Nhân từ là lòng người, cho nên biết giết hại sinh mạng chẳng phải lòng người. Sao lại có thể không xem trọng giới sát?
Trong nhà Phật, giới sát là đứng hàng đầu. Chẳng những đạo Phật mà các đạo khác cũng xem trọng giới này. Bởi lẽ, cái yêu quý nhất của con người và loài vật là mạng sống, còn điều đau khổ nhất không gì hơn cái chết. Cho nên, điều ác lớn nhất, tội lỗi nặng nhất là sát sinh.
Từng nghe rằng: “Đức lớn của trời đất là sinh, điều ác lớn nhất của con người là sát sinh”. Ông trời có đức hiếu sinh, nên biết chắc rằng Ngài ghét sát sinh. Bảo toàn mạng sống chúng sinh là việc đứng đầu mọi điều lành, sát sinh là việc đứng đầu mọi điều ác. Nhân từ là lòng người, cho nên biết giết hại sinh mạng chẳng phải lòng người. Sao lại có thể không xem trọng giới sát?
Hơn nữa, con người đã lấy nhân từ làm tâm, tâm lượng trùm khắp hư không, đâu có chỗ nào không đến được; xuyên suốt trước sau, đâu có khi nào dừng nghỉ. Bảo rằng trời đất và vạn vật một thể, chính là nói tâm này, lòng nhân từ này. Cho nên, bậc Thánh của nhà Nho cho rằng: “Nếu có thể xét chỗ tột cùng của “sự Trung hòa” thì đạt được cảnh giới viên mãn, trời đất vạn vật đều được chỗ thích nghi và sinh trưởng”.
Người có tâm thành khẩn tha thiết thì có thể thấu rõ bản tánh của chính mình, có thể thấu rõ bản tánh của chính mình thì mới có thể thấu rõ bản tánh của con người, thấu rõ bản tánh của con người mới có thể thấu rõ bản tánh của vạn vật. Điều này chẳng phải viển vông không thực tế. Lòng nhân từ một thể vốn đã như thế, nhưng Thánh nhân sửa trị thiên hạ lại không tránh khỏi việc dùng thức ăn tươi sống là tại sao? Đó là việc bất đắc dĩ.
Tôi từng khảo xét trong kinh Phật. Trong kiếp đầu tiên con người sống thật thà chất phác, không dối trá nên trời sinh đất đai màu mỡ, lúa thóc tốt tươi, giúp cho nhu cầu ăn uống hàng ngày được đầy đủ. Sau này, sự dối trá dần dần tăng trưởng, đất đai màu mỡ và lúa thóc trước kia đều không sinh nữa. Con người phải khó khăn mới có được thức ăn. Do cái đói bức bách, nên gây ra việc giết hại, dùng mạnh hiếp yếu, dùng trí lấn ngu, bắt các loài cầm thú ăn thịt, cũng giống như cầm thú ăn nuốt lẫn nhau thôi. Ban đầu chỉ vì ngăn chặn cái đói, nhưng sau cùng trở nên tham đắm mùi vị của thịt tanh mỗi ngày một sâu. Đồ tể giết mổ, hàng thịt dẫy đầy, mỗi ngày một nhiều.
Bậc Thánh vì thương xót sinh vật, nên mới lập ra “lễ” để ngăn chặn. Nên bảo rằng: “Giữa mùa Xuân không cho phá tổ đập trứng loài chim, cá còn nhỏ không cho đánh bắt. Cúng tế theo lễ, phải hiến cúng theo quy định; yến tiệc theo lễ, cũng phải có số lượng quy định. Đại phu không được vô cớ giết hại trâu dê, kẻ sĩ chẳng được vô cớ giết hại heo chó”. Điều đó lẽ nào chẳng phải là bản ý của Thánh nhân? Tuy không thể ngăn chặn hết xu hướng sát sinh, nhưng cũng phần nào ngăn ngừa được việc lạm sát. Cho nên nói, đó là “điều bất đắc dĩ của Thánh nhân”.
