Vào đời Tống, Thái thú ở Ngô Hưng là Dương Tập Chi, mỗi khi đãi khách thường ưa sát sinh. Ban đầu lúc còn giữ chức Lang Trung ở tỉnh Tấn Tây, ông có nuôi hai con ngỗng. Một đêm nọ, nằm mộng thấy con ngỗng ngậm quyển kinh. Ông lấy xem, thấy đều nói về tội phước báo ứng. Sáng hôm sau, quả nhiên có quyển kinh ấy trên bàn. Từ đó ông dứt hẳn sát sinh.
Đời Đường, Hà Trạch Giả người ở Dung Châu, từng có quyền hành trông coi Quảng Châu Tứ Hội. Ông bảo tôi tớ nuôi hàng ngàn gà, vịt để mỗi ngày giết chúng làm thịt. Hà Trạch chỉ có một đứa con, nên rất yêu quý. Một hôm, tôi tớ đang nấu hai con gà, lúc đợi nước sôi thì bỗng thấy quỷ lôi kéo đứa con của Hà Trạch bỏ vào vạc nước sôi ấy. Đứa bé vùng vẫy muốn thoát thân, nhưng rốt cuộc bị nấu chín cùng với hai con gà.
Đời Đường, có ba anh em Vương Tuân bị bệnh nặng cùng một lúc. Trước nhà có tổ chim khách, chúng bay lượn kêu hót ồn náo từ sáng đến chiều. Ba anh em họ rất ghét chúng. Đến khi lành bệnh, họ bèn giăng lưới bắt chim, cắt lưỡi rồi thả. Sau đó, ba người đều bị bệnh nơi miệng, không thuốc gì chữa khỏi, dần dần trở nên nghèo túng, cho đến phải đi ăn xin.
Húy Kỷ ưa sát sinh, lại có tài bắn cung. Cha ông làm Tri phủ trông coi vùng Ba Châu, Húy Kỷ giăng lưới ở công sở rồi lên lầu xem chừng. Bỗng thấy bầy quạ chạm vào lưới. Húy Kỷ mừng rỡ chạy xuống, thì bị gai đâm trúng gây tổn thương. Lúc ấy, chợt nghe tiếng nói trong hư không: “Ông vốn được sống lâu, nay do sát sinh nên bị tổn thọ”. Quả nhiên, hơn một tháng sau Húy Kỷ qua đời.
Nước Bái, có một kẻ sĩ có ba người con, tuổi đã xấp xỉ hai mươi, nhưng đều bị câm. Một hôm, có người đi ngang trước cửa, bảo rằng: “Ông thử xét lại xem tại sao như thế?”. Chủ nhà im lặng hồi lâu rồi nói: “Trước kia tôi đi ra ngoài, thấy một tổ chim có chim mẹ cùng hai chim con. Tôi bèn lấy cỏ sắc đâm chết chúng. Hôm nay nghĩ lại thật hối hận”. Nghe thế người ấy nói: “Như vậy là đúng rồi!”.
Thời Hậu Hán, Dương Bảo năm 7 tuổi, lên Hoa Sơn chơi, chợt thấy một con chim sẻ đang bị bầy kiến vây cắn đau đớn khốn khổ. Dương Bảo thương xót đem bỏ vào rương nhỏ, hái hoa kim châm cho nó ăn. Trải qua mười ngày, con chim ấy mới dần khỏe lại, Dương Bảo bèn đem thả nó. Bỗng một hôm, Dương Bảo nằm mộng thấy có người mặc áo vàng cầm hai chiếc vòng ngọc tặng cho, nói rằng: “Tôi sẽ giúp ông được làm bậc Tam công, sống lâu đến chín mươi ba tuổi”. Về sau, quả nhiên đều đúng như vậy.
