Tâm Hướng Phật
Luân Hồi

Chúng ta hãy luôn quán niệm về cái chết để sống có ích hơn

Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ…

Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết. Quán niệm cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ… Quán niệm cái chết để biết tận dụng đời sống của mình tinh tấn tu hành làm lợi ích cho mình và tất cả chúng sanh.

Trong Thiền sư Trung Hoa tập 1, có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh hay không?”. Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Có”. Vị Tăng hỏi: “Tại sao con chó có Phật tánh mà lại chui vào đãy da như thế?”. Thiền sư Triệu Châu nói: “Vì biết mà cố phạm”.

Cũng vậy, chúng ta là người tu đều biết sân hận là khổ, biết phiền não là khổ, biết nói lời nặng đến người khác là làm người ta đau khổ, mà chính ngay trong giờ phút đó ta cũng không vui sướng gì, nhưng tại sao biết là dở mà vẫn làm? Trong Chỉ Nguyệt Lục có ghi, một hôm bà Yêm Ma La Nữ đến hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: “Chúng sanh biết sân là khổ, biết phiền não là khổ, biết con đường luân hồi sinh tử là khổ, mà sao vẫn đi vào?” Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nói: “Biết, nhưng cái biết đó còn rất yếu”.

Tức là khi dòng tư tưởng khởi lên, mình không dừng được mà bị nó kéo lôi đi. Sở dĩ không dừng được là bởi vì hằng ngày chúng ta không có sự quán chiếu, quán niệm một cách liên tục về cái chết. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay tật đố, ghanh ghét, không chịu được khi thấy người khác hạnh phúc là bởi vì lúc nào mình cũng tưởng cuộc đời này còn dài, mình còn sống dai lắm. Nhưng nếu lúc nào cũng quán niệm là trong cuộc đời này chúng ta chỉ ở tạm thôi, mai kia sẽ phải ra đi thì sẽ buông bỏ rất nhanh.

Ví dụ như có hai người giận nhau, luôn ôm ấp trong lòng những phiền não, oán hận nhưng nếu bữa nào nghe được tin người kia bị bệnh sắp chết hoặc mai mình không còn sống trên đời nữa thì có còn giận nhau nữa không, hay là buông?

Trong Kinh Trung Bộ có ghi: Một thời Đức Phật ở tại xứ Koliya, một hôm Ngài nhập đại định, biết cô gái con người thợ dệt có nhân duyên với mình trong thời quá khứ. Trong pháp hội tại đây ba năm về trước, cô gái này đã được nghe Đức Phật dạy quán niệm về cái chết, về nhà cô thường xuyên quán niệm về những lời dạy đó. Bây giờ, khi Đức Phật quay trở lại, Ngài biết chắc chắn rằng tối nay cô gái sẽ chết, và tuy rằng cô quán niệm sâu sắc về cái chết nhưng vẫn chưa chứng quả nên sẽ tiếp tục rơi vào con đường sanh tử. Do vậy, Đức Phật mở lòng từ bi thương xót đến đó để độ cho cô gái.

Khi hội chúng đang đông đủ, cô gái bước vào cửa, thành tâm bước đến đảnh lễ Phật.

Đức Phật hỏi cô:

– Con từ đâu đến?

– Bạch Thế Tôn, con không biết.

– Rồi con sẽ đi về đâu?

– Bạch Thế Tôn, con không biết.

– Con không biết sao?

– Dạ con biết.

– Con biết thật không?

– Dạ con không biết.

Ðại chúng ngồi nghe bốn câu vấn đáp giữa Đức Phật và cô gái, ai cũng ngơ ngác chẳng hiểu gì, cho rằng cô gái trả lời ngớ ngẩn. Ðức Phật thương xót muốn khai thị cho đại chúng nên hỏi tiếp:

– Này con, khi Như Lai hỏi con: “Con từ đâu đến?”, tại sao con nói “Con không biết”?

– Bạch Thế Tôn, ngài hẳn đã biết con từ nhà đến đây. Nhưng ý Ngài muốn hỏi con từ cảnh giới nào tái sanh đến đây, điều đó con không biết.

Bồ Tát vì nguyện lực mà tái sanh vào cõi Ta bà này dìu dắt chúng sanh, còn chúng ta thì vì nghiệp lực mà đến. Do vậy quý vị có biết mình từ cảnh giới nào mà đến không?

– Này con, khi Như Lai hỏi: “Rồi con sẽ đi về đâu?”, tại sao con nói “Con không biết”?

