Bốn điều răn thanh tịnh (Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối) trong Kinh Lăng Nghiêm là kính chiếu yêu, yêu ma quỷ quái rất nhức đầu với kinh này, luôn tìm cách tiêu hủy, chẳng cho bạn lưu thông…
“Phục thứ Phổ Quảng, vị lai thế trung nhược hữu ác nhân cập ác thần ác quỷ, kiến hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, quy kính cúng dường, tán thán chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát hình tượng, hoặc vọng sanh cơ hủy, báng vô công đức cập lợi ích sự.
復次普廣。未來世中若有惡人及惡神惡鬼。見有善男子善女人。歸敬供養。讚歎瞻禮地藏菩薩形像。或妄生譏毀。謗無功德及利益事。
Lại nữa này Phổ Quảng, trong đời sau nếu có ác nhân cùng ác thần, ác quỷ thấy kẻ thiện nam, thiện nữ quy kính cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát mà vọng sanh khinh chê cho là không có công đức cùng sự lợi ích.”
Cũng tức là nói chẳng có công đức, chẳng có lợi ích, nói bạn mê tín.
“Hoặc lộ xỉ tiếu, hoặc diện bối phi.
或露齒笑。或面背非。
Hoặc nhe răng ra cười, hoặc chê sau lưng.”
Diện là đối diện, bối là sau lưng.
“Hoặc khuyến nhân cộng phi, hoặc nhất nhân phi, hoặc đa nhân phi, nãi chí nhất niệm sanh cơ hủy giả.
或勸人共非。或一人非。或多人非。乃至一念生譏毀者
Hoặc khuyên người khác cùng chê, hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm.”
Đây là nói việc tạo nghiệp. Hiện nay đích thật có người tạo ác nghiệp này, chúng ta thường nghe nói đến, có khi cũng nhìn thấy. Đặc biệt là thời đại chúng ta, kinh Lăng Nghiêm nói thời đại này ‘tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’. Tà sư đó là ai? Là yêu ma quỷ quái. Trong quyển bốn kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy ‘Bốn điều răn thanh tịnh’, đoạn kinh này trọng yếu phi thường! Giảng rõ cho chúng ta biết trong thế gian này loại nào là yêu, loại nào là ma, loại nào là quỷ, loại nào là quái. Chúng ta thấy đều là người, mặt mũi là người, tâm của họ chẳng phải là tâm người, mà là tâm của yêu ma quỷ quái. Cho nên trong kinh Diệt Pháp, đức Phật nói trước, người ngày nay gọi là tiên đoán, tương lai kinh bị tiêu diệt đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, kinh cuối cùng bị tiêu diệt là kinh Vô Lượng Thọ. Tại sao kinh Lăng Nghiêm bị diệt trước hết? Tôi đọc đoạn kinh ấy tôi bèn biết kinh này nhất định sẽ bị tiêu diệt trước hết. Khi kinh này chẳng còn nữa, yêu ma quỷ quái trong thế gian sẽ chẳng có ai nhận biết, bạn không những không nhận biết họ là yêu ma quỷ quái, bạn còn coi họ như Phật, Bồ Tát, họ giả dạng rất giống, rất giống Phật, Bồ Tát, họ chẳng phải là Phật, Bồ Tát thiệt. Lúc trước tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, đoạn kinh ‘Lời răn thanh tịnh’, đoạn này được gọi là kính chiếu yêu, yêu ma quỷ quái rất nhức đầu với kinh này, luôn tìm cách tiêu hủy, chẳng cho bạn lưu thông, để cho nó phá rối.
Trong Tả Truyện của nhà Nho có một câu danh ngôn dạy chúng ta làm cách nào để phân biệt yêu quái là gì, Tả Khưu Minh nói: ‘Con người vứt bỏ luân thường thì yêu quái hưng vượng’[5], câu này khải thị chúng ta rất lớn. ‘Thường’ là gì? Nhà Nho nói ‘Ngũ Thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín’, người ta buông bỏ những thứ này, chẳng coi trọng nữa; nói cách khác những gì họ làm đều là chẳng nhân, chẳng nghĩa, chẳng trọng lễ, chẳng coi trọng tín dụng, người như vậy chính là yêu quái. Bất luận địa vị trong xã hội của người ấy cao tới đâu, có tài sản bao lớn, họ chẳng phải là người. Nhà Nho nhận định, khẳng định tiêu chuẩn của con người, nhất định phải có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cũng tức là nói năm điều kiện căn bản để làm người. Từ xưa đến nay trong Phật pháp, các Tổ sư đại đức đem ‘ngũ thường’ phối hợp với ‘ngũ giới’, không sát sanh là Nhân, không trộm cắp là Nghĩa, không tà dâm là Lễ, không nói dối là Tín, không uống rượu là Trí. Từ đó có thể biết có đầy đủ năm giới là người, phá hủy, vi phạm năm giới hoàn toàn thì đó là yêu, yêu ma, chẳng phải là người. Hiện nay tuy được thân người, họ tạo nghiệp yêu ma quỷ quái, tương lai nhất định đọa ba đường ác, đây là điều mà hết thảy kinh điển Đại, Tiểu Thừa đều nói rất rõ ràng. Phật pháp được đại chúng công nhận là nhãn mục của trời, người, là chỉ dẫn quang minh, người ta tu học tán thán, nếu bạn gây chướng ngại, huỷ báng, thì tội sẽ rất nặng.
Ba hạng chúng sanh nói ở đây, ‘người ác’ hơn phân nửa là người ngu si, ngu si mới dễ bị yêu ma quỷ quái lợi dụng, nghe và tin lời giả dối của họ, hoài nghi chánh pháp. Yêu ma quỷ quái cũng có biện tài, tà huệ, phần sau trong kinh Lăng Nghiêm nói về năm mươi chủng ấm ma, chữ ‘chủng’ là chủng loại, chia những loại ma này thành năm mươi loại. Trong mỗi loại, chúng ta thấy trong kinh, nếu người thật sự không thông đạt Phật pháp Đại Thừa, đích thật cũng sẽ coi họ như Phật, Bồ Tát. Họ ở thế gian này có phước báo, phước báo rất lớn, có tín đồ, rất nhiều tín đồ, có thế lực, họ cũng có thần hộ pháp, thân của họ cũng màu vàng, có ánh sáng, phàm phu làm sao sánh bằng họ? Trong kinh đức Phật nói với chúng ta: Hào quang của Phật, Bồ Tát nhu hòa, khi bạn tiếp xúc sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Quang minh của ma rất mạnh, khi tiếp xúc sẽ cảm thấy rất sợ sệt, quang minh của họ [làm cho người ta] rất nhức mắt. Giống như ánh sáng mặt trời vậy, chúng ta chẳng có cách gì mở to mắt ra nhìn lâu được, nhìn lâu thì trong ánh sáng ấy có tia tử ngoại tuyến, có thể làm mù mắt, do đó tuyệt chẳng thể nhìn lâu vào ánh sáng mặt trời. Ánh sáng của ma cũng thuộc loại này. Còn Phật quang nhu hòa, tại sao lại có hiện tượng này? Phật quang là từ tâm từ bi trong tự tánh tuôn chảy ra. Quang của ma từ tham, sân, si, do đó tuy quang rất lớn, tánh chất chẳng giống nhau, đây là việc chúng ta phải hiểu. Ma lợi dụng người nên ma đạo, ma pháp xuất hiện ở thế gian này, có thể làm cho hết thảy chúng sanh mê hoặc điên đảo, bỏ thiện hướng ác, tạo tội nghiệp, chẳng chịu tu thiện, xả bỏ chánh pháp. Chúng ta thường cảm xúc đến, rất nhiều người tin ‘tà’ chứ chẳng tin ‘chân’, nghe ‘gạt’ chứ không nghe lời ‘khuyên’, đây chính là ‘người đáng thương xót’, họ còn cho rằng mình thông minh, cứ cho rằng mình đúng.
Khi họ thấy người thiện nam, thiện nữ quy y, cung kính, cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng Địa Tạng Bồ Tát, đây là việc phần đông chúng ta gọi là lạy Phật, lạy Bồ Tát, nhìn thấy có người lạy Phật, lạy Bồ Tát. Chư vị nhất định phải biết phàm khi nhìn thấy người lạy Phật, lạy Bồ Tát, họ chánh tín thì tốt, mê tín cũng tốt! Chỉ cần chịu lạy là tốt. Chánh tín thì người ấy hiện nay được lợi ích, mê tín thì đời sau được lợi ích, không có gì chẳng được lợi ích. Kinh Pháp Hoa nói ‘Dù chỉ xưng Nam mô Phật một lần cũng đều gieo duyên thành Phật’ [6], chữ ‘giai dĩ thành Phật đạo’ chẳng phải là bây giờ, có thể ở vô lượng kiếp về sau. Tức là ngày nay họ mê tín, nhìn thấy Phật, Bồ Tát họ cung kính, cúng dường lễ bái, chỉ tu phước một lần như vậy, vô lượng kiếp sau nếu gặp lúc có Phật ra đời, có thể nhờ nhân duyên ấy mà theo Phật xuất gia, tu hành, chứng quả, trong kinh chúng ta thấy rất nhiều [những chuyện như vậy]. Tuy họ chẳng hiểu rõ, cũng chẳng hiểu đạo lý cho lắm, trong lúc gặp tai nạn cấp bách, lúc khẩn cấp niệm một câu Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm một câu A Di Đà Phật, công đức ấy cũng chẳng thể nghĩ bàn. Huống chi chúng ta hiểu rõ những đạo lý này, một tiếng Phật hiệu một tiếng [từ trong] tâm, cung kính hành lễ, tán thán cúng dường đều là từ tánh đức lưu lộ. Minh tâm kiến tánh, tánh ở đâu? Tánh là ở chỗ này tỏ lộ.
Đối với kẻ tu tập tích lũy công đức chân thật, phước đức chân thật, họ ‘vọng sanh cơ hủy’. ‘Vọng’, họ chẳng hiểu rõ đạo lý trong ấy, chẳng hiểu chân tướng sự thật, tùy thuận tri kiến vọng tưởng của mình, từ vọng tưởng của họ sanh khởi cơ phong hủy báng, nói đó là mê tín. Lời này nếu muốn đi sâu vào thảo luận, ý tứ rất sâu, Phật giáo chẳng phải mê tín, do đó người mê tín Phật giáo cũng chẳng phải mê tín. Quý vị nghĩ xem lời của tôi đúng không? Bản thân Phật giáo chẳng mê tín, bạn mê tín nhưng Phật giáo chẳng mê tín. Ông Âu Dương Cánh Vô nói ‘Tôn giáo là mê tín, dùng chánh tri để tin nó cũng vẫn mê tín’, bản chất của nó là mê, bản chất Phật giáo chẳng mê, bạn phải hiểu đạo lý này. Cho nên bạn từ mê đi vào Phật giáo, sau đó sẽ khai ngộ; nếu bản chất của nó thật sự là mê tín, khi hiểu biết đi vào cũng bị nó mê mất, đạo lý này rất sâu, rất đáng nghiền ngẫm. Sau đó bạn mới có thể khai đạo cho hết thảy đại chúng, tuyệt chẳng thể châm thọc, hủy báng, đó là tạo nghiệp rất nặng. Bạn nói nó chẳng có công đức, chẳng có lợi ích, nói thật ra công đức lợi ích đó vô biên. Bạn ‘nhe răng cười’ là cười mỉa mai, ‘chê sau lưng’ là phê bình họ, phê bình trước mặt, phê bình sau lưng, hoặc bạn còn khuyên nhiều người cùng nhau phê bình họ. Kết luận sau chót ‘hoặc một người chê, nhiều người chê’, phê bình chẳng đúng tư cách, chẳng đúng lý. ‘Cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm’, đây là nói ít nhất, khởi lên một niệm.
Trích từ: ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH GIẢNG KÝ – Tập 21.
Chủ giảng: Hòa Thượng Tịnh Không.
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba.
Thời gian: Khởi giảng ngày 28/5/1998.
Chuyển ngữ: Nhóm Diệu Âm.