Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Lý do Kinh Phật thuyết bắt đầu với bốn chữ Như thị ngã văn

Tất cả kinh do Đức Phật thuyết đều bắt đầu bằng bốn chữ Như thật tôi nghe. Việc này có bốn nguyên nhân như dưới đây.

Tất cả kinh do Đức Phật thuyết đều bắt đầu bằng bốn chữ Như thật tôi nghe. Việc này có bốn nguyên nhân:

1. Dứt trừ nghi ngờ của chúng sinh

Sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, đến khi kiết tập kinh tạng, A-nan bước lên pháp tòa để tuyên lại giáo pháp. Tức thì A-nan hiện tướng thể nhập vào chánh định. Ngồi lâu giây lát không nói, khi đã vào sâu trong định, thân tướng của A-nan đồng như thân Phật. A-nan cũng có được 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như Đức Phật. A-nan phóng quang và lòng đất chấn động. Đại chúng tức thì khởi ba mối nghi:

Có người nghĩ rằng Đức Phật thị hiện lại thế gian vì họ thấy A-nan có thân tướng hoàn hảo như Đức Phật. Các vị đệ tử có lẽ đã nhớ Đức Phật quá nhiều đến nỗi óc não quá căng thẳng, nên rơi vào suy luận như vậy.

Có người tưởng rằng bây giờ A-nan có được thân tướng hoàn hảo như thế do A-nan đã thành Phật.

Một số người tưởng rằng Đức Phật đã trở về cõi giới tịch diệt và A-nan thì chưa được thành Phật. Họ nghĩ rằng: “Có lẽ đó là Đức Phật từ phương Bắc, phương Nam, phương Đông, phương Tây hoặc từ một nơi nào đó trong mười phương thị hiện đến đây.

Nhưng ngay khi A-nan nói lên: “Như thị ngã văn – Như thật tôi nghe” thì ba mối nghi của đại chúng liền được giải trừ. Lý do thứ hai khi Kinh được bắt đầu bởi câu Như thị ngã văn là:

2. Tôn trọng lời phó chúc của Đức Phật

Khi Đức Phật sắp nhập niết-bàn, Ngài thông báo ý định đó cho các vị đệ tử và họ bắt đầu khóc. A-nan là em họ của Đức Phật, khóc nhiều nhất. A-nan khóc lóc thảm thiết đến nỗi nước mắt rửa mặt được. Cuối cùng, Trưởng lão A-nậu-lâu-đà đến bảo: “Thầy đừng khóc nữa, không thể khóc mãi khi Đức Phật sắp nhập niết-bàn, Thầy nên thưa thỉnh Thế tôn những việc phải làm sau khi Thế tôn nhập niết-bàn.”

A-nan thưa: “Thưa Trưởng lão, con nên hỏi điều gì?”

Trưởng lão A-nậu-lâu-đà đáp:

Thứ nhất, trong tương lai kinh điển sẽ được kiết tập, Thầy nên hỏi phải ghi lời mở đầu mỗi bộ kinh như thế nào?

Thứ hai, Trưởng lão A-nậu-lâu-đà tiếp tục nói: Khi Đức Phật còn tại thế, chúng ta nương nơi Thế tôn mà an trụ. Khi Đức Phật nhập diệt rồi, tăng đoàn nương vào đâu mà an trụ? Hãy hỏi Đức Phật điều ấy.

Thứ ba, nay chúng ta hoàn toàn nương tựa vào Thế tôn là bậc Đạo sư. Sau khi Thế tôn nhập diệt, giáo đoàn sẽ nhận ai làm thầy?

Thứ tư, khi Đức Phật còn tại thế, người thường quở trách và hàng phục các vị tỷ-khưu tánh ác. Sau khi Thế tôn nhập diệt, giáo đoàn nên xử sự như thế nào với các vị tỷ-khưu này? Việc chính của thầy là đến thỉnh Thế tôn chỉ dạy bốn sự việc như vậy”.

A-nan vâng lời, đến bên Đức Phật và thưa:

– Khi Thế tôn còn tại thế, chúng con nhận Thế tôn làm đạo sư. Sau khi Thế tôn nhập niết-bàn, giáo đoàn nên nhận ai làm thầy?

Đức Phật trả lời: “Nhận giới luật làm thầy, tỷ-khưu và tỷ-khưu ni phải nhận giới luật làm bậc đạo sư của mình.”

– Khi Thế tôn còn tại thế, chúng con nương nơi Đức Phật mà an trụ. Sau khi Thế tôn vào niết-bàn, chúng con nương nơi đâu mà an trụ?

Đức Phật trả lời: “Khi Như Lai nhập diệt, các tỷ-khưu nên nương vào Tứ niệm xứ mà an trụ”

Tứ niệm xứ là:

  1. Quán thân bất tịnh: để khỏi yêu mến thân xác mình.
  2. Quán thọ thị khổ: để khỏi tham luyến sự hưởng thọ dục lạc.
  3. Quán tâm vô thường: để khỏi chấp trước vào những vọng tưởng sinh khởi từ tâm thức.
  4. Quán pháp vô ngã: tất cả các Pháp là sắc, thọ, tưởng, hành, thức tức ngũ uẩn của các pháp, tự nó đều không chân thực tồn tại.

