Ngay trong lúc giảng giải, tôi hay nhắc nhở mọi người là tổn người nhất định không lợi mình, chỉ có lợi người mới là lợi mình.
Chúng ta xem thấy, một chú nhỏ có thể thương yêu động vật nhỏ, thương yêu kiến thì chúng ta nhận được sự cảnh thức. Giết chết kiến là việc quá bình thường, các chú nhỏ sẽ hỏi lại một câu: “Nếu như bạn là kiến, bạn có bằng lòng để người khác giết bạn hay không?”. Đây là trí tuệ, đây là phương pháp của trí tuệ.
Cổ thánh tiên hiền đã nói: “Cái gì mình không muốn, chớ đem cho người”. Tôi tin tưởng, tuy các bạn nhỏ chưa đọc qua hai câu này, chúng cũng không biết đạo lý này, thế nhưng chúng làm được. Tại vì sao chúng làm được? Thiên tánh. Thiên tánh chính là chân tâm của chính mình, bản tánh của chính mình.
Tâm của các bạn nhỏ vẫn chưa bị ô nhiễm của phiền não thế tục, bổn tánh của chúng vẫn còn. Tâm của chúng cùng tâm của chư Phật Bồ Tát giống nhau. Nếu như có thể gìn giữ khắc chặt nơi tâm thì con người này chính là Phật Bồ Tát. Làm thế nào gìn giữ thì đây là vấn đề lớn. Chúng hiện tại vẫn còn nhỏ, đến mười mấy tuổi dần dần sẽ bị ô nhiễm, hai mươi mấy tuổi, ba mươi mấy tuổi, bốn mươi mấy tuổi thì ô nhiễm càng nghiêm trọng, hoàn toàn mê mất đi tự tánh.
Cho nên, người xưa dạy bảo làm thế nào có thể giữ được cái tâm bền bỉ này. Cái tâm bền bỉ chính là nói hoàn toàn không bị ô nhiễm. Không cần phải thánh hiền dạy bảo bạn, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác cùng với chư Phật Bồ Tát, đại thánh đại hiền đương nhiên là như nhau, chúng ta phải học.
Chúng ta rất bất hạnh là năm xưa không có người dạy bảo. Sống trong cái lò ô nhiễm của xã hội, chúng ta đã bị ô nhiễm rồi. Hiện tại muốn đem ô nhiễm này trừ bỏ đi, đương nhiên không dễ dàng. Thế nhưng chính mình phải nên biết, không trừ bỏ cái ô nhiễm này thì chắc chắn phải sanh tử luân hồi, không thể thoát ra.
Nếu như chúng ta chân thật mong cầu ngay trong một đời này ra khỏi ba cõi, liễu thoát sanh tử, không còn phải sanh tử luân hồi nữa, thì cần phải đoạn dứt đi ô nhiễm này. Phương pháp duy nhất có thể giúp chúng ta đoạn những ô nhiễm này chính là “đọc tụng đại thừa, vì người diễn nói”. “Đọc tụng” là nghe giáo huấn của Phật Bồ Tát, sau khi nghe rồi nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm. Đem cái tâm yêu thương viên mãn chân thật trong tự tánh khai quật, làm mới lại. Cái đại từ đại bi này là trong tự tánh vốn dĩ đầy đủ, không phải học được từ bên ngoài.
Chúng ta bị phiền não tập khí, những thứ ô nhiễm này che mất, cho nên tự tánh không thể hiển lộ, mà khi lộ ra thì đều là tự tư tự lợi, đều là tổn người lợi mình, đây là chắc chắn sai lầm. Ngay trong lúc giảng giải, tôi hay nhắc nhở mọi người là tổn người nhất định không lợi mình, chỉ có lợi người mới là lợi mình. Tổn mình, lợi người thì đó là chân thật lợi mình, đạo lý này sâu, người thông thường không hiểu được. Nguyên nhân không hiểu được vẫn là phiền não tập khí quá nặng. Bởi vì đây là tánh đức, đây không phải do tu mà có, mà từ trong tự tánh vốn sẳn có.
Ba độc, Phật trong kinh luận Đại-Tiểu Thừa, Hiển-Mật giáo học, mỗi giờ mỗi phút vì chúng ta nhắc nhở. Chúng ta thực tế là mê đã quá sâu nặng. Ngày ngày nhắc nhở nhưng chúng ta không cách gì giác ngộ, không có cách gì hồi đầu. Đây chính gọi là “nghiệp chướng sâu nặng”, sâu nặng đến biến thành “nhất xiển đề”. “Nhất xiển đề” là tiếng Ấn Độ, ý nghĩa là thiện căn đều bị đoạn hết. Thiện căn thì không thể nào đoạn, chữ “đoạn” này là thí dụ.
Phật có dạy thế nào, có nhắc nhở thế nào, nhưng thiện niệm của bạn đều không thể đề khởi, cho nên tuy là thiện căn chưa đoạn, nhưng dường như là đoạn rồi, nghiêm trọng đến trình độ này. Do đây có thể biết, tham sân si giảm được một phần thì thiện căn của bạn thêm lớn một phần; giảm được hai phần thì thiện căn thêm lớn hai phần. Thiện căn chắc chắn là lợi tha, còn tham sân si nhất định là tự lợi. Cho nên, tự lợi là hướng xuống đọa lạc, đọa đến tận cùng là A Tỳ Địa Ngục; lợi tha là hướng lên trên, lên trên đến đỉnh điểm chính là cứu cánh viên mãn Phật.
Muốn cầu Phật đạo, bạn phải chân thật hiểu được xả mình vì người, đây là Phật đạo, đây là Bồ Tát đạo. Vì người mà ngay trong đó vẫn không thể xả mình, đây chính là trong thiện nghiệp xen tạp lấy bất thiện.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: năm 2001
Tập 36
Tâm Hướng Phật/St!