Giả sử có chúng sanh nơi tâm còn tán loạn, nhưng miễn vẫn trì tụng thần-chú này, cũng vẫn thường được 84000 hàng hà Kim-cang-thần ngày đêm đi theo giữ gìn hộ vệ…
Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: Mật Chú của chư Phật là phép bí mật, chỉ có Phật với Phật tự biết với nhau, các vị thánh nhập địa cũng chưa thông đạt được… Thần-chú là MẬT-ẤN của chư Phật, Phật với Phật truyền nhau, người khác không thể thông hiểu… Nhưng chỉ cần tụng trì là diệt được nghiệp sâu nặng, mau lên thánh vị.
Người trì tụng chú Đại Phật-đảnh (tức chú Thủ-lăng-nghiêm), dù thân thể không tắm rửa cũng được các quỷ-thần-vương coi như thanh tịnh, dù phạm giới cũng được coi như không phạm giới, tâm tán loạn cũng được coi như nhất tâm, không lập đạo tràng cũng được coi như có vào đạo-tràng… Chóng diệt trừ các tội chướng sâu nặng, xa lìa ma chướng, lúc lâm chung tuỳ nguyện vãng sanh, mau lên thánh vị, đầy đủ công đức cùng trí-huệ.
Đời mạt-thế chúng sanh, muốn tu tam muội, e dễ lạc vào tà-ma, nên phải trì thần-chú này… Nếu chưa có thể nhớ tụng, thì phải chép lại để nơi thiền-đường hoặc đeo nơi thân mình, thì tất cả ma-chướng đều không dám động đến…
Kinh Kim Quang Minh cũng dạy: Hàng Thập-địa Bồ-tát vẫn cần lấy thần-chú để hộ trì, huống hồ là phàm phu!?
Các bộ Thần biến sớ sao, hoặc Mạn-đà-la sớ sao cũng đều dạy như vậy cả… (Lược-trích Hiển-mật-viên-thông, bản dịch Thích Viên Đức, trang 48 và 105).
***
Nay nói lược về CÁCH THỨC TRÌ TỤNG thần-chú.
Điểm đầu tiên dĩ nhiên là người trì tụng thần-chú phải lắng tâm và nhất tâm… Tuy nhiên, đà-la-ni vốn là những diệu-âm bất tư nghì, nên thần-lực gia trì cũng không thể suy lường. Bởi vậy, nên người trì chú, tuy tâm vẫn còn đôi chút TÁN LOẠN, nhưng nếu trì đều dần và lâu dài, thì vẫn rất nhiều hiệu nghiệm.
Nên kinh Thủ-lăng-nghiêm mới dạy: “Giả sử có chúng sanh nơi tâm còn tán loạn, nhưng miễn vẫn trì tụng thần-chú này, cũng vẫn thường được 84000 hàng hà Kim-cang-thần ngày đêm đi theo giữ gìn hộ vệ… Các tiểu-quỷ-thần đều phải xa lánh kẻ thiện-nhân này ngoài 10 do tuần, và các chúng ma có muốn rình rập quấy nhiễu cũng không thể được…” Xem thế thì đủ hiểu oai-lực của thần-chú là nhường nào?! Vì là diệu-âm và mật-ấn của chư Phật.
Oai-lực ấy còn khó suy lường hơn nữa, vì đến kẻ HUỶ BÁNG cũng vẫn gặt hái được lợi ích… Vì kinh Bất-không Quyền-tác có dạy rõ: “Nếu có chúng sanh nào nghe đà-la-ni mà lại sanh tâm chê bai huỷ báng, thì kẻ đó vẫn có lợi ích. Tỷ dụ như một kẻ có ác-tâm mà đi vào nơi khu rừng chiên-đàn, rối lấy tay chân chặt bẻ, đâm đập… khiến cho chiên-đàn bị gãy ngã tất cả, nhưng chính chân tay, thân mình của kẻ phá hoại ấy cũng phảng phất dính được mùi hương thơm ngát của chiên-đàn.”
