Thiện tri-thức phải theo như dưới đây đọc ba phen cho rõ ràng mà khai thị. Gia-quyến phải một ngày ba phen luân phiên niệm Phật để cứu độ.
Ban đầu vào cảnh Trung-Ấm
Sau khi người đó hơi thở đã tắt, thần thức rời khỏi thân, nếu chưa liền được giải thoát, thì phần nhiều phải trải qua một trạng thái tối tăm mờ mịt trong một thời hạn lâu đến ba ngày rưỡi hoặc đến bốn ngày rồi sau mới có cái cảm giác minh mẫn, đó là bắt đầu vào cảnh trung ấm. Nhờ ở sự minh mẫn ấy nên có thể ở trong một khoảnh khắc mà thấy được gia nhân quyến thuộc…
Lại nữa, thông thường người chết khi nghiệp thức đã rời thân, thường hay mê muội, nên cứ đắn đo mà tự hỏi: Ta đã chết hay chưa chết? Người đó cũng hay mơ màng mà thấy được thân thuộc, mỗi mỗi đều hiện ra trước mắt, in như gặp nhau trong cảnh mộng.
Xét ra thì trong lúc đó, người chết không tự biết rằng mình đã chết hay chưa chết, thì những thân thuộc nên mỗi ngày ba phen vì họ mà luân phiên niệm Phật, để nhờ oai lực của Phật dắt dìu họ được sinh về Cực-lạc. Như thế dù có nghiệp duyên cũng không trở ngại được; Ví như mặt trời đã mọc lên, thì phá tan đêm tối. Cũng như thế, trí-tuệ thanh tịnh sáng suốt của Phật có thể tiêu diệt nghiệp lực tăm tối của chúng sinh vậy.
Vả lại trong lúc ấy, nghiệp thức của người chết hoặc đi vào thế giới mới, chính họ cũng đương ngơ ngác, chưa biết mình sẽ đi vào đâu là phải. Thế nên phải nhờ phương pháp niệm Phật để cứu độ cho họ. Phải mời những bậc thiện-tri-thức khai thị cho họ biết xu-hướng về nước Cực-lạc.
Thiện-tri-thức sẽ dùng những lời như sau đây mà khai thị, “Nguyễn mỗ … nếu người đến trên mặt nước hay trước bức gương mà soi thì người sẽ không thấy được diện tượng của người hiện vào nữa, vì thân trung-ấm nầy đã rời sắc thân tứ-đại do huyết nhục tạo nên trong nhân gian. Người nên biết, khi đã vào giai đoạn trung-ấm thân, chỉ có một điều cần thiết là: lúc nầy người không nên nhớ nghĩ việc gì nữa, chỉ nên chuyên tâm niệm Phật A-Di-Đà và Bồ-tát Quan-thế-âm đến cứu độ. Khi đó Phật A-Di-Đà cùng Bồ-tát Quan-thế-âm sẽ cảm ứng mà đến. Mong ngươi phải khéo tự phát ý niệm Phật”.
Thiện tri-thức phải theo như trên đọc ba phen cho rõ ràng mà khai thị. Gia-quyến phải một ngày ba phen luân phiên niệm Phật để cứu độ.
Sự xui dục của nỗi lòng quyến luyến
Thân-trung-ấm trước khi chưa được giải quyết, hay chưa trải qua giai-đoạn đầu thai thì nghiệp thức ấy khi mê muội, khi minh mẫn. Có khi bỗng thấy bà con bạn bè ở vào một nơi nào đó, giống như gặp nhau trong cảnh mộng. Cho nên họ sẽ đến trước các người trong cảnh mộng đó mà nói năng kể lể; nhưng các người đó hoàn toàn không hiểu được. Khi ấy họ buồn rầu không thể tả xiết, giận dữ khác thường.
Bỗng nghe người ta gọi đến tên mình mà than khóc; thì liền thấy được bà con bạn bè: Đến một bên thấy xác của mình than khóc, hay thấy được các phẩm vật đã sắp bày trên bàn thờ. Rồi họ sẽ tự lẩm bẩm rằng: “Ta đã chết rồi! Làm thế nào? làm thế nào?” Khi đã sinh ra một niệm ấy, thì tự biết hết sức đau khổ, khác nào con cá bị nướng trong cái lò lửa đỏ!
Nhưng đây còn là ở trong sự mờ tối, cho nên khi thấy vợ con than khóc liền đến vỗ về an ủi: “Ta còn đây, không nên khóc!” Nhưng các người than khóc kia cũng vẫn không thôi nghỉ. Khi đó trong lòng họ giận dữ phẩn uất, cho nên vội vàng bỏ đi. Nhưng trong chừng khoảnh khắc, vì lòng ái kiến vọng chấp chưa trừ cho nên vội vàng trở lại, để mong đáp lại sự tức giận khi trước trước đã gặp. Nhưng rồi cũng vẫn không vừa ý những cảnh tượng đã gặp và đã cảm thọ; cho nên vẫn có thái độ như trước.
Cứ thế mãi, trải qua đôi ba phen gặp gỡ như thế, nên sự buồn bực dập dờn; càng trải qua càng thêm mãnh liệt. Vì lòng phiền muộn xui dục càng thêm mạnh mẽ, đến nỗi họ không muốn suy xét đến cảnh giới lành dữ là thế nào, dù cho có mất giá-trị thế nào, ta cũng không cần mến tiếc. Chỉ cần được thác sinh, để cởi bỏ cái khổ bơ vơ không nơi nương tựa. Những kẻ đầu thai vào ác đạo thường thường đều bởi duyên cớ ấy cả.
“Thân trung-ấm tuy còn luyến ái bà con bạn bè, nhưng ngặt nỗi đã bị cách đời, nên không làm thế nào được, cho nên chớ có một mảy may luyến ái; và dù cho trở lại được sắc thân tứ đại, thì cũng chẳng qua trở lại chịu khổ sinh tử mà thôi. Vậy nên phải dẹp bỏ cái vọng tưởng được sống trở lại; hãy tự yên ổn, chăm lòng niệm Phật A-Di-Đà và Bồ-tát Quán-thế-Âm, để cầu Ngài cứu độ.”
Thiện-tri-thức phải theo như lời đã nói trên mà khai thị. Gia thuộc phải vì họ mà niệm Phật để cứu độ cho họ.