Đường lối này làm thế nào chúng ta thực tiễn vào trong đời sống, đó chính là hành hiếu; làm thế nào thực tiễn vào trong tu học Phật pháp, đó là tận hiếu.
Hai chữ “Trung Hiếu” phần trước đã giới thiệu giản lược về chữ “Trung” rồi. Trong Vựng Biên trích dẫn chuyện tận trung cũng chính là nói làm sao đem “Trung” thực tiễn vào trong đời sống, thực tiễn vào trong công việc, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật. Sách đã nêu ra rất nhiều điển hình. Những điển hình này nêu hoài không hết, lý sự cũng nói mãi không xong. Quí vị có thể từ những điển hình này mà thể hội.
Chúng ta tiếp tục bàn đến chữ “Hiếu”. “Hiếu” là căn bản, “Trung” là khởi dụng. Trong Vựng Biên giảng về “Hiếu”, đoạn thứ nhất là lấy “Hiếu Đễ Luận” của tiên sinh Nhan Quang Trung. Đoạn này nói rất hay, vô cùng gần gũi với tư tưởng của nhà Phật. Ông nói: “Có người nói hiếu đễ là gốc của lòng nhân” là trong Luận Ngữ nói. Mạnh Tử nói: “Đạo của Nghiêu Thuấn chỉ có hiếu đễ mà thôi”. Đây là một người học sách Nho, vừa mở đầu liền lấy cách nói của Khổng Mạnh làm y cứ, sau đó đem nó sáng chế ra. “Hiếu đễ, quan thiệp thậm đại”. Quan là quan hệ, thiệp là đề cập đến. Phương diện mà nó liên quan đến rất lớn, đã sâu lại rộng.
“Là ngang, là dọc”. Đây là từ trên bề mặt.
“Từ xưa đến nay”. Đây là từ trên thời gian mà nói.
“Không bờ, không mé”. Cách nhìn này chính xác, đều là sự vật này.
Như thế cần phải biết hiếu đễ là gì, cội rễ của hiếu đễ là gì? Đó là cái khí của con người ở giữa trời đất mà thôi. Chúng tôi chỉ đọc đến chỗ này, phần sau quí vị tự mình đọc.
Chữ “Hiếu” cũng thuộc về hội ý, khiến bạn nhìn thấy ký hiệu này liền thể hội ý nghĩa ở bên trong. Nửa phần trên của nó là chữ “Lão”, nửa phần dưới là chữ “Tử”; “Lão” là đại biểu cho thế hệ trước, “Tử” là đại biểu cho thế hệ sau. Ý nghĩa của chữ này là thế hệ trước với thế hệ sau hợp thành một thể, đây gọi là hiếu. Nếu như thế hệ trước với thế hệ sau chia rẽ, vậy là bất hiếu. Người phương Tây nói có hố ngăn cách, hố ngăn cách là chia rẽ. “Lão” và “Tử” chia rẽ là bất hiếu. Người Trung Quốc không có cách nói này. Bạn hãy nghĩ đến chỗ sâu xa nữa, thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, quá khứ vô thủy; thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, vị lai vô chung. Vô thủy vô chung, Nhan tiên sinh gọi là “từ xưa đến nay, không bờ không mé”. Bạn biết được sự liên hệ này, sau đó bạn quan sát tiếp đến phương diện ngang và dọc, chính là nhà Phật nói tận hư không khắp pháp giới, là dùng ký hiệu này để đại biểu. Hư không pháp giới, một pháp cũng không sót, bao hàm một cách viên mãn ở trong đó. Trong các buổi giảng tôi đã từng nói không chỉ một lần, lời tôi nói dễ hiểu, khẳng định hư không pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình. Đây chính là ý nghĩa của Hiếu.
Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, “tất cả chúng sanh” này phạm vi rất rộng, chúng sanh hữu tình là nói người và động vật, còn chúng sanh vô tình là thực vật, khoáng vật, thậm chí là hiện tượng tự nhiên. Ý nghĩa của chữ chúng sanh này rất rộng lớn, phàm cái gì do nhiều duyên hòa hợp mà sinh ra đều gọi là chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều là chính mình. Tôi nói lời này là có căn cứ, đây là Phật nói. Tuy Phật không nói cách này, nhưng ý nghĩa giống nhau, chúng ta “y nghĩa bất y ngữ” là đúng rồi. Phật ở trong Kinh nói: “Hư không pháp giới duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm là chân tâm của mình, là bản tánh của mình. Thức là tác dụng của tâm, là tâm khởi tác dụng. Cho nên, chữ “Hiếu”này, nếu dùng Phật pháp để nói thì chính là pháp môn đại tổng trì của tất cả pháp, cứu cánh viên mãn. Chúng ta đối với khái niệm lý tánh của chữ này phải rõ ràng, phải sáng tỏ thì sau đó mới biết cần phải học hiếu, hành hiếu như thế nào để hy vọng đạt đến tận hiếu. Chữ hiếu làm được viên mãn rồi thì liền thành Phật ngay, Phật quả cứu cánh của viên giáo thì đạo hiếu mới làm được viên mãn. Bồ-tát đẳng giác còn có một phẩm vô minh chưa phá, đạo hiếu vẫn còn khiếm khuyết, vẫn chưa thể làm được viên mãn. Từ đó cho thấy, Phật pháp là xây dựng ở trên nền tảng của đạo hiếu. Trong kinh luận, Bồ-tát giới cũng nói như vậy. Chúng ta cần thể hội cho được, cần nhận biết được. Đây là đại căn đại bản của Phật pháp.
Chúng ta thử nghĩ, Phật pháp năm xưa được truyền bá khắp bốn phương tám hướng, những đệ tử của Phật vì người giảng kinh thuyết pháp khắp nơi, nhưng tại sao chỉ có bắt rễ, ra hoa kết quả, phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, còn những khu vực khác đều không có, đặc biệt là ở châu Âu, phía tây của châu Á, ngay cả Ấn Độ là nơi khởi đầu (Ấn Độ là một thí dụ đặc thù)? Chúng ta hiểu rất rõ, khi Phật giáo chưa truyền vào Trung Quốc thì giáo dục nhà Nho đã đặc biệt xem trọng đạo hiếu, nói cách khác, điều mà Khổng – Mạnh dạy là “Hiếu đễ” mà thôi. Cho nên khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc, vừa tiếp xúc với vua và dân, chúng ta nghe xong vô cùng hoan hỷ. Tại sao vậy? Vì hoàn toàn tương đồng với quan niệm của chúng ta, vả lại cách làm còn tinh tế hơn so với chúng ta. Giáo dục nhà Nho chỉ đưa ra cương lĩnh, Phật pháp nói tinh tế, tỉ mỉ. Do Kinh điển phong phú, nên người Trung Quốc đặc biệt hoan nghênh, đặc biệt coi trọng, vậy là Phật pháp thật sự được truyền vào Trung Quốc. Nếu như xã hội này, khu vực này không có quan niệm về đạo hiếu thì Phật pháp sẽ không thể bắt rễ được ở nơi này, là đạo lý như vậy.