Kẻ huỷ báng ấy, trong kiếp này hay những kiếp sau, dĩ nhiên là phải trả nghiệp-báo của việc huỷ báng trước. Nhưng sau khi trả nghiệp rồi, vì đã dính được mùi hương thơm ngát của chiên đàn đạo-lý, nên khi mùi hương này hiện hành nở ta trong Tàng-thức, thì kẻ đó tự nhiên sẽ chiêu cảm những túc duyên tốt lành để tu tập tiến bước. Tất cả giáo lý nhà Phật chỉ là vấn đề cơ-duyên…
Thà là kết một cơ-duyên nghịch còn hơn là hoài-nghi lừng khừng không theo cũng không chống báng, vì những kẻ này chẳng kết được cơ-duyên gì hết. Những người này thì không phải trả nghiệp-báo về sự chống báng, song trong nhiều kiếp lai sinh, vẫn chỉ sống trong lù-mù lờ-mờ, không chiêu cảm được một túc-duyên tốt lành nào hết và tiếp tục chìm nổi…
Bởi thế, nên kệ nhà Phật mới dạy: “Một câu nhiễm tâm thần, dù lấy hay là bỏ, qua tai đều thành duyên…” Và mỗi khi đi nghe pháp Phật, thì nên cầu nghe pháp cao sâu, đừng nên cầu nghe pháp quyền và nhỏ. Nghe pháp cao sâu, thì lúc đó ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, có khi thấy bàng hoàng khó chịu, nhưng những mầm đạo-lý lớn ấy sẽ rớt vào Tàng-thức của mình. Rồi tới khi thuần thục chín mùi, những mầm ấy sẽ hiện hành nở ra thành một cây cổ-thụ-lớn, đem lại sự mát mẻ cho thân-tâm mình và cho nhiều chúng sanh…
Người trì tụng thần-chú vẫn có thể, trong lúc ban đầu, giữ những tâm THAM CẦU thấp kém. Tỷ dụ như cầu cho mình được mạnh khỏe sống lâu, hoặc như người xưa, cầu được vào cung A-tu-la để lấy A-tu-la nữa làm vợ vì người A-tu-la nữ rất đẹp, hoặc cầu cho mình được trụ sắc-thân này đến lúc Phật Di-lặc ra đời để thưa hỏi về ý nghĩa huyền-nhiệm của 2 chữ sắc-không… Tham cầu như vậy là trái với đạo-lý lớn. Nhưng do oai-lực của thần-chú, và nếu kẻ trì tụng thành khẩn và nhất tâm, thì những vị quỷ-thần-vương hộ trì cho thần-chú, vẫn bắt buộc phải thỏa mãn tâm niệm mong cầu của người ấy… Là vì chư Phật có rất nhiều phương-tiện độ sanh không thể nghĩ bàn. Chúng sanh có nhiều khi tương tự như đứa trẻ nhỏ, có bịnh mà không chịu uống thuốc. Nên vị thầy thuốc có phương-tiện-huệ, liền đem thuốc đó thoa vào đầu vú của người mẹ. Đứa trẻ núc sục, nên uống luôn cả thuốc hay và trừ được bịnh khổ…
Cũng vậy, nhiều người trì thần-chú, lúc ban đầu có thể có những tâm tham cầu thấp kém, nhưng lần lần, diệu-lực của thần chú sẽ tác động vào Tàng-thức, và người đó sẽ đi tới tâm không mong cầu, bước lên bờ giải thoát.
Cần nhớ rằng: Sức của chơn-ngôn thần chú là sức huân-tập của Chân-như Diệu-tâm, nên rất là bất-tư-nghì. Và Đà-la-ni giáo thường được gọi là Đại-bất-tư-nghì thừa…
Bởi thế, nên kinh Lăng-nghiêm mới dạy: “Một người có thể không trì giới, nhưng khi nghe Đại Phật đảnh đà-la-ni, liền được Cụ-túc Thanh-văn giới…” Hoặc trong những kinh khác, có vị Phật từng nói: “Ta tu những kiếp không thể tính đếm, tuy tu hạnh khó làm mà vẫn không được Bồ-đề. Nay nhờ vừa nghe Đà-la-ni này, nên tăng thêm hạnh tương-ứng, liền thành Chánh-giác…” Vì là sức huân tập của Chân-như, nên chơn-ngôn gồm đủ 2 lực TỰ và THA. Và trên con đường tu hành, nếu người nào chưa hiểu diệu-lực của thần-chú, thì người đó tự cô phụ giới-thân huệ mạng của mình.
Trích: Mật tông và kinh đại thừa – Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng!
Tâm Hướng Phật/TH!