Ưu Ba Tư Na nghe Phật thuyết pháp xong thì đoạn tuyệt được lòng tham dục, giận tức, si mê, chứng quả “A Na Hàm”. Người chồng cô tự bỏ được tà kiến, biết tôn kính ngôi Tam Bảo, và xin thụ giới Ưu Bà Tắc, tất cả họ hàng quyến thuộc đều xin thụ Tam Quy Ngũ Giới.
Muốn thành Phật phải tôn trọng Phật, phải khao khát giáo lý của Ngài, phải đọc tụng thọ trì, phải diễn thuyết kinh pháp. Chính những người cư gia tụng kinh thuyết pháp, chư thiên quỷ thần còn ham nghe, phương chi người xuất gia cho đến người đi đường tụng kinh đọc kệ thường thường vẫn có chư thiên theo nghe.
Là Phật tử phải chăm niệm Phật, tụng kinh, trì chú, thuyết pháp thì đời vị lai sẽ được quả báo trang nghiêm rực rỡ.
Thuở đó đức Thế Tôn ở nước Xá Vệ, tại Kỳ Hoàn tinh xá cùng với vô lượng vô biên. Các người lương thiện nghe thấy danh đức của Phật, họ đều hoan hỷ và tán dương. Trái lại những kẻ ác, nghe thấy người lương thiện thì sinh lòng thù ghét.
Người hiền thiện không bao giờ bới xấu người, mà chỉ đem những điều lành của người ra nói thôi, vì muốn điều lành ấy lan ra cho nhiều người được nghe, thấy kẻ làm ác biết sự hành động ấy của nghiệp kết sử thì thương họ và tha thứ cho họ không chấp nhặt sự ngu si của họ.
Như vậy những người cõi nhân, cõi thiên đã đầy thiện duyên gặp Phật xuất thế thì họ tán dương, và đem giáo pháp của Ngài tuyên truyền cho các nước.
Thuở đó có một nước nhỏ thuộc quyền cai trị của vua Ba Tư Nặc, phần nhiều những người tà kiến vì không có giáo lý của Phật truyền bá, song thôn xóm kia có một người con gái tên là Ưu Ba Tư Na, hôm ấy đi sang nước Xá Vệ, nơi vua Ba Tư Nặc ở, công việc đã xong, ra về cùng người thân tín đạo Phật, trọ tại bên nhà người Ưu Bà Tắc. Sau được nghe họ nói công đức của Phật cô liền theo họ, đến rừng Kỳ Hoàn để yết kiến Phật, tới nơi thấy Phật tướng hảo đoan nghiêm, uy nghi lẫm liệt quang minh sáng lạn, tâm sinh vui vẻ khát ngưỡng, cúi đầu lễ sát đất rồi lui ngồi về một bên.
Lú đó đức Thế Tôn thuyết công đức của năm giới cho đại chúng nghe như sau:
1. – Không sát sinh, được quả báo sống lâu, không bệnh tật.
2. – Không trộm cướp, được quả báo giàu sang, không bị ngũ gia cướp đoạt.
3. – Không tà dâm, được quả báo nhân thiên kính trọng, thân người tốt đẹp.
4. – Không nói dối, được quả báo người đời kính trọng yêu mến, nói ai cũng tin theo.
5. – Không uống rượu, được quả báo thông minh.
Cô Ưu Ba Tư Na nghe xong tâm rất hoan hỷ! Cảm mến đức Phật, tới trước quỳ bạch rằng:
– Kính lạy đức Thế Tôn! Con không biết có phúc duyên gì hạnh ngộ, hôm nay tới đây, được chiêm ngưỡng Ngài và được nghe công đức của năm giới, con thành tâm cúi xin năm giới của Thế Tôn, xin Thế Tôn trao cho con, con nguyện suốt đời vâng giữ, dẫu cho chết mất thân mạng con quyết không hủy phạm. Năm giới đối với con, cũng như người đói giữ cơm, người khát giữ nước, như người bệnh giữ mạng, con giữ năm giới cũng thế.
Phật dạy: – Con biết tuân hành thọ trì năm giới là người có phước lành đã trồng nhiều kiếp, con hãy lắng lòng nghe cho kỹ và ghi vào tâm thức chớ quên, ta nói đến đâu con lãnh thọ đến đó.
