Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm

Đại Sư Ngẫu Ích trong “Tông Luận” có nói hai câu phải thường nhớ, phải thật sự thể hội, đó là “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm”.

Trong chú giải của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói đến “vi diệu”, Ngài cũng y theo trong Kinh luận của cổ Đại đức đã nói: “Xuất hữu nhi hữu khiếu vi”. Xuất hữu là gì? Hữu có ba loại là: Dục giới hữu, sắc giới hữu, vô sắc giới hữu. Xuất hữu chính là ra khỏi tam giới.

Ở trong Kinh Phật có nói với chúng ta, những người ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có lòng ham muốn, không có dục. Cái dục này chính là tài, sắc, danh, thực, thùy; chúng tôi thường nói là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, họ hoàn toàn không có. Những thứ này phải nên bỏ. Những thứ này sẽ tạo ra sáu nẻo luân hồi, khiến cho chúng ta không có cách nào ra khỏi sáu nẻo. Ngày nay chúng ta giác ngộ, nhất định phải xả. Xả thì mới được tự tại.

Cho nên nó không phải là Dục giới. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây là chúng ta nói Phàm Thánh Đồng Cư độ, chúng ta đới nghiệp vãng sanh, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì những thứ này sẽ không còn. Ở nơi đây, chúng ta dùng một câu Phật hiệu để chế phục vọng niệm, đè nó xuống. Đây là đới nghiệp vãng sanh, Phật đến tiếp dẫn bạn sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Phật tiếp dẫn bạn thì trước tiên sẽ phóng quang chiếu bạn. Phật quang vừa chiếu thì làm cho công phu của bạn nâng lên gấp bội.

Như chúng ta có thể chế phục được, trong lúc chế phục, Phật quang vừa chiếu thì được sự nhất tâm bất loạn. Nếu như bạn được sự nhất tâm, Phật quang vừa chiếu thì liền trở thành lý nhất tâm. Cho nên sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì mười sáu chữ này không còn nữa; tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn đều không còn nữa. Hiện nay chúng ta ở cõi này, xem mười sáu chữ này càng nhẹ càng tốt, thì bạn sẽ nắm chắc việc vãng sanh.

Thế nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc xác thực là có đất đai, giống như ở nơi này của chúng ta, nó là tinh cầu, là địa cư, nó không phải là Sắc Giới (Sắc giới không phải sống ở trên mặt đất). Nó có sắc, thật sự có thanh. Có sắc, nên nó cũng không phải là Vô Sắc Giới. Đây là nói về Tịnh Độ, Phàm Thánh Đồng Cư độ của Thế giới Tây Phương, dùng tam giới của chúng ta để mà nói thì không thông, cho nên gọi là “xuất hữu”, siêu việt tam hữu. Siêu việt tam hữu nó lại có hữu, nó có sắc thân, nó có địa cư, cuối cùng là sự việc như thế nào?

Đại đức xưa có nói, hữu của Tịnh Độ là y nhất thừa nguyện hải mà có. Nhất thừa nguyện hải chính là bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, y theo bổn nguyện của A Di Đà Phật mà có. Điều này thật sự không thể nghĩ bàn. Cho nên A Di Đà Phật đích thực là vĩ đại, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta trong bổn Kinh tán thán Ngài là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, tán thán đến chỗ cùng cực. Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán chính là tán thán đại biểu cho mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai. Điều này thật tuyệt vời. Đây là nói ý nghĩa của chữ “vi”.

Tiếp theo là nói chữ “diệu”. Chữ diệu này thật sự là diệu, diệu không thể nghĩ bàn. Ý nghĩa của diệu là gì? Chính là thấy sắc, nghe tiếng, nó có thể giúp bạn khai ngộ, đó gọi là diệu. Đây chính là trong Tịnh Tông thường gọi là lục trần thuyết pháp. Thấy sắc, nghe tiếng, bất luận là nghịch cảnh hay thuận cảnh, thiện duyên hay ác duyên, cả thảy đều giúp cho bạn khai ngộ. Đây là diệu.

Xin nói thêm với quý vị, Thế giới Cực Lạc diệu, cõi này của chúng ta cũng diệu, không khác với cõi Cực Lạc Thế giới. Vấn đề là ở chỗ nào? Chính là lời trong Thiền tông thường hay nói: “Bạn đã lãnh hội chưa? Bạn biết hay chưa?”. Nếu như bạn đã biết, thì cõi này cùng với Cực Lạc không khác nhau. Cho nên bạn xem trong “Tam Thời Hệ Niệm” của Trung Phong Thiền Sư, trong những lời khai thị có nói: “Tâm ta tức là Di Đà, Di Đà chính là tâm ta”, “cõi này chính là Cực Lạc, Cực Lạc chính là cõi này”.

Thiền sư Trung Phong là người đã chứng đạo, không phải là người thông thường. Người thông thường không thể nói được những lời này. Nếu như Ngài không nhập cảnh giới này thì sẽ không nói được những lời như vậy. Cho nên tôi khẳng định Đại Sư Trung Phong Ngài đã làm được hai chữ “vi diệu” này. Làm được hai chữ “vi diệu” này chính là bình thường trong các buổi giảng tôi với quý vị là chuyển cảnh giới. Bạn có thể chuyển được cảnh giới, bạn có thể chuyển được cảnh giới thì không bị cảnh giới chuyển.