– Bạch Thế Tôn, Ngài hẳn đã biết con đi đến xưởng dệt vì con đang cầm giỏ suốt chỉ trên tay. Nhưng ý Ngài muốn hỏi con sẽ tái sanh về đâu, điều đó con không biết.

– Này con, khi Như Lai hỏi: “Con không biết sao?”, tại sao con đáp “Con biết”?

– Bạch Thế Tôn, vì con biết chắc chắn rằng con sẽ chết.

– Khi Như Lai hỏi “Con biết thật không?”, tại sao con đáp “Con không biết”?

– Bạch Thế Tôn, vì con không biết rõ chừng nào con sẽ chết và sẽ tái sanh về đâu.

Ðức Phật khen ngợi cô gái sáng trí, nhờ thường quán niệm về cái chết nên đã hiểu ý Phật, rồi Ngài nói bài kệ:

Thế gian này mù quáng
Chẳng mấy người thấy rõ
Như chim thoát khỏi lưới
Rất ít đi thiên giới.

Tức là ai là người thấy rõ được từng tâm niệm của mình sanh diệt liên tục, và ai sẽ thấy rõ được mình sẽ chết rồi tái sanh về đâu?

Sau khi nghe xong bài kệ của đức Phật, cô gái chứng quả Tu-đà-hoàn, tức là đã kiến đạo. Chiều hôm đó, tại xưởng dệt, cô bị tai nạn qua đời. Cha cô vô cùng đau khổ, đến thưa với Phật. Đức Phật giảng Tứ-diệu-đế để khuyên giải ông và cho ông biết con gái ông đã tái sinh về cung trời Ðâu-suất. Nghe vậy người cha xin xuất gia tu tập, sau bốn tháng ông quán chiếu sâu sắc về lý vô thường và cái chết, ông chứng quả vị A la hán.

Như vậy có nghĩa là nhờ quán chiếu sâu sắc về vô thường và cái chết, có những người đã được giải thoát ngay trong cuộc đời này.

Khi chúng ta bước lên giường ngủ, chúng ta không thể bảo đảm ngày mai mình còn sống hay không. Cho nên Ngày Zopha Rinpoche trước khi đi ngủ, thường sắp xếp tất cả đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng để cho người sau sử dụng. Bởi vì Ngài thường quán chiếu rất sâu về cái chết đến, cho rằng khi mình lên giường nằm ngủ rồi, biết đâu cơn vô thường xảy đến thì không còn sống và sử dụng những thứ này được nữa. Do quán chiếu sâu sắc về cái chết như vậy nên khi cái chết đến, các Ngài không sợ hãi.

Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật thọ ký rằng sau khi Như Lai nhập Niết bàn, ở xứ Trung Ấn, có một vị thánh đệ tử ra đời tên là Ưu Ba Cúc Đa, nghĩa là Vô tướng hảo Phật, độ người chứng quả rất nhiều.

Tại nước Kế Tân, có một người thanh niên giàu có sống với một người vợ rất trẻ đẹp, nhưng người thanh niên này nhận thấy cuộc đời có nhiều nỗi thống khổ nên quyết chí xuất gia. Được một thời gian anh thấy cuộc sống xuất gia cũng có những khó khăn riêng, không phải lúc nào cũng an ổn giống như mình tưởng tượng nên xin hoàn tục, trở về đời sống cư sĩ tại gia. Tổ Ưu Ba Cúc Đa có thần thông, biết được nên đã bảo ông ở lại với Ngài một đêm trước khi hoàn tục. Tối hôm đó, Tổ dùng thần lực làm cho vị Tỳ kheo này nằm mộng thấy mình về nhà, vợ đã chết được ba ngày, thây sình thối lên. Vị này sợ quá giật mình tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mộng. Sáng hôm sau, vị Tỳ kheo này đảnh lễ Tổ, xin về nhà một ngày rồi mới quay trở lại để hoàn tục. Ông đi bộ ba ngày mới về đến nhà, hay tin vợ mình đã chết được ba ngày, thây sình thối. Chứng kiến cảnh trước kia bà vợ rất đẹp giờ chỉ còn lại một thây sình thối, vị Tỳ kheo này quán chiếu sâu sắc về cái chết và ngay trong giờ phút thực tại đó chứng quả vị A la hán. Sau đó vị Tỳ kheo này trở về đảnh lễ Tổ Ưu Ba Cúc Đa xin sám hối.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy, một người thấy cuộc sống xuất gia khổ đau, không có an ổn, hạnh phúc, nhưng sau khi quán niệm sâu sắc về cái chết thì tức khắc lìa bỏ hết tất cả. Khi chúng ta còn thèm, còn muốn là chúng ta chưa quán niệm thật sâu sắc về cái chết, nếu quán niệm liên tục thì tự nhiên buông bỏ rất nhẹ.

