Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Bồ tát giới là gì, có bao nhiêu giới? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

Bồ tát giới là nguyên nhân căn bản của tất cả chư Phật thành Phật, cũng là chỗ căn bản của Bồ tát để thành Bồ tát.

1. Bồ tát giới là gì?

Bồ tát giới là gì? Giới của Bồ tát thọ, gọi là Bồ tát giới. Muốn làm Bồ tát trước tiên phải thọ Bồ tát giới, như trong Kinh Phạm Võng nói: “Bồ tát giới là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của Bồ tát, là căn bản của đại chúng Phật tử”. Người không hành Bồ tát đạo tuy tìm Phật nhưng vĩnh viễn không thể thành Phật. Muốn hành Bồ tát đạo phải thọ Bồ tát giới. Vì thế, Bồ tát giới là nguyên nhân căn bản của tất cả chư Phật thành Phật, cũng là chỗ căn bản của Bồ tát để thành Bồ tát.

Một từ “Phật tử” trong các kinh luận Đại thừa, Tiểu thừa giải thích rất nhiều, căn cứ vào kinh luận Đại thừa cho rằng phải là Bồ tát mới có thể nhân vì có chủng tử thành Phật mới xưng là Phật tử. Tỷ như Kinh Lăng Già gọi Bồ tát Đệ bát địa là Tối thắng tử, Luận Phật Tánh gọi Bồ tát Sơ địa là Phật tử. Kinh Phạm Võng nói người phát bồ đề tâm thọ Bồ tát giới đều được gọi là Phật tử. Căn cứ vào quan điểm của Tiểu thừa như Tứ Phần Luật cho rằng: Người tiếp nhận vào biển lớn Phật pháp, dù là Tiểu thừa, cho đến chỉ thọ tam quy ngũ giới của Tiểu thứa, đều là Phật tử. Chúng ta có thể thấy, Đại thừa lấy chủng tử thành Phật làm Phật tử. Nay giảng Đại thừa Bồ tát giới, chỗ gọi là “Căn bản của Phật tử” đương nhiên là chỉ căn bản của chủng tử thành Phật.

Trong Kinh Phạm Võng lại nói: “Tất cả người có tâm đều nên thọ Phật giới, tức nhập vào địa vị chư Phật, vì đồng bậc Đại giác, chân thật là Phật tử”. Bồ tát giới là nguyên nhân căn bản của tất cả chư Phật thành Phật. Vì thế, từ trên nhân vị nói, gọi là Bồ tát giới; từ trên quả vị nói, gọi là Phật giới. Cho nên, trong điều thứ 41 của Kinh Phạm Võng còn gọi: “Bồ tát giới là Đại giới của ngàn Phật”, ý muốn nói ngàn Phật ở trong kiếp Trang Nghiêm thời quá khứ do thọ trì Bồ tát giới mà thành Phật, ngàn Phật ở trong kiếp Tinh Tú thời vị lai cũng thọ trì Bồ tát giới mới được thành Phật, cho đến suy ra ngàn Phật của quá khứ tam thế tam kiếp, ngàn Phật của vị lai tam thế tam kiếp, ngàn Phật của quá khứ vô lượng tam thế tam kiếp. Tóm lại, tất cả chúng sinh, tất cả Bồ tát, tất cả chư Phật, không một ai không do thọ trì Bồ tát giới mà được thành Phật. Do đây đủ biết sự lớn lao của công năng Bồ tát giới không thể nghĩ bàn.