Thời nhà Lương, có một bà lão làm nghề dệt vải, gia cảnh đơn chiếc. Hôm nọ, bỗng có một con cọp chạy vào nhà, đưa chân hướng đến bà. Bà lão vô cùng hoảng sợ chẳng biết làm thế nào. Thấy dáng vẻ cọp như đang cầu cứu, vì bị thương do gai đâm. Bà bèn nắm lấy chân nó, dùng dùi gạt ra. Khi xong việc, cọp bỏ đi. Hơn một tháng sau, cọp ấy trở lại ngậm một cái túi, trong đó có mấy thoi bạch kim để tạ ơn.
Niên hiệu Thái Hòa, có người tên Quang Lộc Trù định mổ bò. Lúc người đồ tể cầm dao đến bên cạnh, con bò liền quỳ xuống lạy không chịu đứng dậy, nhưng rốt cuộc người đồ tể cũng giết nó. Một lát sau, người đồ tể bỗng nhiên điên loạn bỏ chạy. Từ đó, mỗi ngày ông ta chỉ ăn cỏ và kêu tiếng giống như bò, thường nằm trong vũng bùn, dùng đầu húc mọi thứ. Trải qua thời gian sau rồi chết.
Đời Đường, niên hiệu Hiển Khánh, tại một tiệm ăn nọ, có người con dâu mới sinh được một đứa con. Vào ngày đầy tháng, bà con đến chúc mừng. Người con dâu muốn giết một con dê để làm tiệc đãi khách. Con dê ấy nhiều lần quỳ lạy cô nhưng cô chẳng quan tâm, cứ làm thịt nó. Sau đó đem thịt bỏ vào nồi, rồi ôm con trông coi nồi thịt. Bỗng nhiên nồi vỡ, nước sôi tung tóe, tro lửa văng lên người mẹ con cô, rốt cuộc cả hai đều chết.
Năm đầu niên hiệu Thuần Hy, ở Thai Châu Kính Sơn, có một người đồ tể tên Triệu Nhi, làm nghề mổ heo. Bỗng một hôm, nằm mộng thấy cả ngàn con heo nói được tiếng người. Chúng bảo rằng: “Chúng tôi bị giết chịu đau đớn vô cùng. Nay tội nghiệp của ông đã đầy, hãy mau đền mạng đi!”. Sáng hôm sau, Triệu Nhi định mổ heo, bất chợt bị điên cuồng, kêu gào rồi chết.
Đời Thục, ông Dân Quý Thiệu ưa ăn thịt chó, trước nay giết chó rất nhiều. Một hôm, ông ta nuôi được một con chó mực. Vì uống rượu say nên đến tối mới trở về nhà. Con chó ấy sủa rân, Thiệu tức giận lấy búa đập nó. Lúc đó, có một đứa bé từ trong nhà chạy ra, bị cái búa đập trúng vào đầu, chết liền tức khắc.
Đời Đường, quan Nội thị Từ Khả Phạm thích ăn thịt lừa. Trước tiên buộc con lừa vào cột, rồi đốt lửa xung quanh, đợi đến khi nó mệt mỏi khát nước thì dùng ngũ vị hòa chung với nước cho uống, sau đó mới làm thịt. Về sau, may mắn được vua Hy Tông ban cho tỉnh Tứ Xuyên. Ngay khi ấy ông mắc bệnh, lúc ngủ đều thấy lừa ăn thịt mình, lại thích đốt lửa dưới giường, rót dầu dấm nóng vào thân mình, không bao lâu thì chết.
Kỳ Cư Triệu là người trông coi miếu ở Kiến Khương. Khi ông bị bệnh, có người bảo uống máu nai sẽ khỏi bệnh. Triệu bèn mua ba, bốn con nai, buộc chúng vào gốc cây, dùng ống sắt đâm vào thịt để lấy máu. Mỗi ngày, những con nai phải chịu đau đớn khôn cùng. Về sau, ông bị nổi mụt nhọt đầy mình, phải dùng ống trúc rót nước nóng vào. Trải qua hai tháng rồi chết.
