Phật nói có mười sự việc là thuận theo sanh tử, cũng chính là nói nếu như bạn có mười sự việc này thì bạn nhất định phải sanh tử luân hồi…
Từ trên sự mà sám hối là phục phiền não, phục tội nghiệp, làm cho tội nghiệp không khởi hiện hành. Cách sám hối trên lý là nhổ sạch hết gốc tội nghiệp, nhổ sạch tận gốc, chân thật là chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, đó mới là pháp sám hối cứu cánh. Cách sám hối này phải bắt đầu từ đâu? Ở trên kinh Phật dạy cho chúng ta mười phương pháp để làm. Phật nói có mười sự việc là thuận theo sanh tử, cũng chính là nói nếu như bạn có mười sự việc này thì bạn nhất định phải sanh tử luân hồi, bạn không thể thoát khỏi tam giới sáu cõi. Ngoài ra cũng có mười sự việc có thể làm cho bạn siêu việt luân hồi, siêu việt mười pháp giới. Trước tiên chúng ta phải sám trừ mười loại tâm lý tùy thuận sanh tử luân hồi của chúng sanh.
Mười loại tâm lý tùy thuận sanh tử luân hồi của chúng sanh
Thứ nhất là “Vọng kế nhân ngã, khởi ư thân kiến”. “Vọng” là hư vọng, không hề có sự thật này. “Kế” chính là chấp trước. Bạn chấp trước hư vọng, cho cái thân thể này là ta, chấp trước cái thân thể của người khác là người, từ ngay trong đó sanh khởi ngã chấp nghiêm trọng. Phật đem chỗ này xếp vào điều thứ nhất, điều này gọi là thân kiến. Bạn thấy, chúng ta ở trong kiến tư phiền não. Kiến hoặc có năm loại lớn là thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Năm loại lớn này là kiến giải sai lầm của chúng ta.
Cái đầu tiên chính là thân kiến. Thân kiến là từ do đâu mà có? Không hiểu rõ chân tướng sự thật, ở trong chân tướng sự thật khởi lên hiểu lầm nghiêm trọng, đem cái thân này xem thành chính ta, thế là ở trong đó liền khởi lên thị phi nhân ngã, điên đảo, vọng tưởng. Đây là căn bản của luân hồi. Bạn muốn hỏi sáu cõi luân hồi từ do đâu mà ra? Chính là do sự việc này mà ra, đó là Phật đem căn bản của luân hồi, nguyên nhân của luân hồi nói ra cho chúng ta. Cho nên thiện ác ở trong Phật pháp nói là “vì chính mình chính là ác, vì người khác chính là thiện”, tiêu chuẩn là như vậy mà định. Vì chính mình là tăng thêm ngã kiến, tăng thêm ngã chấp. Cái thứ này thì rất phiền phức. Không vì ta nữa, vì chúng sanh thì ngã chấp dần dần sẽ tan nhạt. Không còn chấp trước cái thân này là ta thì hân hoan vui vẻ, an vui, tự tại, vì chúng sanh, vì xã hội, không luận chúng ta ở một nơi nghề nghiệp nào đều là vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ, đều là chân thật làm đến được hy sinh phụng hiến. Thực tế mà nói, trong hy sinh phụng hiến còn có ngã chấp, ai hy sinh vậy? Ta hy sinh. Ai phụng hiến? Ta phụng hiến. Còn chưa quên được cái “ta” thì hy sinh phụng hiến đều không có. Pháp vốn như vậy. Trong tự nhiên chính là ta có cách làm như vậy, cho nên phải quên cái ta đi mới được, phải vì chúng sanh.
Thứ hai là bên trong có vô lượng vô biên phiền não (phiền não chính là thị phi nhân ngã, tham-sân-si-mạn), bên ngoài có mê hoặc. Những thứ này là phiền não lớn. Mê hoặc bên ngoài, có người mê hoặc, có việc mê hoặc, có vật mê hoặc, những thứ mê hoặc quá nhiều. Xã hội ngày nay mỗi bước đều là hầm hố, mỗi bước đều là hầm lửa, có được mấy người có thể thuận buồm xuôi gió đi qua con đường hiểm này? Thật khó! Nếu bạn không có trí tuệ chân thật thì dễ dàng bị dụ hoặc. Sự tạo tác ác nghiệp này thì nặng, nhất định là tăng thêm vô minh, tăng thêm phiền não, cũng chính là tăng thêm nghiệp sanh tử luân hồi. Đây là loại thứ hai cần phải nên sám hối.