Ưu Ba Tư Na bạch: – Dạ kính lạy đức Thế Tôn, con xin chú ý lãnh thọ!
Khi cô lãnh giới xong, lại bạch Phật rằng:
– Kính lạy đức Thế Tôn! Con ở nước xa xôi, giờ đây con phải trở về, cúi xin trao cho con một bài kinh để hằng ngày tụng đọc và thờ kính. Các đức Phật quá khứ, các đức Phật đời vị lai cũng một kinh pháp ấy.
Theo lời cầu nguyện của cô, Ngài trao cho cô một quyển kinh “Pháp Cú” và đặn rằng:
– Con mang kinh này về, chiều sớm ban hôm chăm chỉ thụ trì đọc tụng, sẽ được công đức vô lượng.
Cô cúi đầu lễ ba lễ, nhiễu ba vòng rồi trở ra về.
Từ khi được thấm nhuần giáo lý đạo Phật, cô coi đời như giấc chiêm bao, tất cả gia đình sự nghiệp chỉ là trò huyễn ảo gây ra trong thời gian vô định, nên cô chỉ chăm chú vào quyển kinh sớm hôm đọc tụng, suy nghĩ giáo pháp cao siêu của tam thế chư Phật. Một buổi nọ lúc giữa canh khuya cô ngồi tụng kinh trên lầu cao, văng vẳng nghe trên không gian có tiếng nói rằng:
– Hay lắm! Hay lắm! Chị tụng kinh hay lắm! Chúng em muốn tặng chị một chút bảo vật song không thích hợp với tư tưởng của chị, vậy xin giới thiệu một lời để dâng chị. Hiện nay Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên tới đây đương nghĩ trong rừng, sáng ngày mai chị mời hai Tôn giả cúng dàng thì được phúc vô lượng, khi Tôn giả chú nguyện thì hô đến tên của chúng tôi.
Ưu Ba Tư Na nghe xong ngửa mặt lên hỏi:
– Ông là ai? Xin cho tôi được biết quý danh.
Đáp: – Tôi là Quỷ Vương tức là Tỳ Sa Môn Thiên Vương nhân sang nam phương qua đây vì muốn nghe tụng kinh nên đứng lại!
Cô trả lời: – Người cõi Thiên không bao giờ nói lầm như vậy, ông là người trời, tôi là người thế, tuyệt không có nhân do, tại sao gọi tôi là chị.
Tỳ Sa Môn đáp: – Đức Phật là ngôi Pháp Vương cũng là cha lành cõi nhân cõi thiên, tôi là Ưu Bà Tắc, chị là Ưu Bà Di cùng chung một cha lành tu học một pháp vị, cho nên cũng có thể kêu là chị em được.
Cô vui vẻ hỏi tiếp: – Khi cúng dàng xưng tên của ông thì được lợi ích gì.
Thiên Vương đáp: – Tôi là Thiên Vương, tai nghe được rất xa, xưng tên tôi nghe thấy thì thêm thế lực của tôi và uy đức của tôi, khi đó tôi dùng thần lực sai khiến các quỷ thần ủng hộ người đó được phước lộc nhiều, và khiến cho họ thoát khỏi khổ nạn.
Thiên Vương nói xong rồi từ biệt. Ưu Ba Tư Na trong lòng vui vẻ! Và thầm nghĩ như vầy:
– Đức Phật trăm kiếp ngàn đời, chăm tu khổ hạnh cũng là vì ta, và tất cả chúng sinh. Hôm nay cũng do uy đức của Phật nên ông Thiên Vương đối với ta một cách thận trọng, lại còn xưng tên ta là chị, đức Phật là một đấng cha lành cho muôn loài.
Cô ngồi tư duy nhận xét đạo lý mãi đến gần sáng mới thiu thỉu ngủ; trời vừa tang tảng, các cô gái vào rừng kiếm củi trèo lên cây cao chặt những cành cây khô, xa xa nhìn thấy hai vị Thánh Tăng, một vị là Xá Lợi Phất, một vị là Mục Kiền Liên, với năm trăm thầy Tỷ Khưu đương ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây, cô gái ở nhớ rằng “độ nọ được đi hầu bà sang nước Xá Vệ, gặp hai vị Thánh Tăng này một lần bà chủ ta tôn kính lắm”.
