Hứa Thản được mọi người tôn xưng là một người con chí hiếu vào đời Đường. Câu chuyện về ông là một câu chuyện có thật nhưng hết sức ly kỳ và khó tin.
CON HIẾU XẢ THÂN CỨU CHA
Hứa Thản được mọi người tôn xưng là một người con chí hiếu vào đời Đường. Câu chuyện về ông là một câu chuyện có thật nhưng hết sức ly kỳ và khó tin.
Năm Hứa Thản vừa lên mười, một hôm theo cha lên núi hái thuốc. Đi được nửa đường bỗng có một con báo từ trong lùm cây phóng ra, há miệng đỏ như chậu máu, vồ bắt lấy người cha.
Trước tình huống hết sức nguy cấp đó, tuy Hứa Thản chỉ là một đứa trẻ nhưng lại hết sức bình tĩnh không chút sợ hãi, vừa lớn tiếng kêu cứu, vừa cúi xuống nhặt ngay một khúc cây dài rồi xăm xăm chạy tới đuổi đánh con báo.
Thật là kỳ lạ! Không biết vì con báo kia bất ngờ trước sự tấn công của cậu bé, hay vì nó khiếp sợ trước lòng dũng cảm của cậu, nhưng sự thật là nó lập tức chùng bước lại rồi quay đầu chạy thẳng mất dạng vào núi.
Cha con Hứa Thản vừa thoát khỏi nanh vuốt thú dữ trong gang tấc, lập tức ba chân bốn cẳng chạy bay về làng, bỏ cả việc hái thuốc.
Câu chuyện này sau đó được lan truyền đi khắp nơi, ai nghe cũng lấy làm thán phục lòng dũng cảm của một cậu bé lên mười đã dám liều thân cứu cha, đuổi được thú dữ. Không bao lâu, câu chuyện đến tai vua Đường Thái Tông. Nhà vua tỏ ra hết sức ngạc nhiên, liền nói với triều thần:
Hứa Thản chỉ là một đứa trẻ lên mười lại dám xả thân cứu cha, đuổi được mãnh thú, lòng hiếu như thế thật khiến cho người khác phải cảm động, nên ban thưởng thật nhiều để nêu gương tốt cho mọi người.
Liền hạ lệnh ban thưởng rất nhiều cho gia đình Hứa Thản. Về sau, nhà vua lại phong cho Hứa Thản làm quan Văn lâm lang, cả nhà cùng hưởng vinh hoa phú quý.
(trích Lịch sử cảm ứng thống ký)
————————————————–
HIẾU THUẬN THOÁT NẠN SÉT ĐÁNH
Ngô Nhị là một người dân nghèo ở huyện Lâm Xuyên, tỉnh Giang Tây, hầu hạ chăm sóc mẹ già hết sức hiếu thuận, luôn cố gắng làm cho mẹ được vui lòng. Một hôm, có thầy tướng số đi ngang qua nhà, chăm chú nhìn ông hồi lâu rồi nói:
– Cứ theo sát khí hiện thấy thì đúng giờ ngọ ngày mai ông sẽ bị sét đánh chết.
Ngô Nhị nghe như vậy thì vô cùng hốt hoảng. Tuy ông không hề sợ chết nhưng lại sợ không có ai chăm sóc hầu hạ mẹ già, liền theo khẩn khoản van xin thầy tướng số chỉ cho một phương cách cứu nạn. Thầy tướng lắc đầu nói:
– Ta cũng chỉ là thấy sao nói vậy. Chuyện nghiệp duyên nhân quả của mỗi người đều tự làm tự chịu, ta cũng không có cách nào hóa giải được.
Nói rồi dứt áo đi thẳng.
Ngô Nhị lại nghĩ, nếu mình bị sét đánh chắc chắn sẽ làm cho mẹ kinh hãi. Vì thế, sáng hôm sau ông chuẩn bị thức ăn điểm tâm cho mẹ xong liền thưa với mẹ:
– Thưa mẹ! Hôm nay con có chút việc phải ra ngoài, xin mẹ hãy qua ở tạm bên nhà của hàng xóm.
Nhưng người mẹ không chịu đi, lại khăng khăng muốn giữ ông ở nhà. Ông còn đang bận bịu chưa dứt ra đi thì bỗng thấy mây đen kéo đến che kín cả bầu trời, sấm sét nổi lên ầm ầm, chớp nháng rực trời.
Ngô Nhị càng thêm lo lắng, sợ nếu mình ở đây thì sét đánh xuống sẽ làm cho mẹ kinh hãi, vội vàng đóng chặt cửa lại rồi chạy thẳng ra ngoài đồng, ngồi đó chờ sét đánh.
Không ngờ chỉ trong chốc lát mây tan mưa tạnh, bầu trời lại trong sáng trở lại, Ngô Nhị vẫn không bị sét đánh, bình an trở về nhà.
Hôm sau, thầy tướng số đi ngang nhà nhìn thấy Ngô Nhị thì kinh hãi nói:
– Ông làm sao có thể thoát được đại nạn đó vậy?
Ngô Nhị trả lời “Không biết”, rồi kể lại cho thầy tướng số nghe tường tận mọi việc. Thầy gật đầu nói:
– Ta đã rõ rồi. Đó là lòng hiếu thảo của ông cảm động thấu trời xanh, nên mới trải qua đại nạn không chết.
Từ đó về sau, Ngô Nhị càng hết lòng hiếu kính với mẹ già, xóm giềng trông thấy không ai là không kính phục.
(trích Đức Dục Cổ Giám)
Trích Nhân quả báo ứng hiện đời.
Đường Tương Thanh biên soạn
Đạo Quang dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính.