Chúng ta phải y theo giáo huấn của Phật, y theo cách nói của Phật mà khế nhập cảnh giới, khai phát chánh trí.
Phật pháp là viên dung, không phải là Thích Ca Mâu Ni Phật giảng nói viên dung mà chân tướng sự thật là viên dung. Chư Phật Bồ-tát đã đích thân lĩnh hội chân tướng sự thật, trong kinh Bát Nhã đã nói “chư pháp thực tướng”. Thực tướng rốt cuộc là gì? Phật ở trong hết thảy kinh luận đã nói qua rất nhiều, rất rõ ràng, rất tường tận rồi. Chúng ta phải y theo giáo huấn của Phật, y theo cách nói của Phật mà khế nhập cảnh giới, khai phát chánh trí. Thật sự chân tướng sự thật là viên dung như vậy, viên mãn đến như vậy, trong các buổi giảng chúng tôi cũng thường nói: hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới là cùng một sinh mạng, là cùng một thể. Bạn có thể thể hội được chân tướng sự thật này thì trí huệ của bạn viên mãn, đức năng viên mãn, phiền não tự nhiên không còn nữa. Tất cả phiền não là từ trong sự hiểu lầm mà sản sinh ra, không hiểu được chân tướng sự thật, tự mình cho là đúng, đây mới là sanh phiền não. Hiểu được chân tướng sự thật thì chỉ sanh trí huệ, không sanh phiền não nữa. Cho nên các vị phải hiểu phiền não đều là từ tự tư tự lợi, từ ngã chấp mà sinh ra. Hiểu được chân tướng sự thật, hư không pháp giới là chính mình, hết thảy chúng sanh là chính mình thì ý niệm tự tư tự lợi sẽ không còn nữa, không cần đoạn mà tự nhiên liền không còn nữa, những thứ này không phải là thật. Thế nên, chúng ta sâu sắc có thể thể hội được, không phải là do Phật phát hiện, cũng không phải do Phật phát minh, không phải cách nói của Phật mà mỗi câu Phật nói đều là chân tướng sự thật.
Kinh Kim Cang nói không sai: “Như Lai thị chân ngữ giả”, chân ngữ thì nhất định không nói lời giả; “thực ngữ giả”, thực tức không hư, nhất định không phải là đàm huyền thuyết diệu; “như ngữ giả” là những gì nói ra đều là sự thật, không thêm không bớt, sự thật là như thế nào thì nói như thế ấy, không thêm một chút mà cũng không giảm đi một chút, đây là “như ngữ”; “bất cuống ngữ giả”, càng không cần phải nói, Phật nhất định không nói lời vọng ngữ. Chư Phật Như Lai đều là như vậy, câu câu là chân thật, nói lời đại chân thật. Chỗ thù thắng nhất mà Phật dạy bảo chúng ta là không phải hễ Phật nói ra thì chúng ta phải tin đó là thật, vậy thì quá miễn cưỡng, mà sau khi Phật nói thì Ngài bảo chúng ta phải đi làm, bảo chúng ta đi thể hội, bảo chúng ta hãy đi chứng thực, đích thân bạn đi chứng minh sự việc này rốt cuộc là thật hay là giả. Nếu bạn có thể chứng thực được rồi, thì bạn thành Phật, Phật Phật đạo đồng, mới hiểu được chân tướng sự thật này thì ra là như vậy, đều là như nhau.
Cho nên, việc đầu tiên của học Phật chính là mở rộng tâm lượng. Các vị thường hay đọc tụng, cũng thường hay nghe thấy trong Phật pháp, đều hiểu được câu “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Phật nói đây là chân tâm, tâm lượng của chúng ta vốn dĩ lớn như vậy. Hiện tại đã mê mất rồi, đã mê mất chân tướng sự thật, cho rằng cái thân này là chính mình, hết thảy vì cái thân này mà tạo nghiệp, biến tâm lượng này thành ra nhỏ như vậy, ngoài thân thể của mình ra thì không thể nào bao dung một người nào khác, vợ chồng còn phải ly hôn, cha con thì bất hòa. Bạn nói xem còn lời gì nữa đây, tâm lượng đã biến thành nhỏ đến như vậy. Vốn dĩ có thể dung nạp cả hư không pháp giới mà hiện tại ngay cả một người cũng không thể bao dung được. Đây chính là tội nghiệp, đây chính là luân hồi tam đồ khổ báo. Nói lời thành thật, chúng ta đã mê quá lâu rồi, thật như trong kinh đã nói, vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã mê mất chính mình. Chính mình là hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới.