Những lượn sóng nghịch duyên khổ đau đó, nếu quý vị chiếu kiến vào mới thấy tuy nghịch duyên khốn khổ thật, nhưng bản chất nó vô thường, không tự tánh. Cái gì thấy được bản chất vô thường, không tự tánh đó? Hiểu được và sống được với nó tự dưng mình vượt thoát ra được nghịch duyên đó.

Ai cũng sẽ phải chết và không biết chết lúc nào. Vì thế, sống sao cho thật ý nghĩa, không lãng phí đời sống mới là việc cần làm hơn là ngồi chờ cái chết đến, đánh mất thời gian, công sức vì những việc vô ích không đâu. Có nên đầu tư tất cả tâm trí vào những tính toán hơn thiệt, tranh chấp hơn thua? Có nên nuôi dưỡng trong lòng những mưu đồ, tham vọng bất chính? Có nên ôm giữ những thù hận oán hờn? Thật không nên, bởi như thế là lãng phí đời sống, quên bỏ hạnh phúc trong hiện tại, làm như thế là đem phiền não khổ đau như lo lắng, muộn phiền, đố kỵ, oán ghét, hận thù … sẽ làm cho cuộc đời chúng ta mất an vui và hạnh phúc. Khi cái chết gần kề, người ta mới thấy rằng bao nhiêu ân oán tình thù, những điều mà từ lâu ta luôn canh cánh trong lòng đều như sương khói. Có một câu nói rất hay: “Đời người như một cuốn sách, điều quan trọng không phải là cuốn sách dài hay ngắn mà ở chỗ cuốn sách đó hay hay dở”. Vì thế, hãy sống tích cực, sống trọn vẹn với thời gian, với những gì đang có, sống thật vui vẻ, có ý nghĩa và hữu ích. Hãy nỗ lực làm những gì có ích cho mình và mọi người, phục vụ và cống hiến, để đời sống dù có mong manh, ngắn ngủi cũng trở nên có ý nghĩa và giá trị.

Đức Phật dạy chúng ta nên quán niệm về cái chết. Chết là một trong mười đề mục quán niệm (thập niệm). Quán niệm cái chết để dừng lại những tham muốn, dục vọng, xả bỏ tâm thù hận oán hờn, dứt trừ lòng kiêu căng tự phụ… Quán niệm cái chết để biết tận dụng đời sống của mình tinh tấn tu hành làm lợi ích cho mình và tất cả chúng sanh. “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui chi. Mọi người cần phải tinh tấn như cứu lửa chạy đầu, luôn nhớ nghĩ lẽ vô thường, chớ nên chậm trễ biếng nhác” (Thị nhất dĩ quá, mạng diệc tuỳ giảm, như thiểu thuỷ ngư, tư hữu hà lạc? Đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật), đó là lời kệ nhắc nhở mà người đệ tử Phật đọc tụng mỗi ngày. Trích từ bài viết của Hòa thượng Thích Thanh Từ!

Chúng ta hãy luôn quán niệm về cái chết để sống có ích hơn

Chín phép thiền quán về cái chết

Ngay cả khi ý nghĩ về cái chết nảy sinh trong đầu, chúng ta cũng thường xua nó đi thật nhanh. Chúng ta không muốn nghĩ về cái chết. Nhưng điều quan trọng ở đây là phải nghĩ và chuẩn bị về nó.

Chuẩn bị

Ngồi ở tư thế thoải mái, giữ lưng thẳng và cơ thể thư giãn. Dành một chút thời gian để tâm bạn lắng dịu trong giây phút hiện tại, buông bỏ tất cả những ý nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Hãy giữ tâm tập trung vào đề mục trong suốt buổi thiền quán.

Động lực

Khi tâm bạn an tịnh trong phút giây hiện tại sẽ tạo ra một động lực tích cực cho việc hành thiền. Ví dụ, bạn có thể thầm nghĩ: “Nguyện nhờ công đức thiền quán này sẽ giúp mang lại nhiều an lạc và hạnh phúc hơn cho tất cả chúng sinh”, hay “Nguyện nhờ công đức thiền quán này sẽ là căn duyên khiến tôi trở nên chứng ngộ, để tôi có thể giúp tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau và cũng được giác ngộ như tôi”.