Ngừng lấy củi cô lại tận nơi lễ bái thưa rằng:
– Kính thưa Tôn giả, chúng con là gia nhân của Ưu Ba Tư Na tới đây để bái mừng và đến thăm Tôn giả.
Tôn giả đáp: – Ưu Ba Tư Na có được vui vẻ không, có được an lạc giải thoát không?
– Thưa Tôn giả: – Ưu Ba Tư Na vẫn được an vui kể từ ngày được thọ giáo đức Thế Tôn, Ưu Ba Tư Na xin thỉnh hai Tôn giả tới nhà dùng bữa cơm hôm nay.
Tôn giả đáp: – Ngươi hãy về nói với Ưu Ba Tư Na. Hay lắm! Hay lắm! Ưu Ba Tư Na, là Ưu Bà Di khéo biết thời và khéo biết việc thích ứng, Phật vẫn thường khen năm pháp thí được phúc vô lượng.
Một là, bố thí cho người ở nơi xa tới,
Hai bố thí cho người đi xa.
Ba là, bố thí cho bệnh nhân.
Bốn là, bố thí thức ăn cho người đang bị đói.
Năm là, bố thí pháp cho người biết pháp.
Năm pháp bố thí này nếu ai thực hành làm ngay, thì được phúc báo hiện tại.
Các cô nghe xong, vâng lời lễ tạ lui ra, về nhà gặp cô gái ở nhỏ bèn hỏi:
– Bà chủ ở đâu mày?
– Bà đang ở trên gác, đem qua bà ngủ không được, vừa mới ngủ đấy.
– Mày đi lên gọi bà dậy.
Đáp: – Em không dám!
– Không dám gọi thì để chị gọi.
– Tùy ý.
– Bà ơi! Mời bà dậy!
– Ngươi hỏi gì?
– Thưa bà, Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên đến rừng này con đã mời Ngài đến nhà dùng bữa cơm ngọ hôm nay.
Cô Ưu Ba Tư Na vui vẻ! Lấy bộ khoen vàng thưởng cho cô gái ở.
– Thưa bà, Tôn giả có những lời rất hay giáo hóa cho con.
– Con nhớ không? Nói cho ta nghe!
– Thưa bà, Tôn giả nói rằng: – Ưu Ba Tư Na là người Ưu Bà Di, khéo biết thời và khéo biết việc thích ứng. Phật vẫn thường khen năm pháp thí được phục vô lượng.
Thứ nhất là thí cho người ở xa tới.
Thứ hai là cho người đi đường xa.
Thứ ba là thí cho người có bệnh hoạn.
Thứ tư là bố thí thức ăn cho người đương bị đói.
Thứ năm là bố thí pháp cho người biết pháp.
Năm pháp thí này nếu ai thực hành làm ngay, thì được phúc báo hiện tại.
Ưu Ba Tư Na nghe xong sung sướng quá, cũng như hoa sen khi gặp ánh nắng của mặt trời mà tung nở, trong lòng sáng tỏ tự nhiện phấn khởi tinh thần cũng như hoa sen kia đua nở vậy.
Ưu Ba Tư Na tháo chuỗi hột vàng trên cổ tặng thêm cho cô gái ở.
Cô gái ở vui mừng, đỡ lấy rồi nói:
– Mời bà dậy đi! Rửa tay, rửa mặt sửa soạn các món ăn mà cúng dàng, con sẽ đi mời các Ngài hầu bà.
– Ta vui lòng lắm! Nếu con đã vì ta làm việc này, hãy cứ làm đi, không phải nói nữa, ta cho tùy ý, và cũng không riêng gì cho ta, nếu cho làm việc tốt lành ấy, bất luận tại gia, hay xuất gia, nơi tụ lạc, thành ấp đều được sáng thịnh yên vui.
Nói xong đứng lên đi rửa tay bảo gia nhân và các người lân cận, người nấu cơm kẻ đốt lửa, gánh nước hái rau, kê bàn, trải chiếu, hái hoa phân phó các việc xong, còn mình lấy thuốc giã rây hòa luyện cẩn thận. Khi các thứ đã đầy đủ rồi sai người đi mời hai Tôn giả và các thầy Tỳ Khưu.
