Nằm đọc Kinh Phật có tội hay không? Đối với Kinh điển – Thần chú do Đức Phật thuyết có thể đọc thầm mà không phát ra tiếng.
Nằm đọc Kinh được không?
Đối với KINH ĐIỂN – THẦN CHÚ do Đức Phật thuyết (các bài viết, giảng về chủ đề Phật Pháp không do Đức Phật thuyết, thì không phải Kinh, không tính vào đây) cùng với việc niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát thì :
– KHÔNG ĐƯỢC NẰM MÀ ĐỌC RA TIẾNG (như vậy là khinh lờn kinh pháp), tương tự với các trường hợp vào WC, trang phục không chỉnh tề … cũng không được tụng niệm lớn tiếng, sẽ có quả báo. Xét sâu vào tâm, bị quả báo chủ yếu do tâm khinh lờn Pháp Bảo, chứ không phải chỉ do tư thế bên ngoài, đó là mấu chốt.
– Còn nếu tụng niệm thầm, không phát ra tiếng, thì vẫn có thể nằm mà niệm, bao gồm niệm Phật – trì tụng kinh chú, cũng như cả lúc không trang nghiêm như vào WC, khỏa thân, thay đồ, nam cởi trần quần đùi, nữ mặc váy ngắn, áo hai dây…
Trừ ra mỗi lúc nam nữ ân ái là HOÀN TOÀN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP.
Hiếu được mấu chốt, ta sẽ mở ra nhiều cách hiểu linh hoạt khác:
Người bệnh liệt giường, không thể ngồi, họ vẫn tụng kinh niệm Phật trong tư thế đó được chứ? Được ! Các ban hộ niệm cho người sắp lâm chung, thì người đó thường là đang nằm mà niệm Phật chứ sắp chết ngồi thế nào được.
Tâm họ đâu có khinh lờn Pháp Bảo đâu. Việc đó khác với người khỏe, có thể ngồi dậy mà không chịu ngồi, vì họ xem kinh điển cùng hạng với các loại khác.
Vậy, thay vì chúng ta chỉ xét mỗi tư thế bên ngoài, hoặc chỉ xét về tâm bên trong, chúng ta cần xem xét cả hai. Vì thân và tâm vốn gắn chặt với nhau.
Không thể nói “Tôi không chấp hình thức bên ngoài, chỉ coi trọng tâm bên trong, tôi thờ Phật trong tâm” rồi bừa bãi muốn làm sao thì làm. Vì rằng tâm nó sẽ thể hiện ra hình thức bên ngoài.
Mặt khác, cũng không cần quá câu nệ hình thức bên ngoài rồi cho đó là tất cả, mà không xét đến cốt lõi ở tâm bên trong, sẽ thành ra sáo rỗng, máy móc. Như thế sẽ không hiểu được bản chất, và không thể linh hoạt áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.
Nguồn: Quang Tử!