Nếu người chết lúc sống còn đối với Phật-pháp chưa đủ sự tín-ngưỡng thâm thiết, thì thân trung-ấm phải trải qua đường lối quanh co, dần dà không quyết định.
Những phương thức lúc chuyển sinh
Nếu người chết lúc sống còn đối với Phật-pháp chưa đủ sự tín-ngưỡng thâm thiết, thì thân trung-ấm phải trải qua đường lối quanh co, dần dà không quyết định. Vì vọng niệm bồng bột, cho nền dù đã trải qua nhiều phen khai thị, vẫn chưa được vãng-sinh.
Bấy giờ thân trung-ấm hoặc gặp phải cuồng phong bão vũ, giá tuyết, mưa đá…, làm cho họ tối tăm mù mịt và có các loài ác thú xua đuổi theo sau, trong nhất thời sắp đến; nếu người nào nghiệp chướng nặng nề, thì sẽ bị hăm doạ, và vì trốn tránh mà đi vào cảnh khổ; còn ai có đủ nghiệp lành thì đi đến chỗ an vui, trong một khoảnh khắc quan-hệ và mau chóng ấy, nếu đời trước họ chưa có công phu tu tập đoạn tâm, thì cảm thấy được hai thân nam, nữ giao-hội, khi đó tà niệm dấy động, sinh lòng yêu ghét, nên tức thì thác sinh. Hoặc thác thai vào các loại súc vật, hoặc thác thai lại làm thân người, tuỳ theo nghiệp lực sai khác của người chết mà cảm thọ.
Nếu người nào về nghiệp đàn ông nhiều thì thấy đàn bà liền sinh lòng yêu mến. Còn người nào nghiệp đàn bà nhiều, thì thấy đàn ông liền sinh lòng yêu mến. Khi đó vì cảm thọ sự dục lạc, nên bị tối tăm mà mất cả tri giác. Đấy là thân trung-ấm đã diệt, mà sinh vào thai-sinh hay noãn sinh vậy.
Sau khi đã thác-thai vào một loài nào, thì phải trải đủ những thời gian tương đương với loài ấy rồi mới được sinh nở. Nếu phải thác sinh làm thân chó, thì tìm ổ mà nương tựa cho đến lúc khôn lớn. Nếu làm thân một con lợn thì đi đến trong chuồng mà nương tựa cho đến khi khôn lớn. Nếu làm thân một con kiến, thì bò vào trong hang mà ở, cho đến khi khôn lớn. Nếu làm thân một con trùn, một con giòi, một con nghé, một con dê… đều tuỳ theo nghiệp lực sai khác, đáng sinh về loài nào thì phải sinh về loài ấy, và đều phải trải qua ngày tháng và thọ mạng được bao nhiêu, mỗi mỗi đều được tương đương với loài ấy. Khi đã thọ sinh những thân hình ấy, thì dù muốn tránh thoát, cũng không sao thoát được. Và còn có những nỗi khổ kịch-liệt như đui, điếc, câm ngọng, ngu si, nhơ bẩn, và mặc dầu cho người ta giết hại, sự đau đớn kịch liệt kia không thể kể xiết được.
(Còn có những khổ sở phải sa vào trong ngạ-quỉ, địa-ngục v.v… rộng như trong kinh đã nói. Nếu được may mắn thì sinh lên cõi Trời, cõi Người, và A-tu-la, tức là ba đạo lành. Nhưng các cõi đó đều phải chịu khổ sinh tử luân hồi, không bao giờ thôi nghỉ. Cho nên thiện-tri-thức phải theo những lời sau đây mà khai thị:
“Thương thay! Người làm những ác-nghiệp gì mà bị kết xâu khổ sở như thế. Người từ nhiều kiếp đến nay, phải đắm chìm trong sinh-tử mà chưa được ra khỏi, đều do bệnh căn của ác-tập nầy vậy. Nay đây, nếu không tự cứu-độ, cứ chất-chứa những lòng ghen-ghét thương yêu, thì có khác chi tự mình vào trong bể khổ; trải qua nhiều kiếp không thể ra khỏi đó sao?! Ngươi phải mạnh mẽ mà phấn khởi lên; phải luôn luôn từ bỏ tà niệm thương ghét rất đê-tiện ấy đi, đừng để sinh khởi làm nhơ-nhớp tâm niệm, người phải tự trách, tự răn mình như thế, phải lập thời thệ-nguyện mạnh mẽ, quyết định không dối mình. Cho nên trong kinh đã nói: “Chí có lời thệ-nguyện mới có thể đóng bít được thai-môn mà thôi”.”