Được tin mời, hai Tôn giả và các thầy Tỳ Khưu mặc áo tề chỉnh đi phó trai. Các vị tới nhà thăng tòa ngồi yên tĩnh.
Ưu Ba Tư Na ra lễ bái mừng! Cầm thau món ăn sẻ vào các bát, sắc hương thơm ngát một lòng thành kính dâng lên.
Sự cúng dàng được phúc báo tùy theo lòng thành kính:
Làm thức ăn ngon, lại đẹp thì được nhan sắc đẹp, mùi ngon thơm tốt thì được phúc danh thơm đồn xa, món ăn đầy đủ, được phúc báo tuỳ ý muốn gì được nấy, thân người vạm vỡ khỏe mạnh.
Chúng Tăng độ xong, Ngài Tôn giả Xá Lợi Phất làm phép chú nguyện.
Ưu Ba Tư Na thưa: – Kính xin Tôn giả hô đến tên ông Tỳ Sa Môn Thiên Vương.
Ngài chú nguyện xong, hỏi:
– Con đối với Tỳ Sa Môn Thiên Vương có nhân duyên gì mà hô tên ông ấy?
– Kính bạch Tôn giả! Thực là một việc ly kỳ quá! Tối hôm qua con đương tụng kinh, ông Thiên Vương ấy đứng ở trên hư không, khen con và gọi con là chị. Lúc ấy con hỏi ông là ai nghe tiếng, mà không thấy người, ông ấy nói: – Tôi là Quỷ Vương Tỳ Sa Môn Thiên Vương thấy người tụng kinh tôi đứng đây nghe, tôi muốn lấy trân bảo cõi Trời tặng nhưng không phải một thứ mà chị ưa muốn, nên xin tặng một lời đó thôi! – Con lại hỏi, ông muốn bảo gì?
Ông ta nói:
– Sáng mai Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên, đến rừng này, chị nên sửa trai cúng dàng, khi cúng thì hô đến tên tôi.
Con lại hỏi: – Xưng tên ông thì được lợi ích gì?
Ông ta nói:
– Tai tôi nghe được rất xa, nếu xưng tên tôi thì thêm thế lực của tôi, và uy đức của họ hàng tôi, tôi sẽ dùng thần lực sai quỷ thần ủng hộ cho người đó, thoát khỏi những khổ nạn, bởi nhân duyên ấy nên xưng tên.
Tôn giả nói: – Đấy, cũng là một việc lạ, con ở đạo người, kẻ kia ở đạo trời, họ đối với con có lòng kính trọng lại còn nhận là chị em.
– Kính thưa Tôn giả! Còn một việc lạ nữa: Trong nhà con thường có thần nhân đi lại viếng thăm một cách thân mật và cũng như một bạn gái vậy, khi con bố thí, thì vị thần bảo con rằng: Vị này là A La Hán, vị này là Tu Đà Hoàn, vị này là Tư Đà Hàm, kẻ này là phàm phu, người này là trì giới, kẻ này phá giới, người này trí tuệ, kẻ này ngu si. Con tuy nghe thấy nhưng ý của con không phân biệt phá giới hay trì giới, trí tuệ hay ngu si, bất luận vị nào con đều coi như một vị La Hán.
Tôn giả nói: – Cũng hay lắm, ngay đấy con có tâm bình đẳng không phân biệt.
– Bạch Tôn giả! Con lại có một việc lạ nhất: Con là phận nữ nhi tại gia mà tiêu diệt được hai người thân kiến, đắc quả Tu Đà Hoàn!
Tôn giả nói: – Đấy con có phước lớn làm thân gái mà chứng được quả Tu Đà Hoàn!
– Bạch Tôn giả: – Con lại có một việc kỳ nữa, con sinh hạ được bốn đứa con đều ác kiến, chồng con cũng là tà ác quá đỗi, đối với Phật Pháp Tăng chẳng biết tin kính, con cúng dàng Tam Bảo, hoặc cho kẻ bần cùng, lại sinh lòng giận tức tiếc của, và nói rằng: – Ta làm khổ sở mới có tiền, lại đem làm việc vô ích, tuy thế, nhưng đạo tâm bố thí cúng dàng tu thiện của con, không hề thay đổi và cũng không buồn hận gì!