Thứ ba là “nội ngoại duyên thảy đều đầy đủ. Bên trong có phiền não, bên ngoài có ác duyên”. Ý niệm làm thiện của chúng ta không có. Không những chính mình không thể tu thiện, thấy người khác tu thiện thì rất khó chịu, còn có thêm đố kỵ, còn có hãm hại; xem thấy người khác làm thiện thì nghĩ ra hết cách để phá hoại, để cản trở, thậm chí không ngại tạo ra tội nghiệp cực trọng, hủy báng, nhục mạ, hãm hại, thảy đều làm ra hết. Việc này chúng ta nhất định phải biết sám hối. Giả như chúng ta chính mình gặp phải loại tình huống này, không nên bị cảnh giới bên ngoài dao động, tuyệt đối không nên cho rằng chúng ta làm người tốt, làm việc tốt, giữ tâm tốt mà vẫn còn gặp phải rất nhiều khổ nạn, không làm người tốt được. Nghe có người nói “làm người tốt bị người gạt, ngựa tốt bị người cưỡi” thì không dám giữ tâm tốt, không dám làm việc tốt, vậy thì hỏng rồi, hoàn toàn bị hư hết. Nói ra hai câu này không phải là Phật nói, mà là ma nói, vậy chẳng phải bạn đi theo ma để học sao? Chúng ta học Phật, khi cảnh ma hiện tiền, chúng ta mới có thể trải qua được khảo nghiệm, quyết không lo sợ, quyết không thoái lui. Biết được chúng ta gặp phải muôn vàn khó khăn, đối với bản thân chúng ta mà nói, giúp cho chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, đây là việc tốt, không phải việc xấu. Trên “Kinh Kim Cang”, Phật có nói một đoạn: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì đọc tụng thử kinh”, thử kinh là chỉ “Kinh Kim Cang”, nói “Kinh Kim Cang” tốt. Thọ trì là y theo giáo huấn của “Kinh Kim Cang” mà làm, y giáo phụng hành, đó là người tốt. Thế nhưng bị người ta khinh rẻ, bị người ta xem thường. Phật nói: “Con người này đời trước tạo tội nghiệp phải đọa ác đạo, nếu họ không thọ trì “Kinh Kim Cang”, nếu không học Phật, tương lai sẽ đọa đường ác. Hiện tại học Phật, chăm chỉ cố gắng học tập như vậy còn bị người khinh rẻ, bị người ta chà đạp, tội nghiệp của người này hiện tại sẽ trả hết, tương lai sẽ không đọa ác đạo nữa. Không những không đọa ác đạo, mà còn được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Họ có thành tựu. Bạn thấy như vậy thì tốt biết mấy. Cho nên chúng ta nghe được Phật nói những lời này, trong lòng có được sự an ủi. Phật nói đều là thật, không phải là giả. Cho nên, người học Phật chúng ta gặp phải nghịch duyên, gặp phải nghịch cảnh, trong lòng phải rất thản nhiên, phải nỗ lực mà kiểm điểm. Người khác hủy báng chúng ta, chúng ta phải cố gắng nghĩ xem ta có hay không? Nếu như có thì phải mau sửa đổi, nếu không có thì cố gắng khích lệ, nhất định không thể làm việc sai. “Có thì sửa đổi, không thì khích lệ”, vậy thì tốt. Quyết không nên trách người khác, không nên có một niệm tâm sân hận, tâm báo thù, vậy thì sai rồi, vậy thì chúng ta lại đọa lạc. Chúng ta vẫn có tâm cung kính đối với họ, vẫn có tâm cảm ân. Họ tiêu tai, diệt tội thay ta, thì họ là đại ân nhân của ta, làm sao ta không cảm kích? Tu học của chính ta vẫn là mỗi niệm hồi hướng cho họ, cầu phước cho họ. Đó là Phật dạy bảo chúng ta phải nên có cách làm như vậy.
