Lý Nguyên liền biết nó chính là thân đời sau của Viên Trạch, liền bước đến thăm hỏi: “Ngài Viên Trạch mạnh giỏi hay chăng?”
Trong niên hiệu Đại Lịch (766-779) đời Đường Đại Tông, có một ẩn sĩ tên là Lý Nguyên, biến nhà thành chùa Huệ Lâm, thỉnh thiền sư Viên Trạch làm Trụ Trì. Về sau, Lý Nguyên muốn đi Tứ Xuyên triều bái núi Nga My; do vậy, bèn ước hẹn Viên Trạch cùng đi.
Viên Trạch muốn theo đường Trường An đi qua Tà Cốc, đi theo đường bộ; Lý Nguyên muốn từ Kinh Châu vào Giáp Sơn, đi theo đường thủy. Hai người ý kiến bất đồng đều là vì có nguyên do.
Lý Nguyên không biết chuyện của Viên Trạch, nhưng Viên Trạch hiểu rõ tâm của Lý Nguyên: Sợ đến Trường An rất có thể bị người ta ngờ vực ông ta muốn làm quan, nên Sư đi theo đường Kinh Châu.
Một ngày nọ thuyền bơi đến vùng Nam Phố, do nước sông chảy xiết nguy hiểm, trời chưa tối đã cắm thuyền. Lúc ấy, có một người đàn bà mặc áo chẽn bằng gấm, đội vò đi lấy nước.
Viên Trạch vừa trông thấy bà ta, liền gục đầu, hai mắt ứa lệ. Lý Nguyên hỏi han: “Từ Kinh Châu đến đây, phụ nữ giống như thế này chẳng biết là bao nhiêu, vì sao thầy lại nẩy sanh bi cảm như thế?”
Viên Trạch nói: “Ta chẳng muốn đi theo đường này tới đây chính là vì sợ gặp phải bà này. Do bà ta mang thai đã ba năm vẫn chưa sanh nở vì đợi ta đến đầu thai. Nay đã thấy rồi, không còn cách nào để trốn tránh được nữa. Xin ông ở lại mấy ngày, giúp cho tôi mau sanh và chôn tôi trong hang núi. Ba ngày sau xin đến gặp tôi. Trước mặt ông, tôi sẽ cười một tiếng để làm tin. Mười hai năm sau, đêm Rằm Trung Thu, đến ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu gặp tôi”.
Nói xong bèn thay áo, tắm gội, ngồi qua đời. Lý Nguyên có hối hận cũng không kịp, chỉ đành mai táng Viên Trạch. Ba ngày sau, đến nhà nọ để xem, quả nhiên, người đàn bà sanh được một đứa con trai. Nhân đó, đem chuyện ấy kể cặn kẽ với người ta, xin gặp mặt đứa bé, quả nhiên nó cười một tiếng làm tin. Do vậy, Lý Nguyên không còn muốn đến Tứ Xuyên nữa, quay về Lạc Kinh (Lạc Dương), về tới chùa Huệ Lâm, mới biết trước lúc Viên Trạch lên đường đã dặn dò hậu sự cặn kẽ; vì thế, càng thêm biết Ngài chẳng phải là người tầm thường!
Mười hai năm sau, Lý Nguyên theo đúng ước hẹn đến Hàng Châu, tới đêm Rằm Trung Thu, đợi ở ngoài chùa Thiên Trúc. Quả nhiên, ánh trăng vừa rọi, chợt nghe bên bờ giếng Cát Hồng có đứa bé chăn trâu cỡi trâu, ca lên:
Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn,
Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân,
Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng,
Thử thân tuy dị, tánh thường tồn.
(Trên đá ba sinh, vẫn nguyên hồn
Ngâm gió, thưởng trăng lọ phải bàn
Thẹn thấy người xưa tìm đến gặp
Thân này tuy khác, tánh thường còn).
Lý Nguyên liền biết nó chính là thân đời sau của Viên Trạch, liền bước đến thăm hỏi: “Ngài Viên Trạch mạnh giỏi hay chăng?” Đứa bé chăn trâu đáp: “Ông Lý quả thật là người đáng tin tưởng!” Nói chuyện sơ sài mấy câu xong, lại xướng rằng:
Thân tiền thân hậu sự mang mang,
Dục thoại nhân duyên khủng đoạn trường.
Ngô Việt giang sơn du dĩ biến,
Khước hồi yên trạo, thượng Cù Đường.
(Thân trước, thân sau sự vấn vương
Bàn chuyện nhân duyên luống đoạn trường
Ngô, Việt giang sơn chơi khắp cả,
Gác chèo mây khói, vượt Cù Đường)
Rồi cưỡi trâu đi mất. Như vậy, thấy được rằng: Viên Trạch có bản lãnh biết chuyện quá khứ, vị lai và “ngồi mất, đứng thác”, nhưng vẫn chưa thể liễu thoát sanh tử, trốn tránh bào thai; huống gì bọn phàm phu đầy dẫy triền phược chúng ta, một chút bản lãnh cũng không có ư? Nếu chẳng niệm Phật cầu sanh Tây Phương mà muốn liễu sanh tử thì có nằm mộng cũng mộng chẳng được!
Trích Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang
Lời bàn của lão pháp sư Tịnh Không: Thiền sư Viên Trạch có năng lực như thế, mà chẳng thể vượt thoát lục đạo luân hồi, chẳng tránh khỏi phải chịu khổ trong tam giới. Dẫu công phu cao minh hơn, bất quá cũng sanh vào trời Tứ Thiền hưởng phước mà thôi!
Muốn thoát tam giới liễu sanh tử, chẳng dễ dàng! Ấn Quang đại sư khích lệ chúng ta nhất định phải phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Chẳng cầu sanh Tịnh Độ, dẫu tu giống như thiền sư Viên Trạch, vẫn phải luân hồi, đó là nhân duyên quả báo. Chúng ta phải hiểu rõ điều này, phải thật sự giác ngộ, phải phát tâm.
Nguồn: Ngọc Tử