Tập khí là thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn, Pali: Vàsana. Tập khí còn có những tên gọi khác như: phiền não tập, dư tập, tàn khí, chủng tử.
Tập khí là thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn, Pali: Vàsana. Tập khí còn có những tên gọi khác như: phiền não tập, dư tập, tàn khí, chủng tử. Hai chữ nầy nguyên là từ ngữ Hán Việt. Trong quyển Hán Việt Tự Ðiển của cụ Thiều Chửu giải thích hai chữ tập khí như sau:
Chữ “tập” gồm có 5 nghĩa: 1. Học đi học lại, như giảng tập. 2. Quen thạo. Như tập kiến: thấy quen; Tập văn: nghe quen. 3. Tập quen. Phàm cái gì vì tập quen không đổi đi được đều gọi là tập. Như tập nhiễm. 4. Chim bay vi vụt. 5. Chồng, hai lần.
Chữ “khí” gồm có 6 nghĩa: 1. Hơi thở. 2. Cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là khí, như khí vận, khí tượng, khí vị v.v… 3. Khí hậu. 4. Khí tức hơi. 5. Thể hơi. 6. Ngửi.
Như vậy hai chữ tập khí có nghĩa là những tập tánh được huân tập vào kho A lại da thức trở thành những hạt giống (chủng tử) thiện ác. Nói cách khác dễ hiểu hơn thì, tập khí có nghĩa là những kinh nghiệm, thói quen mà do con người tích lũy được.
Trong quyển Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang tập 7 trang 6578 giải thích hai chữ tập khí như sau:
“Tập khí chính là phần tàn dư, khí còn sót lại của phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra, trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể (chánh sử) phiền não nhưng vẫn còn khí phần tập quán.
Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của ngài Nan Ðà, sân tập của ngài Xá lợi phất và Ma ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.
Qua đó, chúng ta thấy rằng những tập khí phiền não như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… nói chung là những thứ căn bản phiền não và chi mạt phiền não, thật không phải dễ trừ dễ đoạn. Bình thường ta không thấy bọn chúng ẩn trốn trú ngụ nơi đâu, giống như không khí bàng bạc khắp nơi, không thấy hình dạng chi cả, nhưng khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng thì chúng xuất đầu lộ diện ngay. Như có người mắng chửi ta, thì tập khí sân hận, liền phát khởi hiện hành tức khắc.
Vì thế, người tu hành sợ nhứt là lũ tập khí phiền não nầy. Chính bọn chúng luôn luôn khuấy động làm cho tâm ta không lúc nào yên cả. Tập khí, tùy theo sức huân tu của mỗi người mà nó có nặng nhẹ khác nhau. Ngoài những thứ tập khí phiền não lâu đời (bản hữu chủng tử) như tham, sân, si… ra, còn có những thứ tập khí mà chúng ta mới huân tập (tân huân chủng tử) vào. Như những tập khí (thói quen) nghiện ngập: cờ bạc, rượu chè, hút thuốc, nói nhiều, chửi thề, trạo cử run đùi v.v…
Những thứ tập khí nầy, tuy mới huân tập trong hiện đời mà chúng ta thật còn khó bỏ thay, hà tất gì những thứ tập khí lâu đời lâu kiếp. Muốn dứt trừ chúng thật là thiên nan vạn nan. Ðòi hỏi người tu hành phải chuyên cần tinh tấn và phải có một quyết tâm mạnh mẽ luôn hành trì già dặn miên mật lắm mới được. Người tu hành hơn nhau là ở chỗ khéo dẹp trừ những thứ tập khí phiền não xấu ác. Những thứ tập khí nầy có thô tế, sâu cạn, nặng nhẹ khác nhau. Tu hành diệt trừ được phần thô cũng đã là khá lắm rồi. Còn những thứ phiền não vi tế, chỉ có Phật mới dứt sạch hết mà thôi. Tất cả những pháp môn Phật dạy đều nhằm mục đích duy nhất là để đối trị, đoạn trừ hoặc chuyển hóa những thứ tập khí phiền não này.
Thích Phước Thái!
Muốn tu học tinh tấn không nên đổ thừa tập khí
Trong vô số kiếp trôi lăn sinh tử luân hồi, dù ở căn cơ trình độ nào không ai hoàn toàn sạch nghiệp như mặt nước dù trong văng vắc dưới mắt thường song vẫn có tạp chất hay vi sinh qua kính hiển vi.
Người tu dù ở tầm tinh tấn miên mật nhất trong hiện tại song tập khí sâu dày hãy còn bởi sự huân tập trước đấy hay ở kiếp khác, và cũng như nước, sự tu càng miên mật hơn hầu lắng lọc thân tâm hóa giải chướng duyên kiên nhãn tiên bộ giảm dần nghiệp lực xấu ác còn dư. Tập khí sâu dày như lớp cặn bùn trong hồ nước tâm thức ai ai cũng có tùy mức độ.
Tuy nhiên không vì sự tất yếu ấy (tập khí) để nương vào đổ thừa cho những yếu đuối, sa ngã, buông lung sự tu cho rằng…do tập khí.
Đã tu, thụ ít hay nhiều giới, đã khác phàm tình, hồ nước tâm thức không còn đầy rẫy cặn bã, thân tâm đã tịnh lặng – đấy là khác biệt của sự tu và không tu. Nhất nhất có sai khuyết lại đề tập khí ra đổ thừa làm sao tinh tấn, làm sao nhìn thẳng vào sai làm của bản thân để sửa? Cứ đổ mãi tập khí tập khí không mấy chốc quay về phàm tục bùn nhơ.
