Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Liệt ma kiến cương, giải chư thúc phược

Độ hóa chúng sanh là Liệt ma kiến võng, giải chư thúc phược. Dùng sức định huệ phá sở tri chướng và phiền não chướng.

Kinh văn: “Hóa hiện kỳ thân, do như điện quang”.

Câu này hoàn toàn cùng với câu Kinh văn phía trước là “Chư Phật sát trung, giai năng thị hiện” chiếu ứng lẫn nhau. “Hóa hiện kỳ thân” chính là thị hiện, tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp. Tuy là hóa hiện kỳ thân, nhưng chính mình rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. “Do như điện quang”, biết được tất cả những hóa hiện đều là “mộng huyễn bào ảnh”. Bạn thấy họ ở trong đó thành tựu Phật pháp, thành tựu sự nghiệp độ chúng sanh. Thành tựu, dùng lời nói chúng ta để nói là vô lượng vô biên công đức, thế nhưng chính mình tâm địa phải thanh tịnh, một trần cũng không nhiễm. Cái điểm này rất quan trọng, rất then chốt. “Điện quang” chính là nói sanh diệt đồng thời, hiển thị ra chân tướng sự thật hóa hiện. Sanh diệt đồng thời chính là trong Phật pháp thường nói không sanh không diệt.

Kinh văn: “Liệt ma kiến cương, giải chư thúc phược”.

Đoạn phía trước là tự thọ dụng của Bồ Tát, “hóa hiện kỳ thân, do như điện quang”, đó là trí tuệ chân thật. Không có trí tuệ chân thật thì không thể giúp đỡ chúng sanh. Có được trí tuệ chân thật thì khi giúp đỡ chúng sanh không những chính mình không bị mệt mỏi, mà trái lại còn tăng thêm định huệ. Nếu như chính mình không vào được cảnh giới này thì khi giáo hóa chúng sanh sẽ bị chúng sanh dẫn đi mất. Trường hợp này thì rất nhiều, có từ thời Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời. Không hiểu rõ chân tướng sự thật, không phải thật hiểu rõ, không phải thấu triệt tường tận, họ “ngã Pháp” hai chấp không buông bỏ. Hay nói cách khác, trong lòng họ vẫn còn có phải quấy nhân ngã, còn có nhiều phiền não tập khí rất nồng hậu, chưa đoạn, khi gặp được duyên bên ngoài nó liền khởi hiện hành, họ liền sanh phiền não. Sanh phiền não thì họ liền tạo ác nghiệp, vẫn phải đọa lạc luân hồi. Nguyên nhân chính là họ chưa triệt để tường tận. Chưa thật triệt để tường tận, nếu như có mang theo một ít tập khí thì vẫn không hề gì. Đó là A La Hán, Bồ Tát luôn luôn thị hiện như vậy. Như trên Kinh Phật nói với chúng ta, Ngài Xá Lợi Phất là một đệ tử có trí tuệ bậc nhất của Thích Ca Mâu Ni Phật nhưng Ngài còn có tập khí sân hận. Ngài Ca Diếp Tôn Giả là một vị có sức định rất sâu, là truyền nhân của Thiền Tông. Thích Ca Mâu Ni Phật đem Thiền Tông truyền cho Ca Diếp. Ca Diếp là Tổ thứ nhất của Thiền Tông. Người thiền định sâu như vậy mà khi nghe thiên nhân tấu nhạc (đây là loại âm nhạc rất mỹ miều), Ca Diếp bất tri bất giác liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhảy múa khiêu vũ, Ngài cũng không kìm nổi, nên khi nghe tiếng liền đứng dậy nhảy múa. Việc này nói rõ điều gì? Nói rõ tập khí sâu nặng. Thế nhưng tuy họ có tập khí này, nhưng nhờ công phu nên vẫn không đến nỗi rơi vào trong sáu cõi luân hồi. Cho nên những A La Hán và những vị Bồ Tát Quyền Giáo này, ở trong Kinh Phật nói những câu chuyện của họ rất đáng để chúng ta cảnh giác. Vì sao vậy? Họ giác ngộ được nhanh, quay đầu được nhanh, cho nên không chướng ngại. Phàm phu chúng ta ở trong mê hoặc không biết quay đầu, nên phiền phức này rất lớn, không biết được quay đầu nên ác nghiệp càng tạo càng nặng. Họ quay đầu nhanh, giác ngộ mau.