Chuyển sinh lên Thiên giới
Vì cái niệm cầu sinh của người chết quá bồng bột, dù đã trải qua nhiều phen khai thị, cũng vẫn không trừ được lòng huyễn-vọng ấy, cho nên vẫn chưa được vãng-sinh Tịnh-độ. Khi đó thân trung-ấm vì nhờ sức thiện nghiệp mà thấy được cảnh giới chư Thiên (các cõi trời) bào là kỹ-nữ trang-nghiêm chơi bời vui thú, biết bao cảnh-tượng đẹp tươi. Khi đó sinh lòng ưa thích, vội-vàng đi đến. Vả có thiên-thần đem thiên-y (áo của trời) và kỹ nhạc đến rước.
Bấy giờ bà con tống-táng, dù có than khóc thảm-thiết đến đâu cũng không thể làm lay chuyển lòng họ; trái lại ta thấy người chết vẫn mỉm cười hớn-hở, nhan sắc tươi vui. Vì tâm của Trung-ấm thân đã duyên vào cảnh giới vui-vẻ của chư Thiên, cho nên người đời dù than-khóc thảm-thiết, họ cũng không nghỉ đến. Nhưng nếu sinh-ấm (thân sau) chưa thành, thì thân-thuộc khóc than còn có thể lôi kéo được lòng họ.
(Sinh lên Thiên giới tuy là vui sướng hơn ở nhân-gian, nhưng cũng vẫn còn trong vòng tam-giới: Dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới, chưa khỏi luân-hồi, thì cũng không khỏi được cái khổ hoả-trạch (ví dụ sự khổ trong ba cõi cũng như lửa nung nấu, nên gọi là hoả-trạch) sao bằng sự vui vô-lậu hoàn-toàn ở Tây-phương Cực-lạc!)
Chuyển sinh về Bốn Châu
Thân trung-ấm đủ có cái thông-linh không thể nghỉ ngợi, thông-linh ấy, chính do nghiệp lực của trung-ấm mà cảm được, có thể ở trong một chốc lát, đi khắp cả bốn đại châu: hoặc quanh núi Tu-Di mau chóng hơn trong khoảng một phen cánh tay co duỗi. Tuỳ theo ý muốn, mống niệm liền đến; cho đến đủ có những huyễn pháp biến hiện.
1) Sinh về Đông-thắng thần-châu. Nếu thân trung-ấm được cảm sinh về Đông-thắng thần-châu, thì liền thấy biến thành một cái hồ, trong đó có những chim hồng, chim nhạn, kết thành bầy lũ, trống mái đuổi nhau dạo chơi trên mặt nước. Nếu kẻ chết đi đến chỗ ấy, tức là sinh về Đông-thắng thần-châu.
(Cần phải cẩn thận chỗ khởi tâm, phải cương quyết chở đi đến châu ấy; vì đến châu ấy, dù được an vui, nhưng đắm trước theo sự an vui đó, làm xao lãng chỗ tấn tu, thì không thể siêu sinh thoát tử được, cho nên không nên đến).
2) Sinh về Nam-thiệm bộ-châu. (Nghĩa của nó là thắng-kim; vì ở châu nầy có thứ kim-sắc đặc biệt), thân trung-ấm nếu được cảm về Nam-thiệm bộ-châu, thì cảm thấy hiện ra những cung điện huy hoàng của châu ấy, thấy như vậy tức là sẽ sinh về Nam-thiệm bộ-châu.