Năm xưa tôi ở Đài Loan, có một số pháp sư đi Mỹ. Người mà tôi quen biết thì không nhiều. Phàm là người mà tôi quen biết, tôi đều khuyên họ, đến Mỹ không nên xây chùa chiền. Họ hỏi tôi: “Xây cái gì?”. Tôi nói: “Xây từ đường, đề xướng đạo hiếu”. Trong từ đường có thể giảng Kinh thuyết pháp, thờ cúng bài vị tổ tiên, không phải thờ cúng bài vị tổ tiên một họ tộc, mà thờ cúng tất cả họ trong toàn quốc. Tôi đã đặt tên cho nó là “Từ Đường Trăm Họ”, không giống như từ đường họ Đỗ đối diện chúng ta, chỉ một họ. Tôi bảo họ xây “Từ đường trăm họ dân tộc Trung Hoa”, tất cả người Trung Quốc đều ở trong Từ Đường này. Việc này hay, đề xướng đạo hiếu. Phước của tôi rất mỏng, tôi không có phước, không có năng lực làm được, đã xây một đạo tràng nhỏ ở Dallas, chúng tôi không còn cách gì khác, vì vậy bên trong chỉ thờ một bài vị. Ở Đài Loan đã làm hai bài vị lớn, một cái là “Từ đường trăm họ dân tộc Trung Hoa”, chúng ta sống ở Mỹ không thể quên nước Mỹ, cho nên cũng thờ một bài vị là “Bài vị tổ tiên trăm họ nước Mỹ”. Chúng tôi có tâm, có ý này, nhưng chúng tôi không có năng lực thực hiện. Đạo tràng Úc Châu có lẽ các bạn đến rồi, Phật đường chúng ta cũng là thờ hai bài vị. Ở Singapore, các bạn đến niệm Phật đường mà xem, niệm Phật đường cũng thờ hai bài vị như vậy, một cái là “bài vị tổ tiên trăm họ dân tộc Trung Hoa”, một cái là “bài vị tổ tiên trăm họ Singapore”. Đây là gốc của Phật pháp, là căn bản của tất cả pháp thế xuất thế gian. Nếu như gốc không có thì không thể bàn đến cái gì nữa, cho nên hiếu là gốc.
Chúng ta đọc sách nhìn thấy ký hiệu này, thật sự mà nói là sơ ý qua loa, mơ hồ chung chung lướt qua, như thế sao được? Không những tất cả Kinh giáo mà Phật Thích-ca Mâu-ni đã nói suốt 49 năm đều là nói chữ “Hiếu” này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật nói vô lượng Kinh pháp, giáo hóa chúng sanh vẫn là chữ này. Tôi nói lời này có căn cứ hay không? Có phải tôi ở đây nói vớ vẩn hay không? Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vi-đề-hi đã gặp biến cố gia đình, hoàn toàn thất vọng, cầu xin Thích-ca Mâu-ni Phật giúp bà. Bà nói, thế giới này hoàn cảnh quá tồi tệ, bà là đệ tử Phật, biết thế giới là vô lượng vô biên nên hướng về Thích-ca Mâu-ni Phật thỉnh giáo là có thế giới thanh tịnh, thế giới an lạc hay không? Bà rất muốn di dân, không sống ở đây nữa. Thích-ca Mâu-ni Phật nghe xong lời thỉnh cầu của bà, bèn dùng thần lực đem thế giới chư Phật mười phương biến hiện ngay trước mắt bà, để bà tự mình đi xem, tự mình lựa chọn. Sau khi bà xem xong, bà chọn Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Bà rất hoan hỷ, hướng về Thích-ca Mâu-ni Phật thỉnh cầu, làm thế nào mới có thể sinh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Thập Lục Quán Kinh là vì nhân duyên này mà nói ra. Phu Nhân Vi-đề-hi thỉnh giáo phương pháp vãng sanh, Thích-ca Mâu-ni Phật trước khi nói ra phương pháp thì nói với bà ba điều kiện cơ bản là “Tịnh Nghiệp Tam Phước”. Trong ba điều kiện cơ bản này, câu nói đầu tiên là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Quí vị thử nghĩ xem, đây là ý gì? Đầu tiên chính là nói hiếu, “hiếu thân tôn sư”. Quí vị phải biết, Phật pháp là sư đạo, sư đạo phải được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, không có hiếu thì làm gì có sư? Không biết hiếu thuận cha mẹ thì chắc chắn không thể nào tôn trọng sư trưởng, đạo hiếu, sư đạo không còn nữa, hay nói cách khác, ở trong lục đạo ba đường thiện cũng không có, môi trường sống của bạn chỉ giới hạn ở ba đường ác. Ở trong đường ác, có một số súc sanh vẫn biết đạo hiếu, vẫn có thể hiếu dưỡng cha mẹ, nói cách khác, người còn không bằng cả súc sanh.