Loài vật và ta hình dáng tuy khác, nhưng tri giác vốn đồng, tham sống sợ chết nào khác con người! Nay chỉ vì để ta có một bữa ăn ngon miệng mà khiến chúng phải chịu đau đớn cùng cực. Như thế, về mặt tình và lý có thỏa đáng chăng? Lấy thân mạng quý trọng của chúng để đáp ứng cho lòng tham hưởng thụ phù phiếm của ta, về mặt tình và lý có thỏa đáng chăng? Giết mạng chúng để mong kéo dài mạng sống của ta. Giết thân chúng để bồi đắp thân ta. Giết cha mẹ, vợ con chúng để bảo dưỡng cha mẹ, vợ con ta. Như thế, về mặt tình và lý có thỏa đáng chăng? Chẳng cần phải đợi xét lại mình, cứ thử nghĩ trong tâm trạng còn sống mà bị dao bén cắt thịt, nước sôi nung nấu xem. Ta có thể nhẫn tâm ăn nuốt trước tình cảnh hoảng sợ kêu gào, đau đớn oán hận của chúng hay sao? Nếu cho là có thể nhẫn tâm ăn nuốt thì tâm họ chẳng phải tâm người nữa rồi!
Mạnh Tử nói: “Người quân tử chỉ muốn thấy vật sống, chẳng nỡ thấy nó chết. Nghe tiếng kêu thương chẳng nỡ ăn thịt chúng”. Việc ấy, lẽ nào lại là tình thương của đàn bà con nít?
Còn như xét kỹ để cứu vãn lỗi lầm của thời cận đại, có nhiều điều không thể khuyên ngăn được. Thói đời bạc ác, ưa chuộng xa xỉ, đuổi theo sự ham muốn của cái miệng và bao tử đến tột cùng. Giăng lưới săn bắt những loài thú quý hiếm dưới nước, trên cạn. Trong một bữa ăn giết hại cả trăm sinh mạng. Lỗi lầm này thật đáng đau xót!
Để tang cha mẹ mà ăn thịt uống rượu, giống như vui mừng thiết đãi yến tiệc, giết hại sinh mạng nhiều vô số. Chỉ một việc này, nói xa thì đã rất trái với lễ của bậc Thánh thuở xưa, bàn gần thì đã phạm quy luật của trời đất; ngoài kết thêm oán hận căm thù, trong diệt mất lòng nhân hiếu. Đó là nhà Nho hay chẳng phải nhà Nho? Là điều lành hay chẳng phải điều lành? Mỗi khi có người nhắc nhở, đều tìm mọi lý lẽ để che đậy lỗi lầm của mình.
Ôi! Chẳng sợ quy chế của bậc Thánh, chẳng sợ pháp luật của Đế vương, chẳng sợ điều ác, bất nhân bất hiếu, mà chỉ sợ lời dị nghị phù phiếm của người đời. Đó là sự nhận định gì?
Than ôi! Kẻ phàm ngu vốn đã theo tập tục, nhưng bậc hào kiệt lẽ nào làm theo mà chẳng chịu suy xét sao?
Xưa, Hoàng Sơn Cốc có làm bài tụng:
“Thịt ta, thịt chúng sinh
Thân khác, thể chẳng khác
Vốn đồng một bản tánh
Chỉ khác biệt thân hình.
Khổ não chúng phải chịu
Thơm ngon sướng miệng mình
Chớ bảo Diêm vương phán
Tự xét thấy thế nào?”
Bài kệ này đã nói cùng tận ý nghĩa của việc ngăn cấm sát sinh.
Còn như thuyết nhân quả báo ứng là lẽ tất nhiên, chắc chắn khó lẩn tránh. Không chỉ trong kinh Phật nói tường tận, sử truyện ghi chép, mà rõ ràng nơi mắt thấy tai nghe, không phải điều lừa dối. Người quân tử dừng việc ác chẳng phải vì sợ hình phạt, làm việc nhân từ không phải vì mong cầu quả báo, mà chẳng qua chỉ làm toàn vẹn tâm mình mà thôi. Mong bậc cao minh hãy suy xét điều này!
Trích: Tịnh Từ Yếu Ngữ – Ngăn cấm sát sinh!