Tôn giả nói: – Làm thân đàn bà suốt đời không bao giờ được tự tại, khi còn bé nhỏ ở với cha mẹ, thì cha mẹ cấm đoán, khi có chồng thì chồng đàn áp dưới ách di nô, khi già thì con cái ngăn đón, riêng đối với phúc lực của con thì không bị chồng cấm đoán, tùy ý tu thiện, này Ưu Ba Tư Na, tối hôm nay đức Thế Tôn sang rừng Tỳ Nữu Can Đặc, con lại viếng thăm Ngài.
Nói xong hai Tôn giả và các thầy Tỳ Khưu ra về. Ưu Ba Tư Na thầm nghĩ:
– Tôn giả mách bảo thật là một việc rất hay, ta sắm sửa vật thực để cúng dàng.
Ngày mai Ưu Ba Tư Na gọi các người thân tín đi viếng thăm Phật, tới nơi rừng Tỳ Nữu Can Đặc, thấy đức Thế Tôn dung nhan tươi sáng như vừng nhật nguyệt, uy phong lẫm liệt. Cô và mọi người thụp lạy trước Ngài, dâng hoa lên cúng rồi lui ngồi về một bên.
Hôm đó đức Thế Tôn thuyết pháp nói về công đức bố thí trì giới, sinh thiên, đoạn dục và Niết Bàn, nghe thuyết pháp xong nàng bạch Phật rằng:
– Kính lạy đức Thế Tôn! Thôn xóm con thuần những người tà kiến, không biết Phật Pháp Tăng, và không ưa việc bố thí. Cho nên những vị Sa Môn, Bà La Môn, có vào làng không ai biết cúng dàng, nên các vị chỉ vào nhà con. Kính xin Ngài có thời gian nào đến ấp làng con giáo hóa cho mọi người biết tín ngôi Tam Bảo, hơn nữa chúng con lại được cúng dàng.
Bạch xong lễ tạ lui ra, lần lượt đi thăm các vị Tỳ Khưu, cuối cùng thấy một vị mang bệnh nằm trong hang cỏ, liền hỏi:
– Đại Đức bệnh hoạn thế nào? Đau lâu mau thế nào? Phải dùng những thức gì điều trị, xin cho con được rõ.
Đáp: – Tới đây thủy thổ bất hòa, tôi không hợp nên phải thụ bệnh, giờ đây nếu được thứ thịt tươi ăn thì khỏi.
– Bạch Đại Đức, ngày mai con xin dâng Đại Đức dùng, việc ấy không khó!
– Hay lắm! Quý hóa lắm!
Ưu Ba Tư Na lễ sát dưới chân xin phép ra về, đi đường thầm nghĩ rằng:
– Ta có phước đức lớn, hôm nay được yết kiến Phật và các Tôn giả.
Ngày mai sai người ở đi chợ mua thịt, không mua được trở về thưa rằng:
– Thưa bà, hôm nay ngày rằm chợ không bán thịt, và hôm nay ngày quốc cấm, nếu ai sát sinh bán thịt sẽ bị trọng phạt!
– Thế à! Mày cầm một ngàn đi mua, chỉ lấy số thịt giá một trăm đồng thôi, hoặc có kẻ nào ham lợi thì họ bán!
Kẻ đó mang tiền đi chợ lần nữa, nhưng vì luật nhà vua quá nặng nên không ai giết lợn bán, về thưa rằng:
– Thưa bà, hôm nay ngày quốc cấm không ai dám giết thịt bán.
– Mày cầm tiền vàng đi các nhà đồ tể mua một giá rất đắt!
Vâng lời bà chủ đi mua, nhưng các nhà sát sinh cũng không ai dám mổ heo bán, về thưa cùng bà chủ rằng:
– Thưa bà con đã hết lời năn nỉ họ, nhưng luật nước quá nặng, không ai dám giết heo bán, xin bà liệu cách khác.
– Thôi để ta liệu!