Ở vùng Lâm Xuyên Đông Dư, có người vào núi bắt được vượn con đem về nhà. Vượn mẹ bèn tìm đến nhà ấy. Người kia buộc vượn con trên cây để cho vượn mẹ thấy. Vượn mẹ tay bụm hai má hướng về người kia buồn khóc cầu xin. Nhưng rốt cuộc, người kia chẳng những không thả mà còn giết chết vượn con. Vượn mẹ bi thảm kêu gào rồi chết. Người kia mổ bụng vượn mẹ thì thấy ruột đứt từng đoạn. Không bao lâu, cả nhà ấy đều bị bệnh dịch mà chết.
Trên đường qua nước Tề, Tùy Hầu thấy một con rắn bị kẹt trên hốc đá, trên đầu bị chảy máu. Ông bèn dùng cây khều nó ra, rồi đem thả xuống nước. Về sau ông đi qua chỗ của rắn, con rắn ngậm một viên ngọc hướng đến ông. Tùy Hầu không dám lấy. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy đạp trúng một con rắn, giật mình thức giấc bèn được hai viên ngọc.
Đời nhà Lương, Lưu Chi Hưởng làm quan ở Nam Quận, thường mộng thấy hai người họ Lý đến xin cứu mạng. Chi Hưởng không hiểu ý. Sáng hôm sau, ông thấy còn sót hai con cá chép chưa làm thịt. Chi Hưởng nghĩ rằng, đây là việc cảm ứng trong mộng nên liền thả chúng. Đêm ấy, ông chiêm bao thấy hai người đến tạ ơn, nói rằng: “Chúng tôi sẽ giúp ông tăng tuổi thọ thêm mười hai năm nữa!”.
Niên hiệu Hàm Thông đời Đường, ở vùng quê tại Nhạc Châu, có người nọ thấy ao hồ khô cạn bèn bắt rất nhiều cá, rùa… làm thịt chở đến Giang Lăng để bán và thu được rất nhiều tiền, bèn mua vải vóc, vàng bạc rồi trở về nhà. Sau đó, bỗng nhiên toàn thân nổi nhọt đau đớn vô cùng. Ông phải nhảy xuống nước, hình dáng dần dần trở nên giống con rùa. Trải qua một năm, da thịt hư rữa mà chết.
Năm thứ tám niên hiệu Thiên Bảo (749) đời Đường, ở Đương Đồ có người chuyên làm nghề bắt lươn, cá. Mùa Thu năm ấy, ông bắt được ba con lươn. Con ông đem chặt đầu lột da, định đem nấu canh. Lúc quay lại nhìn, lươn đều biến thành rắn bò đi. Đứa con bỗng nhiên sinh bệnh, hôm sau thì qua đời. Cả nhà bảy người lần lượt chết hết.
Người ở Tú Châu thích ăn khô cá trạch. Vùng đó có Trần Ngũ bán khô rất ngon, mọi người tranh nhau đến mua. Về sau ông bị bệnh, chỉ lẩn quẩn trên giường, đau đớn mười ngày, toàn thân lở loét. Vợ ông bảo: “Thường ngày cách làm khô cá trạch của ông rất tàn ác, nay bệnh ông giống như lúc cá trạch bị chết”.
Thời Đường, có ông Quý Chiêm mỗi ngày luôn tìm cầu những thức ăn ngon. Mỗi khi ông muốn ăn ba ba, thường buộc chân nó phơi giữa nắng trưa. Khi con ba ba khát thì cho uống rượu, rồi đem đi nấu. Một hôm, ông vừa mới kéo đầu ba ba, bỗng nhiên mất sức ngã lăn xuống đất, kêu lên: “Đám ba ba đòi tôi mau chóng đền mạng!”, sau đó rồi chết. Giây lát người đầu bếp trong nhà ông cũng chết theo.