Thân thiền

Khi quán chiếu những đề mục sau đây, bạn hãy kèm theo những ý nghĩ và kinh nghiệm của riêng bạn, cũng như những câu chuyện mà bạn từng nghe hay đã đọc để làm sáng tỏ từng mục. Cố gắng ghi nhận ở từng mục. Trong suốt buổi thiền, nếu bạn trải nghiệm ghi nhận rõ từng mục mà bạn đang quán chiếu thì hãy dừng suy nghĩ và tập trung giữ cảm giác này càng lâu càng tốt. Khi nó mất dần hoặc tâm của bạn bị tán loạn thì trở lại quán chiếu.

A. Chết là điều không thể tránh

Chúng ta lên kế hoạch nhiều hoạt động và dự án cho những ngày, tháng và năm sắp tới. Mặc dù cái chết là sự kiện duy nhất chắc chắn xảy ra, nhưng chúng ta thường không nghĩ về nó hoặc dự định cho nó. Ngay cả khi ý nghĩ về cái chết nảy sinh trong đầu, chúng ta cũng thường xua nó đi thật nhanh. Chúng ta không muốn nghĩ về cái chết. Nhưng điều quan trọng ở đây là phải nghĩ và chuẩn bị về nó. Hãy thực hành ba phép quán sau đây để cảm nhận về cái chết chắc chắn sẽ xảy ra với bạn như thế nào.

1. Mọi người đều phải chết

Để tạo ra một trải nghiệm về cái chết, hãy nhớ đến những người trong quá khứ như nhà cầm quyền, nhà văn, nhạc sĩ, nhà triết học, thánh nhân, nhà khoa học, tội phạm và người dân thường. Những người này đã từng sống, họ từng làm việc, từng suy nghĩ và sáng tác. Họ từng yêu và tranh đấu, tận hưởng niềm vui của cuộc sống cũng như trải qua những nỗi khổ niềm đau. Và cuối cùng, họ đã chết.

Bạn có thể nghĩ ví dụ về người nào đó được sinh ra trên trái đất này nhưng mà họ không chết có được không?. Dù cho có hiểu biết như thế nào, giàu có ra sao, quyền lực và nổi tiếng đến mức nào thì cuộc đời của vị ấy cũng phải đi đến cái chết. Đó cũng là sư thật cho tất cả sinh vật đang sống trên trái đất này. Dù sự phát triển khoa học và y học đến cỡ nào thì cũng không có ai tìm ra được phương pháp cứu chữa cái chết, và cũng sẽ mãi không có ai làm được điều đó.

Bây giờ, bạn hãy nghĩ đến những người quen biết mà họ đã chết và nghĩ về những người bạn biết mà vẫn còn sống. Quán tưởng rằng mỗi người ấy sẽ chết vào một ngày nào đó. Và dĩ nhiên, bạn cũng thế.

Hiện có vài tỷ người trên hành tinh này, nhưng một trăm năm sau, tất cả những người này, ngoại trừ một vài người bây giờ rất trẻ, sẽ biến mất. Bản thân bạn cũng sẽ chết. Hãy thử trải nghiệm sự thật này với toàn thể đời sống của bạn.

2. Tuổi thọ của bạn đang liên tục giảm dần

Thời gian không bao giờ đứng yên. Nó liên tục trôi qua. Giây trở thành phút, phút trở thành giờ, giờ trở thành ngày, ngày trở thành năm, và khi thời gian trôi qua theo cách này, bạn đang đi càng gần hơn về phía cái chết. Hãy tưởng tượng một cái đồng hồ cát, với cát đang chảy dần xuống đáy. Thời gian bạn sống giống như những hạt cát này, đang chảy dần hết. Hãy giữ sự nhận biết này khoảng một lúc để trải nghiệm dòng thời gian không ngừng trôi đang đưa bạn đến cuối cuộc đời của bạn.

Một cách khác để nhận biết cuộc sống của bạn liên tục hướng tới cái chết là hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một chuyến tàu với tốc độ đều đều. Nó không chậm lại hay dừng hẳn, và cũng không có cách nào để bạn có thể xuống tàu. Chuyến tàu này đang đưa bạn ngày càng gần hơn đến đích của nó, chấm hết cuộc đời bạn. Cố gắng hiểu được điều này, kiểm lại những ý nghĩ và cảm xúc khởi sinh trong tâm bạn.