Ưu Ba Tư Na thầm nghĩ rằng:
– Ta đã hứa dâng Ngài dùng mà không có thì Ngài mong ta, hoặc vì thế mà Ngài chết thì lỗi tại ta. Song lại nhớ tới vị Bồ Tát ngày xưa vì một con chim bồ câu, còn cắt thịt để cứu mạng sống của nó, phương chi đây là một vị Tỳ Khưu ta không nên quá yêu thân ta, ta nên cắt thịt của ta để cứu lấy bịnh của Ngài. Nghĩ xong đi tắm rửa sạch sẽ gọi một người thân tín nhất vào phòng nói rằng:
Ngươi làm ơn lấy dao này cắt thịt bên vế đừi cho ta một cân.
Người đó cầm dao cắt, trong lúc xẻo thịt, mặc lòng đau đớn khổ não; nhưng cứ bấm gan chịu, đứa ở gái lấy băng buộc chặt lấy chỗ đau. Sau mang ra nhào các thứ dược thảo nấu chín, bỏ vào cà mèn, đưa đến rừng dâng lên vị Tỳ Khưu có bệnh.
Tỳ Khưu ăn thịt xong, thân thể an lạc các bệnh đều khỏi, lành mạnh như xưa.
Đoạn này chồng của Ưu Ba Tư Na về, không thấy vợ liền hỏi gia nhân rằng:
– Chúng bây đâu!
– Dạ! Ông chủ hỏi gì ạ.
– Chúng bây có biết Ưu Ba Tư Na đi đâu không?
– Dạ! Thưa ông, bà đương nghỉ trong phòng!
Vào phòng thấy vợ nhan sắc biến đổi, có vẻ đau đớn, hỏi:
– Em đau à? Coi vẻ ủ rũ đấy!
Bước ra sai người gọi thầy lang về chẩn mạch.
Thầy lang đến:
– Thưa bác nhà tôi bị đau, nhờ bác chẩn mạch cho thuốc.
– Vâng! Chị ấy nằm đâu?
– Trong nhà, mời bác vào!
– Thế nào, bác đau sao?
– Bệnh tôi lúc nào cũng đau, hiện đang đau lắm không ngớt đau chút nào.
Thầy lang chẩn mạch không biết bịnh gì, yên lặng lui ra.
Thầy lang nói: – Bác ạ, tôi không rõ bác gái bệnh gì!
Anh chàng hỏi:
– Bệnh em làm sao nói cho tôi biết?
Thầy lang có giỏi cũng không biết được bệnh tôi! Thôi anh không phải lo, ít ngày em sẽ khỏi bệnh.
Anh chàng lui ra, gọi gia nhân hỏi:
– Lũ bây có biết Ưu Ba Tư Na bệnh gì không?
– Thưa ông bọn tôi không biết, ông hỏi người hầu cận bà thì biết.
Anh chàng gọi đứa ở gái ra chỗ vắng hỏi:
– Mi có biết Ưu Ba Tư Na bệnh gì không, nói thực cho ta biết.
– Thưa ông! Bà cắt thịt đừi ra, nấu cúng dàng cho một vị Tỳ Khưu ăn, nên bà bị đau đó!
Anh chàng nghe nói, hầm hầm nổi giận ra ngoài đường lớn tiếng nói:
– Làm Sa Môn Thích Tử mà ăn thịt người, có khác gì Đồ Bác Túc Vương ngày xưa không?
Chàng lê la nói mãi, khiến cho những người tín đồ của Phật vừa tủi thẹn vừa tức bực! Anh chàng dám mạ Phật, Pháp, Tăng, rồi một số đông đến chỗ Phật lễ xong lui ngồi một bên.
Phật hỏi: – Các ngươi tại sao buồn thế.
– Kính lạy đức Thế Tôn! Có một chành dòng Phạm Chí ra chỗ đông người lớn tiếng phỉ báng Phật, Pháp, Tăng rằng: – Trước đây Đồ Bác Túc Vương ăn thịt người, ngày nay thầy Sa Môn đệ tử của Phật cũng ăn thịt người, cúi xin đức Thế Tôn ra lịnh cho các vị, từ nay không được ăn thịt nữa.
Đức Phật đánh chuông họp chúng rồi gọi vị Tỷ Khưu có bệnh lên hỏi.
Vị Tỷ Khưu lên lễ Phật xong lui ngồi về một bên.
Phật hỏi:
– Quý tử bệnh gì?
– Kính lạy đức Thế Tôn, vài hôm trước con mắc chứng bệnh sốt, nhưng hôm nay đã bớt nhiều.
Phật hỏi:
– Hôm nay ngươi ăn món gì?
– Bạch lạy Thế Tôn! Con ăn thịt và uống nước thịt.
– Ăn thịt tươi hay thịt khô?
– Dạ con ăn thịt tươi!
– Thịt tươi tức là thịt không để cách đêm.
Phật nói: – Nghe đây! Bất luận tươi hay kho trước khi ăn ngươi có hỏi tịnh hay bất tịnh không?
– Dạ! Lạy đức Thế Tôn, bệnh con đau quá, được thịt thì ăn ngay chứ không kịp hỏi.
Phật nói: – Tỷ Khưu tại sao lại dùng món ăn bất tịnh? Phép của Tỷ Khưu những món ăn của thí chủ, trước khi ta ăn phải hỏi, đây là thịt gì? Nếu thí chủ nói: Đây là tịnh nhục, thì phải xem xét có thể tin được mới ăn, nếu không tin được thì không ăn.
Từ đấy Phật cấm các vị Tỷ Khưu không được ăn thịt bất tịnh như sau:
1. Nếu Tỷ Khưu nhìn thấy họ giết con vật ấy, thì không được ăn.
2. Nghe thấy tiếng nó kêu khi bị người giết, cũng không được ăn.
3. Nghi ngờ không được ăn.
Như thế là phân biệt nên ăn hay không, khi đó Ưu Ba Tư Na được tin Phật cấm các vị Tỷ Khưu không được ăn thịt, chính bởi tại mình, trong lòng phát sinh đau khổ, buồn phiền, bởi vì mình mà các vị sư không được ăn thịt liền kêu chồng đến nói rằng:
– Anh mạ Phật, Pháp, Tăng có tội lớn, ngày mai anh mời Phật và chư Sư về nhà cúng dàng và sám hối, nếu anh nghe lời tôi thì đi ngay, bằng không thì tôi sẽ tự sát thân tôi trước mặt anh cho biết.
Anh chàng vốn không có lòng kính tin Phật, sau cũng vì sợ vợ tự tử, đáp rằng:
– Vâng! Tôi xin tuân lời của cô, xin cô đừng nói nữa, tôi sẽ đi mời Phật ngay bây giờ!
Nói xong anh chàng đi ngay, tới thưa rằng:
– Thưa Ngài Cồ Đàm Sa Môn, ngày mai chúng tôi xin mời Ngài, và mấy vị đệ tử đến nhà dùng cơm.
Đức Phật thấy anh lỗ mãng vô lễ, Ngài từ bi lẳng lặng tỏ ý nhận lời.
Anh chàng cũng biết Ngài nhận lời của mình, vái tạ ra về, khi tới nhà nói với vợ rằng:
– Ông Cô Đàm đã nhận lời mời của tôi rồi đấy!
Ưu BaTư Na sai gia nhân sửa soạn các món ăn, hương hoa, ghế ngồi trang trí trong nhà rất tôn nghiêm, sớm mai sai người vào rừng mời Phật.
Khi Phật và các vị Tỷ Khưu đến nhà ngồi an tĩnh, không thấy Ưu Ba Tư Na Ngài hỏi:
– Ưu Ba Tư Na đâu? Không thấy ra chào?
Anh chàng đáp:
– Dạ! Đương bị đau bệnh nằm trong giường.
Nói xong chạy vào phòng gọi:
– Thầy cô gọi cô đó!
– Anh ra bạch rằng: – Ưu Ba Tư Na lễ dưới chân Phật và các vị Thánh Tăng, vì có bệnh đau quá không thể ra được, cúi xin xá tội. Nhưng anh ăn nói cho có lễ độ mới được!
Anh chàng ra thưa rằng:
– Dạ! Thưa Ngài, Ưu Ba Tư Na lễ dưới chân Phật, Pháp, Tăng, vì mang bệnh đau quá không thể ra chào được.
Phật kêu: – A Nan
– Dạ!
Ông vào phòng gọi Ưu Ba Tư Na ra ta hỏi.
– Dạ!
Tôi vào tới phòng, Ưu Ba Tư Na cố gượng ngồi dậy chắp tay nói:
– Kính bạch Đại Đức, con xin lễ dưới chân Phật, Pháp, Tăng, rất muốn ra yết kiến đức Thế Tôn, như kẻ đói được cơm, kẻ rét được áo mặc, như khi nóng nực được mát mẻ, như kẻ lạc đường muốn về lối cũ. Con muốn ra lễ kính Phật cũng như thế, tâm con khao khát, nhưng thân con hiện giờ đau lắm không ra được! Kính xin Đại Đức ra bạch Phật hộ con.
Tôi đi ra trình Phật những lời của Ưu Ba Tư Na vừa nói, thì Phật bảo tôi rằng:
– Ông cho người khiêng Ưu Ba Tư Na ra đây!
– Dạ! Con xin tuân lệnh.
Tôi bảo gia nhân khiêng đến trước Phật.
Khi đó đức Như Lai phóng quang minh, ánh sáng chiếu vào chúng sinh nào thì chúng sinh ấy được phần lợi ích, kẻ điên rồ được an chính, kẻ loạn tâm được bình tĩnh, kẻ bệnh hoạn được hết bệnh hoạn. Ưu Ba Tư Na nhờ oai thần của Phật ánh hào quang soi tỏ cõi lòng, ngay giờ phút đó được lành mạnh hết đau.
Ưu Ba Tư Na kính sợ vui mừng giao cảm, đứng lên thụp lễ dưới chân đức Thế Tôn, lui ra cầm một cái bình bằng vàng lấy nước rửa chân Phật, đặt các món ăn, sắc đẹp mầu thơm ngào ngạt dâng cúng đức Thế Tôn và các hàng Thánh Tăng. Dùng cơm xong Phật thuyết về luận “Bố thí”, luật “Trì Giới”, tu “Thập Thiện”, quả báo sinh thiên, sinh tử là tội lỗi của tham dục, muốn xuất ly sinh tử phải tu “Tịch Diệt”, diệt khổ được an vui, nói về Mười Hai Nhân Duyên luân chuyển không dứt.
Ưu Ba Tư Na nghe Phật thuyết pháp xong thì đoạn tuyệt được lòng tham dục, giận tức, si mê, chứng quả “A Na Hàm”. Người chồng cô tự bỏ được tà kiến, biết tôn kính ngôi Tam Bảo, và xin thụ giới Ưu Bà Tắc, tất cả họ hàng quyến thuộc đều xin thụ Tam Quy Ngũ Giới.
Bốn chúng đệ tử Phật, khi đó có người đắc quả Tu Đà Hoàn, có người đắc quả Tư Đà Hàm, có người đắc quả A La Hán, mọi người ai nấy đều vui vẻ khát ngưỡng Pháp Bảo Vô Lượng.
Ngoài ra còn có nhiều người nghĩ như vầy:
– Kẻ nữ nhân dám cả gan cắt thịt cúng dàng Sa Môn, thực là một chuyện chưa từng thấy bao giờ! Chúng ta nếu bỏ quê hương nhà cửa, cũng là một việc khó.
Sau đó những người dân bản xứ, có nhiều người bỏ nhà cửa họ hàng đi xuất gia, chăm chỉ tư hành đoạn trừ kết lậu, thành ngôi a La Hán từ đó nơi thôn dã ấy nhiều người biết tin theo đạo Phật, giáo pháp được lan rộng khắp nơi.
Cũng bởi thế, những người có trí tuệ sáng suốt cho đến kẻ nữ nhân cũng chăm tụng đọc kinh Phật, tinh siêng không biết mỏi mệt, nên cũng nhiều người đắc quả. Kẻ trượng phu lòng chăm tu đạo, há lại không thành công sao?
Coi đây, các thiện nam tử, thiện nữ nhân cần phải tu đạo nghiệp, sợ sinh tử khiến cho kết sử nhẹ bớt, có ngày sẽ lìa được sinh tử, tuy đời mạt pháp chưa được độ song công đức ấy cũng được sinh nhân thiên, hưởng phúc vô cùng tận.
Ngài Di Lặc Thế Tôn cách năm mươi sáu ức bảy ngàn muôn năm sẽ thành Phật thuyết pháp độ sinh, bấy giờ tùy lòng cầu nguyện của mình muốn chứng đạo quả nào sẽ được đạo quả ấy.
Trích: Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh – Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch