Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Bạn có con dao trong tâm không? Hãy lắng nghe lời Phật dạy

Tâm thiện hay bất thiện đều do hoàn cảnh và môi trường sống của chúng ta huân tập thành. Trong mỗi người ai cũng hiện hữu con dao trong tâm, thế nên để cải tạo tâm, bước đầu tiên là ta phải học Phật.

Câu chuyện suy ngẫm

Một thời, ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, Phật đến giáo hóa cho một gia đình có hai vợ chồng đều tham lam độc ác, không biết tôn trọng đạo đức. Ngài liền hóa ra một vị Đạo nhân đến khất thực. Lúc ấy người chồng đi vắng, người vợ ở nhà thấy vị Đạo nhân vào liền mắng chửi ầm lên. Vị Đạo nhân nói:

– Tôi là người tu hành, chỉ xin ăn tự sống. Mong gia chủ cho bát cơm để đỡ đói lòng, sao lại mắng chửi tôi đủ điều như vậy?

– Người vợ tức giận hét ngược lên thì người chồng vừa về. Tay cầm sẵn con dao, chẳng nói gì, người chồng xông tới định chém Đạo sĩ. Bỗng một bức thành pha lê hiện lên, bao bọc Đạo sĩ, bức thành trong sáng kiên cố, không có cửa. Người chồng đến xô đạp đâm chém cũng không sao chuyển nổi.

Người chồng liền nói: – Ông mở cửa cho tôi vào với!

Vị Đạo sĩ trả lời: – Được! Nhưng ông hãy quăng con dao đi!

Người chồng tự nghĩ: “Mình to con như thế này, còn người Đạo sĩ nhỏ bé thế kia, mình dùng hai tay không cũng đủ giết chết vị Đạo sĩ”. Nói đoạn, người ấy liền quăng con dao đi xa nhưng bức thành pha lê vẫn y nguyên như cũ. Người chồng tức giận hét lên:

– Tôi đã quăng dao đi rồi, sao không mở cửa cho tôi vào?

Vị Đạo sĩ đáp: – Không, tôi không nói ông quăng con dao trong tay ông, tôi muốn ông quăng con dao trong tâm ông kia!

Người chồng giật mình kinh sợ, nhận thấy vị Đạo sĩ hiểu rõ tâm ý thầm kín của mình, liền cúi xuống lạy tạ, ăn năn hối lỗi. Bức thành bỗng biến mất, vị Đạo sĩ hiện thành đức Phật hào quang chói sáng rực rỡ và tiếp độ cho hai vợ chồng.

Lời bàn: Câu chuyện trên cho chúng ta nhận thấy, mọi tội ác đều do tâm tạo tác, vì tâm là chủ thể. Nếu với tâm thiện thì tất cả mọi hành động và việc làm cũng thiện, nếu với tâm ác thì lời nói và việc làm cũng ác. Tâm thiện hay bất thiện đều do hoàn cảnh và môi trường sống của chúng ta huân tập thành. Để cải tạo tâm, đoạn trừ những phiền não tham sân si, bước đầu tiên là ta phải học Phật.

Ngày nay, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội hưởng thụ vật chất quá nhiều. Vì thế, con người đã bộc lộ ra nhiều sự vẩn đục của tâm hồn, tính tham lam sân hận luôn biểu lộ trong mọi tình huống khi điều đó trái ý với mình hoặc làm cho mình chưa vừa lòng, toại ý. Những phim ảnh, những cách sống phóng túng, những kiểu ăn bận mát mẻ đã tác động vào tâm ý của chúng ta hằng ngày. Bản tánh tự nhiên của chúng ta do đó bị nhiễm ô, không còn trong trắng và thánh thiện như nguyên thủy của chúng.

Khi chúng ta phát tâm tu tập, tức là ta đã trực tiếp lấy sự công phu và hành trì gội rửa những vết nhơ đeo bám trong tâm để tâm được trở lại thanh tịnh và mở mang được trí huệ. Lúc ấy, chúng ta mới bắt đầu mở rộng sự hiểu biết. Khi chúng ta đã có tri thức thì có thể mở rộng tầm quan sát, thấy nghe, học mọi điều mình thích. Lúc này, chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng, đắm nhiễm bởi những môi trường xung quanh vì chúng ta đã có tuệ giác của đạo Phật.

Tu tâm dưỡng tánh theo lời Phật dạy

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

“Hãy tự thắp đuốc, tự mình bước đi.
Thắp sáng trí tuệ, ngọn đuốc chánh pháp. ”

Từ lời dạy đó, có thể hiểu được Đức Phật dạy chúng ta hãy tự quán chiếu, tự soi sáng trí tuệ của mình bằng cách học hỏi giáo pháp, để tự chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý của mình cho được thanh tịnh, hay nói cách khác, để tự tu tâm dưỡng tánh.

