Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Pháp môn niệm Phật gọi là pháp khó tin

Pháp môn này gọi là “pháp khó tin”, mọi người quý vị vừa tiếp xúc bèn tin tưởng, tôi rất bội phục, tôi chẳng bằng quý vị.

Đối với bốn câu tiếp theo, nếu quý vị thật sự giác ngộ, tiếp xúc pháp môn này, thật sự có thể tin tưởng, lý giải, thật sự làm, khó lắm, đáng quý thay! Pháp môn này gọi là “pháp khó tin”, mọi người quý vị vừa tiếp xúc bèn tin tưởng, tôi rất bội phục, tôi chẳng bằng quý vị. Phải mất một thời gian dài mười mấy năm, tôi mới thật sự tiếp nhận pháp môn này. Thuở còn trẻ, đi học trong trường chịu ảnh hưởng của giáo viên, chịu ảnh hưởng giáo dục của đạo Tin Lành, nghĩ các tôn giáo khác đều là mê tín, Phật giáo là mê tín nhất, các tôn giáo khác chỉ thờ một vị thần, một vị chân thần duy nhất, đó là tôn giáo cao cấp, Phật giáo thần nào cũng đều thờ, là đa thần giáo, phiếm thần giáo, là tôn giáo thuộc cấp thấp, làm sao có thể tiếp nhận [Phật giáo] được? Cũng may là thuở trẻ tôi rất ưa thích Triết Học, tìm được một vị thầy là tiên sinh Phương Đông Mỹ, theo học Triết Học với cụ. Trong khóa học khái luận Triết Học cuối cùng, cụ giới thiệu Triết Học trong kinh Phật, tôi được nhập môn như thế. Trong kinh điển Phật giáo, lão nhân gia đặc biệt ưa thích kinh Hoa Nghiêm, bảo tôi: Đây là “khái luận của Triết Học trong kinh Phật”, cụ dùng danh từ này để giới thiệu kinh Hoa Nghiêm. Cụ nói trong kinh ấy có lý luận hoàn mỹ, có phương pháp tinh tế, cuối cùng lại còn kèm theo biểu diễn. Tìm không ra một bộ sách giáo khoa thứ hai nào giống như vậy trên khắp thế giới. Đó là thật, chẳng giả. Có kèm theo biểu diễn, phần sau là năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài để biểu diễn cho quý vị xem. Do vậy, tôi cũng đặc biệt yêu thích bộ kinh này, hết sức hữu duyên, nhưng đối với Tịnh Tông đúng là có bài xích, thoạt đầu cho rằng: Nói chung, pháp môn này do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho các bà già, chẳng dành cho phần tử tri thức. Pháp sư Sám Vân[7] giúp đỡ tôi, tôi ở thảo am của Ngài nửa năm, làm công quả tại thảo am. Thời gian rảnh rỗi, Ngài muốn tôi đọc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, đọc Di Đà Kinh Yếu Giải, Sớ Sao, Viên Trung Sao. Do vậy, tôi có ấn tượng rất sâu đối với ba bản này, cũng hết sức ưa thích, không phản đối Tịnh Độ Tông, cũng rất tôn trọng, nhưng không muốn học, có hứng thú rất sâu đối với kinh điển Đại Thừa. Thầy Lý khuyên tôi tu Tịnh Độ, tôi theo cụ học Giáo, đương nhiên chẳng thể phản đối, nhưng chẳng phải là thật tâm học, tu cho có lệ, thầy cũng nhìn thấy điều này!

Khi nào mới thật sự nhận thức Tịnh Độ? Giảng kinh Hoa Nghiêm, lúc ấy tôi ở Đài Loan. Tôi nhớ là năm tôi hai mươi sáu tuổi, quen biết tiên sinh Phương Đông Mỹ. Năm tôi hai mươi sáu tuổi vẫn còn đi làm, ba mươi tuổi nghỉ việc, một lòng mong học Phật pháp. Do Chương Gia đại sư chỉ dạy, Ngài khuyên tôi xuất gia, muốn tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi rất vâng lời, quả thật là thật thà, nghe theo, cũng thật sự làm. Tôi theo thầy Lý mười năm để học kinh giáo, theo lão nhân gia đến năm thứ hai bèn xuất gia, duyên xuất gia chín muồi! Sau khi xuất gia, tôi giảng kinh dạy học các nơi. Năm Dân Quốc 60 (1971), tôi bắt đầu giảng Hoa Nghiêm kinh lần đầu tiên, Thầy Lý giảng tại Đài Trung, tôi đến nghe [thầy giảng] quyển thứ nhất để nghe kinh này bắt đầu như thế nào, nghe xong một quyển này, tôi có khả năng giảng một bộ Bát Thập Hoa Nghiêm. Tôi giảng ở Đài Bắc, tôi nhớ đã giảng hình như hai năm, chưa đầy ba năm đã giảng đuổi kịp tiến độ của thầy, vì cụ mỗi tuần chỉ giảng một giờ; cụ giảng kinh hai tiếng, nhưng có phiên dịch sang Đài ngữ[8], nên trên thực tế là mỗi tuần giảng một giờ. Khi ấy, mỗi tuần tôi giảng ba lần, mỗi lần là một tiếng rưỡi, nên mỗi tuần giảng bốn giờ rưỡi, bằng với cụ giảng cả tháng. Vì thế, tôi đuổi kịp cụ rất nhanh, tiến độ đuổi kịp cụ, sau đấy, bèn vượt lên trước.

