Phật xuất hiện ở thế gian này chính là muốn nói cho chúng ta nghe sự việc này, đó mới là chân tướng sự thật. Chân thật có thể “điều chúng sanh”.
Vì sao Phật xuất hiện ở thế gian này? Phía trước đã nói qua, Ngài vì để giáo hóa chúng sanh mà đến. Tám tướng thành đạo, tướng thứ bảy là “chuyển pháp luân tướng”, chính vì sự việc này mà đến. Sự việc này dùng lời hiện tại mà nói là từ nơi công việc giáo dục xã hội, mà đối tượng giáo dục là tất cả chúng sanh sáu cõi, thiết thực vì cảnh giới của chúng ta mà nói, mở rộng hơn nữa là chúng sanh chín pháp giới là đối tượng giáo hóa của Phật Đà.
Trong đoạn này nói với chúng ta, nguyên tắc giáo học của Ngài là “điều chúng sanh, tuyên diệu lý”. “Chúng sanh” ở nơi đây chính là tất cả chúng sanh hữu tình. Chúng sanh hữu tình, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói chính là thuộc về động vật, có cảm tình là động vật. Chữ “điều” này là chữ then chốt. Chúng sanh thân tâm không thể điều hòa. Thân không điều, cái gọi là bốn đại không hòa, thì trên sinh lý bạn liền có đau bệnh. Trên tâm lý nếu như không hòa, bạn liền có ưu tư phiền não. Cho nên nguyên tắc giáo học của Phật là giúp cho chúng sanh làm thế nào điều tâm, làm thế nào điều thân. Tiêu chuẩn của điều là pháp tắc tự nhiên. Nếu như chúng ta có thể thuận theo pháp tắc tự nhiên thì thân tâm liền khỏe mạnh. Pháp tắc của tự nhiên ở trong Kinh Phật gọi là pháp tánh, Phật tánh. Tương ưng với thể tánh, đó gọi là điều thuận. Nếu như trái với thể tánh thì phiền phức liền đến. Tất cả chúng sanh mê mất đi tự tánh, chúng ta dùng lời hiện tại mà nói, chính là không hiểu được pháp tắc của tự nhiên. Thân tâm, cái tâm này chính là tư tưởng kiến giải của bạn hoàn toàn trái với pháp tắc của tự nhiên, cho nên chiêu cảm đến tất cả khổ nạn, chiêu đến tất cả những việc không vừa ý, đạo lý chính ngay chỗ này. Pháp tắc tự nhiên là gì? Trên Kinh luận Phật nói rất nhiều, nói ra mọi người đều biết, thế nhưng thân tâm của bạn vẫn cứ trái ngược với pháp tắc này, cho nên bạn không có được thọ dụng của Phật pháp. Nếu như bạn nghe rồi, hiểu được rồi, bạn có thể tương ưng với pháp tắc này thì bạn liền được đại tự tại, bạn liền có được thọ dụng chân thật, hạnh phúc viên mãn chân thật.
Pháp tắc này nói với chúng ta là “tướng có, thể không”, nhà Phật nói “tướng có, tánh không”. Tánh chính là thể. Tướng có, có nhưng không phải thật có. Trên “Kinh Bát Nhã” nói rất hay (“Bát Nhã Tâm Kinh” mọi người ngày ngày đều đọc), “có” gọi là diệu hữu, “không” gọi là chân không, “diệu hữu phi hữu, chân không bất không”, cho nên trước chữ “không” thêm một chữ “chân”. Chân không là nói tâm tánh của chúng ta. Tâm tánh là chân không, tâm tánh biến hiện ra tướng, những cái tướng này gọi là diệu hữu. Sum la vạn tượng, bao gồm chính thân thể của chúng ta, bao gồm tất cả vạn tượng, cái vạn tượng này không phải là thật. Trên Kinh Kim Cang nói với chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hư vọng không thể nói là “không có tướng”, tướng có nhưng tướng là hư vọng. Vì sao nói là hư vọng? Tướng không thể vĩnh hằng tồn tại, không chỉ là tướng của mười pháp giới không thể tồn tại vĩnh hằng, mà tướng của Pháp Giới Nhất Chân cũng không thể tồn tại. Thế nhưng chúng ta thấy những hiện tượng này vẫn tồn tại một khoảng thời gian, cái tướng này là tướng tiếp nối tướng, như vậy mới hiểu rõ chân tướng sự thật. Nếu như hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta sẽ không phân biệt đối với tướng, sẽ không chấp trước. Vì sao vậy? Vì nó là giả, là mộng huyễn bào ảnh. Nếu bạn phân biệt nó thì là vọng tưởng; nếu bạn chấp trước nó thì là phiền não. Vọng tưởng, phiền não do đâu mà có? Là tự làm tự chịu. Đây là chân tướng sự thật.
Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt. Thời gian của một khảy móng tay rất ngắn, một khảy móng tay là một phần 60. Trong thời gian ngắn như vậy, cái tướng này có 900 lần sanh diệt. Giống như hiện tại chúng ta xem phim ảnh (dùng phim ảnh để làm thí dụ thì các vị dễ dàng hiểu được), phim ảnh ở trên màn bạc chiếu ra hình ảnh, trong máy chiếu là phim gốc, mọi người đều biết. Trong một giây đầu ống kính của máy đóng mở 24 lần, trong một giây chiếu ra 24 tấm, cái phim gốc đó liên tục tướng tiếp nối tướng, nhưng chúng ta xem thấy thì dường như là thật. Đây là một giây mới có 24 lần đóng mở. Phật liền dùng cách nói này trên Kinh Nhân Vương, cái khảy móng tay của người khỏe mạnh, thân thể của đại lực sĩ rất là khỏe mạnh, dũng mãnh nên khảy được rất nhanh, một giây có thể khảy được bốn lần. Bốn nhân cho 60, rồi lại nhân tiếp cho 900, thì một giây bao nhiêu tấm ảnh, có bao nhiêu tấm phim gốc? Hai lần 180 ngàn tấm. Đó là hiện tượng mà hiện tại chúng ta thấy được. Trên màn bạc một giây 24 tấm thì đã có thể lừa được bạn rồi, bạn liền cho rằng đó là thật, nếu như một giây là hai lần 180 ngàn tấm thì bạn làm sao biết được nó là giả?
Trên “Kinh Nhân Vương” nói với các vị là Thế Tôn phương tiện nói, các vị tỉ mỉ mà tư duy, sau đó mới hiểu được lời Phật nói: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh, như sương cũng như chớp”, chúng ta mới chân thật có mấy phần thể hội. Trong “Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Định” nói được rõ ràng hơn, một sát na không chỉ 900 lần sanh diệt, chúng ta ở trong Kinh Nhân Vương thấy được việc này là Thích Ca Mâu Ni Phật phương tiện nói, không phải nói chân thật. Nói chân thật thì tốc độ này còn nhanh hơn so với đây không biết là gấp bao nhiêu lần. Đây là nói rõ chân tướng sự thật của vũ trụ hiện tượng “sát na sanh diệt”, cho nên Phật cũng gọi hiện tượng này là “bất sanh bất diệt”. Vậy thì các vị phải nên biết, nếu quả nhiên bất sanh bất diệt mà nói một cái bất sanh bất diệt thì chẳng phải là lời thừa hay sao? Câu nói này của Phật là nói tất cả sanh diệt của pháp tướng. Có sanh diệt, nhưng vì sao Phật lại nói bất sanh bất diệt? Vì tốc độ sanh diệt của nó quá nhanh, sanh diệt gần như là đồng thời, cho nên gọi bất sanh bất diệt. Đó là ý nghĩa Phật nói pháp. Chúng ta nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa. Hiểu rõ chân tướng sự thật, các vị nghĩ xem làm gì có pháp tướng tồn tại? Mười pháp giới Y Chánh Trang Nghiêm, bao gồm sáu cõi ba đường, căn bản là không thể tồn tại, chân thật là mộng huyễn bào ảnh. Căn bản là không thể tồn tại, nhưng tất cả chúng sanh mê ở ngay trong cảnh giới này, cho rằng cảnh giới này là thật có, ở ngay trong cảnh giới này mà khởi lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước (sự việc này thì phiền phức), thế là đem hiện tượng sát na sanh diệt chuyển biến. Cái tướng đó là sát na sanh diệt, sát na chuyển biến. Dùng sức mạnh gì đem hiện tượng này chuyển biến? Ý niệm, chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cho nên, ý niệm của bạn thiện thì chuyển biến thành cảnh giới thiện, ý niệm ác thì chuyển biến thành cảnh giới ác. Do đây có thể biết, thiên đường là do ý niệm biến ra, địa ngục cũng là do ý niệm biến ra. Hiểu rõ đạo lý này thì liền biết được học vấn trong đạo lý này thật to lớn.
