ba của Tịnh Độ tông chúng ta. Chính bản thân Ngài cả đời không tiếc sức lực, dốc sức đề xướng Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, hai tác phẩm này đều là của Đạo giáo, còn Liễu Phàm Tứ Huấn được xem là của Nho giáo. Từ đó cho thấy, người giác ngộ chân chánh thì nhất định không có thành kiến, không hề cho rằng đây là tác phẩm của Đạo giáo. Nếu hỏi “tại sao chúng ta phải tuyên dương, tại sao chúng ta phải học tập?” là có thành kiến phe phái, đó là mê chứ không phải giác. Sau khi giác rồi là giống như Phật pháp nói, điều mà chư Phật ấn định chính là chí thiện viên mãn. Pháp ấn của chư Phật là gì vậy? Đó là bốn câu kệ:
“Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo”.
Pháp ấn của Phật chỉ có mười hai chữ. Chúng ta thử xem, những giáo trình này ở trong Đạo giáo có phù hợp với mười hai chữ này hay không? Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn quả thật đúng là phù hợp với “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý”, vậy đây chính là Phật giáo, có gì khác biệt đâu? Chúng ta cần phải học tập, cần phải tôn trọng, xem nó không khác gì Kinh Phật, huống chi trong Kinh Đại Thừa nói cho chúng ta biết, cần dùng thân gì để độ thì Phật liền thị hiện thân ấy. Cần dùng thân Đạo trưởng mà độ được thì chư Phật Như Lai liền hiện thân đạo trưởng để thuyết pháp. Bạn có thể nói ở trong Đạo giáo, trong những trưởng giả kia không có Phật Bồ-tát ở trong đó sao? Cho nên Phật giáo, chúng ta dùng cách nói hiện đại để nói, quả thực đúng là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, làm viên mãn nhất, chân thật nhất. Nếu chúng ta có thể thể hội được, có thể hiểu rõ thì mới biết học Phật bắt đầu học từ đâu.
Hôm nay chúng ta xem câu thứ 22 của Cảm Ứng Thiên.
“Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu”. (Thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Kính già, thương trẻ)
Tám chữ này là dạy chúng ta hành nhân, tận trung, suy bụng ta ra bụng người, hiện nay gọi là sự nghiệp phúc lợi xã hội. “Cô, quả” đều là nói cảnh ngộ bất hạnh nhất của nhân gian. Đàn ông, vợ chết rồi thì gọi là “cô”. Đàn bà, chồng chết rồi thì gọi là “quả”. Người đã mất đi bạn đời, nhất là người già, tuổi tác cao, đây là cảnh mà đời người không thể tránh khỏi, chắc chắn sẽ gặp phải. Chỉ có số ít người là suốt đời sống trong hạnh phúc mỹ mãn, do trong đời quá khứ tu tốt. Số người góa vợ, góa chồng ở thế gian này thì rất nhiều. Hiện nay, mỗi quốc gia khu vực trên thế giới khuyến khích nhân sĩ trong giới tôn giáo dùng tâm thương yêu từ bi để giúp đỡ những người bất hạnh này. Ở Singapore, chúng ta cũng nhìn thấy, hầu như mỗi tôn giáo đều làm viện dưỡng lão, đều làm cô nhi viện, thâu nhận những người bất hạnh này trong xã hội.
Giao thừa năm ngoái, chúng tôi đón Tết vô cùng hoan hỷ, chúng tôi nghĩ đến những người bất hạnh này trong xã hội, cho nên đã mời họ đến đón Tết cùng với chúng tôi, trải qua một đêm giao thừa thật ấm cúng. Chúng tôi mời toàn thể nhân sĩ của từng tôn giáo, họ làm những viện dưỡng lão và viện cô nhi, trừ những người bị bệnh không thể đến được, hoặc giả đi lại không thuận tiện không có cách gì đến được thì chúng tôi phái người chuyên trách tặng quà cho họ. Người có thể đến tham gia, chúng tôi đều vô cùng hoan nghênh. Buổi dạ tiệc ấm áp năm ngoái, chúng tôi đã mời 3.800 khách. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nghĩ rất chu đáo, mỗi một người già, mỗi một cô nhi, chúng tôi phát một thiệp mời chính thức. Sự việc này giống như là việc nhỏ, nhưng ý nghĩa rất lớn. Chúng ta thử nghĩ, cô nhi sống ở trong cô nhi viện, người già sống ở viện dưỡng lão có lẽ từ trước đến giờ cũng không có người nào chính thức đến mời họ ăn cơm, cho nên tấm thiệp mời này đến với họ là ấm áp vô cùng, là một kỷ niệm tốt đẹp trong cuộc đời của họ. Chúng tôi không phải phát một tờ thiệp mời đến đoàn thể của họ, mà mỗi người đều được phát, đây là tâm thương yêu.