Ân đức lớn nhất của Phật đối với hết thảy chúng sanh chính là giáo hóa, đem chân tướng sự thật nói với chúng ta. Chúng ta sau khi nghe xong thì quay đầu, sau khi nghe xong thì giác ngộ, giữa người với người, giữa dân tộc, quốc gia với nhau, làm gì gây khó khăn cho nhau chứ? Vì sao không thể tôn trọng lẫn nhau, kính ái lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau? Mọi người đều được hưởng phước. Còn nếu tranh chấp lẫn nhau, tuyệt không khoan nhượng “chỉ có tôi hưởng phước, còn anh phải nên bị tội”, tâm thái như vậy là đã kết oán thù với hết thảy chúng sanh, oan oan tương báo không bao giờ dứt. Đây là ngu si, ngu si đến cùng cực. Duy chỉ có người học Phật thì hiểu rõ, biết rõ phải mở rộng tâm lượng, phải bao dung hết thảy.
Hồi phục tự tánh thì dung chứa được hết thảy chúng sanh hư không pháp giới. Vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh hư không pháp giới là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tâm của ai? Tâm của chính mình, không phải là ai khác. Cho nên, chân tướng là hư không pháp giới đích thực là một cái thân. Nhà Phật gọi là pháp thân thanh tịnh; một cái tánh, là chân như bổn tánh. Nếu như đối với đại nguyên tắc này, tổng cương lĩnh này không thể khẳng định, không thể nhận biết thì chúng ta tu học Phật pháp cho dù rất nỗ lực, cả đời dũng mãnh tinh tấn thì cái mà bạn đạt được vẫn rất có hạn, vì sao vậy? Vì cái gốc mê của bạn chưa phá trừ được.
Phật ở trong kinh nói rất hay, người mê chỉ có ba loại hiện tượng. Một là hình tướng, chúng ta gọi là hiện tượng, tướng chính là hiện tượng. Loại mê thứ hai là mê chấp vào danh từ, chúng ta nói Phật là một danh từ, Bồ-tát cũng là một danh từ, chúng sanh cũng là một danh từ, bạn, tôi, họ đều là một danh từ, mê ở trên danh tướng. Từ trên danh từ và hiện tượng sản sinh ra vô lượng vô biên vọng tưởng. Vọng tưởng chính là phân biệt, chấp trước. Phật dùng ba câu để nói rõ về chúng sanh chưa kiến tánh, chưa chân thật giác ngộ trong thập pháp giới, cuộc sống các vị là ở trong đó. Người giác ngộ thì không như vậy, duy chỉ có như như, chánh trí. Như như là chân tướng sự thật, chánh trí là hiểu rõ triệt để đối với chân tướng sự thật. Cho nên Tướng Tông nói “ngũ pháp tam tự tánh”, đây là ngũ pháp. Tam pháp trong ngũ pháp là cảnh giới của mê, nhị pháp là cảnh giới của ngộ. Khai ngộ như thế nào đây? Phải chánh trí. Chánh trí từ đâu mà đến? Phải nghe pháp. Không có người trí dạy bảo chúng ta thì chúng ta làm sao khai ngộ, làm sao biết chính mình đã mê rồi? Biết chính mình đã mê thì người này giác ngộ rồi, liền quay đầu. Sợ là sợ chính mình mê mà không biết là mình đang mê, vậy thì không có khả năng giác ngộ. Nếu biết mình mê thì có khả năng giác ngộ.
