Bỗng nghe có tiếng nói rằng: “Người tụng kinh Pháp Hoa được khỏi chết”. Nói như thế ba lần, ông liền nổi lên mặt nước, giây phút tắp vào bờ.
VÃNG SANH
1. THÍCH HUỆ TẤN
(Trích từ bộ Tường Di Ký)
Niên hiệu Vĩnh Minh, xứ Dương Đô, chùa Cao Toà, có ông Thích Huệ Tấn, lúc niên thiếu rất mạnh mẽ, thích giao du, có chí hào hiệp. Đến tuổi bốn mươi, ông bổng ngộ lý vô thường bèn xuất gia học đạo.
Từ khi xuất gia, ông chỉ dùng tương rau, mặc vải thô, thệ nguyện chỉ tụng kinh Pháp Hoa. Do ông dụng tâm quá lao khổ, nên khi cầm đến quyển kinh liền phát bệnh. Ông bèn phát nguyện ấn tống trăm bộ kinh để sám hối nghiệp chướng. Vừa quyên góp được một nghìn sáu trăm đồng, bỗng có bọn giặc cướp đến tra hỏi tài vật, ông bèn chỉ tiền và nói cho nó biết đó là tiền in kinh. Bọn giặc hổ thẹn mà bỏ đi.
Về sau, in xong trăm bộ kinh thì bệnh ông cũng dứt. Ông tụng kinh rất nhiều, tâm niệm hoàn mãn, hồi hướng công đức tụng kinh cầu sanh về nước Cực Lạc.
Một ngày nọ, bỗng nhiên trên hư không có tiếng bảo rằng: “Phát nguyện đã đủ, tất được vãng sanh”. Ông không bệnh hoạn chi, an ổn qua đời, hưởng thọ được hơn tám mươi tuổi.
2. VƯƠNG YÊM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Đường, quan Huỳnh môn thị lang tên Vương Yêm, bình sanh căn tánh tối dốt, chậm lụt, chỉ có một bộ kinh Pháp Hoa mà ông học lâu ngày mới tụng thông được. Sau, ông mắc bệnh từ trần, về báo mộng cho người em là quan Thái thú ở đất Tân An: “Ta nhờ tụng kinh được sanh về Tây Phương, song vì tối dốt nên còn ở trong thai bào hoa sen. Nay về nói cho các người biết, từ nay về sau phải siêng năng trì tụng kinh điển, chớ nên biếng nhác trễ nãi”. Ông nói rồi liền từ biệt.
KHỎI NẠN
1. THÍCH HUỆ KHÁNH
(Trích từ bộ Pháp Uyển Châu Lâm)
Đời Tống, ông Thích Huệ Khánh, người xứ Quảng Lăng, xuất gia ở chùa Lô Sơn, học thông kinh luật, giới hạnh tinh nghiêm. Ông thường trì tụng kinh Pháp Hoa, kinh Thập Địa, kinh Tư Ích, kinh Duy Ma. Hằng đêm tụng kinh, ông thường nghe trên hư không có tiếng khảy móng tay khen ngợi.
Ngày nọ, ông đi thuyền, bỗng gặp trận giông to, mưa lớn sấm sét dữ dội, sóng dậy ba đào, thuyền lắc lư, chao đảo gần úp. Song, ông Khánh cứ mãi tụng kinh. Chợt nghe giữa dòng sông dường như có người kéo dắt, nâng đỡ, phút chốc thuyền đến bờ an toàn. Từ đó, ông Khánh lại càng gắng tinh cần hơn nữa.
2. THÍCH PHÁP LẨM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Lương, Thầy Thích Pháp Lẩm, họ Nghiêm, người huyện Chi Gian, xuất gia ở chùa Ngọc Tuyền, thường tụng kinh Pháp Hoa hằng ngày chỉ dùng ngọ trai, thường ngồi, không nằm. Thầy thích đi du phương, thường quảy gậy dạo khắp các miền núi non như Lô Sơn, Thai Đảnh, Hoành Lãnh, La Phủ v.v… không chỗ xa nào mà thầy không rảo bước đến; chỉ nương nơi hang sâu vực thẳm, một bề chuyên tu thiền định.