Bồ tát giới đáng tôn đáng quý là do vì nó bao hàm và còn vượt hơn tất cả giới. Bồ tát giới là Ba la đề mộc xoa (Biệt giải thoát giới), ngoài giới của 7 chúng Ưu bà tắc, Ưu bà di, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Thân phận của Bồ tát có thể trong 7 chúng, cũng có thể ở ngoài 7 chúng. Ưu bà tắc, Ưu bà di được thọ Bồ tát giới, cho đến Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cũng được thọ Bồ tát giới, đây là trong 7 chúng thọ thêm Bồ tát giới. Theo Kinh Phạm Võng nói: “Chỉ cần hiểu được lời nói của Pháp sư đều được thọ giới”. Vì thế, súc sinh cho đến người biến hoá như quỷ thần đều có tư cách thọ Bồ tát giới và được gọi là Bồ tát, đây là đơn thọ Bồ tát giới ngoài 7 chúng. Những Bồ tát đơn thọ này, trên trình độ phát tâm mà nói, tuy vượt qua 7 chúng của Tiểu thừa, nhưng những người ấy không có địa vị trong 7 chúng, nên cũng không được đặt trước 7 chúng. Bởi vì thứ tự của Phật chế, lấy 7 chúng làm chuẩn chứ không lấy Bồ tát làm chuẩn.

Nội dung của Bồ tát giới là Tam tụ tịnh giới, cộng chung chỉ có ba câu nhưng lại bao quát hết pháp môn tự độ, độ tha, trên cầu thành Phật, dưới hoá độ chúng sinh. Ba câu này là:

  1. Trì tất cả tịnh giới, không một tịnh giới nào chẳng trì.
  2. Tu tất cả thiện pháp, không một thiện pháp nào chẳng tu.
  3. Độ tất cả chúng sinh, không một chúng sinh nào chẳng độ.

Trong kinh, Phật gọi Tam tụ tịnh giới này là Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiều ích hữu tình giới. Tam tụ tịnh giới nghĩa là tập hợp tất cả Phật pháp vào ba môn lớn: Trì luật nghi, Tu thiện pháp, Độ chúng sinh làm cấm giới để thọ trì. Trong 7 chúng của Tiểu thừa thì làm ác là có tội, không tích cực tu thiện không có tội, sát sinh là có tội, không tích cực cứu hộ sinh mạng cũng không có tội. Vì thế, Tiểu thừa chỉ tích cực bỏ ác, tiêu cực làm thiện, tích cực giới sát, tiêu cực cứu hộ sinh mạng. Bồ tát giới thì phải tích cực bỏ ác làm thiện, cũng phải tích cực giới sát, cứu hộ sinh mạng, đem không tu thiện và không cứu hộ sinh mạng liệt vào phạm vi của cấm giới, nhân đây Bồ tát giới không những bao hàm thất chúng giới mà còn vượt hơn thất chúng giới.

Nội dung của Tam tụ tịnh giới có thể nói là bao hàm hết thảy: Nhiếp luật nghi giới hàm dung tất cả giới luật và oai nghi của Đại thừa, Tiểu thừa; Nhiếp thiện pháp giới bao hàm 8 vạn 4 ngàn pháp môn xuất ly; Nhiêu ích hữu tình giới bao quát từ bi hỷ xả hoằng nguyện và tinh thần rộng độ tất cả chúng sinh. Vì thế, Tam tụ tịnh giới cũng bao quát cả tinh thần của Tứ hoằng thệ nguyện.

Nội dung của Bồ tát giới là Tam tụ tịnh giới. Tinh thần của Tam tụ tịnh giới là pháp môn học Phật tích cực, làm tất cả điều thiện, đầy đủ các đức, bao hàm muôn pháp thảy đều không sót, không công đức nào không thành tựu.

Bồ tát giới là gì, có bao nhiêu giới? Thọ giới Bồ tát như thế nào?

