Một câu A Di Đà Phật là chân ngôn, ngoài câu A Di Đà Phật thì toàn là vọng ngữ. Đọc Kinh cũng không thể được, chỉ niệm Phật mới có thể vãng sanh, có thể thành Phật.
Đọc Kinh vẫn còn có thể khởi vọng tưởng. Vọng tưởng xen tạp ngay trong Kinh văn thì Kinh đó có đọc cũng không hiệu quả, không có tác dụng.
Cho nên, người xưa nói: “Đọc Kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật”. Vì sao vậy? Phật hiệu rất đơn giản, vọng tưởng khó mà xen tạp vào.
Càng dài thì càng dễ xen tạp. Các vị tưởng tượng xem, bạn đọc chú Lăng Nghiêm nhất định có vọng tưởng xen tạp trong đó, vì thời gian quá dài, sức mạnh nhiếp thọ của chúng ta không đủ.
Chú vãng sanh tương đối rất ngắn, tinh thần tập trung từ đầu đến cuối một biến, đại khái không đến nỗi xen tạp. Nếu như bạn đọc một lúc ba mươi biến hay năm mươi biến thì nhất định có vọng niệm xen tạp trong đó. Phật hiệu thì đơn giản.
Ngày trước, tôi truyền dạy cho mọi người niệm một câu Phật hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” sáu chữ, niệm một hơi mười câu. Trong mười câu Phật hiệu không xen tạp một vọng niệm nào.
Một phút thì lực nhiếp thọ của chúng ta có thể làm được, nhưng năm phút thì không thể làm được. Cho nên, mỗi ngày thời khóa này của bạn chính là một phút mười câu Phật hiệu.
Mười câu Phật hiệu này tương ưng với nguyên tắc niệm Phật của Bồ Tát Đại Thế Chí, đó là “tịnh niệm tương tục”. Tịnh niệm này không hoài nghi, không xen tạp; tương tục là mười câu Phật hiệu liên tục.
Mỗi ngày chúng ta niệm ít nhất chín lần, đương nhiên niệm càng nhiều càng tốt, tạo thành một thói quen. Làm được như vậy thì chân thật là một lòng chuyên niệm, lại có nguyện vọng khẩn thiết cầu sanh Tịnh Độ, làm đến được một lòng chuyên niệm thì làm gì không được vãng sanh!
Cho nên, bạn đừng xem thường một ngày chín lần niệm, nó chân thật có hiệu quả, đó là thuộc về tịnh niệm liên tục.
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Tập 25
Giảng lần thứ 10 tại Singapore
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không