Tâm Hướng Phật
Luân Hồi

Luân hồi có đáng sợ không? Luân hồi tái sinh đắng cay và mỏi mệt

Cái khổ của luân hồi tái sinh, cứ sống rồi lại chết, chết rồi lại đầu thai, mỗi lần sinh lên là phải đấu tranh, cực khổ với cuộc sống này, bị chi phối bởi vô minh, tăm tối, trôi lăn, đó mới gọi là khổ.

1. Luân hồi là gì?

Luân hồi (Samsàra): Là sự sống chết nối tiếp nơi một chúng sinh. Như chúng ta biết, dòng nhân quả diễn tiến một cách tương tục mà không bị hạn cuộc trong đời sống hiện tại. Do đó khi nào còn lòng tham sống và còn gây nghiệp (karma) thì lúc đó chúng ta sau khi chết vẫn còn sinh trở lại và nhận lấy quả báo.

Nói cách khác, sau khi thân xác này ngừng hoạt động, dòng sống vẫn còn tiếp diễn, mặc dù hình thái của sự sống ở giai đoạn sau không phải là hình thái của sự sống ở giai đoạn trước.

Cần lưu ý dòng sống này luôn chuyển biến chứ không phải là một linh hồn bất tử (âme éternelle) đi từ đời này qua đời khác như một lữ khách đi từ quán trọ này đến quán trọ kia.

2. Luân hồi có đáng sợ không?

Trong vòng sinh tử luân hồi, quãng thời gian sinh tử luân hồi nó dài dữ lắm, mà chỉ do nghiệp nhỏ xíu nào đó mình trở thành người nghèo.

Do nghiệp bỏn xẻn trở thành người nghèo.

Do nghiệp vu oan thì bị oan ức.

Do nghiệp sát sanh hoặc hành hạ chúng sanh thì sẽ bị bệnh tật.

Do nghiệp bê bối tình dục sẽ sanh làm thân nữ (Làm thân nữ nhiều lý do chứ không phải một).

Khi bị một ác nghiệp trổ quả rồi thì người ta sẽ vì quả nghiệp đó họ sẽ thành một con người khác. Thí dụ:

Do kiếp trước bỏn xẻn cho nên kiếp này tôi sanh ra bị nghèo, thì từ cái nghèo đó tôi ác hơn người bình thường, tôi nhỏ mọn, tôi sẵn sàng nói xấu, ly gián, nói dóc, ăn cắp.

Tật ganh tỵ: Tôi không được vui khi người ta được gì thì đời nào khi tôi sanh ra lúc nào cũng dưới người ta. Khi ở dưới, tôi phải tìm cách ngoi lên và tôi tiếp tục làm bất cứ chuyện ác. Như vậy chỉ vì cái tật ganh tỵ tôi lại đẻ ra bao nhiêu cái ác nghiệp khác.

Chưa kể tật tham, nóng tính thì mỗi tật như vậy nó lại dẫn đến những hạnh nghiệp, những hạnh nghiệp đó nó đẩy mình lún sâu vô trong án có án, trong nợ có thêm nợ. Quý vị biết cho vay nặng lãi, nợ nhỏ cộng với lãi thì ra nợ lớn, mà nợ lớn thì lãi lớn. Nó giống như cục tuyết càng lăn thì nó càng lớn dần.

Trong vòng luân hồi rất dễ sợ, cái thiện nó có khó hơn cái ác. Cứ mỗi cái ác nó được tạo tác thì nó sẽ đẩy mình về cái góc phương trời nào đó, mà ở phương trời đó mình lại có điều kiện ác tiếp. Cái thiện thì đưa mình về những cõi lành. Nhưng nó xui là ở cõi lành sướng quá mình lại quên tu. Còn ở cõi ác thì mình lại tìm cách xoay sở.

Trong kinh Trung Bộ nói: Đêm và ngày ai thường sống với tâm bất thiện thì nó giống như cái núi lơ lửng trên đầu họ. Đêm và ngày ai sống với tâm thiện thì giống như lọng trắng che trên đầu của họ.

Và trong kinh Tăng Chi nói: Chỗ nào ta sống bằng tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi thì chỗ đó là chuồng thú.