Phải biết cũng mất mười năm, giảng kinh Hoa Nghiêm được phân nửa, khi ấy là Bát Thập và Tứ Thập Hoa Nghiêm cùng giảng, mỗi tuần tôi giảng Bát Thập Hoa Nghiêm hai ngày, giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm một ngày. Giảng được phân nửa, có một hôm, đột nhiên nghĩ Văn Thù, Phổ Hiền tu pháp môn gì? Thiện Tài đồng tử học pháp môn gì? Kinh Hoa Nghiêm giảng được phân nửa, còn có nửa sau, lật phần sau ra xem, lật xem tới phần sau, tới quyển ba mươi chín trong bản Tứ Thập Hoa Nghiêm, thấy Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát thảy đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, điều này khiến tôi hết sức chấn động. Hơn nữa, thấy không riêng gì Văn Thù, Phổ Hiền tự mình phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, mà còn suất lãnh bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm sang thế giới Cực Lạc gặp A Di Đà Phật. Ngạc nhiên quá! Hai vị đại Bồ Tát này trợ thủ của Tỳ Lô Giá Na Phật, hai vị đại trợ thủ đem toàn bộ học trò của Tỳ Lô Giá Na Phật sang thế giới Cực Lạc, Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng tức giận ư? Đem toàn bộ học trò của ta đi? Tỳ Lô Giá Na Phật không chỉ chẳng giận, mà còn hết sức hoan hỷ.

Sau đấy, tôi đọc kỹ, môn sinh đắc ý, đệ tử truyền pháp của Văn Thù Bồ Tát là Thiện Tài đồng tử, lại coi xem Ngài học gì? Trước kia, đúng là hời hợt, vô ý, giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm đến phân nửa mà chẳng nhìn ra vấn đề này, phải dụng tâm mới thấy được, mới nhận ra: Thiện Tài và thầy của Ngài vốn tu pháp môn Tịnh Độ. Nhìn từ chỗ nào? Từ lần tham phỏng thứ nhất, do thầy giới thiệu, Văn Thù Bồ Tát giới thiệu Thiện Tài đi tham phỏng tỳ-kheo Cát Tường Vân. Tỳ-kheo Cát Tường Vân tu Ban Châu tam-muội. Ban Châu tam-muội là gì? Còn gọi là Phật Lập tam-muội, chuyên tu trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Lúc ấy mới biết, người Trung Quốc thường bảo vị thiện tri thức (thầy) thứ nhất là “tiên nhập vi chủ” (điều gì tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), Ngài tu môn này! Sau đó nhìn vào quá trình tham học, đối với mỗi một vị thầy, Thiện Tài đều luyến đức lễ từ (hâm mộ đức hạnh, kính lễ, từ tạ), quý vị hãy chú ý quan sát, Thiện Tài tham học điều gì cũng đều thấy, đều học, đều hiểu, nhưng chẳng tu, Ngài tu gì? Niệm Phật. Nhìn đến cuối cùng, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, một vị đầu, một vị cuối [đều tu Tịnh Độ], chẳng phải là rõ rệt ư? Ngài môn nào cũng học, môn nào cũng đều hiểu, nhưng chính Ngài chuyên dốc công sức nơi pháp môn Niệm Phật. Từ chỗ này, tôi mới tiếp nhận Tịnh Độ, thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch, thầy khuyên tôi, tôi chẳng có lòng tin sâu xa như thế. Lại từ Hoa Nghiêm, từ Pháp Hoa, từ Lăng Nghiêm tổng kết, tôi mới biết cái hay của Tịnh Độ, Tịnh Độ thù thắng. Thật không dễ dàng! Tôi thấy quý vị chỉ vừa nghe bèn tiếp nhận, tôi rất bội phục, sao tôi lại khó khăn như thế? Mất mười mấy năm mới thật sự tiếp nhận pháp này!