Thứ tư, nếu như chúng ta có tội nghiệp này, thân-ngữ-ý ba nghiệp không ác nào không tạo, cũng chính là thường nói tạo mười ác nghiệp. Thân tạo ra sát-đạo-dâm; miệng vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt, trong tâm có tham-sân-si-mạn, vậy thì bạn phải nỗ lực cầu sám hối. Việc sám hối này là phải phát lồ sám hối. Chúng ta không có dũng khí ở trong đại chúng đông đảo phát lồ sám hối, thì chí ít phải ở trước mặt Phật Bồ Tát phát lồ sám hối. Có một số người ở trước mặt Phật Bồ Tát thầm lặng mà sám hối, chúng ta xem thấy miệng của họ đang động đậy, một câu cũng không nghe được, e rằng Phật Bồ Tát cũng không nghe thấy. Phật dạy chúng ta phát lồ sám hối, phát lồ sám hối là phải nói ra, không nên che giấu. Do đây có thể biết, loại sám hối này là rất muốn sám hối, nhưng lại còn ngượng ngùng, lại còn bị xấu hổ, vậy thì nghiệp chướng này không thể sám trừ. Cho nên nói, ở trước mặt Phật Bồ Tát mà bạn còn không chịu phát lồ, còn không chịu lớn tiếng nói ra, có thể thấy được ý nguyện của bạn không chân thành. Người chân thật thì không những ở trước mặt Phật Bồ Tát phát lồ sám hối, mà trước mặt thiện tri thức thông thường đều phải nên phát lồ sám hối.
Thứ năm, Phật nói, tuy bạn tạo ra những việc ác này không nhiều, thế nhưng tâm ác của bạn trùm khắp, bạn không thể làm ác đó là duyên chưa chín muồi, nếu như duyên chín muồi thì việc ác của bạn cũng trùm khắp. Thực tế ra mà nói, tạo ác cũng phải có phước báo, không có phước báo thì chỉ có thể làm được việc ác nhỏ, không thể làm được việc ác lớn. Người phước báo lớn mới có thể làm được đại ác, họ có thể tùy theo tâm mình muốn, muốn làm gì thì làm. Thông thường người không có phước báo muốn làm đại ác cũng không làm được, chỉ có thể làm được chút ác nhỏ. Tuy là ác nhỏ, nhưng tâm ác của họ có thể không nhỏ, việc này cần phải nên biết.
Thứ sáu là ý niệm làm ác ngày đêm tiếp nối không ngừng nghỉ, vậy thì không tốt. Cho nên ban ngày tạo ác, buổi tối nằm mộng vẫn là đang tạo ác, vẫn đang làm việc sai, nên gọi là “ngày nghĩ việc gì, đêm mộng làm việc đó”, bạn nói xem có đáng sợ không? Trên kinh Phật nói những sự việc này, thực tế mà nói đều là hiện tượng ác hạnh thông thường của chúng ta hiện tại. Phật nói ra một chút cũng không sai, một chút cũng không quá đáng.
Thứ bảy là “che giấu lỗi lầm của chính mình, tránh né lỗi lầm của chính mình”. Chính mình tạo tác tất cả lỗi lầm, đem trách nhiệm đẩy cho người khác, vậy việc ác này thì lớn, việc ác này thì nặng. Chính mình tạo tác thì chính mình phải dũng cảm gánh vác, mạnh dạn nhận lỗi, vậy lỗi của bạn mới có thể sám trừ. Nếu như che giấu, ngụy trang, đậy kín, thì tội này sẽ càng thêm nặng. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải tích âm đức. Chúng ta làm việc tốt không nên để cho người khác biết, phải che giấu, thì phước đức của bạn càng tích càng dày, quả báo tương lai sẽ thù thắng. Tội nghiệp thì không nên che giấu, cho dù tạo ra tội nghiệp nhiều hay ít đều mong muốn người khác biết. Để làm gì vậy? Người này nghe thấy mắng bạn một câu, người kia trách bạn một tiếng, thì quả báo này thảy đều trả hết. Chính mình tạo ra vô số ác nghiệp thì phải mau báo hết, còn những thiện nghiệp thì không nên để người biết. Bạn thấy hiện tại người thông thường thật là điên đảo, họ tạo ra việc ác thì không muốn người khác biết, chỉ làm có một chút thiện mà muốn đem nó tuyên dương thành đại thiện để mọi người xem trọng họ, tán thán họ, vậy thì thiện đã xài hết rồi, ác thì thảy đều ém, để ở đó vẫn chưa động, để khi đến Diêm La Vương tính sổ luôn một lần, vậy thì sai rồi. Đó là người ngu si, không phải người thông minh. Phật dạy cho chúng ta thật có đạo lý.