Khai ngộ mà trong nhà Phật thường nói là tiểu ngộ. Thế nào là tiểu ngộ? Biết chính mình mê hoặc điên đảo. Tích tiểu ngộ thành đại ngộ, tích đại ngộ thì thành đại triệt đại ngộ. Cho nên, phương pháp mà cổ đại đức chỉ dạy cho chúng ta, tốt nhất người sơ học chúng ta chưa có năng lực phá mê khai ngộ thì hãy tuân thủ giáo huấn của Đức Phật. Đại sư Thiện Đạo ở trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ đã dạy cho chúng ta, Ngài nói: những điều mà Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta hãy nỗ lực chăm chỉ mà làm, những điều Phật dạy chúng ta không được làm thì chúng ta nhất định không làm. Hai câu nói này rất hay. Người sơ học như chúng ta, quả nhiên có thể ghi nhớ giáo huấn của hai câu nói này, chăm chỉ y giáo phụng hành, trước tiên y theo Phật, y theo Phật điều gì? Sửa đổi các loại tư tưởng, hành vi sai lầm của chính chúng ta, sau khi tu sửa trở lại thì có thể y theo chính mình, vì sao vậy? Bởi vì tư tưởng, hành vi của chúng ta không còn sai lầm nữa. Không có sai lầm thì đương nhiên có thể dựa vào chính mình, khi vẫn còn có sai lầm thì phải nương tựa người khác. Phật là người từng trải, tư tưởng hành vi của Phật Bồ-tát nhất định không có sai lầm. Đối với lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, mỗi câu mỗi chữ đều quay về tự tánh thì chúng ta mới được thọ dụng. Nếu như không thể quay về tự tánh, y văn mà giải nghĩa, vậy thì bạn đã hiểu sai ý nghĩa trong đó rồi. Từ xưa đến nay, rất nhiều người học Phật hiểu sai ý của Phật, điều này cho thấy người học Phật thì nhiều mà người thành tựu thì ít, nguyên nhân là ở chỗ này. Vì sao những người đó không thể thành tựu? Vì đã hiểu sai ý của Phật.
Vậy chúng ta suy nghĩ, chúng ta phải làm thế nào thì mới chân thật có thể không hiểu sai ý của Phật? Ở trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ-tát đã dạy chúng ta, chúng ta xem kinh nghe giáo, nghĩa là nghe giảng kinh phải “lìa tướng ngôn thuyết”. Xem kinh không chấp trước văn tự, nghe giảng kinh không chấp trước ngôn ngữ, đây chính là lìa tướng văn tự. Đó là điều kiện đầu tiên. Điều kiện thứ hai là “lìa tướng danh tự”. Các vị phải nên hiểu, câu đầu tiên Ngài dạy chúng ta lìa tướng, câu thứ hai thì dạy chúng ta lìa danh, lìa danh ở trong ngũ pháp. Không nên chấp trước tướng danh tự. Danh tự là công cụ, chấp trước thì sai rồi. Phật nói với bạn có Phật có Bồ-tát, bạn chấp trước thật sự có Phật, thật sự có Bồ-tát thì sai rồi, bạn chấp trước không có Phật, không có Bồ-tát cũng sai, nếu không chấp trước thì tâm của bạn mới thanh tịnh. Thứ ba là “lìa tướng tâm duyên”. Thế nào gọi là tâm duyên? Bạn suy đoán, “tôi nghe đại khái là cái ý này” thì bạn suy đoán sai rồi. Thế nên, sau khi nghe Phật pháp thì có thể nghiên cứu hay không? Không thể nghiên cứu, hễ nghiên cứu thì sai rồi, vì sao vậy? Bạn đã rơi vào trong ý thức. Ý thức là vọng tưởng, phân biệt. Bạn dùng vọng tưởng, phân biệt để phân biệt cảnh giới của Phật thì toàn bộ đều sai rồi.
Cho nên, quả nhiên có thể lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, lìa tướng tâm duyên, thì bạn nhất định sẽ không hiểu sai đi ý nghĩa của Phật. Bạn phải biết nghe. Hầu hết thính chúng chúng ta đều chấp trước ba loại tướng này. Nếu chấp trước ba loại tướng này thì sau khi nghe xong sẽ có tranh luận. Không chấp trước ba loại tướng này thì tự nhiên sẽ không có tranh luận. Phật Bồ-tát thuyết pháp không chấp tướng, gọi là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Bạn nghe kinh mà cũng không chấp trước ba loại tướng này, chính là “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” thì sẽ khai trí huệ. Đoạn mở đầu Khởi Tín Luận đã đem phương pháp này dạy cho chúng ta, chúng ta phải biết học. Tóm lại mà nói, nhất định phải đoạn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 61
Tâm Hướng Phật/St!