3. Bạn dành rất ít thời gian cho việc tu tập tâm linh

Vì bạn đang ngày càng tiến gần đến cái chết bất kể lúc nào, vậy bạn đang làm gì để chuẩn bị cho cái chết?. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho cái chết là tu tập tâm linh. Bởi vì điều duy nhất vẫn còn sau cái chết là tâm thức, và tu tập tâm linh là cách duy nhất thực sự mang lại lợi ích cho tâm, là chuẩn bị cho cái chết và cuộc hành trình tới đời sống kế tiếp. Nhưng bạn dành bao nhiêu thời gian để thực hành tâm linh; làm giảm tâm tiêu cực như giận dữ và chấp trước, phát triển tâm tích cực như lòng tốt và trí tuệ, và hành xử theo cách có lợi cho người khác?

Hãy thử tính bạn dùng quỹ thời gian của mình như thế nào? Trung bình một ngày, bạn dành bao nhiêu giờ để ngủ? bao nhiêu giờ để làm việc? bao nhiêu giờ để nấu nướng, ăn uống và giao tiếp? Bạn tốn bao nhiêu thời gian cho những cảm thọ phiền muộn, thất vọng, chán nản, tức giận, phẫn nộ, ghen tuông, lười biếng hay chê bai? Và bạn dành bao nhiêu thời gian để cố gắng cải thiện trạng thái không tốt của tâm, hoặc làm những việc có ích như giúp đỡ người khác, hoặc nghiên cứu tâm linh hay thiền định?

Hãy làm các phép tính này một cách trung thực. Đánh giá cuộc sống của bạn theo cách thực tế này để thấy rõ bạn đã dành bao nhiêu thời gian để làm những điều thực sự lợi ích cho bản thân và người khác. Và điều đó sẽ rất hữu ích cho tâm thức của bạn lúc lâm chung và ở kiếp sau.

Bằng cách thực tập thiền quán về ba đề mục đầu tiên này, bạn sẽ có thể phát huy quyết tâm sử dụng cuộc đời của bạn một cách khôn ngoan và có ý thức.

B. Không biết chắc khi nào chết

Bằng cách suy ngẫm về ba đề mục đầu tiên, bạn chấp nhận rằng, chắc chắn mình sẽ chết. Nhưng bạn cũng có thể nghĩ cái chết còn lâu mới xảy ra. Tại sao bạn nghĩ như vậy? Có cách nào để bạn có thể biết chắc chắn khi nào sẽ chết ? Hãy quán tưởng ba phép sau đây để ý thức được khi nào chết là hoàn toàn không chắc và không biết trước.

4. Tuổi thọ của con người là không chắc

Nếu con người chết ở một độ tuổi xác định, ví dụ như nói tám mươi tám, chúng ta sẽ có nhiều thời gian và không gian để chuẩn bị cho cái chết. Nhưng ở đây, không có sự chắc chắn như thế. Hầu hết chúng ta bị thần chết tóm lấy rất bất ngờ.

Sự sống có thể kết thúc tại bất kỳ thời điểm nào; lúc vừa mới sinh, trong thời thơ ấu, ở tuổi thiếu niên, ở tuổi hai mươi hai hoặc ba mươi lăm, hay năm mươi, hay chín mươi tư. Hãy nghĩ về những người đã chết trước khi họ đến tuổi bạn bây giờ mà bạn biết hoặc đã từng nghe nói tới.

Một người trẻ và khỏe mạnh cũng không đảm bảo là họ sẽ sống lâu. Trẻ em đôi khi chết trước cha mẹ. Người khỏe có thể chết trước những người đang mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư…. Chúng ta có thể hy vọng sống cho đến khi bẩy mươi hay tám mươi, nhưng chúng ta không thể chắc chắn về việc đó. Chúng ta cũng không đảm bảo rằng liệu sau ngày hôm nay mình có còn sống.

Rất khó để chúng ta nhận thức được việc cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta có xu hướng nghĩ mình sống đến ngày hôm nay thì cứ yên tâm mà sống tiếp. Nhưng hàng ngàn người từ giã cõi đời mỗi ngày, và rất ít người trong số họ mong đợi cái chết

Hãy khởi lên ý nghĩ nhận thức rõ bạn sẽ chết khi nào là điều không biết trước được, hoàn toàn không có cam đoan là bạn còn sống đến lúc nào.

5. Có nhiều nguyên nhân gây nên cái chết

Cái chết có thể đến với mọi người bằng nhiều cách khác nhau. Đôi khi tử vong xảy ra do nguyên nhân bên ngoài, bao gồm tai họa từ thiên nhiên như động đất, lũ lụt và núi lửa, hoặc các tai nạn như tai nạn xe hơi hoặc máy bay. Con người cũng có thể chết do bị người giết, khủng bố hoặc do động vật nguy hiểm hoặc trùng độc gây nên.

