Nghĩ đến những tội lỗi, đúng là hỏng bét. Quý vị nghĩ đến A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Cam lộ pháp vị là tỷ dụ, xuất phát từ kinh Lăng Nghiêm. Trong kinh, đức Phật đã giảng ý nghĩa này rất sâu, được gọi là “thuần vô lậu” thì chính là “pháp khí chân chánh”.
Chẳng hạn như cái chén trà này rất sạch sẽ, đựng cam lộ trong đó, đấy là thượng vị. Nếu trong ấy có lẫn chút độc, toàn thể cam lộ đều biến thành nước độc. Nói cách khác, chẳng thể xen tạp mảy may chất độc nào! Điều này có nghĩa là: “Đoạn ác phải đoạn sạch sành sanh, tu thiện phải tu viên mãn”, tỷ dụ ý nghĩa này!
Quyết định chẳng thể cho rằng lỗi lầm nhỏ nhặt chẳng sao, không ăn nhằm gì! Lỗi lầm vặt vãnh không sao, tức là trong đồ đựng ấy chưa rửa sạch chất độc, vẫn còn thừa sót một chút. Một chút chất độc thừa sót nhất định sẽ biến cam lộ thành thứ gây tổn hại mất mạng!
Chúng ta hãy suy nghĩ: Trong cuộc sống thường ngày, phiền não, tập khí quá nặng, đoạn phiền não thì bắt đầu đoạn từ chỗ nào?
Phiền não tập khí nào nặng nhất thì hãy khởi sự từ phiền não nặng nhất ấy. Trước hết, phải đoạn cái nặng nhất, rồi đoạn cái kém nặng hơn; giống như trị bệnh: Thầy thuốc trị bệnh, người ấy quá nhiều bệnh, trong số ấy, căn bệnh nào nguy hiểm đến tánh mạng thì phải trị căn bệnh ấy trước. Trước hết, phải giữ được cái mạng, rồi mới trị những bệnh ít nặng hơn.
Trước hết, chữa trị căn bệnh nặng nhất, mà bệnh nặng nhất của mỗi người mỗi khác, mỗi chúng sanh căn tánh khác nhau, tham, sân, si, mạn, nghi, rất nhiều thứ khác nhau, chính mình biết rõ, người khác không biết!
Thuở Phật tại thế, đức Phật ngũ nhãn viên minh, chẳng những thấy một đời của quý vị, mà còn thấy quá khứ, đời quá khứ của quá khứ, những tư tưởng hành vi từ vô thỉ kiếp đến nay của quý vị, Ngài đều biết rõ. Vì thế, đức Phật thuyết pháp là cắt thuốc theo đúng căn bệnh, hễ kê thuốc, quý vị bèn lành bệnh.
Nay là thời kỳ Mạt Pháp, những pháp sư đại đức thiếu bản lãnh ấy, chẳng có thần thông, chẳng thấy đời quá khứ của quý vị. Do vậy, chính mình phải phản tỉnh, chính mình phải hiểu rõ ta có những bệnh nào, bệnh nào nặng nhất trong những căn bệnh ấy. Bệnh nào nặng nhất thì phải sửa đổi trước, phải suy nghĩ phương pháp thay đổi. Sửa lỗi gọi là sám hối, sám có nghĩa là phát lộ (phơi bày), Sám (懺) là tiếng Ấn Độ, tức Sám-ma (ksama). Sám hối chính là đem những chuyện ta đã làm sai quấy thảy đều nói ra cho mọi người biết, chẳng ẩn giấu. Chẳng ẩn giấu tội lỗi của chính mình thì gọi là Sám. Hối (Āpatti-pratideshana) là sau đó không làm nữa.
Có những đồng tu bảo tôi: Trong quá khứ, họ đã làm quá nhiều chuyện sai quấy, nay rất khó chịu, thường ăn năn. Họ coi đó là sám hối! Chẳng phải vậy! Đó gọi là “tội chồng thêm tội”, vì sao? Quý vị nghĩ đến một lần là phạm thêm một lần, quý vị sợ tội nghiệp do chính mình đã tạo chẳng đủ nhiều ư? Mỗi một lần nghĩ tới là ấn tượng trong A Lại Da Thức lại sâu hơn một nấc, lại tăng thêm một lần, làm sao được nữa! Đó chẳng phải là sám hối! Sám hối là tiêu trừ nghiệp chướng; quý vị hằng ngày tăng thêm nghiệp chướng, chỉ sợ sức mạnh của nó chưa đủ lớn, chỉ sợ nó chưa dầy, làm sao được nữa! Học Phật kiểu đó là học điên đảo vậy!
Phật pháp, quyết định chẳng ảo não, bứt rứt vì quá khứ, chuyện quá khứ kể như xong, chẳng còn nghĩ đến nó nữa. Pháp môn sám hối là như thế này: Ta làm chuyện sai quấy, ta hướng về mọi người thưa rõ, từ nay trở đi chẳng còn làm chuyện sai quấy ấy nữa, đó gọi là sám hối thật sự, quyết định chẳng nghĩ đến nữa.
Quý vị có ý nghĩ ấy, vì sao chẳng nghĩ đến A Di Đà Phật? Vì sao chẳng niệm A Di Đà Phật? Nghĩ đến những tội lỗi, đúng là hỏng bét. Quý vị nghĩ đến A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật, tương lai vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hằng ngày nghĩ đến tội lỗi, nghĩ tới tội lỗi ấy thì lẽ nào chẳng đọa trong địa ngục? Đó là tu pháp môn địa ngục. Phải giác ngộ, phải thật sự giác ngộ. Vì thế, ngàn vạn phần đừng nên hiểu lầm ý nghĩa của những danh từ, thuật ngữ trong kinh Phật, phiền phức lắm!
Trong kinh nói, ắt phải gột rửa sạch sẽ những ô uế trong tâm địa của chính mình. Sám hối là phương pháp gột rửa, tức là gột rửa sạch sẽ tâm địa. Như vậy thì mới thành pháp khí, mới có thể nhận lãnh cam lộ pháp vị. Cam lộ pháp vị cũng có tỷ dụ, khi ấy, tâm địa đã thật sự thanh tịnh rồi, người ấy vừa nghe pháp, vừa tiếp xúc Phật pháp, sẽ khai ngộ, pháp hỷ sung mãn. Quý vị tiếp xúc Phật pháp mà chẳng khai ngộ là do tâm chẳng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chẳng thể không khai ngộ.
Do vậy, quý vị ngàn vạn phần đừng nên bứt rứt vì chuyện cũ, đừng nên nghĩ tới những tội nghiệp trước kia. Vì quý vị càng nghĩ đến, tâm quý vị chắc chắn chẳng thanh tịnh. Chúng ta niệm Phật nhằm mong cầu công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn; suốt ngày suy nghĩ loạn xạ, làm sao thành phiến cho được? Công phu chẳng thể thành phiến, cũng chẳng đạt được nhất tâm.
Quý vị phải đặc biệt lưu ý điểm này, tạo tội nghiệp như thế nào? Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh nói quý vị tạo tội nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác phải đọa địa ngục A Tỳ, đừng sợ, quý vị gặp gỡ pháp môn này, “tôi tin tưởng, tôi phát nguyện, tôi niệm Phật”, quý vị vẫn vãng sanh giống hệt như người lành tu Tịnh Độ.
Do vậy, quý vị tạo tội lỗi nhỏ nhoi, còn sợ điều gì? Cớ gì phải suốt ngày từ sáng đến tối phải ray rứt trong lòng, chẳng chịu vứt bỏ? Hỏng rồi! Tuy quý vị tạo tội nghiệp, chẳng tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, chẳng giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, chúng ta chẳng làm những chuyện xấu ấy, chẳng có điều ác to lớn ngần ấy! Hạng người đại ác ấy niệm Phật đều có thể vãng sanh, huống hồ là những tội nhỏ nhặt khác, thấm vào đâu?
Vấn đề là quý vị phải thật sự tin tưởng!
Hữu tâm làm những chuyện ác, đó là tội. Vô tâm làm, đó là lỗi, tội lỗi! Tội nghiệp và lỗi lầm khác nhau. Chúng ta nay tuy niệm Phật, nhưng tội lỗi vẫn y như cũ không tránh khỏi, lớn nhỏ gì đều có. Đây là đạo lý gì vậy?
Tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay, công phu niệm Phật của chúng ta hiện thời chưa thể đè nén phiền não, nên mới có hiện tượng này. Nếu đè nén phiền não, tức là quý vị niệm đến mức công phu thành phiến, chẳng còn tạo tội lỗi nữa, đó là điều nhất định. Nói cách khác, chỉ cần vẫn có lỗi lầm nho nhỏ, chứng tỏ công phu của quý vị chưa thành phiến. Công phu thật sự thành phiến, sẽ chẳng có lỗi lầm, vì quý vị thật sự có thể chế ngự phiền não, tập khí, quý vị có năng lực ấy. Đạt đến mức Sự nhất tâm bất loạn là đoạn được tập khí phiền não, đoạn hết Kiến Tư phiền não. Đạt đến Lý nhất tâm bất loạn là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.
Nói đến chỗ này, tôi còn có một câu kính khuyên các vị đồng tu. Trong Ngũ Nghịch, Thập Ác, còn có một tội nặng sẽ đọa địa ngục A Tỳ, đó là đại vọng ngữ. Đại vọng ngữ là gì? Chính mình chưa chứng quả, bảo người khác tôi đã chứng quả, đó là tội đọa địa ngục A Tỳ. Ta tự mình chưa khai ngộ, bảo người khác: “Tôi đã khai ngộ”. Chưa chứng đạo, tự mình nói đã chứng đạo, tội lỗi ấy vô cùng nặng nề, chẳng phải là vọng ngữ tầm thường, mà là đại vọng ngữ. Do vậy, ngàn muôn phần phải cẩn thận.
Có những loại vọng ngữ là Tăng Thượng Mạn, chẳng phải do kẻ ấy cố ý, mà vì không biết, ngu si! Trong quá khứ tôi đã gặp một đồng tu, tu hành niệm Phật khá lắm, ông ta đến nói với tôi là ông ta đã chứng quả A La Hán. Ông ta chưa chứng đắc, tôi nói cách nào ông ta cũng không tin. Tôi nói: “Thật sự chứng quả A La Hán, sáu thứ thần thông đều trọn đủ”.
Khi ấy, chúng tôi đang ở trong nhà ông ta, nhà có xây tường, tôi hỏi ông ta: “Bên ngoài xe chạy qua, có người, ông có thấy rõ ràng hay không?” Ông ta nói: “Tôi không thấy”. Tôi nói: “Trong tâm tôi nay đang nghĩ đến chuyện gì, ông có biết hay không?” “Không biết!” Tôi nói: “Ông chẳng có Thiên Nhãn Thông, chẳng có Tha Tâm Thông, ông chưa chứng quả A La Hán”. Ông ta mới chịu phục. Tuy chẳng cố ý khởi vọng ngữ, ông ta vô ý, tự mình nghĩ như vậy, lầm rồi! Lầm lẫn quá đỗi!
Do vậy, chúng ta thường xuyên kiểm điểm chính mình, trong tâm của chính mình còn có thị phi, nhân ngã, có tham, sân, si, mạn, chắc chắn là phàm phu. Thứ gì cũng chưa đạt được, mà huệ cũng chưa khai. Chưa có Định, lấy đâu ra Huệ? Chưa có Định mà có Huệ thì là Cuồng Huệ, hại chết người!
Trí huệ thật sự từ tâm thanh tịnh sanh ra. Trong tâm chưa đạt được thanh tịnh, trí huệ do đâu mà sanh? Nhất định phải hiểu điều này. Ngàn vạn phần đừng nên tạo tội lỗi!
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – Tập 78
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không!