2. Bồ tát giới có bao nhiêu giới?

Giới Bồ tát là Phạm Võng Bồ tát giới gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Đây là giới cao nhất của Phật tử tại gia, cho nên không ít người trước khi thọ giới thường băn khoăn, thắc mắc các vấn đề như điều kiện được thọ giới, việc trường trai, tuyệt dục…

Người phát tâm thọ Bồ tát giới trước hết phải phát tâm Bồ đề, tức là phát tâm cầu thành Phật và cứu độ tất cả chúng sanh. Có mười lý do để phát khởi Bồ đề tâm:

  1. Nhớ ơn nặng của Phật,
  2. Nhớ ơn cha mẹ,
  3. Nhớ ơn sư trưởng,
  4. Nhớ ơn thí chủ,
  5. Nhớ ơn chúng sanh,
  6. Nhớ khổ sanh tử,
  7. Trọng tánh linh của mình,
  8. Sám hối nghiệp chướng,
  9. Cầu sanh tịnh độ,
  10. Làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.

Khác với giới Thanh văn chỉ dành cho loài người, giới Bồ tát bao trùm các loài chúng sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống đều được thọ giới Bồ tát.

Bên cạnh đó, người thọ giới theo Phạm Võng Bồ tát giới ăn chay trọn đời. Người phát tâm thọ Bồ tát giới, tức là phát tâm Bồ đề tu Bồ tát hạnh, hết lòng thương yêu, mong muốn chúng sanh được thoát khổ an vui, lẽ nào nỡ ăn thịt chúng sanh. “Ăn chay, Thương người, Thương vật”. Hơn nữa, việc trường chay giúp nuôi dưỡng lòng từ bi, là nền tảng bước lên con đường Hiền Thánh như kinh Phạm Võng có nói: “Luận về người ăn thịt thời mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh”. Tuy nhiên, đối với người chưa trường chay được, có thể thọ giới Bồ tát theo kinh Ưu Bà Tắc giới, tại các giới đàn dành riêng cho người tại gia.

Phạm Võng Bồ tát giới được gọi là Đạo tục thông hành giới, nghĩa là người xuất gia và tại gia cùng thọ chung, học chung, bố tát chung. Cho nên, mặc dù Pháp sư cùng truyền giới “không dâm dục”, Phật tử xuất gia giữ giới “không dâm dục”, còn Phật tử tại gia giữ giới “không tà dâm”.

Nội dung của Bồ tát giới là Tam tụ tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Không chỉ dứt các điều ác của giới Thanh văn, Bồ tát cần thực hành những việc lành và phải làm lợi ích cho chúng sanh. Ví như, sau khi nhổ sạch cỏ trên mảnh ruộng, Bồ tát tiếp tục gieo trồng và bố thí cho chúng sanh sản phẩm thu hoạch được.

Theo kinh Phạm Võng, người thọ trì giới Bồ tát được năm lợi ích: “Một là thập phương Phật, Thương tưởng hộ trì luôn. Hai là lúc lâm chung, Chánh niệm lòng vui vẻ. Ba là sanh chỗ nào, Cùng Bồ-tát làm bạn. Bốn là những công đức, Giới độ đều thành tựu. Năm, đời này, đời sau, Đủ giới và phước huệ”.

Theo Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Giới pháp này được truyền trao cho các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và thiện nam tín nữ cư sĩ phát tâm thọ trì.

10 ĐIỀU GIỚI TRỌNG

  1. GIỚI SÁT SANH
  2. GIỚI TRỘM CƯỚP
  3. GIỚI DÂM
  4. GIỚI VỌNG (NGỮ)
  5. GIỚI BÁN RƯỢU
  6. GIỚI RAO LỖI CỦA TỨ CHÚNG
  7. GIỚI TỰ KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI
  8. GIỚI BỎN XẺN THÊM MẮNG ÐUỔI
  9. GIỚI GIẬN HỜN KHÔNG NGUÔI
  10. GIỚI HỦY BÁNG TAM BẢO