Thứ tám, hiện tại thông thường chúng ta nói ngoan cố, cố chấp, ngang ngược, tàn ác, không nghe khuyên răn của người khác, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là xung đột với người khác, ưa thích đối kháng với người khác, hiếu thắng bồng bột, không chịu thiệt, tranh hơn tranh thua, chỉ thích làm những việc như vậy. Đó cũng là tập khí, là tâm bệnh lớn. Phật giảng cho họ nghe những đạo lý nhân quả báo ứng, họ không tin tưởng. Khi tôi mới bắt đầu học Phật (vào lúc đó tôi 30 tuổi, vừa mới xuất gia không bao lâu), có một hôm tôi nghe một số lão pháp sư già hơn so với tôi nói chuyện (không phải là thật già, đại khái lúc đó họ dáng dấp cũng chỉ bốn mươi hay năm mươi tuổi), tôi cũng đến ngồi bên cạnh, nghe rồi tôi toát mồ hôi lạnh, họ đã nói gì vậy? Nhân quả mà trên kinh Phật nói, ông tin không vậy? Tôi nghe qua thật bàng hoàng, vì họ là người xuất gia, bình thường cũng giảng nhân quả báo ứng cho cư sĩ nghe nhưng chính mình thì không tin. Chẳng trách lão sư Lý ngày trước đã nói một câu ngạn ngữ: “Hòa thượng sợ cư sĩ, cư sĩ sợ nhân quả, nhân quả sợ Hòa thượng”. Tuy gần như là lời nói đùa, nhưng ở trong đó có đạo lý rất sâu rất rộng. Cho nên vào thời kỳ Mạt Pháp, bạn xem thấy học Phật thành tựu, chúng ta lấy việc niệm Phật vãng sanh, xem qua “Vãng Sanh Truyện” nhiều đời, người xuất gia vãng sanh thì ít, người tại gia vãng sanh thì nhiều. Chúng ta thấy người tại gia vãng sanh tướng lạ rất là hi hữu. Trong 30 năm gần đây nhất, Đài Loan còn có người đứng vãng sanh, đó là nữ cư sĩ tại gia, lão thái bà đứng mà vãng sanh. Số người ngồi mà vãng sanh thì càng nhiều, biết trước giờ đi, không có bệnh khổ. Thế nhưng, Đài Loan mấy mươi năm qua, một người người xuất gia vãng sanh có thoại tướng lạ như trên cũng không có, đừng nói là đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh cũng không có người nào. Thật là lời của Lý lão sư nói không sai! Vì sao vậy? Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát, người xuất gia thân xuất mà tâm không xuất, trong lòng còn chấp trước hơn so với người tại gia. Họ xuất ra chính cái nhà nhỏ của họ, tìm đến một cái chùa lớn, cái nhà đó còn lớn hơn nhiều so với cái nhà của chính họ, quyến thuộc cũng nhiều hơn, tiền của cũng nhiều hơn, tăng thêm tham-sân-si-mạn, tạo ra vô lượng tội nghiệp, không phải không có, đích thực là có. Những sự việc này chúng ta đều phải có cảnh giác cao độ, đây không phải là việc tốt, mà rất là đáng sợ, sợ chính mình ở ngay trong một đời này đọa lạc vào ba đường.