Hiển hiện rõ trong tất cả chúng ta đều sẵn có hai thứ tâm địa, đó là tâm hiền lương và tâm bất lương. Tâm hiền lương là cái tâm, cái nhân gieo quả lành, đem lại cái quả an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người. Ngược lại, tâm bất lương ác độc là cái tâm, cái nhân đem lại quả phiền não và khổ đau cho mình và cho người, đời này và nhiều đời sau. Vì vậy chúng ta hãy biết tu tâm dưỡng tánh, dẹp bỏ tâm bất lương ác độc, phát triển tâm hiền lương.

Ngoài việc tu tướng, người Phật tử còn phải tu tâm. Nói cho đủ là “Tu tâm Dưỡng Tánh”. Tu tâm là làm sao cho tâm ý được trong sạch, không còn ô nhiễm bởi tam độc: tham, sân, si. Dưỡng tánh là làm sao cho các tánh hiển lộ. Các tánh đó là tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm và sâu sắc hơn hết là tánh nhận thức, gọi chung là tánh giác. Tánh giác hiển lộ thì mới có cơ hội phát huy trí huệ tâm linh. Cho nên tu tâm còn gọi là tu tuệ hay tu huệ. Người tu huệ là người tu hướng về tâm linh giải thoát, giác ngộ, nên công đức không thể nghĩ bàn.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe người đời hay than thở: “Tại sao đời tôi khổ quá vầy nè?” Thật ra có ai mà không khổ? Người nghèo khổ đã đành mà người giàu có cũng khổ. Người ngu khờ khổ thì không nói làm chi, đằng này những người có bằng cấp cao, địa vị tốt trong xã hộicũng khổ. Tại sao vậy? Suy nghĩ thật kỹ, tìm ra gốc gác ngọn ngành thì chính mình làm khổ mình chứ có ai làm khổ mình đâu!

Đức Phật nói người nào sống trong đau khổ triền miên thì người đó vô minh, bất kể người đó sang giàu hay nghèo hèn, học thức cao hay thấp. Bởi vì vô minh nên mới khổ. Vì vô minh nên mình chấp đủ thứ. Trước hết chấp cái thân ngũ uẩn này là có thật, nó chính là Ta, mà hễ có cái Ta, cái Ngã thì lúc nào Ngã Kiến cũng đúng nên dễ dàng xung đột với cái Ngã Kiến của người khác khiến mình khổ và người khác cũng khổ. Vì chấp Ngã nên thương yêu nó, bảo vệ nó, khi thành phần nào trên thân đau yếu là mình khổ. Cũng vì chấp Ngã nên ích kỷ muốn ôm gọn hết tất cả: tài, sắc, danh, thực, thuỳ về cho nó, muốn chiếm đoạt tất cả và muốn được phục vụ khi ngũ dục đòi hỏi. Lòng tham ái vô đáy nên nhiều không bao nhiêu cũng không đủ. Muốn hoài nên khổ hoài!

Khi không được toại nguyện điều gì thì nổi sân, nổi giận. Mà sân giận thì nóng nảy. Người có Tâm sân là người hay chấp nhặt những điều không vừa ý, khắc ghi những điều người khác vì vô tình hay cố ý làm tổn thương danh dự hoặc chạm tự ái, oán thù những ai phỏng tay trên hoặc làm hỏng kế hoạch làm ăn của mình… nên ôm mối hận thù dai dẵng, chỉ mong có dịp để trả thù. Từ Sân hận đưa đến si, phát ra những lời nói hàm hồ, những hành động thiếu suy nghĩ làm khổ mình khổ người.

Ngoài ra, vì vô minh mà con người tin tưởng những điều mê tín dị đoan, cố chấp những phong tục tập quán thế gian lỗi thời bất công, đòi hỏi những điều vô lý quá đáng, tuân theo những lời răn giới cấm vô nhân và tàn ác. Nói chung là bị sợi dây kiết sử trói buộc tâm khiến cho họ u mê gây nhiều nghiệp xấu.

Muốn sống thảnh thơi an lạc và hạnh phúc không khổ mình khổ người thì ngoài việc tu phước, người Phật tử còn phải biết tu tâm dưỡng tánh để loại trừ cái gốc vô minh. Do đó tu tâm còn gọi là tu tuệ hay tu tuệ.

Theo tamhuongphat.com!

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Pháp Cú phẩm hoa và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm Già và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Nghĩa phẩm thứ nhất: Đức Hạnh

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 47: Phước huệ thỉ văn

Định Tuệ

Kinh Kim Quang Minh Quyển 2: Phẩm Phân biệt ba thân

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm song yếu và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Người Bà la môn chặn đường Đức Phật đòi tiền

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ mười: Giai nguyện tác Phật

Định Tuệ

Lửa nào bằng lửa tham, chấp nào bằng sân hận – Pháp Cú 251

Định Tuệ