Pháp môn này “hoành xuất tam giới, viên đăng tứ độ, đốn dữ Quán Âm, Thế Chí tịnh kiên, khả kiến thử pháp môn chi cứu cánh phương tiện, thiện ứng quần cơ dã” (vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, lên trọn vẹn bốn cõi, nhanh chóng cùng Quán Âm, Thế Chí sánh vai, đủ thấy pháp môn này là phương tiện rốt ráo đến tột cùng, khéo thích ứng mọi căn cơ), đây là nói thật, chẳng giả! “Hoành xuất” còn gọi là “hoành siêu”, vì tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tiến lên từng bậc, đó là thụ xuất (thoát tam giới theo chiều dọc), chẳng phải là hoành xuất (vượt thoát tam giới theo chiều ngang). Kinh Hoa Nghiêm chẳng phải là một ví dụ rất hay ư? Quý vị thấy địa vị Thập Tín, trên Thập Tín là Thập Trụ, trên Thập Trụ là Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, giống như chúng ta đi học, Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, Nghiên Cứu Sinh, đó gọi là thụ xuất. Pháp môn Tịnh Tông không cần, ngay từ nhân đạo bèn vượt ngang ra, không cần phiền phức như thế! Từng bước một như vậy thì đến bao giờ quý vị mới có thể thoát ra? Vượt ngang ra, sang thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật tiếp dẫn quý vị. Sau khi đến bên ấy, bèn lên trọn bốn cõi, đây là điều đặc biệt. Thích Ca Mâu Ni Phật có bốn cõi Tịnh Độ hay không? Có, nhưng theo chiều dọc, không phải là “viên đăng”. Quý vị phải trèo từng bước một. Lục đạo là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tứ thánh pháp giới là cõi Phương Tiện, thế giới Hoa Tạng là Nhất Chân pháp giới, là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật, tiến lên nữa là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, trong thế giới Hoa Tạng vẫn phải tiến lên từng bước một! Tịnh Độ khác hẳn, bốn cõi của A Di Đà Phật không có giới hạn. Nói cách khác, nói theo các khoa học gia hiện tại, Tịnh Độ không có các chiều không gian. Thập phương thế giới thảy đều không có hiện tượng này, chỉ có thế giới Cực Lạc đặc biệt, không có các chiều không gian, bốn cõi ở cùng một chỗ. Vì thế, một sanh, hết thảy sanh!

Quý vị hãy xem ví dụ do cụ Hoàng nêu tiếp theo đó. Quán Âm, Thế Chí đang ở nơi đâu? Các Ngài ở trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Nay chúng ta niệm Phật vãng sanh là sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong thế giới này, cõi Phàm Thánh Đồng Cư không thấy cõi Phương Tiện Hữu Dư, có giới hạn, có chướng ngại; chúng ta sanh trong nhân đạo của lục đạo, chẳng thể thấy thiên đạo. Cõi trời có hai mươi tám tầng, tầng dưới không thể thấy tầng trên, nhưng tầng trên có thể trông thấy tầng dưới. Nhưng cái hay của thế giới Cực Lạc là do so với điều gì? Thập phương thế giới chư Phật Như Lai dạy học đều là từ Tiểu Học, Trung Học, đến Đại Học, đều theo cách như vậy. Hơn nữa, lớp Một và lớp Hai Tiểu Học mỗi lớp có phòng học riêng, chẳng ở cùng một chỗ. Phòng học của A Di Đà Phật to lớn, từ Tiểu Học, Trung Học cho đến lớp Tiến Sĩ đều ở cùng một chỗ, lên lớp trong cùng một phòng học, tình hình là như vậy đó, thảy đều ở cùng một chỗ, điều này rất đặc thù. Do vậy, nói: “Sanh về một là sanh về hết thảy”. Chúng ta là hạ hạ phẩm vãng sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, quý vị đến thế giới Cực Lạc, có thể thấy Quán Âm, Thế Chí, có thể thấy Văn Thù, Phổ Hiền, đều ở nơi đó. Thường cùng những vị này ở cùng một chỗ, như vậy là quý vị may mắn quá! Họ là Pháp Thân đại sĩ, quý vị không hiểu, các Ngài sẽ dạy quý vị. Ngoại trừ Phật dạy bảo ra, các Bồ Tát nhiều ngần ấy giúp đỡ quý vị, nâng đỡ quý vị, quý vị cũng thành tựu rất nhanh. Đây là chỗ thù thắng khôn sánh của thế giới Cực Lạc; cho nên cảm được thập phương chư Phật tán thán. Nói “viên đăng tứ độ” là không có cấp bậc. “Đốn” có nghĩa là ngay lập tức, quý vị lập tức sánh vai cùng Quán Âm Bồ Tát, Thế Chí Bồ Tát, đều là học trò của A Di Đà Phật, các Ngài biến thành lớp đàn anh của chúng ta.

“Khả kiến thử pháp môn chi cứu cánh phương tiện, thiện ứng quần cơ” (có thể pháp môn này là phương tiện rốt ráo đến tột cùng, thích ứng mọi căn cơ), căn tánh nào gặp pháp môn này thảy đều đắc độ, vấn đề là quý vị có tin hay không, quý vị nghe có hiểu hay không? Thật sự tin tưởng, nghe chẳng hiểu cũng không sao, một câu A Di Đà Phật thật thà niệm, niệm đến công phu thành phiến sẽ tự tại vãng sanh, biết trước lúc mất. Rất nhiều người suốt đời chưa hề nghe kinh, không biết chữ, niệm một câu A Di Đà Phật, niệm ba năm công phu thành tựu, có người đứng mất, có người ngồi mất, chẳng ngã bệnh, nói đi là đi, chẳng khó khăn gì! Mấy năm trước, cư sĩ Hoàng Trung Xương ở Thâm Quyến đã làm mẫu cho chúng ta xem. Ông ta nghe nói về pháp môn này, bèn tự mình phát tâm làm thí nghiệm, thử coi có đúng là ba năm có thể vãng sanh hay không. Ông ta bế quan tại Thâm Quyến, cư sĩ Hướng Tiểu Lỵ hộ quan, hai năm mười tháng bèn biết trước lúc mất, Phật tiếp dẫn ông ta, còn thiếu hai tháng mới đủ ba năm, thật đấy, chẳng giả đâu! Chúng tôi khuyên mọi người ở chỗ này, ông ta tạo chứng minh, thực hiện Tác Chứng Chuyển trong Tam Chuyển Pháp Luân, chứng minh chuyện này là thật, chẳng giả. Chúng ta có muốn vãng sanh hay không? Muốn vãng sanh thì dùng cách của ông ta là được. Mấu chốt là gì? Triệt để buông xuống! Sở dĩ quý vị chẳng đi được là vì quý vị chưa buông xuống, còn tham luyến thế gian này, mê hoặc, điên đảo. Thật sự giác ngộ thì cái gì cũng chẳng cần, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, không có chuyện nào khác. Quý vị thấy trường thời huân tu mất bao lâu? Ba năm, một ngàn ngày! Huân tu một ngàn ngày quý vị bèn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thiện Đạo đại sư nói rất hay: “Vạn tu, vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người đến), pháp môn này chẳng sót một ai. Tu hành mà bị bỏ sót, nguyên nhân do chính quý vị, chính quý vị phải chịu trách nhiệm, không thể trách A Di Đà Phật, không thể trách kinh Vô Lượng Thọ, không thể trách ai hết, chỉ trách chính mình chẳng đúng pháp. Mỗi ngày nghe kinh mà chẳng hiểu, thật đấy, vì sao nghe không hiểu? Bộp chộp, hời hợt! Quý vị hoài nghi pháp môn này, đối với kinh giáo này, quý vị tin chẳng sâu, không hiểu thấu triệt, cho nên có chướng ngại.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 8
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Chứng ngộ là gì? Như thế nào gọi là Chứng ngộ?

Định Tuệ

Mục đích xuất gia là liễu sinh thoát tử, không phải vì hưởng thụ

Định Tuệ

Tứ Đại là gì? Sống an lạc qua giáo lý tứ đại giai không

Định Tuệ

Kẻ phạm Ngũ Nghịch 5 trọng tội đọa địa ngục Vô Gián

Định Tuệ

Luân hồi là gì?

Định Tuệ

Trong xã hội hiện nay rất nhiều người tạo tội ngũ nghịch thập ác

Định Tuệ

Có bốn hạng người ở đời là những hạng người nào?

Định Tuệ

Ta bà ha là gì? Ý nghĩa của câu Ta bà ha ở cuối các câu Thần Chú

Định Tuệ

Hai chữ Trung Hiếu là căn bản của làm người

Định Tuệ

Viết Bình Luận