Cũng có khi cái chết xảy ra do nguyên nhân bên trong. Có hàng trăm thứ bệnh khác nhau có thể cướp đi sức khỏe của chúng ta và dẫn đến cái chết. Ngoài ra còn có những trường hợp của những người không bị bệnh, nhưng cơ thể của họ ngừng hoạt động hoàn toàn và họ đột nhiên chết.

Ngay cả những thứ bình thường hỗ trợ cho cuộc sống cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra cái chết. Ví dụ như thực phẩm, thứ mà chúng ta cần để duy trì sự sống, nhưng đôi khi nó có thể dẫn đến cái chết, như khi mọi người ăn quá nhiều, hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm bẩn. Y học thì khác nữa, nó thường hỗ trợ cho sự sống, nhưng đôi khi người ta chết vì họ uống nhầm thuốc, hoặc dùng sai liều lượng. Những ngôi nhà hay căn hộ có thể giúp cho chúng ta sống một cách an toàn thoải mái hơn, nhưng đôi khi nó có thể giết chết người bên trong do hỏa hoạn thiêu rụi hay sụp đổ.

Hãy nghĩ đến những trường hợp qua đời của những người mà bạn biết hoặc đã nghe nói đến, và họ đã chết như thế nào. Hãy nhớ rằng bất kể điều gì cũng có thể xảy ra với bạn.

6. Thân thể con người rất mong manh

Thân thể chúng ta rất dễ bị tổn thương. Nó có thể bị thương hay bị bệnh tật tấn công. Chỉ trong vài phút, thân này có thể thay đổi từ khỏe mạnh, năng động thành bất lực và đau đớn.

Ngay bây giờ, bạn có thể cảm thấy khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và vững chắc, nhưng đôi khi có thứ gì đó nhỏ như một loại virus hay cái gai cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra cái chết của bạn.

Hãy nghĩ về điều này; nhớ lại những lần bạn bị đau hoặc cơ thể bị thương, và việc này có thể lặp lại, thậm chí gây ra cái chết của bạn dễ đến mức nào.

Cơ thể của bạn sẽ không tồn tại mãi mãi. Trong suốt cuộc đời, bạn có thể điều khiển để tránh bệnh tật và tai nạn, nhưng những năm tháng cuối cùng sẽ bỏ mặc bạn. Cơ thể bị thoái hóa, mất đi vẻ đẹp và sức sống của nó, và cuối cùng là chết.

Bằng cách thiền quán về ba điểm thứ hai này, chúng ta sẽ nâng cao quyết tâm, bắt đầu thực hành con đường tâm linh ngay bây giờ, vì tương lai là điều không chắc chắn.

C. Chỉ tu tập tâm linh mới có thể giúp bạn lâm chung

Dù cho ta có được bao nhiêu hay phát đạt đến cỡ nào trong suốt cuộc đời những thứ như gia đình, bạn bè, sự giàu có, quyền lực, trải nghiệm du lịch, và nhiều hơn thế nữa thì không có thứ nào trong số đó đi với chúng ta lúc lìa trần. Chỉ có tâm thức của ta tiếp tục đi cùng, mang theo tất cả những gì ta đã suy nghĩ, cảm nhận, nói năng và hành động.

Điều quan trọng là khi chết, chúng ta có được nhiều điểm tích cực thì sẽ đem lại những trải nghiệm tốt đẹp, và nếu như có vài tiêu cực, có thể sẽ làm cho tâm thức chúng ta đau khổ. Vì thế, chúng ta nên cố gắng để chết hòa bình với chính mình, cảm thấy hài lòng khi ta đã sống một cuộc đời tốt đẹp làm sao, và không nên để lại bất kỳ cuộc xung đột nào với mọi người mà chưa được giải quyết.

Điều duy nhất đem lại lợi ích thực sự cho chúng ta khi chết là trạng thái tích cực của tâm thức như đức tin, không bám chấp và bình tĩnh chấp nhận những thay đổi đang diễn ra, lòng từ bi, sự nhẫn nại và trí tuệ. Nhưng để có được trạng thái tâm như vậy vào thời khắc lâm chung, chúng ta cần phải tập sống với những tâm hành ấy trong suốt cuộc đời của mình và đây là cốt lõi của Phật pháp, hay còn gọi là tu tập tâm linh. Nhận ra được điều này sẽ giúp ta có được sự khích lệ và nghị lực để bắt đầu thực hành ngay bây giờ, và tu tập nhiều nhất có thể khi chúng ta vẫn còn thời gian.