Mỗi một viện dưỡng lão, mỗi một viện cô nhi, chúng tôi đã tặng rất nhiều quà, nhu yếu phẩm trong đời sống thường ngày, cúng dường đại chúng. Chúng tôi cũng quyên góp một khoản tiền để tặng cho mỗi một đoàn thể, biểu thị sự quan tâm, chăm sóc của chúng tôi đối với họ. Có người đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư! Tại sao thầy đem những thứ cúng dường quyên hiến của tín đồ Phật giáo đi tặng cho tôn giáo khác?”. Người nói câu này, người có những quan niệm này thì tâm lượng quá nhỏ, không phải là đệ tử Phật. Đệ tử Phật không phải như vậy. Phật đối xử [với mọi người] như nhau. Họ cũng không phải đệ tử của Bồ-tát, của Tổ sư. Bồ-tát, Tổ sư dạy chúng ta học Cảm Ứng Thiên, dạy chúng ta học Âm Chất Văn. Đây chẳng phải là của ngoại giáo, tôn giáo khác sao? Có thể thấy, chư Phật Bồ-tát, Tổ sư Đại đức hoàn toàn không có phân biệt, chấp trước. Đối xử với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới như nhau, đâu có sự phân biệt này? Có thể thấy tâm lượng của chúng ta quá nhỏ rồi. Chúng ta học Phật không có thành tựu, niệm Phật không thể được nhất tâm, đừng nói nhất tâm không thể đạt được, mà công phu thành phiến cũng không thể đạt được; tham thiền không thể nhập định; học giáo không thể viên dung, thông suốt; học Mật không thể tương ưng, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Do phân biệt, chấp trước quá nặng, chúng ta dụng tâm sai rồi, vẫn cứ dùng tâm luân hồi. Dùng tâm luân hồi để học Phật pháp thì Phật pháp cũng biến thành pháp luân hồi. “Cảnh chuyển theo tâm”, Phật pháp cũng là cảnh giới, vậy thử xem tâm của bạn là tâm gì? Cho nên, bản thân chúng ta sai rồi. Nói đạo lý lớn với họ, họ không thể nghe hiểu, cho nên tôi phải nói với họ những đạo lý đơn giản dễ hiểu.