Thứ chín, “Vô tàm vô quý, bất cụ phạm thánh”, không có tâm hổ thẹn. “Tàm” dùng lời hiện đại của chúng ta mà nói là “lương tâm bị dày vò”, chính mình làm sai việc gì, trong lòng của chính mình không an gọi là tàm. “Quý” là phê bình của người bên ngoài, không sợ phê bình của người khác, chính là không sợ dư luận. Bậc thánh hiền và Phật Bồ Tát họ cũng không nể trọng. Nếu như chúng ta đọc “Kinh Vô Lượng Thọ” qua nhiều lần, trong kinh nói với chúng ta, dân số của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là vô lượng vô biên, không có người nào có thể tính đếm ra được. Trên Kinh Phật nêu ra một thí dụ, ngay trong hàng đệ tử Thích Ca Mâu Ni Phật, thần thông năng lực mạnh nhất là tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thông minh trí tuệ của Ngài có thể trong một ngày một đêm tính ra được số lượng tinh cầu trong đại thiên thế giới của chúng ta, một đại thiên thế giới này có bao nhiêu tinh tú, trong tinh tú có bao nhiêu chúng sanh, Ngài có thể tính ra được, Ngài có năng lực lớn đến như vậy. Phật nói: “Giả như tất cả chúng sanh đều chứng được quả vị Bích Chi Phật, thần thông đạo lực như Mục Kiền Liên vậy, cùng nhau để tính đếm số người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không thể tính ra được”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc phồn hoa, náo nhiệt, tốt hơn nhiều so với chúng ta nơi đây. Phật lại nói: “Người ở cõi đó, người sanh đến nơi đó cho dù là người hạ hạ phẩm vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trí tuệ năng lực của họ thảy đều hồi phục gần giống như Phật, mười phương thế giới tất cả chúng sanh họ đều có thể thấy được”. Chúng ta không thể thấy được họ, còn họ thì có thể thấy được chúng ta. Chúng ta ở đây nói một lời nho nhỏ, đối phương còn nghe chưa được rõ ràng thì Thế giới Tây Phương Cực Lạc thảy đều nghe được, bạn làm sao có thể giấu được người chứ? Ở nơi đây chúng ta khởi tâm động niệm người ta thảy đều biết, họ có tha tâm thông. Cho nên chúng ta chính mình cho rằng, làm ra một số việc xấu không có người biết, có thể giấu được người. Đúng! Bạn có thể giấu được năm mươi ức người của thế giới này, thế nhưng vô lượng vô biên Bồ Tát ở Thế giới Tây Phương, một người bạn cũng không thể giấu. Nếu như chúng ta chân thật tin tưởng, chân thật thấu hiểu, thì bạn sẽ không dám khởi một niệm ác. Khởi một niệm ác, Phật Bồ Tát đều biết, Thế giới Tây Phương Cực Lạc người người đều biết. Nếu bạn muốn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, A Di Đà Phật đại từ đại bi kéo bạn lên đó, người Thế giới Tây Phương Cực Lạc mỗi mỗi đều trợn mắt nhìn, “làm sao ông có thể đến đây vậy? Là một người ác, ông đến đây chẳng phải là phá hoại hoàn cảnh của chúng tôi sao?”. Điều kiện của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “các bậc thượng thiện đều ở một nơi”. Chúng ta phải tu thượng thiện, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều thiện, không nên làm việc ác. Nhất định phải nên biết, không luận là chúng ta ở nơi nào, lúc nào, Phật Bồ Tát của Thế giới Cực Lạc thảy đều xem thấy. Đây là thật, không phải là giả. Không những không dám làm việc xấu, không dám ác khẩu, không dám vọng ngữ, mà trong ý niệm, một niệm ác cũng không có, thì chúng ta mới có thể vỗ ngực nói: “Nhất định vãng sanh!”.