48 ÐIỀU GIỚI KHINH

  1. GIỚI KHÔNG KÍNH THẦY BẠN
  2. GIỚI UỐNG RƯỢU
  3. GIỚI ĂN THỊT
  4. GIỚI ĂN NGŨ TÂN
  5. GIỚI KHÔNG DẠY NGƯỜI SÁM TỘI
  6. GIỚI KHÔNG CÚNG DƯỜNG THỈNH PHÁP
  7. GIỚI KHÔNG ÐI NGHE PHÁP
  8. GIỚI CÓ TÂM TRÁI BỎ ÐẠI THỪA
  9. GIỚI KHÔNG KHÁN BỊNH
  10. GIỚI CHỨA KHÍ CỤ SÁT SINH
  11. GIỚI ÐI SỨ
  12. GIỚI BUÔN BÁN PHI PHÁP
  13. GIỚI HỦY BÁNG
  14. GIỚI PHÓNG HỎA
  15. GIỚI DẠY GIÁO LÝ NGOÀI ÐẠI THỪA
  16. GIỚI VÌ LỢI MÀ GIẢNG PHÁP LỘN LẠO
  17. GIỚI CẬY THẾ LỰC QUYÊN TỞI
  18. GIỚI KHÔNG THÔNG HIỂU MÀ LÀM THẦY TRUYỀN GIỚI
  19. GIỚI LƯỠNG THIỆT ( lưỡi đôi chiều)
  20. GIỚI KHÔNG PHÓNG SINH
  21. GIỚI ÐEM SÂN BÁO SÂN, ÐEM ÐÁNH TRẢ ÐÁNH
  22. GIỚI KIÊU MẠN KHÔNG THỈNH PHÁP
  23. GIỚI KHINH MẠN KHÔNG TẬN TÂM DẠỴ
  24. GIỚI KHÔNG TẬP HỌC ÐẠI THỪA
  25. GIỚI TRI CHÚNG VỤNG VỀ
  26. GIỚI RIÊNG THỌ LỢI DƯỠNG
  27. GIỚI THỌ BIỆT THỈNH
  28. GIỚI BỆNH THỈNH TĂNG
  29. GIỚI TÀ MẠNG NUÔI SỐNG
  30. GIỚI QUẢN LÝ CHO BẠCH Y
  31. GIỚI KHÔNG MUA CHUỘC
  32. GIỚI TỔN HẠI CHÚNG SANH
  33. GIỚI TÀ NGHIỆP GIÁC QUÁN
  34. GIỚI TẠM BỎ BỒ ÐỀ TÂM
  35. GIỚI KHÔNG PHÁT NGUYỆN
  36. GIỚI KHÔNG PHÁT THỆ
  37. GIỚI VÀO CHỖ HIỂM NẠN
  38. GIỚI TRÁI THỨ TỰ TÔN TY
  39. GIỚI KHÔNG TU PHƯỚC HUỆ
  40. GIỚI KHÔNG BÌNH ĐẲNG TRUYỀN GIỚI
  41. GIỚI VÌ LỢI MÀ LÀM THẦY
  42. GIỚI VÌ NGƯỜI ÁC GIẢNG NÓI
  43. GIỚI CỐ MÓNG TÂM PHẠM GIỚI
  44. GIỚI KHÔNG CÚNG DƯỜNG KINH LUẬT
  45. GIỚI KHÔNG GIAO HÒA CHÚNG SINH
  46. GIỚI THUYẾT PHÁP KHÔNG ÐÚNG PHÁP
  47. GIỚI CHẾ HẠN PHI PHÁP
  48. GIỚI PHÁ DIỆT PHẬT PHÁP

Riêng vấn đề giới Bồ tát gồm 6 giới trọng và 28 giới khinh là quan điểm của Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (Đại Chính), gồm:

Sáu giới trọng (phạm tội nặng) là:

  1. Không được sát sanh.
  2. Không được trộm cắp.
  3. Không được tà dâm.
  4. Không được nói dối.
  5. Không được nói lỗi của người tại gia và xuất gia.
  6. Không được bán rượu.