(Nếu ai chưa hết ý-niệm cầu sinh thì nên cầu sinh về châu nầy; vì ở đây hiện có Phật pháp lưu hành, vẫn có thể tu trì mà siêu thoát).
3) Sinh về Tây-ngưu hoá-châu. (Cõi nầy buôn bán đổi chác đều dùng bằng trâu, không dùng đến tiền tệ), thân trung-ấm nếu sắp được cảm sinh về Tây-ngưu hoá-châu thì sẽ thấy có một cái hồ, hai bên bờ có trâu gặm cỏ, thấy như vậy tức là sẽ sinh về Tây-ngưu hoá-châu.
Châu nầy tuy là giàu có thật, nhưng cũng không nên đến; vì sự giàu có hay làm tăng trưởng tham tâm, mà phế bỏ đạo nghiệp; cho nên không nên đến).
4) Sinh về Bắc-cu-lô-châu. (Châu nầy gọi là thắng-xứ; vì ở đây sung sướng như cõi Trời). Thân trung-ấm nếu được cảm sinh về Bắc-cu-lô-châu, thì sẽ thấy có một cái hồ, và trên bờ cũng có các loài súc vật và cây cối… thấy như vậy tức là sẽ sinh về Bắc-cu-lô-châu.
(Châu nầy tuy sống lâu và sung-sướng nhưng ở đây không có Phật Pháp lưu hành thì càng không nên đi đến, mà cần phải trở lại gấp).
Thiện-tri-thức, nên đối trước linh-sàng, theo như trên mà khai thị, để cho họ biết mà lựa chọn thân sau.
Trung-ấm-thân mặc dầu rong ruổi ở chốn xa xôi, nhưng một khi kêu gọi thì lập tức trở lại; vì họ đủ có thần-thông nghiệp lực hữu lậu, và những khả-năng đặc-biệt có thể ghi nhớ những điều đã trải qua và hiểu rõ được sự lý. Lúc sống còn, tuy là tay mắt không minh mẫn, nhưng lúc nầy thì tính thấy, tính nghe đều minh mẫn hơn, ngặt nỗi nghiệp duyên lôi cuốn nên không khỏi trở vào sinh tử.
Lại nữa, thân trung-ấm đã thoát khỏi sắc thân huyết nhục không còn là sắc thân thô ngại nữa; cho nên dù là đất, đá, gò, nhà cửa cho đến lớn như núi Tu-Di cũng không qua được. Chỉ có Pháp tọa kim-cang của Phật và tử-cung trong thân mẹ thì không thể qua khỏi; vì một khi đã vào trong tử cung, tức thành thân sau vậy.
Xét trong Mật-giáo có nói về cách thức chọn thai rất hay, cho nên thiện-tri-thức phải theo như sau đây mà khai-thị cho kẻ chết: “Ngươi hãy lắng nghe! vì ngươi cũng có ít nhiều thần thông, thì nên đi khắp trong các châu mà xem xét; nếu thấy châu nào có Phật pháp lưu hành thì nên đến đó thọ sinh. Nếu sẽ do nơi vật bất-tịnh giao-cấu mà xuất sinh (bất tịnh: chỉ chỗ tinh huyết của mẹ cha) thì ngươi liền cảm giác được một thứ hương vị, nghe rồi sinh lòng ưa đắm; tức là bị nó hấp dẫn vào trong thể chất bất-tịnh mà thác thai. Cho nên trong khi đó, dù có sắc tướng gì hiện ra trước mắt ngươi (đây chỉ chong trạng thái trong thai) thì ngươi không nên khởi lên cảm giác để phân biệt về sắc tướng của vật đó. Như thế đã không nên có tham tưởng, cũng không nên sinh lòng ghen ghét vì thông thường thiện-thai hay nhận lầm là ác-thai, và ác-thai nay nhận lầm là thiện-thai. Thấy thiện-thai cũng không nên sinh lòng ưa đắm, thấy ác thai cũng không nên sinh lòng chán nhàm, chỉ phải một lòng an trú nơi cảnh vô phân biệt. Nếu trái lại thì bị hoặc nghiệp tà niệm mà phải đọa vào súc sinh. Bởi vậy trong khi có thai tạng nào hiện ra trước mắt ngươi thì ngươi cứ yên tâm không nên lo lắng, cần phải chăm lòng quy-y Tam-bảo (Phật Pháp Tăng), phải khởi lên ý niệm như sau nầy: tôi nay phát nguyện, nguyện làm vị thế vương hay làm Bà-la-môn hoặc làm con vị trưởng-giả vĩ-đại, hoặc làm con bậc Tất địa thành tựu là giòng giõi trong sạch không nhơ bẩn đủ có chính tín về Phật Pháp và có đại phúc đức có thể làm lợi ích chính sinh, bởi thế cho nên tôi nguyện sinh vào những giòng giõi ấy.