Độ hóa chúng sanh là “Liệt ma kiến võng, giải chư thúc phược”. Phía trước chúng ta đã từng đọc qua, dùng sức định huệ phá sở tri chướng và phiền não chướng. “Ma kiến” chính là sở tri chướng, “thúc phược” chính là phiền não chướng. Cho nên chính mình phải có định huệ, phải có phương tiện khéo léo. Phương tiện khéo léo đều là thuộc về giới sở nhiếp, trong giới học hàm nhiếp lấy. Do đây có thể biết, không rời khỏi Tam học, chính mình tự độ và độ người đều phải tương ưng với Tam học. Chúng ta ở trong sáu cõi ba đường (trong Phật pháp thường gọi là hiểm đạo), chúng ta có thể giữ thân không bị ô nhiễm, không bị đọa lạc. Có được bản lĩnh và công phu như vậy là chính mình vĩnh viễn ở ngay trong chánh định, không luận là cảnh duyên thế nào, trong lòng vĩnh viễn là thanh tịnh và tường tận, không bị mê hoặc. Lúc đó bạn mới có năng lực giúp đỡ và dạy bảo người khác làm thế nào phá tà tri tà kiến. “Kiến” thí dụ cho cái lưới, lưới là thí dụ. “Ma kiến” chính là tri kiến sai lầm, tư tưởng sai lầm và kiến giải sai lầm. Phật pháp dạy cho chúng ta chánh tri chánh kiến, ma kiến thì hoàn toàn tương phản với chánh tri chánh kiến.

Làm thế nào điều chỉnh quan niệm sai lầm của họ? Phương pháp tốt nhất ở thế gian chúng ta là giảng Kinh nói pháp. Sự việc này không phải thời gian ngắn, mà phải cần thời gian dài. Mục đích giảng Kinh nói pháp là phải giúp cho họ khai ngộ. Nếu như họ không khai ngộ, thì dù có nghe một trăm năm cũng chỉ uổng công, thậm chí còn đem Kinh điển của Phật biến thành ma kiến. Việc này rất nhiều. Chúng ta thường nói: “Không hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, hiểu lầm ý nghĩa của Như Lai, hiểu sai ý nghĩa của Như Lai, người xưa gọi là “Xem chữ hiểu nghĩa, ba đời Phật oan”, đem Phật Kinh cũng biến thành tư tưởng và kiến giải sai lầm. Cho nên, trong “Kinh Hoa Nghiêm” và “Đại Trí Độ Luận” thường nói: “Phật pháp không người nói, tuy có trí cũng không thể hiểu”. Thế gian này có người thông minh và trí tuệ, nhưng họ có thể xem hiểu được Phật Kinh không? Xem không hiểu! Vì sao xem không hiểu? Kinh điển của Phật từng câu từng chữ là nghĩa ở ngoài lời, đó là chỗ khó của Phật pháp. Nếu bạn ở trong văn tự, trong thanh âm mà cầu, thì nhất định không cầu được Phật pháp.