Có tập khí song không nên đổ thừa vào đấy dể mong cầu tinh tấn. Đấy là thu hoạch của hạng sơ cơ trong một sát na tỉnh giác. Chia sẻ…
Nguyễn Thành Công!
Hành giả tu hành quá nhiều tập khí làm sao dứt trừ?
Nay hành giả tham thiền đừng để ý đến trừ tập khí, dụng công tham thiền, giữ được nghi tình thì tập khí có thể dứt dần, nhưng muốn dứt sạch phải kiến tánh mới được.
Tham thiền chỉ có thể dứt những tập khí thô, còn tập khí vi tế phải sau khi kiến tánh rồi mới dứt. Nên sau khi kiến tánh phải qua sự bảo nhậm để dứt tập khí thế gian và xuất thế gian.
Người tham thiền với mục đích phát hiện được chính mình, làm chủ cho mình được tự do tự tạo. Chữ Phật nghĩa là tự giác, giác tha, giải thoát cho mình và cho chúng sanh, còn về những vấn đề trên là không cần thiết, sau này khi có dịp tôi sẽ kể cho nghe.
Vừa rồi tôi có đi viếng thăm Tổ đình Cao Mân Thiền Tự (高旻禪寺祖廷), thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc và ở lại đây một tháng từ ngày 04/08/1992 đến 04/09/1992. lão Thiền sư Đức Lâm (1915-2015), Phương trượng Trụ trì Tổ đình Cao Mân Thiền Tự nhã ý mời tôi làm Thủ Tọa.
Ở đó, bất cứ cửa nào cũng đề bốn chữ “Chiếu cố thoại đầu-照顧話頭”. CHIẾU là chiếu soi, CỐ là nhìn tức nhìn chỗ thoại đầu, vừa nhìn vừa hỏi. Nếu không nhìn mà chỉ đề câu thoại để hỏi thì nghi tình dễ đánh mất, vừa hỏi liền mất; nếu vừa nhìn vừa hỏi thì nghi tình được kéo dài. Tham thiền chỉ cần vừa nhìn vừa hỏi, ngoài ra khỏi cần tìm hiểu, khỏi cần biết gì, bởi cái biết chẳng phải nghi tình, chẳng phải tham thiền.
Ở Tổ đình Cao Mân Thiền Tự ngày thường cũng đả Thiền thất. Vào mùa đông thì liên tục mười thất. Đáng lẽ ngày thường đã là thiền thất rồi tại sao mùa đông lại tổ chức liên tục mười thất? Bởi vì bình thường mỗi ngày chỉ có mười bốn nén hương, đến mùa đông là hai mươi nén hương một ngày. Bắt đầu từ 04 giờ 30 sáng đến 11 giờ khuya mới nghỉ, công phu như thế được miên mật và tinh tấn hơn, nên trong Thiền thất có nhiều vị Tổ sư khai ngộ.
Nay chúng ta chỉ khi đến Thiền đường mới đả thất, còn ở nhà thì không đi hương tọa hương đúng theo quy định, và ở nhà tất nhiên giải đãi hơn, muốn tham cũng được, không tham cũng được, chẳng ai bó buộc và khích lệ. Còn những người ở Thiền đường, không vào thiền thất là không được, hằng ngày đều như thế, mùa đông càng phải dụng công hơn. Sự thật thì khi tập trung đả thất, mặc dù chi phí tổn hao nhiều, nhưng lợi ích cũng nhiều, không uổng cho sự tốn hao. Vì thế ngài Thiền sư Lai Quả (1880-1953), tiền nhiệm Phương trượng Trụ trì Tổ đình Cao Mân Thiền Tự khuyên chúng nên tu trong Thiền đường, không nên ở chùa tư.
Về thời khóa tu tập của Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, quý vị xem cuốn Tham Thiền Phổ Thuyết của ngài Thiền sư Lai Quả để biết thêm. Trong cuốn Tham Thiền Phổ Thuyết tôi có sửa lại đôi điều sai, vì khi tôi hỏi mới biết là có sự chênh lệch so với nguyên bản của ngài Thiền sư Lai Quả, đó là do sự sai sót khi in ấn nên tôi đã lọc bỏ ra nhưng phần không phải của Ngài.
Ngài Thiền sư Lai Quả kiến tánh ở Tổ đình Kim Sơn Thiền Tự (金山禪寺), ngài Thiền sư Hư Vân (1840-1959) kiến tánh ở Tổ đình Cao Mân Thiền Tự. Nay chỉ có Tổ đình Cao Mân Thiền Tự giữ được pháp môn Thiền tông, nối theo ngài Thiền sư Lai Quả, còn Tổ đình Kim Sơn Thiền Tự đã trở thành khu du lịch, trong Thiền đường chỉ có hai cụ gia tham thiền mà thôi.
Vì lẽ đó, ngài Thiền sư Lai Quả nói “Pháp Thiền ngày nay tựa như sợi chỉ theo ngàn cân, không biết ngày nào sẽ đứt”, nên tôi phát nguyện chuyên hoằng Tổ Sư Thiền này.
Hoằng dương Tổ Sư Thiền rất khó, vì người ta không tin tự tâm. Phải tin tự tâm 100%, mới có thể nhận được bản tâm của mình.
Người đời nay đa số tu theo Giáo môn, học theo Giáo môn là muốn giải, còn Tổ Sư Thiền không cho giải, vì hễ giải là hết nghi. Cho nên, nhiều vị sau khi kiến tánh, nói: “Tôi không trọng thầy tôi ở chỗ đạo đức, văn chương, chỉ trọng chẳng vì tôi nói trắng ra”, vì nói trắng ra là chẳng thể ngộ.
Thiền sư Thích Duy Lực!
Nguồn: /Phatgiao.org.vn!