Khi lâm chung, phải không mong cầu gì; chỉ tịnh tâm niệm Phật. Phật, Bồ-tát từ trong chân tâm thanh tịnh hiện ra thì mới thiệt đúng.
Coi thầy công phu hành trì trình độ tới đâu, (tôi nói để thầy nghe) chớ khi lâm chung thầy cần không vương vấn, quái ngại bất kỳ việc gì thì mới vãng sanh được. Nếu thầy còn tham vọng muốn độ chúng sanh, thì tham muốn ấy cũng là một thứ chấp trước, một thứ quái ngại!
Hòa-Thượng hỏi: Tây Phương ở đâu?
Thầy Quảng-Hóa đáp: Nói theo phương vị, thì nó ở phương Tây; nói theo thực tướng, thì nó ở tại lòng mình.
Hòa-Thượng nói: Hễ có Phật có Bồ-tát, thì có Tịnh-Độ. Thầy phải giảng dạy sao cho người nghe có chỗ nương tựa để tu hành. Đức Phật dạy rằng nếu người nào trong một ngày, hai ngày…, cho tới bảy ngày mà có thể niệm Phật đến chỗ “nhất tâm bất loạn”, thì Phật (A-Di-Đà) sẽ đến tiếp dẫn. Song, nếu không ăn không ngủ thì chẳng cần tới bảy ngày, chỉ bốn hay năm ngày là đủ rồi!
Thầy Quảng-Hóa nói: Có lần tôi chứng kiến Đức Quán-Âm hiện ra với tướng mạo trang nghiêm đẹp đẽ; cả chuỗi anh lạc của Ngài cũng tuyệt đẹp.
Hòa-Thượng cười, nói rằng: Thật sao? Ở đâu mà có Bồ-tát như thế? Khi thầy độ chúng sanh, thầy cần phát nguyện rồi theo đó mà thực hành, như Đức Quán-Âm, Phổ-Hiền vậy. Song, đến khi lâm chung, thầy phải buông bỏ hết mọi thứ. Nếu nguyện của thầy chưa làm xong, thì thầy sanh trở lại đây để tiếp tục độ sinh; công đức này càng thù thắng, vĩ đại. Nguyện là thứ thầy ghi tạc ở trong lòng.
Phật và Bồ-tát tuy đã thị hiện nhập Niết-Bàn, song thật sự các Ngài vẫn còn quanh quẩn, không rời những kẻ đang tu hành như chúng ta; có điều các Ngài không hiện ra thôi. Chỉ cần Kinh, Luật, Luận tồn tại, chư Phật, Bồ-tát có thể dạy mình.
Đừng cho rằng không có ai truyền thọ, rồi không còn (Phật Pháp) gì nữa. Khi lâm chung, đừng nên để tâm muốn thấy hình tướng chư Phật, Bồ-tát. Cầu mà không thấy là việc tốt. Nếu cầu mà thấy, thì những hình tướng đó không đáng tin cậy đâu. Phải không mong cầu gì; chỉ tịnh tâm niệm Phật. Phật, Bồ-tát từ trong chân tâm thanh tịnh hiện ra thì mới thiệt đúng.
Phải buông bỏ (sự chấp trước vào) tấm thân thối tha này. Tâm là tâm. Mặc kệ cái thân này biến thành tròn hay méo, đừng để ý lo lắng, chiều chuộng nó. Chẳng cần nói xa xôi, hễ có chứng đắc, thâu hoạch được cái gì thì vẫn còn chưa đúng. (Ý Hòa-Thượng muốn chỉ sự chấp trước của Thầy Quảng-Hóa, rằng Thầy còn chấp vào sự kiện mình đã chứng kiến Đức Quán-Âm hiện thân).
Trong cái này (Hòa-Thượng chỉ vào tâm Ngài), chẳng có vật gì cả. Các vị đó (Hòa-Thượng chỉ nhóm cư-sĩ tại gia đang ngồi nghe giảng) thì vẫn còn đủ thứ. Hiện tại, các bạn đêm ngủ nằm mộng mà sáng ngày ra cũng là ở trong mộng. Các bạn hệt như đang đóng phim vậy; cuốn phim này dài lắm – cả đời bạn, song chẳng khác gì giấc mộng ban đêm!
(Hòa-Thượng khuyến khích Thầy Quảng-Hóa niệm Phật bằng thực-tướng – hình tướng chân thật thì không hình hài, không sanh diệt; tức là chân tâm? chứ đừng niệm Phật bằng sự-tướng – còn chấp trước vào hình hài, sắc tướng, công việc trần gian thế sự ).
Ngày hôm nay tôi nói bấy nhiêu thôi. Kẻ xuất gia thì sẽ lãnh hội được phần nào, chứ người đời thì không có ai hiểu. Xưa kia cổ nhân chỉ nói một câu là đủ, hôm nay tôi nói quá nhiều! Chờ khi về rồi, các bạn từ từ lãnh hội thì sẽ giác ngộ, thấu suốt hết.
Trích: Cẩm nang tu đạo – Chương IV: Pháp môn Tịnh Độ – Thầy Quảng-Hóa Tới Tham Phỏng!