Định nghĩa của hai chữ Phật pháp này phải hiểu cho tường tận. Phật pháp là pháp giác ngộ, hay nói cách khác, nếu bạn ở trong văn tự âm thanh mà cầu thì quyết định không thể khai ngộ. Tại vì sao không thể khai ngộ? Vì chấp tướng! Lìa tướng mới có thể khai ngộ, chấp tướng thì không thể khai ngộ. Chấp tướng là bạn chưa lìa khỏi phân biệt chấp trước. Bạn phải đem phân biệt chấp trước buông bỏ thì bạn mới có thể khai ngộ. Cho nên, Phật ở trên Kinh thường tán thán: “Người khéo nói, nói mà không nói, không nói mà nói; người khéo nghe, nghe mà không nghe, không nghe mà nghe”, họ có chỗ ngộ. Chấp trước ở trong Kinh giáo thì sai. Trong “Kinh Kim Cang” Phật nói rất hay, Phật không có định pháp có thể nói, Phật không có pháp gì để nói. Phật đã không có pháp có thể nói, thì trong Phật pháp còn có ý nghĩa gì? Nếu chúng ta muốn nghĩ trong Kinh có đạo lý và ý nghĩa gì thì sai rồi. Vì vậy, Kinh điển mà Phật bốn mươi chín năm đã nói ra không có ý nghĩa. Nếu như có ý nghĩa, thì Phật thật có nói pháp. Phật đã nói pháp bốn mươi chín năm, Phật không hề xen tạp một chút ý kiến của mình trong đó, cho nên Thế Tôn Ngài nói Ngài không hề nói gì. Không nói nhưng vì sao nói hết bốn mươi chín năm? Sự việc này là thế nào? Phật nói được rất hay, những lời Ngài nói ra không hề có chút ý kiến của chính mình. Vậy là ai nói ra? Là cổ Phật đã nói! Cho nên thái độ của Ngài giống y như Khổng Lão Phu Tử: “Thuật nhi bất tác”, đều là thuật nói của người khác, không hề có chút ý kiến của chính mình. Lại nói với các vị, người khác đó là ai? Là tất cả chư Phật Như Lai. Tất cả chư Phật Như Lai là một vị nào? Xin nói với các vị, nói đến chân thật là chân như bổn tánh, trong tự tánh cảm ứng tương thông với tất cả chúng sanh, trong tự nhiên lưu xuất ra, pháp vốn như vậy. Vì vậy trong “Kinh Hoa Nghiêm” mới nói: “Trần thuyết sát thuyết, vô gián đoạn thuyết”. Chúng ta đem những Kinh này hợp lại xem liền có thể thể hội được ý nghĩa, đó mới là chân thật nói pháp, mới chân thật có thể phá trừ hết thảy những tri kiến sai lầm của chúng ta. Do đó, nói pháp phải chú trọng “thiện xảo”. “Xảo” là phương pháp xảo diệu. “Thiện” là khiến cho người nghe có thể ngộ nhập, đó mới gọi là thiện. Người nghe không thể ngộ nhập là tuy xảo mà không thiện, cho nên phải giúp đỡ người nghe ngộ nhập mới được.

Làm thế nào mới có thể ngộ nhập? Có phải là phải tìm một người chân thật rất cao minh để nói pháp không? Không phải vậy! Thí dụ này của người xưa rất nhiều, người nói pháp chưa khai ngộ, mà người nghe pháp khai ngộ rồi, vậy thì diệu, đúng như câu nói: “Biết nói không bằng biết nghe”. Vì sao các bạn các vị đồng tu đã nghe Kinh nhiều năm như vậy mà không hề ngộ nhập? Vì bạn không biết nghe! Vì sao bạn không biết nghe? Vì tâm của bạn không định! Hiện tại tốt rồi, hiện tại chân thật có phương tiện khéo léo. Trong niệm Phật đường niệm Phật thêm vài ngày, tâm liền được định. Khi tâm được định thì nghe lại sẽ không như nhau, nghe lại bạn sẽ có chỗ ngộ. Từ ngay chỗ này tôi nghĩ một số đồng tu trong lòng phải nên có chút thể ngộ và thể hội được.

Tại sao người thời xưa xem Kinh nghe giảng thì rất dễ dàng thể hội? Người hiện đại xem ra dường như còn thông minh hơn so với người xưa, tại vì sao nghe qua mấy mươi năm, có khi nghe qua cả đời đều mơ mơ hồ hồ, đều không thể khai ngộ? Chúng ta phải nên hiểu rằng người xưa học Phật, không luận tại gia hay xuất gia, đều trải qua quá trình năm năm học giáo. Năm năm học giáo là cái ý gì vậy? Là năm năm học giới. Năm năm học giới không phải học giới luật, mà là tuân thủ răn dạy của thầy. Bạn thấy ngày trước nếu muốn học Phật, năm năm đầu đến đạo tràng để làm tạp vụ, ngày ngày bạn phải làm những việc nặng nhọc. Bạn làm những việc này để làm gì vậy? Tu phước, không có phước thì không được. Cho nên năm năm đầu tu phước tu huệ, phước huệ song tu. Huệ thì tu như thế nào vậy? Huệ là tu căn bản trí. Năm năm dạy bạn cái gì? Dạy bạn vô tri, hoàn toàn làm cho tâm bạn định lại.

