Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sám hối nghiệp chướng: Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nguyện thứ tư

Vậy phải sám như thế nào? Phải tùy văn nhập quán, tùy theo kinh văn, đem quan niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm của bạn thay đổi lại, vậy thì được, đó là thật sám hối.

Kinh văn: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”.

Lần này, chúng ta nói về cương lĩnh tu học của Bồ Tát Phổ Hiền, tức là “Mười Đại Nguyện Vương” mà người thông thường hay nói. Chúng ta không nói được tường tận, mà chỉ là giới thiệu khái lược qua.

Chúng ta biết được Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Bồ Tát Phổ Hiền, hay nói cách khác, mỗi một người ở nơi đó đều là tu hạnh Phổ Hiền. Hiện tại, nếu như chúng ta đối với hạnh Phổ Hiền làm nhiều một chút, thời gian ta chuẩn bị đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ càng thân thiết, càng quen thuộc, không đến nỗi quá xa lạ. Không chỉ là như vậy, nếu như chúng ta ở ngay nơi đây có thể rất chăm chỉ, rất nỗ lực y theo kinh giáo mà phụng hành, tương lai cầu nguyện vãng sanh cũng nhất định nắm chắc phần. Chúng ta không đến nỗi không có lòng tin, tuyệt đối không thể nói “tôi tương lai có đọa ác đạo hay không?”. Phổ Hiền hạnh nguyện đối với chúng ta mà nói sẽ rất là quan trọng. Buổi tối hôm nay, chúng ta sẽ nói về nguyện thứ tư, “sám hối nghiệp chướng”.

Chúng ta trước tiên phải nói rõ, cái gì gọi là nghiệp chướng? Nghiệp là tạo tác. Không những làm ác có chướng ngại, mà làm thiện cũng có chướng ngại, đó là đạo lý gì vậy? Làm ác, quả báo của bạn ở ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu bạn làm thiện, quả báo của bạn ở ba đường thiện là cõi trời, cõi người, cõi A Tu La. Tóm lại mà nói, bạn không thể ra khỏi ba cõi. Vậy chúng ta phải làm thế nào đây? Phật dạy chúng ta tu tịnh nghiệp. Cái gì gọi là tịnh nghiệp? Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện mà không chấp trước thì gọi là tịnh nghiệp. Bạn có chấp trước thì nghiệp này không tịnh, liền sẽ sanh ra chướng ngại, cho nên nghiệp là tạo tác. Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, Phật nói rất hay: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”. Đó là thật, không hề giả, chúng ta không thể không thừa nhận, vì sao vậy? Bạn thử nghĩ xem, có chúng sanh nào khởi tâm động niệm mà không vì cái “Ta”? Mỗi niệm đều là vì “Ta”. Có cái “Ta” này thì phiền phức rất lớn, “Ta” chính là tội, “Ta” chính là nghiệp. Đồng tu mới học, nghe được cách nói này trên Kinh Phật có lẽ không cho là việc gì, vì từ xưa đến nay, trong và ngoài nước, có người nào mà không vì “Ta”? Trong dân gian Trung Quốc có câu ngạn ngữ: “Người không vì mình trời tru đất diệt”, dường như là khởi tâm động niệm là vì ta, mọi người đều cho rằng đó là việc đương nhiên, là lý đương nhiên, làm gì có người không vì “Ta” chứ? Không vì “Ta” thì còn có thể được xem là người sao? Không sai! Không vì “Ta” không được xem là người, họ là Phật, là Bồ Tát, họ không phải là người. Cho nên, khi vừa vì “Ta” thì chân thật họ là người, đích thực là một chút cũng không sai, cõi người cũng như sáu cõi, họ không thể ra khỏi. Vì sao Phật phải nói cách nói này? Chúng ta phải hiểu rõ ý của Ngài, Phật nói với chúng ta: “Tất cả chúng sanh thật có chân ngã”, cái thân này là giả, không phải chân ngã; cái giả mới luân hồi trong sáu cõi, chân ngã nhất định không có luân hồi, không những không có luân hồi sáu cõi, ngay đến mười pháp giới cũng không có. Chân ngã ở nơi đâu vậy? Chân ngã ở nơi pháp giới Nhất Chân. Phật có chân ngã. Trong Đại Kinh nói, Phật có ba thân, mỗi người chúng ta cũng đều có ba thân. Bản thể của thân chúng ta chân thật là ta, là pháp thân. Cho nên, trên Kinh Phật nói: “Mọi người chúng ta tu hành đến trình độ tương đối, chúng ta liền chứng được pháp thân thanh tịnh”. Pháp thân thanh tịnh mới thật là “Ta”. Trong Thiền tông thường nói: “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra chính là pháp thân thanh tịnh, trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na không phải là một người, mà Tỳ Lô Giá Na là chân ngã của chính chúng ta, là thân thật. Thân thật của chúng ta gọi là Tỳ Lô Giá Na.

Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, ý nghĩa là trùm khắp mọi nơi, không lúc nào không có, không nơi nào không có. Nếu như ngay nơi đây không có chân ngã, thì cái thân giả này không thể hiện tiền, cho nên thật có chân ngã. Giả tướng là nương vào chân ngã mà sanh ra, cái ngã này là thể, là tánh, nương vào tánh thể chân thật mà hiện tướng, cho nên chân ngã này là nhất định có. Bởi vì tất cả chúng sanh mê mất đi chân ngã, cho nên mới biến thành phàm phu (chỉ là mê mất mà thôi, không phải thật đã mất đi). Vì sao mà mê vậy? Từ trong thể tánh chân thật hiện ra những giả tướng này. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói “duy tâm sở hiện”, cái tâm đó là thật. Chân tâm chính là chân ngã, chính là pháp thân, hiện ra là giả tướng, bạn chấp vào cái tướng, cho nên hư là ở ngay chỗ này. Hiện ra giả tướng này nhưng bạn không biết được nó là giả tướng, bạn chấp trước cái giả tướng này, cho nó là thật, thế là đem chân tánh bỏ mất đi, đem giả tướng xem thành thật, hư là ở ngay chỗ này. Bạn có phân biệt, chấp trước, nên mới đem Nhất Chân chuyển biến thành hoàn cảnh rất phức tạp, biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành ba đường. Vì sao biến đổi vậy? “Duy thức sở biến”.

Cái gì gọi là duy thức? Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói cụ thể cho chúng ta nghe, “thức” chính là “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, ba loại này hiện tại chúng ta thảy đều có. Chúng ta có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, thế là pháp giới Nhất Chân này liền biến thành sáu cõi luân hồi. Nếu như trong ba loại này chúng ta đoạn một loại, trong tất cả pháp (thế gian pháp và xuất thế gian pháp) chúng ta đích thực không có chấp trước, xin nói với các vị, thì sẽ không có sáu cõi. Sáu cõi chính là chấp trước biến hiện ra, chấp trước không còn nữa thì bạn liền siêu việt sáu cõi. Siêu việt sáu cõi, bạn ở nơi đâu vậy? Bởi vì bạn còn có phân biệt, cho nên còn có pháp giới bốn thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Còn có bốn pháp giới này chính là bạn còn có tâm phân biệt, tùy theo phân biệt nặng nhẹ mà biến hiện ra. Tâm phân biệt của bạn rất nặng thì bạn là Thanh Văn, Duyên Giác; tâm phân biệt của bạn rất nhẹ thì bạn ở pháp giới Bồ Tát, pháp giới Phật. Mười pháp giới là do đây mà ra. Tâm phân biệt của bạn cũng không còn, vậy thì siêu việt luôn mười pháp giới, bạn mới có thể “phản bổn hoàn nguyên, phản phác qui chân”, chỗ này gọi là vào pháp giới Nhất Chân. Trong pháp giới Nhất Chân, vị thứ của Bồ Tát cũng không đồng nhau. Bạn xem, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói 41 vị Pháp Thân Đại Sĩ, Phật Bồ Tát có cao thấp, phân thành 41 đẳng cấp. Bốn mươi mốt đẳng cấp này là từ vọng tưởng mà ra. Người trong pháp giới Nhất Chân còn có vọng tưởng, thế nhưng các vị phải nên biết, họ không có phân biệt, không có chấp trước, vọng tưởng liền tương đối nhẹ. Vọng tưởng cũng gọi là vô minh, vô minh chính là vọng tưởng. Nếu 41 phẩm vô minh đoạn hết rồi thì bạn liền chứng được quả vị cứu cánh viên mãn. Quả vị cứu cánh viên mãn là gì? Là chân ngã của chính mình hoàn toàn hồi phục được viên mãn. Bổn lai diện mục hiện tiền viên mãn, đó chính là Phật quả viên giáo. Viên giáo Phật quả chính là hoàn toàn hồi phục bản lai diện mục của chính chúng ta. Đến ngay chỗ này chúng ta mới nghĩ đến hai câu nói trên “Kinh Lăng Nghiêm”: “Viên mãn Bồ Đề, qui vô sở đắc”. Viên mãn Bồ Đề là hồi phục bổn lai diện mục của chính mình, tuyệt nhiên không có một chút gì là bạn mới có được. Lý sự vốn là như vậy. Do đó, Phật nói với chúng ta, khởi tâm động niệm có một chữ “Ta” chính là chấp trước kiên cố. Chỉ cần có cái chấp trước này thì bạn không thể ra khỏi ba cõi, không ra khỏi luân hồi. Cho nên, có “Ta” chính là tội, chính là ác, huống hồ tất cả chúng sanh còn có chấp trước nghiêm trọng cái “của ta”, đó là mê đã quá nặng. Bạn chấp trước cái thân này là ta thì đã đủ phiền não rồi, còn có thêm chấp trước cái “của ta”, “cái nhà của tôi, tôi là sở hữu, đó là tiền của tôi, đó là quyến thuộc của tôi; khi xuất gia, đó là đạo tràng của tôi”, bạn nói xem, có đáng lo hay không? Vậy thì phiền não thật to lớn. Cái thân này kéo theo một đống to, kéo không nổi, bạn còn có thể ra được ba cõi sao? A Di Đà Phật có từ bi muốn kéo bạn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng thứ mà bạn kéo ở phía sau quá nặng, Phật cũng kéo không nổi. Phật dạy chúng ta phải nên buông bỏ, phải bố thí, phải xả. Xả, trước tiên xả hết cái ta sở hữu; ta sở hữu là vật ở ngoài thân, trước tiên đem nó xả hết, sau đó lại đem chấp trước của ta xả hết thì bạn ở trên đạo Bồ Đề liền không có chướng ngại. Cho nên mới nói, “khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”, đạo lý chính ngay chỗ này. Ngàn vạn lần không nên bị những thứ huyễn tướng này, những thứ giả có này lừa gạt. Bạn có thể đem chân tướng sự thật này thấy tường tận, thấy thấu đáo, đó gọi là nhìn thấu. Thế nhưng, phàm phu chúng ta thật sự từ vô thỉ kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp bị mê ngay trong những giả tướng này. Chúng ta phải luân hồi sáu cõi thật nhiều lần đến không thể tính đếm, vô lượng vô biên lần, cho nên tập khí vô cùng sâu. Phiền não, tập khí không phải ngay đời này học, mà nhiều đời nhiều kiếp mang đến đây, vậy mới biết được nghiệp chướng chúng ta rất nặng. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải tu pháp sám hối, phải tiêu trừ nghiệp chướng. Phiền não là chướng ngại, chướng ngại Niết Bàn, đó là phiền não chướng. Sở tri cũng là chướng ngại, chướng ngại Bồ Đề. Đó là danh từ thuật ngữ Phật học, cần phải giải thích, cắt nghĩa ra thì bạn mới có thể tường tận, mới có thể thấu hiểu.

Cái gì gọi là Niết Bàn? Niết Bàn là tiếng Phạn, ý nghĩa là bất sanh bất diệt. Các vị phải biết, chính chúng ta vốn dĩ là không sanh không diệt, thế nhưng hiện tại có sanh có diệt. Vì sao có sanh có diệt? Bởi vì bạn có thứ làm chướng ngại mất đi bất sanh bất diệt của Niết Bàn, bất sanh bất diệt biến thành sanh diệt. Điều này rất bất hạnh. Tất cả phàm phu có sanh diệt, có sanh tử chính là có phiền não. Phiền não đoạn hết rồi thì không còn sanh diệt, hay nói cách khác, không còn sanh tử nữa, vốn dĩ không có sanh tử. Đạo lý này rất sâu rất rộng, hiện tượng này thì vô cùng vi tế.

