Trẻ con khi vừa khôn lớn, phải dạy cho chúng biết đạo lý hiếu, nghĩa, trung, tín, lễ, liêm, sỉ, và nhân quả ba đời, sáu nẻo luân hồi.
Trẻ con khi vừa khôn lớn, phải dạy cho chúng biết đạo lý hiếu, nghĩa, trung, tín, lễ, liêm, sỉ, và nhân quả ba đời, sáu nẻo luân hồi. Như thế là làm cho chúng hiểu tâm của mình cùng tâm chư Phật, Bồ Tát, trời đất, quỷ thần, mỗi mỗi hơi thở đều thông nhau.
Nếu khởi một niệm bất chánh, làm một việc không phải, thì các vị ấy thảy đều biết, như đối trước gương sáng, hình ảnh tốt xấu đều hiện ra rõ ràng, không che giấu được. Đã hiểu như thế, tất nhiên chúng sẽ sợ hãi, gắng sức làm lành.
Chẳng luận người nào, dù là con cái, tôi tớ trong nhà cũng không nên đánh đập, mắng chửi thô tháo. Phải tìm cách khuyến hoá, khiến cho chúng biết phụng thờ bậc trên, nhường thuận kẻ dưới, kính trọng giấy chữ, chẳng xài phá cơm gạo, quần áo, của tiền, yêu tiếc sanh mạng loài trùng kiến, không ăn vặt vạnh để khỏi mang bệnh. Nếu dạy như thế, thì một ngày kia chúng quyết định sẽ trở thành người lương thiện.
Trái lại, lúc con cái còn thơ ấu, cha mẹ chẳng chịu dạy dỗ, để mặc cho chúng buông lung. Khi lớn lên, nếu chúng nó không trở thành kẻ dung ngu, cũng là hàng phỉ loại. Chừng ấy, dù có ăn năn cũng vô ích.
Người xưa nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, tính tình phần lớn là do ảnh hưởng của tập quán, cho nên phải cẩn thận từ bước đầu tiên.
Cá nhân mỗi người là một phần tử của xã hội. Trong thiên hạ bình yên hay loạn lạc, cội nguồi đều do sự hiền lương hay bạo ác của con người. Vậy những đều trên đây quan hệ thiết yếu, không phải tôi bàn luận chuyện vô ích, xa vời.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích từ sách Một bức thư phúc đáp khắp nơi do Ấn Quang đại sư soạn.