Trong xã hội, những người già neo đơn và cô nhi, người học Phật chúng ta có cần chăm sóc họ không? Cần chăm sóc. Chúng ta có cần làm viện dưỡng lão và viện cô nhi không? Cần! Cần, nhưng tại sao không đi làm? Tâm có thừa mà sức không đủ, điều kiện chúng ta vẫn không đủ. Người khác làm với chúng ta làm có gì khác nhau chứ? Điểm này chúng ta phải biết, người khác làm chính là chúng ta làm vậy. Chúng ta tặng tiền, tặng một ít quà, vật dụng thường ngày chẳng phải là đạo lý muôn đời, là lẽ đương nhiên, còn có lời gì để nói nữa không? Việc họ làm chính là việc chúng ta làm, ta và người không hai. Thậm chí trong Phật pháp nói đến “sanh Phật không hai” nghĩa là chúng sanh và chư Phật không hai. Chúng ta ngày nay hỏng là hỏng ở chỗ phân biệt chấp trước. Phân biệt chấp trước khiến chúng ta đọa lạc trong lục đạo, trầm luân trong tam đồ. Đời đời kiếp kiếp cũng đã từng gặp được Phật pháp, cũng đã từng gieo một chút thiện căn, nhưng không có cách gì xuất ly lục đạo, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Phân biệt chấp trước quá nặng, tâm lượng quá nhỏ, khởi tâm động niệm đều vì bản thân, tự tư tự lợi, cái gì cũng là vì bản thân, vì gia đình của mình, vì đoàn thể của mình, vì tôn giáo của mình. Vậy thì hỏng rồi, ý niệm này là hư vọng không thật. Phật dạy chúng ta là phải dùng chân tâm, dùng thành ý. “Thành” nghĩa là gì vậy? Tiên sinh Tăng Quốc Phiên thời tiền Thanh viết ở trong bút ký đọc sách rằng: “Một niệm không sanh gọi là thành”. Từ đó cho thấy, khởi tâm động niệm là bất thành, phải một niệm không sanh thì mới là chân thành. Chân thành khởi tác dụng, nhà Nho gọi là “chánh tâm”, ở trong Phật pháp gọi là “thâm tâm, tâm đại bi”. “Thâm tâm, tâm đại bi” chính là “trung” của trung hiếu mà phần trước chúng ta đã nói. Đó là sự ứng dụng của chân thành, là khởi dụng của chân thành.
Trung nghĩa là gì vậy? Không có một mảy may tà lệch. Có một niệm tự tư là tâm của bạn lệch rồi, tâm của bạn tà rồi. Niệm niệm nghĩ vì tất cả chúng sanh, không hề có mảy may nghĩ vì bản thân thì cái tâm này gọi là tâm trung. Tận trung báo quốc là tâm gì? Niệm niệm nghĩ vì quốc gia, niệm niệm nghĩ vì dân, dứt khoát không có một niệm nghĩ vì mình thì gọi là tận trung báo quốc. Khởi tâm động niệm đem lợi ích của mình đặt lên vị trí hàng đầu, đó là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Làm sao có thể thoát khỏi luân hồi lục đạo? Chúng ta phải học Phật, phải học Bồ-tát. Bắt đầu học từ đâu? Điều này tự mình phải rõ ràng, phải sáng tỏ. Cho nên, ý nghĩa của tám chữ này rất hay, để chúng ta thường xuyên nghĩ đến thế gian này còn có biết bao người rất đáng thương, người cần chăm sóc cấp bách. Cho nên chúng ta nhìn thấy viện dưỡng lão, người già về hưu (trong xã hội Singapore thường gọi là người an hưởng tuổi già), cô nhi, đối với những người dấn thân vào công tác phúc lợi xã hội, chúng ta bội phần tôn kính, lễ kính, tán thán. Họ thật sự thực hiện, thật sự đang làm theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, cổ Thánh tiên Hiền. Chúng ta cần phải tùy duyên tùy phận, tận tâm tận lực đến hiệp trợ họ, giúp đỡ họ, sao có thể có phân biệt, có chấp trước? Như vậy xã hội mới có thể được an ổn, thế giới mới có hòa bình. Đây là “bố thí vô úy” mà trong Phật pháp đã nói. Chỉ có bố thí vô úy mới có quả báo khỏe mạnh trường thọ.
Phật nói với chúng ta bát khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh. Tám loại khổ này trên thực tế đều có thể tránh được, đều có thể chuyển được. Người thông minh, người có trí huệ thì biết quả ắt có nhân, gieo nhân thiện chắc chắn được quả thiện. Chúng ta khởi tâm động niệm đều vì bản thân, cho nên nhân tạo tác là nhân bất thiện, mới có tám loại khổ này. Nếu có thể niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì chúng sanh thì tám loại khổ này tự nhiên được tiêu trừ rồi. “Lìa khổ được vui” là một câu nói chân thật, quyết không phải nói suông. Chung quy là ở cá nhân giác ngộ, thật sự quay đầu, nghiêm túc nỗ lực đi làm. Hai câu nói này ý nghĩa rất rộng.
Được rồi, hôm nay chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi! A Di Đà Phật!
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 29