Thầy lại thường đến non Đại, phải đi ngang qua Châu Từ. Có quan huyện xét hỏi để coi thật giả, thấy Thầy chỉ đem theo có một bộ kinh Pháp Hoa, quan huyện không tin, nổi giận bắt thầy giam lại. Bảy ngày thầy không ăn, tụng kinh không ngớt. Quan huyện ngủ thấy ác mộng, bèn đảnh lễ thầy cầu xin sám hối.
Sau, thầy về ở ẩn chốn u tịch, chuyên bề thiền tụng. Đến khi mất, có mùi hương lạ ngào ngạt, phảng phất cả mười ngày mới tan.
3. SẦM VĂN BỔN
Đời nhà Đường, có ông Sầm Văn Bổn, tự Cảnh Nhân, người đất Lạc Dương. Thuở nhỏ tin Phật, tụng phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa. Một hôm, ông đi đò tới sông Ngô, giữa sông đò úp, mọi người đều bị chết chìm, ông Văn Bổn cũng đắm trong nước, bỗng nghe có tiếng nói rằng: “Người tụng kinh Pháp Hoa được khỏi chết”. Nói như thế ba lần, ông liền nổi lên mặt nước, giây phút tắp vào bờ.
LÀNH BỆNH
1. NGƯỜI BỆNH HỦI
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời Đường, ở Bồ Châu, ông Thích Pháp Triệt tuổi trẻ mà tánh siêng năng chịu khó tụng kinh Pháp Hoa, thường đem kinh này dẫn dắt giáo hoá cho mọi người.
Trong ấp có ngài Cô Sơn, ông Pháp Triệt đến y chỉ với Ngài tu hành, sáng lập cảnh Lan Nhã. Ông từng đi các nơi, trên đường gặp một người bệnh hủi, dẫn về trong núi, đục một cái hang cho ở và nuôi dưỡng. Ông bảo người bệnh hủi tụng kinh Pháp Hoa, nhưng người ấy không biết chữ, lại thêm đần độn. Ông bèn dạy cho người ấy học từng câu, từng chữ không nệ mệt mỏi. Khi học đến quyển thứ sáu, bệnh hủi dần lành. Học đủ bộ rồi thì lông mày và tóc mọc lại, da cũng liền như xưa.
2. BÀ PHÍ THỊ
(Trích từ bộ Dị Ký)
Đời nhà Tống, có bà họ Phí, vợ của ông La Dự, người ở đất Thục Ninh. Cha tên Duyệt, làm quan Thứ sử châu Ninh. Bà Phí thuở nhỏ kính tin Tam Bảo, tụng kinh Pháp Hoa được vài năm, siêng năng không biết mỏi mệt.
Sau, bỗng mắc bệnh đau tim. Bà đóng cửa buồn rầu lo sợ, dặn dò người nhà sắm sửa đồ tẩn liệm để đợi thời. Bà Phí nghĩ rằng: “Mình tụng kinh siêng năng chắc có phước lành, hoạ may khỏi chết”. Nghĩ thế rồi an tâm nằm ngủ, chốc lát thức dậy nhưng còn mơ màng, thấy Phật bên song cửa, đưa tay rờ chỗ tim bà, bệnh liền lành ngay lúc ấy. Cả nhà bà, trai gái, tôi tớ đều thấy hào quang sắc vàng chói sáng khắp nhà, lại cũng nghe mùi hương sực nức. Em gái ông La Dự đến thăm bệnh, đang ở trước giường cũng thấy rõ rệt.
Từ bấy giờ, bà Phí càng sanh tín tâm, tự răn sẽ gắng trọn đời thường đem điều đó để sách tấn dạy dỗ con cháu.
TRỪ TÀ MA
1. THÍCH TĂNG LÃNG
(Trích từ bộ Cao Tăng Truyện)
Ngài Thích Tăng Lãng, họ Hứa, người huyện Nam Dương, có nuôi một con khỉ và một con chó. Cuối nhà Trần, đầu đời nhà Tuỳ, Thầy đi du ngoạn các miền giang lãnh, nay sông này mai núi kia, chỉ mặc y phục sơ sài. Song, oai nghi rất nghiêm chỉnh, theo phép khất thực nuôi mình.
Thầy thường đọc tụng các kinh, nhưng chỉ thích riêng về kinh Pháp Hoa. Bình thường tiếng đọc ồ ề không rõ, thầy chú nguyện tụng kinh cho tiếng được thanh tao, nên một phen ngồi, tụng suốt bảy biến mới thôi. Như vậy, chẳng bao lâu, tiếng nói như sấm vang. Biết rằng đã có phước lực rồi, thầy tụng kinh lấy số bảy làm chừng, tụng đến bảy mươi, bảy trăm, bảy nghìn, đến bảy muôn biến thì tiếng giọng rất thanh tao trong suốt, tự nhiên thốt ra rõ ràng trong trẻo như tiếng đàn tranh ống sáo. Vì thế, khi thầy tụng kinh, môi mép không động, chỉ chuyển hơi trong cổ mà ra tiếng, giọng phát phù trầm, lảnh lót, người đến xem nghe sửng sốt không quên. Từ đó, thầy được nổi danh.
Đương thời, có một vị ni cô bị quỷ ám nhập. Quỷ làm cho cô thông suốt kinh văn, thấu rõ nghĩa mầu, chuyên sự giảng kinh giáo hoá; thính giả đến nghe rất đông, nhưng không ai biết được do sức quỷ kia, nên đều khen ngợi là bậc thông ngộ. Thầy Tăng Lãng nghe việc ấy nói rằng: “Đó là tà quỷ ám nhập gia hộ, chớ có gì là chánh lý, ta phải qua xét nghiệm”.
Sáng sớm rạng ngày, con khỉ và con chó đi trước, thẳng đến chùa ni cô, thầy đi theo sau. Vừa đến, thầy vào lạy Phật, nhiễu tháp rồi mới tới trước giảng đường. Lúc ấy, ni cô còn đang giảng thuyết trên pháp toà, thầy bèn nạt lớn, quở rằng:
– Tiểu tỳ! Ta đã đến đây, sao chẳng chịu xuống pháp toà, còn đợi gì nữa?
Ni cô nhân nghe tiếng quở liền ngã té xuống đất, chạy đến trước giảng đường quỳ gối trước mặt thầy từ giờ Mẹo cho đến giờ Thân không dám nhúc nhích, mồ hôi chảy dầm mình, lặng thinh không nói được lời chi.
Thầy gạn hỏi chỗ kiến giải, cô vẫn im nhiên như ngây như điếc. Qua trăm ngày sau, tâm tánh cô mới hoàn phục lại như cũ. Đương thời những việc thịnh hành linh thông cảm ứng giống với loài ma ám này rất nhiều.
2. THÍCH ĐẠO LÂM
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Đời nhà Lương, Thích Đạo Lâm là người huyện Sơn Âm, có giới hạnh nghiêm khiết, giỏi về kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn. Ông Trương Tự ở nước Ngô rất mực kính thờ thầy.
Niên hiệu Thiên Giám, chùa Tuyền Lâm ở huyện Phú Dương có quỷ quái nổi lộng quấy nhiễu người. Khi thầy đến, quỷ đều tiêu hết.
Ông Huệ Thiều là đệ tử của Thầy bị nhà sập đè, đầu quẹo cúp vào ngực. Thầy bèn tụng kinh Pháp Hoa cầu nguyện cho. Ông Thiều nằm chiêm bao thấy có hai vị đạo nhân người Tây Vực kéo cái đầu ông thẳng ra, sáng ngày mạnh như thường. Ai nấy cũng đều khâm phục sự linh cảm thần dị của thầy.