Bất luận là ở cảnh giới nào cũng đều là đạo tràng tốt, bất luận là hạng người nào cũng đều là thiện tri thức. Bạn có thể học được như vậy thì cuộc đời này của bạn khẳng định sẽ thành tựu viên mãn. Làm sao mà biết được? Thiện Tài Đồng Tử đã thành tựu giống như vậy. Bạn có thể học Thiện Tài Đồng Tử thì làm sao mà không thành tựu được chứ? Trong suy nghĩ của Thiện Tài Đồng Tử, hết thảy tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, đều là hóa thân của Pháp Thân Bồ Tát, hết thảy đều là đến dạy cho ta. Ngài một đời thành tựu.

Ngày nay, sự chướng ngại lớn nhất của chúng ta, sự phiền phức lớn nhất của chúng ta là gì? Những người khác đều là chúng sanh, là ta mạnh hơn những người khác, người khác thì không bằng ta. Vậy là tiêu rồi, tất cả đều xong rồi. Trong đời này của bạn, bất luận là dụng công như thế nào, ngày đêm không ngừng nghỉ thì bạn cũng không thể thành tựu. Ý nghĩ này của bạn là tâm luân hồi, có dụng công như thế nào đi nữa cũng là tạo nghiệp luân hồi, làm sao mà có được thành tựu? Bạn nên thay đổi tâm. Không phải là đi phẫu thuật thay đổi tâm (đó là phá hoại hoàn cảnh tự nhiên), mà là thay đổi trong tâm, là thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của bạn, thì mới có thể thành tựu.

Đại Sư Ngẫu Ích trong “Tông Luận” có nói hai câu phải thường nhớ, phải thật sự thể hội, đó là “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại nơi tâm”. Câu nói này rất là quan trọng. Sau khi thật sự hiểu được rồi thì tâm thanh tịnh của bạn sẽ hiện tiền, tánh bình đẳng cũng hiện tiền. Bạn có thể buông bỏ được vọng tưởng phân biệt chấp trước, Thế giới Cực Lạc sẽ hiện tiền, Thế Giới Hoa Tạng cũng sẽ hiện tiền. Trong tâm của bạn sẽ nhìn thấy được, không có người nào mà không phải là Bồ Tát tái lai, không có người nào mà không phải là hóa thân của Như Lai, chỉ có một mình ta là phàm phu.

Cho nên ta đã sai rồi, ta đúng cũng là sai, cả thảy mọi người đều đúng. Tại sao vậy? Vì mọi người đều là hóa thân của Phật Bồ Tát. Cái niệm này mà chuyển trở lại thì được đại thọ dụng, thì công phu của bạn thật sự sẽ không thoái chuyển. Phàm phu trong một đời thành tựu thì phải học Thiện Tài Đồng Tử. Thiện Tài Đồng Tử là cách nghĩ này, Thiện Tài Đồng Tử chính là quan niệm này.

Cho nên quý vị phải biết, năm mươi ba tham học là gì? Năm mươi ba tham học chính là từ sáng sớm thức dậy đến buổi tối đi ngủ, trong một ngày bạn đã tiếp xúc với tất cả người, sự, vật đó chính là năm mươi ba vị thiện tri thức. Năm mươi ba là năm mươi ba loại. Trong tâm của Ngài đều là thiện tri thức, toàn là Pháp Thân Bồ Tát, toàn là Như Lai thị hiện. Cho nên người ta một đời thành tựu, cũng chính là bất kỳ lúc nào bạn nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là Phật thì bạn đã thành Phật rồi. Nếu bạn nhìn thấy tất cả chúng sanh chưa thành Phật thì bạn vẫn là phàm phu. Đạo lý là ở chỗ này.

Tôi học Phật đến nay là đã năm mươi ba năm, giảng Kinh trên giảng đài là bốn mươi sáu năm, những điều tôi đã học thì chẳng giữ lại chút nào, tôi hoàn toàn đem ra cúng dường mọi người, mong muốn các bạn học được tốt hơn tôi, thù thắng hơn tôi. Học được giống như tôi thì bạn rất bình thường, bạn không học được điều gì. Bạn phải học giỏi hơn tôi thì bạn mới thật sự học được. Tại sao vậy? Năm xưa, khi tôi học Kinh giáo với lão sư của tôi, thầy không có giảng rõ ràng. Thầy mà giảng rõ ràng như vậy thì cảnh giới ngày nay của tôi không phải là cảnh giới này. Đây là sự thật.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 306
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Học Phật chính là phục hồi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chính mình

Định Tuệ

Phật duyên là gì? Tại sao nói Phật độ người hữu duyên?

Định Tuệ

Phóng sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi

Định Tuệ

Phật là gì? Học Phật bằng cách nào? Làm sao tu theo Phật?

Định Tuệ

Học Phật càng ngạo nghễ ngã mạn còn chuốc phải ma chướng

Định Tuệ

Mười công đức ấn tống kinh sách, tượng Phật

Định Tuệ

Như thế nào mới chắc chắn vãng sanh ngay trong một đời này?

Định Tuệ

Tâm phải chế ngự được tham, sân, si, mạn, nghi

Định Tuệ

Nội dung và ý nghĩa Thần chú Như Ý Bảo Luân Vương đà la ni

Định Tuệ

Viết Bình Luận