Phát nguyện xong, đợi đến khi thấy được hào quang sắc trắng của chư Thiên hay hào quang sắc vàng của loài người; trong đó những cung điện quý báu nhà cửa đồ sộ, cho đến vườn tược v.v… thì ngươi hãy buông lòng mà đi thẳng vào trong đó chớ có đoái hoài. Được vậy, thì được sinh vào thiên đạo.
Thiện-tri-thức phải theo như trên mà khai thị bảy phen.
(Nếu phải thác sinh vào nhà hạ tiện, thì người chết sẽ nghe có bao nhiêu tiếng tăm rộn ràng ức hiếp, và thấy thân mình đi vào trong cảnh bụi rừng lau sậy, những cảnh không vừa ý. Như sinh vào nhà tôn-quý thì sẽ thấy hoàn toàn yên lặng, hoặc nghe thấy mình được bước lên cung điện ở vào những cảnh tượng vừa ý vậy).
Tình hình khi sinh vào ác đạo
Người chết thường vì nghiệp duyên nên gặp phải rất nhiều cảnh tượng nguy hiểm như: tối tăm, bảo táp, sấm sét, sương mù v.v… khi đó khiếp sợ quá đỗi nên phải tìm phương trốn tránh bỏ thân mạng mà tuông chạy, thì lại thấy ở trước mắt: núi, đèo, hang hố, cây cối bụi rừng. Vì muốn vội vàng tránh thoát cho khỏi, nên không rảnh rang để lựa chọn chỗ nào; chỉ biết được núp vào chỗ nào tức không muốn ra khỏi. Vì sợ rằng nếu ra khỏi tức là bị khổ. Chỉ vì tỵ nạn nên không muốn ra, nên rốt cuộc không ngờ mình đã trở lại thọ thân hèn hạ và chịu rất nhiều đau khổ. Nay hãy đem tình trạng khi đã trở vào ác thú mà lược thuật như sau:
Nghiệp-thức của kẻ chết, nếu sắp sinh vào đạo A-tu-la thì sẽ thấy: có những vườn cây khả ái và những vầng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu thấy cảnh tượng ấy mà sinh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là đầu thai vào đạo A-tu-la.
Nếu nghiệp cảm của kẻ chết sắp sinh vào đạo súc sinh thị họ tự cảm thấy có những núi non hang hố, hay có những vực sâu hiện ra trước mắt; nếu muốn đi vào trong đó, tức là đầu thai vào đạo súc-sinh.
Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sắp sinh vào đạo Ngạ quỷ thì họ tự thấy có một bãi sa-mạc không cây cối, hoặc có những hang hố cỏ cây khô héo… đấy là cảnh tượng của ngạ-quỷ, nếu sinh vào trong đó thì luôn luôn đói khát và hết sức khổ sở.