Bạn có thể trải nghiệm cảm giác mạnh về sự thực này bằng cách tưởng tượng bản thân mình vào thời khắc lâm chung, và quán chiếu về ba mục sau đây.

7. Người thân yêu của bạn không thể giúp

Khi nằm trên giường bệnh, hay khi máy bay bạn đang di chuyển sắp gặp nạn, bạn sẽ nghĩ gì vào thời khắc đó? Tâm luyến ái mạnh mẽ của chúng ta thường dành cho gia đình và bạn bè, do đó mà ta nghĩ về họ, và cảm thấy mong muốn được ở bên họ. Nhưng ngay cả khi họ có mặt với bạn vào thời điểm lâm chung, liệu họ có thể giúp bạn được không?

Dù cho họ yêu bạn rất nhiều và không muốn bạn lìa đời, nhưng họ cũng không thể ngăn điều này xảy ra. Có lẽ hầu hết họ cũng không biết phải nói gì hay làm gì để đem lại sự an tâm cho bạn, mà thay vào đó, nỗi buồn bã và lo lắng của họ về sự chia ly sắp tới sẽ ảnh hưởng đến bạn, khuấy động những cảm xúc tương tự trong tâm thức bạn.

Khi chết, chúng ta ra đi một mình, không có ai đi cùng, dù cho có là người thân yêu nhất. Do không chấp nhận việc từ giã cõi đời và buông bỏ luyến ái với người thân yêu, nên dễ khiến cho tâm chúng ta hoảng loạn, và vì vậy mà rất khó để có một cái chết thanh thản.

Nên nhận ra là bạn có sự luyến ái với gia đình và bạn bè của mình. Phải biết là nếu bạn luyến ái sâu đậm với mọi người, điều này sẽ gây nên trở ngại cho việc có được tâm thức an tịnh lúc lìa trần. Vì vậy tốt hơn hết hãy tu tập để giảm sự ái chấp và học cách buông xả.

8. Tài sản và những yêu thích của bạn không thể giúp

Có thể tâm thức của bạn cũng sẽ nghĩ về tài sản và những thứ mà bạn sở hữu, vì những thứ này đã chiếm phần lớn thời gian trong cuộc đời của bạn, và nó cũng là nguồn mang lại nhiều niềm vui và sự thỏa mãn. Nhưng liệu trong số đó có thứ nào có thể đem lại cho bạn sự an nhiên lúc lâm chung? Sự giàu có có thể giúp bạn có được một phòng riêng trong bệnh viện và chăm sóc y tế tốt nhất, nhưng đó là tất cả những gì tài sản có thể làm được cho bạn. Nó không thể ngăn chặn cái chết ngừng xảy ra. Và khi chết, bạn cũng không đem theo bất kể thứ gì, dù chỉ một đồng xu hay một cái áo.

Không những tài sản không thể giúp ích được gì cho bạn vào thời khắc lâm chung, mà nó còn làm cho tâm thức của bạn bị cuốn vào những lo lắng về nó như ai sẽ nhận được cái gì, và liệu họ có chăm sóc những thứ “của mình” hay không. Cho nên, điều đó sẽ làm cho chúng ta khó có được trạng thái tâm bình an khi đang hấp hối.

Hãy suy ngẫm những điều này, và liệu xem bạn có thể hiểu được tầm quan trọng của việc thực tập ít phụ thuộc và dính mắc với vật chất hay không.

9. Cơ thể của bạn cũng không thể giúp

Thân thể là bạn đồng hành của bạn kể từ khi sinh ra. Bạn biết rõ nó hơn bất cứ điều gì hay bất cứ ai khác. Bạn đã chăm sóc, bảo vệ, lo lắng, giữ gìn cho thân thể thoải mái và khỏe mạnh, cho nó ăn và tắm rửa, trải nghiệm tất cả các niềm vui và nổi khổ với nó. Đó là thứ quý giá nhất mà bạn sở hữu.

Nhưng bây giờ bạn sắp chết và điều đó có nghĩa là bạn sẽ bị tách ra khỏi thân thể, Nó sẽ trở nên yếu dần và cuối cùng hoàn toàn vô dụng. Tâm thức bạn sẽ tách rời khỏi cơ thể và sẽ được đưa đến nghĩa trang hoặc nhà xác. Vậy lúc này nó có thể giúp được gì cho bạn?