Ở Thiền Tông là dùng phương pháp tham cứu làm cho vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn thảy đều vắng bặt. Bạn mỗi ngày ngồi thiền trong Thiền đường, Đường chủ trên tay cầm một cây hương bảng, để làm gì? Để đánh người! Xem thấy bạn ngồi ở đó vọng động, có vọng tưởng thì đánh bạn, làm cho vọng tưởng vắng lặng. Thấy bạn không có vọng tưởng cũng đánh bạn, vì sao vậy? Không có vọng tưởng thì bạn hôn trầm. Cho nên thầy của Thiền đường khéo làm, ngày ngày đánh hương bảng. Thế nhưng thực tế mà nói cũng không dễ dàng, phải đánh cho họ khai ngộ mới được, cái hương bản đó đánh chết người mà cũng không được khai ngộ thì họ có tội. Cho nên cái thiền bảng của họ, người sáng mắt thấy được bạn, đó là khi đánh làm cho bạn khai ngộ. Nếu như đánh mà không khai ngộ thì không đánh, vì cái đánh đó là sai. Đánh là khi thấy được bạn sắp khai ngộ rồi, liền cúng dường cái thiền bảng này cho bạn, khiến cho bạn cảnh giác khai ngộ.

Giáo Hạ là dùng phương pháp dạy bạn đọc Kinh. Mỗi một tông phái, mỗi một đạo tràng, cách học của họ không như nhau. Tông Thiên Thai thì trong năm năm phải thuộc ba bộ Kinh lớn. Ba bộ Kinh lớn là “Kinh Pháp Hoa Văn Cú” do Đại Sư Trí Giả trước tác, ngay đến chú giải Kinh cũng phải thuộc; “Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Sám”, các vị đều biết, hiện tại quyển đóng bìa cứng là ba cuốn rất dày, lúc trước loại quyển kết chỉ là hai mươi quyển; ngoài ra còn có phương pháp tu hành của Ngài “Ma Ha Chỉ Quán”. Đó là ba bộ Kinh lớn của Thiên Thai. Quyển kết chỉ lúc trước tổng cộng sáu mươi quyển, trong năm năm phải học thuộc nhuần nhuyễn sáu mươi quyển này, ngày ngày dạy bạn làm việc này. Nếu bạn đang làm việc khác, sau khi làm việc xong thì phải mau học thuộc Kinh. Cho nên trong giảng đường không có chỗ ngồi cho bạn, bạn không thể nghe Kinh, trong thiền đường cũng không có chỗ ngồi cho bạn. Trong năm năm chỉ là phục vụ đại chúng. Sau năm năm bạn mới có tư cách đến giảng đường để nghe Kinh, đến Thiền đường để tham thiền, lúc này mới có chỗ ngồi cho bạn. Cho nên trong năm năm này là tu phước tu huệ. Tu phước chính là vì thường trụ làm việc, chăm sóc đi lại sinh hoạt của đại chúng. Tu huệ là bạn hoàn toàn học thuộc lòng Kinh điển, không có giảng giải. Học thuộc là giới-định-huệ tam học một lần hoàn thành, làm cho tâm bạn định lại, bạn sẽ không có vọng tưởng. Nếu có vọng tưởng thì bạn không thể thuộc được. Dùng phương pháp này để tu căn bản trí. Có được nền tảng năm năm như vậy rồi, vào trong giảng đường nghe giảng Kinh thì họ làm sao không khai ngộ cho được! Nhiều ít đều sẽ có chỗ ngộ, tiểu nghi tiểu ngộ, đại nghi đại ngộ, luôn có chỗ ngộ. Vì vậy đối với việc tu học của họ pháp hỉ sung mãn, rất có đạo lý.

Người hiện tại chúng ta đã bỏ mất đi nền tảng này, hơn nữa vừa tiếp xúc Phật pháp thì nghe qua rất nhiều người giảng và xem qua rất nhiều tư liệu khác nhau, xem đến mê hoặc, làm cho đầu óc bị rối tung, hồ đồ, nên hiện tại người khai ngộ không có. Cho nên hiện tại chúng ta không phải là “liệt ma kiến võng”, mà là đã đọa ma kiến võng, chúng ta đã đọa vào trong lưới của ma, không thể ra khỏi. Thế nên niệm Phật đường này đã có công đức hy hữu, cho nên nỗ lực giảng. Mọi người phải đến niệm Phật đường, niệm Phật một ngày hai mươi bốn giờ đồng hồ, niệm được ba năm đến năm năm, bạn lại đến nghe tôi giảng Kinh thì bạn sẽ có chỗ ngộ. Đó là đạo lý nhất định. Niệm Phật đường là cái gì? Niệm Phật đường chính là đem tất cả phiền não tri kiến thảy đều niệm tiêu hết, bạn ở trong niệm Phật đường chỉ có một niệm “A Di Đà Phật”.