Chủng loại của quỷ thú rất nhiều, không thể kể xiết được. Nhưng đại khái có thể chia làm hai loại là: quỷ có oai-đức và quỷ không có oai-đức. Quỷ có oai-đức, cũng gọi là quỷ có thế lực; vì đã có thần-thông lại giàu của cải. Tuy ở trong loài quỷ nhưng không bị đói khát. Như quỷ Dạ-xoa quỷ Cưu-bàn-trà. Loài không có oai đức thì đại khái chia làm ba loại: a/ loại ít đói như quỷ hy-tự (mong cầu người ta thờ cúng), quỷ hy-khí (mong cầu đồ vật người ta vất bỏ để mà ăn). b/ Loại đói nhiều, như quỷ chàm-mao (lông hôi thối), quỷ đại-anh (thân đầy lở lói). c/ Loại hoàn-toàn đói như quỷ cự-khẩu, quỷ châm-yết: cổ như kim, xú-khẩu: miệng rất hôi thối). Đến như loại quỷ có oai-đức, vì đời trước có làm việc bố-thí cho nên khi chết cảïm được đón rước long trọng và hưởng thọ cảnh vui, như khi ở đời được làm quan tước, lấn áp nhân dân, trị dân không đúng phép, nhưng biết đem của cải mà bố-thí; thì chết rồi đoạ vào loài quỷ mà làm quỷ Cưu-bàn-trà. Quỷ ấy có thể biến làm cảnh giới ngũ-trần vui sướng để hưởng thọ. Còn những kẻ tính tình hay giận hờn, say đắm rượu thịt, nhưng lúc sống còn hay làm việc bố-thí thì sau khi chết rồi, đoạ vào loài quỷ Địa-hành doạ-xa (địa hành: đi đất) luôn luôn được nghe những âm-nhạc vui vẻ và được ăn uống (như trong kinh Chính-pháp niệm-xứ đã nói rõ, ở đây không thể chép hết được).
Nghiệp cảm của người chết nếu sẽ sinh vào địa-ngục thì bấy giờ bỗng nghe có những khúc ca hết sức bi ai buồn bã; nếu họ đi vào trong cảnh ấy, thì thân không được tự do, hoặc bị xua đuổi vào trong đó mà không có cách gì ngăn cản được. Trong cảnh ấy (địa-ngục) mịt mù tối tăm, nhà cửa hoặc sắc đen hay sắc trắng. Dưới đất thì có hang hố sâu thẳm, đường xá mịt mờ, hoặc là bị những luồng lửa nung đốt, hoặc bị giá lạnh ngâm thân; có vô số điều khổ sở, chịu khổ ở trong ấy cũng trải qua nhiều kiếp nhiều đời, chẳng biết đến bao giờ ra khỏi được.
Nếu nghiệp cảm của người chết sẽ sinh vào địa-ngục, thì cảm thấy trong thân mình như bị gió lạnh lùng áp bức. Và họ tự thấy: Những ngọn lửa bồng bột của địa-ngục bốc lên, vì ưa sự ấm áp nên vội đi vào trong đó. Nếu kẻ chết sẽ sinh vào cảnh dịa-ngục đại hàn, thì trước hết cảm thấy trong thân mình như chạm phải luồng gió nóng, hay bị lửa hồng nung đốt, cho nên khi hơi mát trong địa-ngục Đại-hàn bốc lên, thì họ cảm thấy sảng khoái dễ chịu. Vì ưa mát mẻ vội vàng đi vào trong cảnh ấy, tức là bị bó buộc không thể nào tránh thoát được nữa.
Lại nữa, nếu lúc đang sống còn, trong khi gây nghiệp, thường có bạn bè giúp đỡ; thì khi lâm chung sẽ thấy bạn bè đồng nghiệp với mình ngày trước hiện ra trước mắt. Khi đó vì xúc động đến cảm-hứng ngày xưa nên vội vàng chạy đến trong cảnh đó. Nhưng khi đã đến rồi thì cảnh ấy hoàn-toàn thay đổi và phải chịu mọi điều khổ sở.