Mẹ của thầy thuốc Sa Trợ Giáo rất thích ăn cua nên sát sinh vô số. Năm thứ 17 niên hiệu Thiệu Hưng (1147) thời Bắc Tống, bà qua đời. Có đứa cháu mười tuổi, chợt thấy một bà lão toàn thân chảy máu, phá cửa rào đi vào, nói rằng: “Do trước kia bà ăn cua quá nhiều nên chịu quả báo bị đánh đuổi vào ngọn núi cua. Cháu nên vì ta ấn tống quyển Sinh Thần Chương rồi đốt”. Nói xong thì biến mất.
Niên hiệu Kiến Nghiệp đời Tống, có một người đàn bà hành khất bị nổi một cục thịt trên lưng, lớn như cái chén, bên trong có một vật giống ổ tằm. Khi đi cục thịt ấy phát ra tiếng, vô cùng đau đớn. Một hôm, lúc đi xin ăn ngoài chợ, bà ấy tự nói rằng: “Suốt đời tôi thích nhất là nuôi tằm nên cùng với chị em dâu chia nhau mà nuôi. Bởi tôi trộm lấy một túi kén đem đi đốt. Một lát sau trên lưng nổi mụt, dần dần trở thành cục thịt như bây giờ”. Mấy năm sau, cục thịt vỡ ra, bà qua đời.
Đời Đường, Lục Hiếu Chánh ở Ung Châu, làm quan Phủ Tá ở Thấp Châu, tánh tình nóng nảy hay giết hại. Trước kia, trong phủ có một tổ ong, chúng bay lượn tụ tập ở trên cây phía Nam. Hiếu Chánh sai người dời đi nơi khác, nhưng đàn ong vẫn không chịu đi. Hiếu Chánh bèn bảo người đem nước sôi tạt cho chúng chết. Năm sau, bỗng có một con ong chích nọc độc vào lưỡi Hiếu Chánh. Lưỡi xưng đỏ lên bít cả miệng rồi chết.
Luật sư Tu Chuẩn ở chùa Đại Từ thuộc Quận Thục, tánh tình rất nóng nảy. Trước sân chùa trồng trúc, thường có nhiều kiến bò theo lan can. Sư tức giận đốt hết trúc, bỏ kiến vào trong lửa đỏ. Về sau, bỗng nhiên trên mặt và khắp thân Sư nổi u nhọt. Sư đi chữa bệnh, thầy thuốc bảo: “U nhọt này không thể chữa được”, cuối cùng Sư qua đời.
Pháp sư Tú Vinh ở chùa Kim Hoa tại Quận Thục. Vốn trong chùa có nhiều củi tùng bách, nên thường sinh ra vô số sâu róm. Sư tức giận, bảo người quét dọn, đem củi chất ngoài nắng. Trải qua hơn một tháng, chúng đều chết hết. Một hôm, bỗng có muôn ngàn sâu róm đến cắn Sư rồi bỏ đi.
Vua Đường Văn Tông thích ăn sò. Một hôm, có một con sò tách không ra. Nhà vua tự mình tách nó để ăn thì thấy bên trong có một tượng Quán Âm. Nhà vua kinh sợ, đem việc này hỏi Thiền sư Duy Chánh. Thiền sư trả lời: “Đó chính là làm phát khởi lòng tin của Bệ hạ thôi!”. Trong kinh có nói: “Người đáng dùng thân Phật, Bồ-tát để độ thì liền hiện thân Bồ-tát, nói pháp cho họ nghe”. Nhà vua nói: “Thân Bồ-tát đã thấy rồi, nhưng chưa nghe nói pháp”. Thiền sư Duy Chánh bảo: “Bệ hạ tin chăng?”. Nhà vua đáp: “Đâu dám không tin”. Sư nói: “Đã vì bệ hạ nói pháp rồi!”. Nhà vua vô cùng vui vẻ, bèn không ăn sò nữa. Sau đó, ban chiếu chỉ bảo khắp thiên hạ tạc tượng Quán Âm tôn thờ.
Trích: Tịnh Từ Yếu Ngữ – Sát sinh bị ác báo, phóng sinh được thiện báo!