– Thứ ba, A-nan hỏi Đức Phật: “Trong tương lai, khi kiết tập kinh điển, chúng con nên bắt đầu ra sao?”

Đức Phật trả lời: “Dùng những lời này: Như thị ngã văn – Như thật tôi nghe.”

Những lời này là lục chủng thành tựu, biểu tượng cho sự hoàn hảo của ý nghĩa trong kinh tạng và chứng minh rõ ràng kinh tạng là do Đức Phật giảng nói:

A-nan thưa: “Con còn một câu hỏi nữa. Khi Thế tôn còn tại thế, người thường điều phục các vị tỷ-khưu tánh ác, Đức Thế tôn nhập diệt rồi, chúng con nên xử sự với các vị đó ra sao?

Đức Phật đáp: “Với các vị ấy, hãy lờ họ đi, họ sẽ tự tránh xa. Đừng để ý tới họ. Đừng nói chuyện với họ, đừng ngồi với họ. Nói chung, hãy đối xử với họ như một người bình thường. Nếu không ai để ý đến họ nữa thì họ không thể làm được gì cả, dù họ có xấu ác đến mức độ nào đi nữa.”

Tỷ-khưu tánh ác là những người đã xuất gia mà còn nói và làm những điều không hợp đạo lý. Khi Đức Phật còn tại thế, có sáu vị tỷ-khưu tính rất xấu. Quý vị nên nghĩ rằng người xuất gia nào cũng tốt. Cũng có những người không sống đúng luật nghi trong tăng đoàn. Đức Phật dạy chúng ta “lơ họ đi và họ sẽ tránh xa.” Hãy im lặng và không để ý đến họ. Bằng cách ấy quý vị sẽ hàng phục được họ.

Lý do thứ ba khi kinh này được bắt đầu bởi “Như thị ngã văn – Như thật tôi nghe” là:

3. Hóa giải những tranh luận trong đại chúng

Đức Phật có nhiều đệ tử đều là những bậc lão tham, là những bậc thượng tọa trong đại chúng. Có nhiều vị đạo hạnh cao hơn A-nan rất nhiều, A-nan chỉ vừa mới chứng được quả vị thứ tư của hàng a-la-hán, trong khi trong đại chúng, có nhiều người đã chứng quả vị này lâu rồi. Nếu A-nan trùng tuyên lại kinh tạng, có nhiều vị sẽ không tôn trọng. Bằng cách đưa ra: “Như thị ngã văn–Như thật tôi nghe.” Đức Phật đã làm cho kinh có một ý nghĩa rõ ràng, những gì đại chúng sắp nghe không phải là kinh do chính A-nan giảng, mà là kinh do A-nan nghe Đức Phật giảng. Do đó không còn ai tranh luận. Mọi người đều biết rằng A-nan là người có trí nhớ rất tốt và mạch lạc, không bao giờ nhầm lẫn, tất cả các kinh mà Đức Phật đã giảng trong suốt bốn mươi chín năm. Nhờ vậy các cuộc tranh luận trong đại chúng sẽ chấm dứt.

4. Để phân biệt kinh Phật với các sách của ngoại đạo

Sách học của ngoại đạo thường bắt đầu bằng chữ O nghĩa là “hữu – có”, hoặc là chữ E: “vô–không.” Họ cho rằng tất cả hiện tượng đều là có hoặc là không. Nhưng kinh Phật nói đến pháp chân không diệu hữu, và giáo lý trung đạo. Kinh Phật không nói đến các giáo lý cực đoan “có” và “không”, nên kinh được bắt đầu bởi “Như thị ngã văn” để phân biệt với sách của ngoại đạo.

Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1!

Bài viết cùng chuyên mục

Thiện pháp viên mãn thường được thân cận chư Phật Bồ Tát

Định Tuệ

Hủy báng Tam Bảo, báng bổ Phật Pháp sẽ nhận quả báo gì?

Định Tuệ

Niệm Phật siêu độ vong linh vãng sanh

Định Tuệ

Phật và Ma chỉ khác nhau nơi một tâm niệm

Định Tuệ

Những tác hại của mê tín dị đoan

Định Tuệ

Hòa Thượng Thích Trí Tịnh có 3 điều để dìu dắt mọi người

Định Tuệ

Phương pháp cải tạo vận mạng, tích lũy tài khố cho đầy lên

Định Tuệ

Muốn tiêu trừ bảy thứ tai nạn phải nên xưng niệm Phật A Di Đà

Định Tuệ

15 điều khẩu truyền trân quý về chú Lăng Nghiêm – HT Tuyên Hóa

Định Tuệ

Viết Bình Luận