Hãy quán tưởng tâm thức của bạn luôn bám chấp vào thân thể một cách mạnh mẽ, và điều đó sẽ không có chút lợi nào cho bạn khi cái chết đến. Sợ đau đớn và hối tiếc về việc rời bỏ thân này sẽ chỉ làm cho bạn đau khổ hơn mà thôi.

Bằng cách thiền quán về ba điểm cuối cùng này, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc tu tập để giảm đi sự ái luyến đối với gia đình, bạn bè, tài sản, và thân thể của chúng ta. Chúng ta cũng nên nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc cho tâm thức của mình, vì đó là điều duy nhất sẽ tiếp tục cho đời sống kế tiếp. “Chăm sóc tâm” có nghĩa là làm giảm các trạng thái tiêu cực như giận dữ và chấp trước, và tu dưỡng những phẩm chất tích cực như đức tin, lòng từ bi, kiên nhẫn và trí tuệ.

Hơn nữa, dấu ấn của tất cả nghiệp mà ta tạo ra trong đời này cũng sẽ đi cùng với tâm thức của chúng ta, quyết định cảnh giới mà mình sẽ tái sinh và kinh nghiệm mình sẽ có. Điều cần thiết là chúng ta phải cố gắng hết sức để tránh tạo ra những nghiệp bất thiện, và tạo ra nghiệp thiện càng nhiều càng tốt trong cuộc sống của mình.

Có thể bạn sẽ cảm thấy sợ hay không thích thú khi tu theo phép thiền quán này. Về mặt nào đó, nó cũng là điều tốt, vì cho thấy rằng bạn đã thực hành những phương pháp này một cách nghiêm túc và đã suy ngẫm chúng một cách sâu sắc. Lại nữa, điều quan trọng là bạn cảm nhận về cái chết như thế nào để bạn có thể tu tâp, chuẩn bị khi nó xảy ra. Tuy nhiên, mục đích của thiền không phải là làm cho bạn sợ hãi. Sợ chết là điều vô ích. Điều hữu ích là sợ chết với trạng thái tâm hoảng loạn và nhiều nghiệp bất thiện lưu dấu trong tâm mà bạn đã tạo ra trong suốt cuộc đời của mình. Bạn cần phải nhận thức được là thật khủng khiếp khi mình ra đi với tâm thức như vậy, để bạn sống một cách khôn ngoan, làm nhiều điều tốt, có lợi nhất có thể.

Lại nữa, nỗi sợ hãi nảy sinh vì chấp vào ý tưởng thân thể này là vĩnh cửu. Thật ra không có thứ gì là thường hằng, vì vậy đây là một ảo tưởng chỉ khiến cho chúng ta đau khổ thêm mà thôi. Nếu chúng ta lưu giữ cái chết trong tâm một cách nhẹ nhàng, cởi mở, thì sự níu bám này sẽ dần dần giản ra, để cho ta có được chánh niệm và làm những việc thiện có ích cho mình và cho người. Hiểu biết về cái chết cho chúng ta năng lượng lớn để không lãng phí cuộc sống của mình, để sống một cuộc đời hiệu quả nhất có thể được.

Hiến tặng

Thiền định có khả năng làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa, lợi ích và tích cực hơn. Bằng cách này bạn sẽ có thể chết với tâm thanh tịnh. Hãy nhớ động lực bạn đã có lúc bắt đầu hành thiền và hiến tặng công đức hành thiền này cho cùng mục đích; đó là vì lợi ích của tất cả chúng sinh.

Thiền sư Sangye Khadro – Người dịch: Lệ Nghiêm!

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Có hay không việc luân hồi chuyển kiếp?

Định Tuệ

Mối liên hệ giữa vong hồn và con cháu trên trần gian như thế nào?

Định Tuệ

Luân hồi là gì? Luân hồi có thật hay không?

Định Tuệ

Địa ngục là gì? Địa ngục có thật không theo đạo Phật?

Định Tuệ

Người Phật tử tu như thế nào để ko phải xuống địa ngục?

Định Tuệ

Làm sao giải cứu khi người đã mắc phải cảnh địa ngục?

Định Tuệ

Kiến thức cơ bản về sáu cõi luân hồi theo quan điểm Phật giáo

Định Tuệ

Vòng luân hồi là gì? Khi nào chúng ta chấm dứt vòng luân hồi?

Định Tuệ

Quả báo đọa địa ngục ong độc – Địa ngục du ký

Định Tuệ

Viết Bình Luận