Sở tri chướng là gì? Dùng lời hiện tại mà nói chính là kiến giải, chính là bạn có tri có kiến, nếu nói thô một chút, chính là bạn có tư tưởng, có kiến giải. Bạn có những thứ này thì phiền phức, làm cho trí tuệ Bát Nhã đầy đủ trong tự tánh của bạn bị chướng ngại mất. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”. Đức tướng chính là Đại Niết Bàn, không sanh không diệt là đức tướng. Chúng ta có tư tưởng, có kiến giải thì hỏng rồi, trí tuệ Bát Nhã của chúng ta không còn, bị nó chướng ngại mất, làm cho trí tuệ Bát Nhã bị vặn cong đi, bị biến chất, biến thành cái gì vậy? Biến thành tà tri tà kiến, tư tưởng kiến giải hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật, biến thành ra thứ này. Bởi vì có thị phi nhân ngã, có tham-sân-si-mạn nên làm cho đức tướng biến thành sanh tử luân hồi, biến thành tướng chúng sanh của mười pháp giới. Sự thật này nếu không phải Thế Tôn xuất thế thì ai biết được, ai có thể đem sự việc này nói ra được rõ ràng, nói được tường tận? Tất cả các nhà tôn giáo, nhà triết học, nhà khoa học thế gian đều không cách gì nói rõ chân tướng sự thật này cho chúng ta, vì thế cảm được Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này, đem chân tướng của vũ trụ nhân sanh vì chúng ta nói rõ. Sau khi chúng ta nghe rồi bỗng nhiên hiểu ra. Then chốt là hiện tại làm thế nào hồi phục lại bổn lai diện mục của chúng ta, làm thế nào hồi phục trí tuệ, đức tướng của chúng ta viên mãn? Học Phật là quan trọng, học Phật chính là vì việc này, không phải vì thứ khác.

Hạnh Phổ Hiền là hành pháp cứu cánh viên mãn. Hành pháp là phương pháp tu hành, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là phương pháp sinh hoạt. Ngài nêu ra mười cương lĩnh. Phía trước chúng ta đã từng nói qua “lễ kính”, phải tu lễ kính, đối với tất cả chúng sanh, đối với người, với việc, với vật, phải có tâm thành kính, phải giữ lễ. Thứ hai, chúng ta phải biết “tán thán”, phàm hễ tương ưng với tánh đức thì chúng ta tán thán, không tương ưng với tánh đức thì không tán thán. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị đồng tham có thí dụ rõ ràng dạy bảo chúng ta. Thứ ba là “quảng tu cúng dường”, điều này tôi đã lược nói hai giờ đồng hồ. Nếu như giảng tỉ mỉ với các vị về bố thí cúng dường, thì năng lực của tôi có thể giảng một năm. Kinh văn ở đâu vậy? Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, chương hồi hướng thứ sáu giảng cho chúng ta nghe hơn một trăm loại về tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Một loại giảng ba ngày, thì chẳng phải giảng một năm sao? Chúng ta thật là không hiểu, ngày ngày đọc kinh đầy mồm lướt qua, cho nên tu hành không biết phải bắt tay vào từ đâu, cho rằng chính mình tu hành không tệ, nhưng trên thực tế thì cách với tiêu chuẩn Phật đã nói rất xa.

Khoa này cũng rất là quan trọng, nghiệp chướng tập khí của chúng ta, thực tế mà nói là quá nặng, chính mình phải thừa nhận, chính mình phải khẳng định. Bạn chính mình khẳng định thì bạn mới có thể thay đổi. Thay đổi thì công đức thù thắng. Ngay đến thánh nhân thế gian chúng ta thường nói: “Con người không phải thánh hiền thì làm gì không lỗi. Có lỗi mà có thể sửa thì lo gì không tốt chứ”. Chư Phật Bồ Tát đều tán thán, vì sao vậy? Chư Phật Bồ Tát trước khi chưa thành Phật, bản thân các Ngài cũng có cả một đống lỗi lầm, các Ngài có thể thay đổi, thành Bồ Tát, thành Phật, những cổ Phật về trước tán thán các Ngài. Ngày nay chúng ta cũng có thể thay đổi tự làm mới, đoạn ác tu thiện, tất cả chư Phật Bồ Tát đều sẽ tán thán chúng ta. Thay đổi là khóa mục tu hành rất quan trọng.

Ý nghĩa của hai chữ “nghiệp chướng” này chỉ lược nói qua. Làm thế nào để sám trừ? Sám hối! Sám là tiếng Phạn, dịch âm là sám ma, người Trung Quốc thích đơn giản, nên bỏ đi âm đuôi, chỉ dùng một âm là sám. Trong văn tự Trung Quốc có chữ “hối” (hối là hối quá), ý nghĩa rất gần với chỗ này, cho nên pháp sư dịch Kinh liền đem hai chữ này hợp lại, gọi là “Sám Hối”. Danh từ này trong Kinh Phật gọi là Phạn – Hoa hợp dịch; chữ trước là tiếng Phạn, chữ sau là chữ Trung Quốc. Ý nghĩa của chữ “Sám” là chính mình có lỗi lầm, có thể có dũng khí dám nói với mọi người là tôi đã làm ra những việc xấu ác gì, đó gọi là “Sám”. Ý nghĩa của chữ “Hối” này là về sau không làm nữa; về trước đã tạo ra lỗi lầm là đã làm qua rồi, về sau tuyệt đối sẽ không tái phạm lỗi lầm giống như vậy, chính là như nhà Nho đã nói “bất nhị quá”, lỗi chỉ có một lần, không có lần thứ hai. Lần thứ hai là phải sửa đổi lại, thay đổi tự làm mới, đây gọi là chân thật sám hối. Ngày nay, có rất nhiều đồng tu học Phật, nghe đến danh từ “sám hối”, “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”, “sám trừ nghiệp chướng”, thì liền nghĩ đến việc lạy “Lương Hoàng Sám”, lạy “Thủy Sám”, mở đàn “Thủy Lục”. Cũng có người ở trong nhà lạy “Đại Bi Sám”, lạy “Tịnh Độ Sám”, “Hoa Nghiêm Sám”, “Pháp Hoa Sám”, thật nhiều, quá nhiều. Vậy tội của bạn có thể sám trừ hết hay không? Giả như vừa lạy “Lương Hoàng Sám” xong thì tội liền được sám trừ, vậy thì rất hữu hiệu; nếu như sau khi lạy rồi mà không thể sám trừ thì bạn có vấn đề. Vấn đề không phải là phương pháp sai, Lương Hoàng Sám, Thủy Sám không sai. Bao gồm tất cả những sám nghi đều là của Tổ sư đại đức xưa căn cứ Kinh giáo mà biên soạn ra, đều là tinh hoa trong Kinh giáo thì làm gì sai chứ! Sai ở chỗ nào vậy? Sai ở chỗ chúng ta không hiểu được ý này, không rõ pháp này, chỉ là đem sám nghi chiếu theo đó đọc lướt qua, vậy thì không ích gì. Nếu đọc qua thôi, người xưa nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Ta một mặt tụng, còn một mặt dập đầu, người xưa có một thí dụ giống như đang giã gạo vậy, dập đầu một ngày một vạn cái cũng không thay đổi gì, không hữu dụng. Vậy phải sám như thế nào? Phải tùy văn nhập quán, tùy theo kinh văn, đem quan niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm của bạn thay đổi lại, vậy thì được, đó là thật sám hối.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 15

Bài viết cùng chuyên mục

Không tham dục thì phước báu vô biên

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 3 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Buông bỏ phiền não, chuyển Mạt Na trí thành bình đẳng tánh trí

Định Tuệ

Miệng thường niệm câu Phật hiệu, sẽ có hai tác dụng

Định Tuệ

Chánh tín niệm Phật: Như thế nào mới gọi là chánh tín?

Định Tuệ

30 lợi ích của việc niệm Phật, cả ba đời khứ lai hiện tại

Định Tuệ

Hai chữ Trung Hiếu là căn bản của làm người

Định Tuệ

Tùy duyên thuận cảnh

Định Tuệ

Pháp môn niệm Phật thù thắng và tiện lợi, không câu nệ hình thức

Định Tuệ

Viết Bình Luận