Trong xã hội rất nhiều người không hiểu, bài xích Phật giáo. Bài xích Phật giáo chính là bài xích đạo hiếu, bài xích sư đạo. Cách nghĩ, cách làm đó của họ, chúng ta nhất định không nên trách họ mà phải trách chính mình. Họ đối với Phật pháp có hiểu lầm, chưa hiểu rõ, sau khi họ hiểu rồi thì biết Phật pháp có lợi ích chân thật đối với mỗi chúng sanh. Có ai muốn đem lợi ích chân thật của mình hủy bỏ chứ? Đây là việc không thể. Chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm giảng giải là chúng ta có lỗi.
Trong “Tam phước” Phật nói rất hay:
Điều đầu tiên là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Đây là phước báo nhân thiên, cũng chính là phước báo ở trong ba đường thiện, là mức thấp nhất để bạn có thể giữ vững thân người. Người tu càng tốt thì có thể sanh thiên, hưởng phước trời.
Điều thứ hai là “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”. Đây là phước báo của Tiểu Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác).
Điều thứ ba là “Phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Đây là phước báo của Bồ-tát Đại Thừa.
Tổng cộng có mười một câu. Phật cuối cùng đã kết luận, mười một câu này là “tịnh nghiệp chánh nhân của ba đời chư Phật” (ba đời là quá khứ, hiện tại, vị lai), vậy chẳng phải đã nói hết rồi sao? Nếu người tu hành muốn làm Phật, chúng ta biết, pháp môn mà ba đời chư Phật tu là không giống nhau, như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói, mỗi người tu pháp môn của mỗi người, nhưng đều có thể thành Phật đạo, tuy khác đường đi nhưng cùng về một đích. Pháp môn bình đẳng, ý nghĩa đều là nói cái này. Vô lượng vô biên pháp môn đều có thể viên thành Phật đạo, nhưng tất cả đều xây dựng ở trên cơ sở của “Tam phước”. Nếu xa lìa “Tam phước” thì bất kể tu học pháp môn nào cũng đều không thể thành tựu. Cho nên, tu hành bắt đầu là chữ hiếu, đến viên mãn vẫn là đạo hiếu. Phật pháp không nói gì khác, từ đầu đến cuối chỉ là hành hiếu, tận hiếu mà thôi. Có mấy người hiểu được đạo lý này? Tại sao không hiểu vậy? Vì tứ chúng đệ tử chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm, đặc biệt là đệ tử xuất gia chưa nói rõ ràng, bản thân cũng chưa làm được, ngay cả khái niệm của chữ “Hiếu” còn không có. Chủ ý của hiếu chính là tự tánh rất viên mãn. Chân đế của hiếu chính là trong Phật pháp thường hay nói là “Nhất tâm nhất niệm”. Cho nên, chúng ta cần nhận thức chữ này cho rõ ràng, sau đó chúng ta hãy nghiên cứu, hãy thảo luận.
Đường lối này làm thế nào chúng ta thực tiễn vào trong đời sống, đó chính là hành hiếu; làm thế nào thực tiễn vào trong tu học Phật pháp, đó là tận hiếu. Nếu như mọi người đem đạo lý, chân tướng sự thật này hiểu cho rõ ràng thì chúng ta tin tưởng sâu sắc, tất cả chúng sanh trong chín pháp giới, không có người nào không muốn quy y Phật pháp (Quy y Phật pháp là quy y đạo hiếu), không có người nào không tôn kính sư trưởng, dùng sư đạo để viên mãn đạo hiếu. Hiếu là bản thể, sư đạo là trí huệ. Pháp thân huệ mạng của chúng ta có được từ thầy, nhờ pháp thân huệ mạng mới hoàn thành đạo hiếu. Đạo lý này chúng ta phải biết.
Chữ “Hiếu” này chúng ta cũng cần tốn nhiều thời gian một chút để thảo luận.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ học đến đây thôi. A Di Đà Phật!
Trích trong:
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 20