“Trong khi thấy những cảnh tượng như trên, phải tự giữ vững tâm chí, chớ nên vội vàng đi đến, cần phải chăm lòng cung kính đức Phật A-di-Đà bên thế-giới Cực-lạc để cầu ngài đến cứu-độ cho mình là hơn.”
Thiện-tri-thức phải theo như trên mà khai thị bảy phen, để cho họ được vãng-sinh Cực-lạc. Bởi vì thân trung-ấm có được tính ghi nhớ phi thường, so với lúc sống còn có thể mạnh hơn gấp mười. Tuy khi đang sống còn chỉ là tầm thường ngu độn, nhưng khi đã vào giai đoạn trung-ấm thì nhờ nghiệp lực mà có cái sáng suốt phi thường. Cho nên Thiện-tri-thức nên theo như những lời trên mà khai thị, thì quyết định có công hiệu. Nhưng hoặc thời họ chưa đủ tín nguyện để xu hướng về Tây-phương, song nhờ ở sức niệm Phật, cũng có thể cải tạo được ác thú mà sanh lên nhân-đạo hay thiên-đạo. Cho nên công đức niệm Phật quyết không luống uổng.
Chuyển sinh vào loài bàng sinh
Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sẽ sinh vào loài bàng sinh, thì đại-khái có thể chia ra bốn loài là: Thai, noãn, thấp, hóa.
1.- Đọa vào thai sinh và noãn sinh – nếu người nào lòng xan-tham tật-đố nặng nề, thì sẽ đầu thai làm thân các loài như: chó đói… (thai sinh). Còn ai lòng sân-hận quá nặng, thì đọa làm loài rắn rết bò cạp… (trong các loài nầy hoặc thai-sinh hoặc noãn-sinh không nhất định). Còn người nào lòng dâm dục nặng nề, thì đọa làm loài uyên ương chim tước, chim cáp v.v… (Vì những loài nầy dục tính nặng nề lắm). Cho đến người nào tính hay ưa chơi bời lung lạc, thì đọa làm loại vượn loài khỉ v.v… (thuộc về thai sinh). Tóm lại, cội gốc của tội lỗi là do ở ngu si mà ra.
Lại nữa, có khi đối với chỗ mình sẽ sinh đến, thì bỗng thấy những loài hữu tình đồng loại vừa ý, nên vội vàng chạy đến. Tuy trong các loài nầy cũng nương theo nhân duyên hoà hiệp của cha mẹ mà đầu thai, nhưng những điều-kiện câu thúc so với nhân đạo thì có phần giản dị hơn nhiều; cho nên rất dễ đoạ vào.
2.- Thấp sinh. – Loài thấp-sinh (là nương vào chỗ thấp khi mà được sinh thân) thì có khi vì ngửi được hương vị của chỗ mình sắp đến thọ sinh, sinh lòng ưa đắm, mà liền đến nương vào đó để thọ sinh (Hương vị: đại khái như chỗ ẩm thấp, bùn lầy nhơ nhớp, lấy cái đó làm tự thể. Trong đó không có tính huyết của cha mẹ hoà hiệp). Đi đến nương vào chỗ ẩm thấp để thác sinh hoặc là bạ vào vật gì mục nát, hoặc là phân bón v.v… tuỳ theo nghiệp lực của mình mà đến gần gủi ưa đắm thác sinh.
3.- Hóa-sinh.- Tức như loài rồng và loài chim kim-si, cũng là gốc ở trong bốn loài: thai, noãn, thấp, hoá mà ra; nhưng nó là loài hoá-sinh đặc biệt. Sự hưởng thọ của nó sung sướng như các cõi Trời.
Trung-ấm-thân nếu thác sinh trong loài nầy, thì được cảm-thọ cảnh giới sung sướng, đồng như cõi trời không khác. (những loài nầy còn thuộc về súc sinh, nó là một trong ba ác đạo; vẫn không khỏi sinh tử luân-hồi và chịu nhiều khổ não khác).