3. Luân hồi tái sinh đắng cay và mỏi mệt

Chúng sinh do vô minh, si mê, chấp ngã, nghiệp lực quay cuồng nên bị trôi lăn trong luân hồi, sinh tử. Ta sinh ra ở kiếp này, chết đi một thời gian lại đầu thai và sống tiếp một kiếp khác, đó là sự luân hồi, tái sinh.

Quá trình này là một chuỗi kéo dài vô tận không có ngày chấm dứt. Khi ta sống ở kiếp này thì chỉ biết chuyện ở kiếp này, bao nhiêu mệt mỏi, khó nhọc của kiếp xưa, ta đều quên hết. Nên ta tự nhủ: “Thôi, cố gắng sống bao nhiêu năm rồi cuối cùng cũng chết.”

Nhưng nếu nhớ lại những chuyện của kiếp xưa, hết kiếp này rồi lại tới kiếp khác, ta cũng được sinh ra, lúc còn nhỏ thì phải gắng học, khi lớn lên phải tất bật làm ăn, tuổi già đến lại phải chống chọi với bệnh tật, suy yếu, rồi chết; vẫn là những chặng đường đầy khó khăn, mệt mỏi, vẫn là những hành trình sinh ra và tiến dần về cái chết. Thật đáng sợ vô cùng!

Đức Phật từng nói: “Cái khổ của con lạc đà chở nặng băng qua sa mạc chưa gọi là khổ; cái khổ của người gánh hành lý đi trong đêm dài chưa gọi là khổ; cái khổ của luân hồi tái sinh, cứ sống rồi lại chết, chết rồi lại đầu thai, mỗi lần sinh lên là phải đấu tranh, cực khổ với cuộc sống này, bị chi phối bởi vô minh, tăm tối, trôi lăn, đó mới gọi là khổ”.

Nghe như vậy, ta mới thấy lời Phật dạy thật hay và thật đáng quý. Chấm dứt luân hồi tái sinh để giải thoát là một ý nghĩa lớn, một lý tưởng lớn, một mục tiêu lớn và rất cao đẹp, nhưng ta không nghe, không tin lời Phật dạy, không nghiền ngẫm, không suy nghĩ, không nhận thấy sự mệt mỏi chán chường của luân hồi tái sinh, nên không hề biết sợ và chẳng muốn quan tâm.

Hoặc khi nghe “trong ngôi chùa kia có thờ Phật, đó là thái tử của nước Ấn Độ, sau này ông xuất gia đi tu và đắc quả vị Phật“, ta chỉ nghe sơ sơ rồi bỏ qua không để ý đến. Nếu là người có trí tuệ, có thiện căn, khi nghe qua điều vi diệu về những bậc Thánh, về tâm hồn của các Ngài, thì phải suy nghĩ, phải quan tâm, thắc mắc: “Sao lại có người dám bỏ ngai vàng để đi tu như vậy? Đắc đạo là trạng thái gì mà biết bao nhiêu người phải xưng tụng như thế? “, “Đắc đạo sẽ có thần thông, trí tuệ, có thể thuyết pháp thao thao bất tuyệt, muốn chết lúc nào là chết lúc đó, là như thế nào, trạng thái tâm hồn người đó ra sao? …”

Với những điều vĩ đại như thế, những người thuộc loại chúng sinh cang cường sẽ không bao giờ quan tâm đến. Tức là, họ chỉ cần bước một bước từ trí thức qua trí tuệ, nhưng họ không chịu bước.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Bài viết cùng chuyên mục

Cúng cô hồn thật sự có cảm ứng hay không?

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục nóng bỏng não nề – Địa ngục du ký

Định Tuệ

Sáu lần du hành địa ngục

Định Tuệ

Pháp liễu nghĩa và bước nhảy vô hồn – Mộng thoát luân hồi

Định Tuệ

Hòa giải vọng tưởng đảo điên – Mộng thoát luân hồi

Định Tuệ

Thân trung ấm có thể thay đổi nơi thọ sinh không?

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục cắt gân chặt xương – Địa ngục du ký

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục nước sôi luộc tay

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục đói khát – Địa ngục du ký

Định Tuệ