Hai mươi tám giới khinh (phạm tội nhẹ-sơ ý) là:

  1. Không cúng dường cha mẹ, sư trưởng.
  2. Say đắm rượu chè.
  3. Gặp người bệnh khổ có ý gớm ghê, không chăm sóc.
  4. Thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không.
  5. Gặp các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni hoặc các vị Ưu-bà-tắc thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy.
  6. Thấy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ.
  7. Mỗi tháng không thọ sáu ngày Bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo.
  8. Trong vòng 40 dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe.
  9. Thọ dụng đồ dùng của chư Tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v…
  10. Nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống.
  11. Không có bạn mà vẫn đi một mình vào trong chỗ nguy hiểm.
  12. Một mình ngủ lại tại chùa Ni nếu là Ưu-bà-tắc (hoặc chùa Tăng nếu là Ưu-bà-di).
  13. Vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài.
  14. Đem thức ăn thừa bố thí cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khác.
  15. Nuôi những loài ăn thịt như mèo, chồn…
  16. Nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà hoặc các loại súc vật khác mà không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới.
  17. Không chứa sẵn y, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng Tăng.
  18. Làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt.
  19. Làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho người trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi.
  20. Hành dục không đúng chỗ, không đúng thời.
  21. Làm nghề thương mại, công nghiệp v.v…, không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận.
  22. Vi phạm luật pháp nhà nước.
  23. Có lúa mới, hoa trái, dưa rau các thứ đầu mùa, không hiến cúng Tam bảo mà thọ dụng trước.
  24. Tăng già không cho phép mà vẫn thuyết pháp, tán thán quan điểm riêng của mình.
  25. Ra đường dành đi trước Tỳ-kheo, Sa-di.
  26. Trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình.
  27. Nuôi tằm lấy tơ.
  28. Đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc nhờ người khác chăm sóc. (Trích lược theo Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh, HT.Thích Tịnh Nghiêm dịch).

Đối chiếu hai bộ giới bản Phạm Võng và Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh, chúng ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Quan trọng nhất, Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh (hay Tại Gia Bồ Tát Giới Kinh) là giới Bồ tát của riêng hàng Phật tử tại gia, còn Phạm Võng là giới Bồ tát chung cho cả hàng xuất gia lẫn tại gia.

Cho nên, hàng cư sĩ thọ giới Bồ tát Phạm Võng thì phải giữ giới trọng thứ 3 “Không dâm dục”, trong khi hàng cư sĩ thọ giới Bồ tát theo Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh thì chỉ giữ giới trọng thứ 3 “Không tà dâm”.

Mặt khác, trong 34 giới của Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh thì không thấy quy định rõ ràng về trường trai nhưng nếu thọ giới theo Bồ tát Phạm Võng phải ăn chay trường, giữ giới khinh thứ 3 “Không được ăn các thứ thịt”.

Tóm lại, hàng cư sĩ phát tâm Bồ-đề thọ nhận giới Bồ tát Phạm Võng phải trường trai, tuyệt dục như Tăng sĩ nên không phải ai cũng thọ nhận và hành trì được. Do đó, thọ trì giới Bồ tát theo tinh thần Ưu-Bà-Tắc Giới Kinh là một giải pháp khả thi và phổ cập cho hàng cư sĩ.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Niệm Phật chính là Pháp sám hối thù thắng nhất

Định Tuệ

Vì sao cha mẹ bây giờ khó dạy con mình?

Định Tuệ

Bố thí là gì? Lợi ích của bố thí, cúng dường không hề nhỏ nếu hiểu đúng

Định Tuệ

Người vãng sanh Cực Lạc cần điều kiện gì?

Định Tuệ

Người khác đã sai cũng là đúng, ta đúng thì cũng là sai

Định Tuệ

Phật pháp tạng là chân tâm bổn tánh của tất cả chúng sanh

Định Tuệ

48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà

Định Tuệ

Tụng Chú Dược Sư có tác dụng gì?

Định Tuệ

Chí Xuất Trần – Hòa thượng Thích Thông Phương

Định Tuệ

Viết Bình Luận