Một niệm chí thành có thể tạo ra khói hương, âm nhạc, chỉ trong chớp mắt đã đến được nơi xa ngàn dặm, từ đó có thể hiểu ra được ý nghĩa tất cả đều do tâm tạo.
Đời Bắc Chu, chùa Đại Truy Viễn ở kinh thành có vị tăng hiệu là Tăng Thật, vốn họ Trình, quê ở Hàm Dương, là bậc chân tu đạo hạnh.
Một hôm, vào lúc giữa trưa ngài bỗng lên lầu gióng chuông rất gấp, tụ tập chúng tăng, dặn tất cả đều phải chuẩn bị hương trầm. Mọi người mang hương trầm đến, thưa hỏi nguyên nhân, ngài liền dạy:
“Trong giờ khắc này, tại Giang Nam ở chùa X có một giảng đường sắp bị sụp đổ, có thể đè chết cả ngàn người.
Nếu mọi người ở đây đồng tâm trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, có thể cứu được nạn ấy.”
Chúng tăng vâng lời, cùng nhau niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, âm thanh vang rền cả vùng.
Mấy ngày sau có tin từ Giang Nam đến, quả nhiên đúng là trong giờ ngọ ngày hôm trước, có giảng đường tại Dương Châu đang tổ chức thuyết pháp, thính chúng ngồi chật bên trong đến cả ngàn người.
Bỗng thấy từ hướng tây bắc có đám khói hương lạ bay đến, cùng với tiếng nhạc trong trẻo ngân nga. Mây hương từ cửa phía bắc của giảng đường bay vào, rồi bay thẳng ra cửa phía nam.
Người trong giảng đường lấy làm kinh dị, tất cả đều đổ xô chạy theo đám mây hương ấy mà ra khỏi giảng đường. Mọi người vừa ra hết thì giảng đường cũng vừa sụp đổ. Nhờ đó mà không ai bị thương tổn gì.
Vua nhà Lương nghe biết chuyện này, ba lần xuống chiếu thỉnh ngài triều kiến nhưng ngài đều không đến. Niên hiệu Bảo Định năm thứ 3 [tức là năm 563] vào ngày 18 tháng 10, ngài thị tịch, trong triều ngoài nội ai ai cũng đều thương tiếc.
Lời bàn:
Một niệm chí thành có thể tạo ra khói hương, âm nhạc, chỉ trong chớp mắt đã đến được nơi xa ngàn dặm, từ đó có thể hiểu ra được ý nghĩa “tất cả đều do tâm tạo”.
Thế thì sao có thể cho rằng: Việc tu phước cầu siêu thoát cho hương linh không thể trong một chớp mắt thông suốt chốn u minh địa phủ, cho rằng người niệm Phật cầu vãng sinh không thể trong một sát-na thẳng đến cảnh giới Tây phương Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật!