Chúng ta nương theo lời dạy dưới đây mà y giáo phụng hành thì chắc chắn đang đi trên con đường giải thoát, giác ngộ, đem lợi ích phổ độ chúng sinh…
Trong 45 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, hàm chứa nghĩa lý thâm thiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh, hướng tới Niết Bàn an lạc.
Với những lời dạy ngắn gọn, lắng đọng đầy ý nghĩa ấy trong nhiều trường hợp tùy duyên hóa độ khác nhau cũng đã được kiết tập thành Kinh Pháp Cú. Quyển kinh này thuộc kinh tiểu bộ trong tạng Pali gồm 26 phẩm 423 câu. Đối với hàng Tăng giới, ai cũng đều biết và hành trì. Hàng cư sĩ cũng lấy đó phụng hành để sống một cuộc đời an lành thanh khiết.
“Kinh Pháp Cú là cuốn Kinh chọn lọc những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Suốt trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm khiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết – bàn an lạc. (Lời Phật dạy” (Kinh Pháp Cú – Dhammapada), Thích Thiện Siêu dịch, NXB Tôn giáo, 2000). Với những lời dạy giản dị thâm thúy làm cho mỗi chúng ta khi đọc liền cảm nhận được một cảm giác thanh thản diệu kỳ. Ta như được tiếp thêm sức mạnh để hỷ xả, bình tĩnh, lạc quan giữa những ngang trái, hẹp hòi, khổ đau, điên đảo của cuộc thế vô thường. Trong số 423 bài kệ, chỉ cần một câu thôi nhưng người Phật tử biết tu tập hành trì thì cũng đạt được sự thanh tịnh, an vui. Với câu Pháp cú số 183 “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo” nghĩa là “Không làm các việc ác, siệng làm các việc lành, thanh tịnh tâm ý mình, là lời chư Phật dạy” đã bao hàm đủ giới hạnh sự tu tập để có thể hướng đến sự an lạc giải thoát.
Ý nghĩa đầu tên của giới là “Bỏ các điều ác mà thực hành các việc thiện”. Giống như lời dạy trên Đức Phật muốn chúng ta phải từ bỏ những việc xấu ác siêng năng tu tập hạnh lành. Các điều ác ấy trong lời Phật dạy có mười điểm: Thân có ba (Sát sanh, trộm cắp, tà dâm), Khẩu có bốn (Nói hai lưỡi, hung ác, hư dối và thêu dệt ), Ý có ba là (Tham, sân, si).
Tránh được mười điều ác đồng thời siêng làm những hạnh lành. Người giữ gìn giới hạnh cũng giống như câu chuyện của hai vị tỳ kheo ở xa tới thăm Đức Thế Tôn như sau:
“Khi Đức Phật đang thuyết Pháp ở nước Xá vệ có hai tỷ kheo ở nước La Duyệt Kì muốn thăm Đức Phật, giữa hai nước có một khoảng đồng trống không người ở, nước hồ, suối đều khô cạn, chỉ có một vũng nước nhỏ toàn là vi trùng. Hai người bảo nhau: “Chúng ta từ xa tới thăm Thế Tôn không ngờ ngày nay bị chết khát giữa đường”. Một người bảo: “Thôi ta hãy tạm uống vũng nước cho khỏi chết, và ta uống không ai biết cả”. Người kia đáp: “Giớ luật Phật chế không được uống nước có vi trùng để tránh sát hại chúng, phải lấy nhân từ làm gốc, thà giữ giới chịu chết chớ không phạm giới mà sống”. Người đầu tiên theo ý riêng của mình uống nước mà sống đến được chỗ Phật còn người kia không uống nên phải chết khát. Và sau khi chết người kia vì giữ trọn giới luật nên được sanh Thiên và bay về Phật trước người uống nước kia.” Qua câu chuyện trên cho thấy người có giữ giới thì gần với Phật không trì giới ắt xa Phật.
Đức Phật từng khẳng định: “Giới luật là bậc Đạo sư của các Thầy nếu ta ở đời này cũng không khác gì Giới vậy. “Giới luật là mạng mạch của Phật Pháp, là nền tảng của các Pháp lành. Phải hiểu rõ tầm quan trọng của Giới mà phải mau mau làm lành xa lìa các việc ác.”
Sở dĩ Đức Phật khuyên chúng ta bỏ ác làm lành vì người làm ác sẽ chịu quả báo khổ đau còn người làm lành thì sẽ được sống an lạc không chỉ một đời hiện tại này mà còn cả đời sau nữa. Như bài kệ sau chứng tỏ điều đó:
“Nay sầu đời sau sầu
Kẻ ác hại đời sầu
Nó sầu nó ưu não
Thấy nghiệp uế mình sau”
Trái lại người làm thiện thì:
“Nay vui đời sau vui
Làm phước đời sau vui
Nó vui nó an vui
Thấy nghiệp tịnh mình làm”
Khi đã có được sự trì giới tu các hạnh lành thì tiến thêm một bước nữa theo lời dạy của Phật là: “thanh tịnh tâm ý”. Bốn chữ tuy ngắn gọn nhưng cô đọng, ý nghĩa sâu xa cần có công phu tu tập mới có thể đạt được sự thanh tịnh tâm ý.
Lối tu của Phật giáo theo thứ bậc trước phải nghiêm trì giới hạnh, có giới thì tâm dễ an định, tâm có định, trí huệ mới phát sanh. Khi có được trí huệ mới có thể dứt trừ được vô minh phiền não, được đất tâm được quả vui niết bàn giải thoát.
Chúng ta là đệ tử Phật là người theo học giáo Pháp của Phật thì phải siêng năng giữ gìn giới hạnh, tránh xa điều ác nỗ lực tu tập các hạnh lành. Tu tâm bồi đức giữ gìn thân khẩu ý cho thanh tịnh, có như thế mới đúng như lời dạy của Đức Thế Tôn.
Người có giới hạnh sẽ luôn được sự an vui. Có câu “Hương Chiên đàn, hương đa già la, hương bạt tất kỳ, hương sen xanh đều không thể bay ngược gió chỉ có mùi hương của người Đức hạnh tuy ngược gió mà vẫn tỏa khắp muôn phương “. Chúng ta nương theo lời dạy trên mà y giáo phụng hành thì chắc chắn đang đi trên con đường giải thoát, giác ngộ, đem lợi ích phổ độ chúng sinh…
Nguồn: Phatgiao.org.vn!