Quan trọng nhất là điều tâm, vì sao vậy? Thân không cần phải lo, thân là tùy tâm, tùy ý niệm mà biến hiện. Chúng ta phải chú trọng điều năng biến. Sở biến thì không quan trọng, năng biến tương ưng với pháp tắc tự nhiên, còn sở biến thì thuận lý thành chương, liền biến thành Thế giới Cực Lạc, liền biến thành Thế giới Hoa Tạng, biến thành khu vườn tốt đẹp thế gian, người người sinh hoạt đều hạnh phúc tràn đầy, vậy thì quá tốt. Có thể làm được hay không? Có thể! Khẳng định được, vấn đề là bạn phải hiểu được đạo lý ở trong đó, hiểu được cảnh giới có diễn biến thế nào. Cho nên Phật dạy chúng ta, thực tế ra mà nói, là đem Thế giới Hoa Tạng, đem Thế giới Cực Lạc phổ cập đến tất cả thế gian, khiến cho tất cả thế gian đều biến thành Thế giới Cực Lạc, đều biến thành Thế giới Hoa Tạng. Cách biến thế nào vậy? Trước phải điều tâm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc vì sao tốt đẹp đến như vậy? Lòng người ở nơi đó tốt, trên Kinh nói “các bậc thượng nhân cùng ở một nơi”. Nếu như con người thế gian ngày nay mỗi mỗi đều là thượng thiện, thì hoàn cảnh y báo của chúng ta ngày nay nhất định giống y như Thế giới Cực Lạc. Đạo lý chính là như vậy. Thế giới Hoa Tạng vì sao tốt đẹp đến như vậy? Mỗi một người trong Thế giới Hoa Tạng kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn luôn, vô minh cũng phá được mấy phẩm, cho nên thế giới đó tốt đẹp. Thế giới ngày nay của chúng ta vì sao mà không tốt? Tư tưởng kiến giải, lời nói tạo tác của tất cả chúng sanh hoàn toàn trái ngược với pháp tắc tự nhiên, trong lòng nghĩ ra trái với pháp tắc tự nhiên, nên gọi là tà tri tà kiến; nói và làm ra đều trái ngược với pháp tắc này, tạo mười ác nghiệp. Việc này trên “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” đã nói là “chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội”. Tội nghiệp biến ra cảnh giới gì? Biến ra hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta, đặc biệt là trong một hai năm gần đây, thiên tai nhân họa đến đâu cũng có. Có một số đồng tu đến hỏi tôi là có thể tránh khỏi hay không? Tôi nói với mọi người không cách gì tránh khỏi. Các vị nếu muốn di dân, nếu muốn tìm một khu vực trên thế giới không bị tai nạn, xin nói với các vị, không hề có. Nếu bạn đi tìm, bạn đến các nơi trên thế giới tham quan du lịch một lần, có nơi nào mà con người không có tham-sân-si thì nơi đó chính là đất phước. Bạn đi xem thử, tìm thử xem, có nơi nào mà con người không có tham-sân-si không? Có nơi nào mà con người không tạo ác nghiệp không? Bạn có thể tìm được nơi này thì tốt. Hiện tại chúng ta đều biết, trên địa cầu không hề có, không thể tìm ra. Thế nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc có, vì vậy người niệm Phật, người học Phật là người sáng suốt, tai nạn đến rồi có sợ hay không? Không sợ. Tai nạn đến rồi có thể tránh được hay không? Nhất định có thể tránh khỏi. Tránh khỏi không phải nói cái thân thể này của chúng ta không bị nạn, thân gặp nạn hay không gặp nạn không hề gì, thân ở thế gian này không thể thường trụ, vì có sanh-lão-bệnh-tử thì làm gì có thể thường trụ? Việc này chúng ta phải triệt để giác ngộ. Tai nạn đến rồi thì làm sao? Rất bình thường, không một chút lạ kỳ nào, nghiệp nhân quả báo trong đây, ngõ ngách, ngọn nguồn rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, bạn còn gì mà khẩn trương chứ? Cho nên ở trong cảnh giới này, đại nạn đến đầu không khiếp không sợ, tâm là định, tâm là thanh tịnh, không luận tai nạn như thế nào cũng đều có thể tiếp nhận, không hề có vấn đề gì. Thân thể bị huỷ diệt ở trong tai nạn, nhưng tinh thần của bạn, trong Phật