CẢM ĐỘNG THÁNH LINH
1. ĐỨC PHỔ HIỀN GIẢI BỆNH
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Trong bộ Trí Độ Luận, quyển chín của ngài Long Thọ Bồ tát, có nói: “Có một người bệnh hủi đến trước tượng đức Phổ Hiền Bồ tát chí tâm quy y, chiêm lễ, xưng niệm công đức Phổ Hiền Bồ tát cầu nguyện cho hết bệnh. Lúc ấy, tượng Phổ Hiền Bồ tát liền dũi tay bên phải, hào quang sáng chói, xoa trên thân người kia, bệnh liền trừ hết”.
2. ĐỨC PHỔ HIỀN HIỆN THÂN
(Trích từ bộ Pháp Hoa Trì Nghiệm)
Trong nước kia, có thầy Tỳ kheo ở A lan nhã, chuyên đọc tụng kinh Đại thừa. Vua trong nước thường trải tóc cho quý thầy đi qua. Có thầy Tỳ kheo khác tâu với vua rằng:
– Ông ấy ngu dốt, đọc tụng kinh điển không bao nhiêu, sao Đại vương lại cúng dường long trọng như thế?
Vua đáp rằng:
– Có một ngày kia, vừa lúc nửa đêm, ta muốn yết kiến thầy Tỳ kheo ấy, liền đi đến chỗ của thầy ở, thấy thầy ở trong hang đá tụng kinh Pháp Hoa. Có một người thân ánh hào quang sắc vàng sáng chói cưỡi con bạch tượng chắp tay cúng dường, ta đi lần tới người ấy liền biến mất. Ta mới hỏi vị Đại Đức:
– Tại sao tôi vừa đến, người thân có hào quang sắc vàng kia biến mất đi?
Thầy Tỳ kheo đáp rằng:
– Đó chính là ngài Phổ Hiền Bồ tát. Ngài Phổ Hiền Bồ tát tự nói rằng: “Nếu có người nào đọc tụng kinh Pháp Hoa, ta sẽ cưỡi voi trắng sáu ngà đến dạy bảo nhắc nhở cho”. Do tôi tụng kinh Pháp Hoa nên ngài Phổ Hiền Bồ tát hiện thân đến vậy.
3. THẦN THỈNH GIẢNG KINH
(Trích từ bộ Lương Cao Tăng Truyện)
Đời Tấn, thầy Thích Đàm Thuý, không rõ người quê quán ở đâu, thuở nhỏ xuất gia, tu ở chùa Bạch Mã, huyện Hà Âm, tương rau qua bữa, bố vải che thân, thường mỗi ngày đều tụng một bộ kinh Pháp Hoa, lại tinh thông kinh giáo, cũng hằng giải nói cho người.
Ban đêm, bỗng thầy nghe có tiếng gõ cửa, nói rằng: “Muốn thỉnh Pháp sư thuyết pháp trong chín tuần”. Thầy Thuý không hứa, nhưng người kia cũng cố cầu thỉnh, thầy bèn chịu đi. Lúc đó, thầy còn mơ màng trong giấc ngủ. Khi thức dậy, thân thầy đã ở trong miếu thần nơi đảo Bạch Mã cùng với người đệ tử của thầy. Từ đó, hằng ngày thầy âm thầm đi qua không ai hay biết.
Sau, các thầy trong chùa có việc đi ngang qua miếu ấy, thấy có hai pháp toà rất cao, ông Thuý ở toà phía bắc, đệ tử ở toà phía nam, dường như có tiếng giảng kinh thuyết pháp, lại nghe có mùi hương lạ ngào ngạt. Bây giờ, kẻ đạo người tục truyền nhau cho là việc thần dị.
Đến mãn Hạ, vị thần trong miếu cúng dường cho một con ngựa bạch, năm con dê trắng và chín mươi xấp lụa. Thầy chú nguyện xong, cùng nhau từ biệt không còn qua lại nữa.
Tâm Hướng Phật/St!