Niệm Phật đường của chúng ta hoàn toàn khác với niệm Phật đường khác, bốn bề đều là Phật tượng của Phật A Di Đà. Tôi nói qua với mọi người, nhiều tượng Phật đến như vậy thì các vị chính là đại chúng trong Hải hội Liên Trì, trong nhiều tượng Phật đến như vậy sẽ có một vị chính là bạn. Bạn chính mình hiện thân ở nơi đó là tượng Phật, giống y như Phật A Di Đà. Bạn sẽ nghĩ niệm Phật đường này rất thân thiết. Đó chính là hoàn cảnh y báo tu học thù thắng của chúng ta, đối với chính mình tu học là tăng thượng duyên tốt nhất. Cho nên, chúng ta hoan nghênh các đồng tu trên toàn thế giới đến niệm Phật đường này để niệm Phật. Các vị chính mình sẽ cảm thấy được, không cần phải tôi nói, bạn ở trong niệm Phật đường này niệm một tuần lễ, trong một đời này không luận bạn tham dự Phật thất niệm Phật ở đạo tràng nào cũng không hề thù thắng như ở đây. Bạn ở nơi đây một tuần lễ, cảm thụ của bạn quyết định không giống như các nơi khác. Chúng ta chính mình đi thể hội. Cho nên, ở niệm Phật đường này niệm được mấy năm, sau đó nghe giảng Kinh sẽ thấy không hề như nhau. Hiện tại là ép bất đắc dĩ, mỗi ngày niệm Phật vẫn còn hai giờ nói chuyện xen tạp. Vì sao phải nói chuyện xen tạp? Sợ mọi người thoái tâm. Cho nên chúng ta hiện tại mỗi ngày giảng Kinh hai giờ đồng hồ là bơm hơi thêm cho bạn, là phòng bị bạn thoái tâm. Mỗi ngày đều đang khuyến khích. Đạo lý chính ngay chỗ này. Chân thật muốn giảng Kinh đạt đến mục tiêu này chính là muốn giúp bạn phá sở tri chướng, phá phiền não chướng, giúp cho bạn khế nhập cảnh giới, minh tâm kiến tánh. Vậy phải nên làm thế nào? Trước tiên ở niệm Phật đường cố gắng niệm cho tốt ba năm, sau đó mới đến nghe giảng Kinh. Đó là chúng ta chiếu theo qui củ để làm. Thế nhưng hiện tại tôi sợ ba năm niệm Phật này đến sau cùng thì mọi người đều chạy hết, không còn người nào, cho nên chúng ta không thể không khuyên nhủ ngày ngày, không thể không đem công đức lợi ích thù thắng này giải thích rõ ràng tường tận với mọi người, khiến cho mọi người hoan hỉ ở niệm Phật đường này niệm Phật. Thực tế mà nói, chỉ cần niệm trên nửa năm, bạn liền sanh tâm hoan hỉ, bạn liền dần dần khế nhập cảnh giới, Kinh này có nghe hay không thì không hề gì, bạn chân thật được thọ dụng. Cho nên, ở trong giai đoạn mở đầu, giảng Kinh là rất cần thiết.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 40

Bài viết cùng chuyên mục

Phương pháp đối trị tâm tán loạn và buồn ngủ khi niệm Phật

Định Tuệ

Niệm Phật trong phòng ngủ có được hay không?

Định Tuệ

Nương tự lực hay nương Phật lực?

Định Tuệ

Nguyện lực độ sanh của Địa Tạng Vương Bồ Tát

Định Tuệ

Phương pháp cúng dường đúng pháp, sanh phước báu

Định Tuệ

Chư Phật, Bồ Tát là gì? Có bao nhiêu Đức Phật, Bồ Tát?

Định Tuệ

Văn Thù hộ thân chân ngôn

Định Tuệ

Công đức tạo tượng Phật lớn như thế nào?

Định Tuệ

Niệm Phật như thế nào?

Định Tuệ

Viết Bình Luận