Hai hôm trước, có một vị cư sĩ ở Hoa Kỳ cũng là một ông lão đồng tu chúng ta bị bệnh, gọi điện thoại hỏi tôi: “Tôi có thể bị đọa địa ngục không?”. Tôi liền thành thật nói với ông: “Ông có thể bị đọa địa ngục hay không, tôi không biết. Việc này ông phải hỏi lại chính mình”. Chính bạn niệm Phật, tu thiện, làm sao có thể đọa địa ngục chứ? Nếu như bạn niệm Phật mà còn tạo nghiệp, vậy thì không thể tránh khỏi, việc đó sẽ khó. Cho nên tôi liền khuyên ông đọc “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh”, đọc thêm nhiều lần, nghĩ lại xem chính mình tạo ra là những nghiệp gì. Nếu như bạn tạo tội nghiệp địa ngục cực trọng, chỉ cần hơi thở của bạn chưa dứt thì vẫn còn có thể cứu. Cứu bằng cách nào? Sám hối, cầu vãng sanh, phải chân thật sám hối, phải từ trong nội tâm mà sám hối, sau không tái tạo, bạn mới có thể không đọa ba đường, bạn còn có thể mang nghiệp vãng sanh. Thí dụ này ở trên Kinh có nói, trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” hay trong “Vãng Sanh Truyện” chúng ta xem thấy nhiều người niệm Phật vãng sanh, có người tạo tội nghiệp cực trọng, chân thật hồi đầu, chân thật sám hối thì đều có thể vãng sanh. Nếu như bạn không tin tưởng, bạn tiếp tục tạo tác, vậy thì không còn cách nào. Bạn chân thật hồi đầu giác ngộ, sau không tái tạo thì đều được cứu. Phật Bồ Tát đại từ đại bi, không hề nhớ lỗi lầm của chúng sanh. Ngay Đại Sư Huệ Năng cũng nói: “Nếu người chân chính tu hành, không thấy lỗi người khác”, Phật Bồ Tát làm sao nhớ lấy lỗi lầm của chúng sanh chứ, không hề có việc này. Vấn đề là chính mình tạo ra tội nghiệp này, chính là sợ tánh tội, cái thứ này phiền phức, nhất định phải dựa vào chính mình nỗ lực mà sám hối.
Điều sau cùng chính là “không tin nhân quả báo ứng”. Bạn chân thật tin tưởng nhân quả báo ứng thì khởi tâm động niệm, lời nói việc làm nhất định phải kiểm điểm. Vì sao vậy? Biết được quả báo thật đáng sợ, nhất định không dám thưởng thức. Những việc này đều là sự thật.
Chúng ta chính mình nghĩ xem, cả đời này chân thật là may mắn, gặp được Phật pháp mới hiểu rõ đạo lý này. Trước khi chưa gặp Phật pháp, những tội nghiệp này chúng ta thường tạo. Tuy là chúng ta không có túc mạng thông, thế nhưng thử nghĩ xem, trong đời quá khứ e rằng vẫn là không thể tránh khỏi, nghĩ như vậy thì tạo tác nhất định cũng như vậy. Ngay trong đời này, trước khi chưa gặp được Phật pháp, những tội nghiệp Phật nói này tôi đều đã làm qua. Sau khi học Phật tôi mới hiểu rõ. Tôi hiểu rõ tương đối sớm một chút, trên thực tế cũng không xem là quá sớm. Năm 26 tuổi tôi mới học Phật, mới hiểu được những việc này. Thời gian kháng chiến, tôi khoảng mười mấy tuổi, đã tạo nghiệp sát rất nặng, ham thích săn bắn, cho nên rất nhiều người xem tướng số đoán mạng cho tôi đều nói tôi đoản mạng. Tôi tin tưởng, vì sao vậy? Nghiệp sát quá nặng, làm sao không đoản mạng? Ngay đời này, đời sống rất khổ cực, không thể đoàn tụ với người nhà, tôi cũng tin tưởng là do nghiệp báo. Tôi sát sanh, làm cho cả nhà của chim thú không được đoàn viên, cho nên tôi phải chịu quả báo này. Tôi tạo ra nhân gì thì phải nhận lại quả báo đó, việc này làm sao có thể tránh được? Sau khi chân thật hiểu được Phật Bồ Tát đã cứu chúng ta, thấu hiểu chân tướng sự thật, chân thật thay đổi tự làm mới, không còn vì chính mình mà vì Phật pháp, vì chúng sanh, lại gặp được pháp môn Tịnh Độ, một đời này mới chân thật làm đến được viên mãn, có được một con đường. Làm thế nào báo ân Phật, báo ân chúng sanh, làm thế nào chuộc lại những lỗi lầm mà trước đây chúng ta đã giết hại những chúng sanh? Chỉ có hoằng dương Phật pháp, đem pháp môn thù thắng này giới thiệu cho mọi người. Mọi người niệm Phật tương lai đều vãng sanh Tịnh Độ, đều thành Phật thì tội nghiệp này, nghiệp chướng này của chúng ta đại khái có thể được tiêu trừ.
Hôm nay thời gian đến rồi, chúng ta chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật!
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 16