pháp gọi là “thần thức”, trong thế pháp gọi là linh hồn, sẽ đi tìm một thân thể khác, đó không phải là chết. Thân thể của chúng ta có sanh diệt, trong sanh diệt vẫn có một cái “Ta” không sanh diệt. Ta không sanh diệt, nhưng cái thân này của ta có sanh diệt. Thân không phải là ta. Nếu như chúng ta nhận biết thần thức, linh hồn là ta, thân không phải là ta thì bạn đã nâng cao cảnh giới của chính mình lên rồi. Thân không phải là ta, thân là sở hữu của ta. Cũng giống như chúng ta mặc quần áo vậy, quần áo là sở hữu của ta, khi quần áo mặc cũ rồi, rách rồi, bạn sẽ bỏ đi đổi một bộ mới khác, thân này hoại rồi thì đem nó bỏ đi, lại đổi một cái thân khác. Cho nên bạn chân thật có được chút công phu, công phu này không phải rất cao, bạn liền sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại là xả thân thọ thân cũng giống như lột bỏ quần áo, thay bộ quần áo khác, tự tại như vậy. Người thế gian không biết được sự việc này. Thay quần áo mà cảm thấy rất khổ là ai vậy? Trẻ con. Trẻ con mặc một bộ quần áo, bảo nó đổi một bộ khác thì cảm thấy thật là khổ sở, chạy đông chạy tây, nó không cam tâm, không tình nguyện, cảm thấy việc đó như cực hình. Người lớn thì không như vậy, quần áo dơ rồi phải giặt, kiểu dáng không thích hợp thì đổi một kiểu dáng mới, họ rất an vui xả thân thọ thân. Học Phật công phu đến rồi thì đối với sanh tử xem như thay bộ quần áo vậy, một chút đau khổ cũng không có, một chút khẩn trương cũng không có, một chút khiếp sợ cũng không có. Người như vậy xả thân thọ thân, thành thật mà nói, khi đổi một thân khác quyết định phải tốt đẹp hơn nhiều so với cái thân thể này. Đó là thiện báo. Nếu như khi xả thân mà cảm thấy hoang mang, khiếp sợ, sợ hãi, thì khi bạn đổi một thân khác sẽ xấu đi, đổi ra cái thân gì vậy? Đổi cái thân súc sanh, đổi cái thân ngạ quỷ, vậy thì rất khó có thể quay lại. Cũng giống như thay đổi quần áo vậy, càng đổi quần áo càng rách nát, càng khó coi hơn, vậy thì bạn hỏng rồi. Học Phật có thể có được chút thọ dụng này thì rất cừ khôi rồi. Đây là thọ dụng nhỏ ở trong Phật pháp thôi, không phải thọ dụng lớn, vì sao vậy? Bạn nhận biết thần thức là “Ta”.
Thần thức vẫn không phải là ta. Chân thật là ta là gì vậy? Chân thật là ta chính là pháp tánh, trong Thiền tông gọi là “minh tâm kiến tánh” (kiến tánh là thấy được chân ngã), Tông môn gọi là “mặt mũi trước khi cha mẹ chưa sanh ra”. Chúng ta nhận định thần thức là ta, xin nói với các vị, nếu chúng ta không nhận cái thân này là ta thì chúng ta có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, nếu ở trong sáu cõi mà không rời khỏi sáu cõi luân hồi, thì bạn quyết định được hưởng phước trời, bạn sanh lên trên cõi trời; còn nếu cao minh hơn thì siêu việt sáu cõi, có thể nâng cao lên pháp giới của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Pháp giới bốn thánh trong mười pháp giới là không gian sinh hoạt của bạn, đó là nơi đến của bạn, thù thắng hơn nhiều so với sáu cõi. Nếu như bạn biết thần thức vẫn không phải là ta, vẫn là giả không phải là thật, tự tánh mới là ta, thì công đức của bạn liền viên mãn, bạn liền siêu việt mười pháp giới, đi đến Thế giới Hoa Tạng thân cận Tỳ Lô Giá Na Phật, làm bạn, làm người một nhà với bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ, hoặc giả là vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn siêu việt mười pháp giới. Đó là chân tướng sự thật. Phật xuất hiện ở thế gian này chính là muốn nói cho chúng ta nghe sự việc này, đó mới là chân tướng sự thật. Chân thật có thể “điều chúng sanh”.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 35
Tâm Hướng Phật/St!