Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Phẩm thứ bảy: Thái tử Tu Xà Đề – Kinh Hiền Ngu

Cũng do đời quá khứ ta có từ tâm hiếu hạnh, cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc nguy nạn, bởi phúc ấy trên cõi nhân, cõi thiên ta thường được sinh vào nhà tôn quý hưởng phúc vô cùng vô tận, và nhân thế cho đến ngày nay ta được thành Phật, đặc tôn trên ba cõi.

Chính tôi được nghe: Một lần Phật ở nước La Duyệt Kỳ, tại Tinh Xá vườn Trúc.

Bấy giờ đức Phật và tôi (A Nan) vào thành khất thực gặp hai ông bà già đã lòa đôi mắt, nhà nghèo ở trú dưới cổng thành. Ông bà chỉ được một cậu con trai năm ấy mới lên mười tuổi, hàng ngày cậu phải đi xin để nuôi cha mẹ, được quả gì tươi chín, hoặc thức ăn ngon thì dâng cha mẹ, còn thứ gì không ngon thì mình ăn.

Tôi thấy đứa bé hiếu thảo với cha mẹ như vậy, động lòng thương và yêu nó lắm! Sau lúc về Tinh Xá tôi bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Vừa đây con đi theo hầu Ngài vào thành Xá Vệ, thấy một đứa bé con, biết báo hiếu, đi xin được món gì ngon thì để dâng cha mẹ, món gì dở để mình dùng, còn nhỏ dại mà đã có từ tâm hiếu kính như vậy, thực là hiếm có.

Phật bèn dạy rằng:

– Người xuất gia hoặc tại gia có từ tâm hiếu dưỡng với cha mẹ thì được phúc vô lượng vô biên, ta tự nhớ rằng thời quá khứ có một lần cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc đói khát nguy nạn! Bởi công đức ấy ta sinh lên trời được làm Thiên Đế, sinh xuống nhân gian được làm Thánh Vương, cho đến nay được thành Phật, đặc tôn trong ba cõi cũng do phúc ấy.

Thấy Phật nói thế, tôi hỏi Phật rằng: – Kính lạy đức Thế Tôn! Thời quá khứ Ngài cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc nguy nạn, việc đó thế nào xin nói chúng con được rõ?

– Này A Nan: Ông hãy để ý nghe! Cách đây vô lượng vô số kiếp, cũng Châu Diêm Phù Đề này có một nước lớn tên là Đặc Xoa Thi Lợi. Ông vua nước ấy tên là Đề Bà, được mười con trai, mỗi người cai trị một nước, người con trai út tên là Tu Đề La Chi, (Tàu dịch là Thiện Trụ ) trị dân được an lạc, giàu thịnh mưa gió thuận hòa, thái bình thịnh trị nhân dân mến chuộng.

Thời đó ở nước vua cha có quan Đại Thần tên là La Hầu, tính hung ác tàn bạo, nổi dậy làm phản cướp ngôi giết vua rồi đem quân đi giết Thái Tử ở các nước nhỏ. Thái Tử út là người có đức lớn, nên các bộ quỉ thần thường hay ủng hộ, hôm ấy nhà vua ra vườn chơi chợt gặp một con quỉ Dạ Xoa, rẽ đất chui lên thưa rằng:

– Là Hầu Đại Thần làm phản giết vua cha rồi, đương đem quân đi giết các anh của nhà vua, nay mai sắp tới đây để giết nhà vua đó, vậy mau mau sửa soạn lánh đi nơi khác. Nhà vua gật đầu cảm ơn trở về cung, không nói cho ai biết, nửa đêm lẻn ra đi một mình, đi chưa được bao xa, sực nhớ con yêu của mình là Tu Xà Đề mới bảy tuổi, tính rất thông minh khôn sáng, trở về ẵm đi vừa đi vừa sụt sùi rơi lệ chứa chan! Bà phu nhân thấy có vẻ lật đật lo sợ, ngạc nhiên hỏi:

– Nhà vua lo việc chi mà lật đật như vậy? Nói cho tôi biết với.

Đáp: – Việc chi bà không cần phải biết.

Bà bèn nắm vạt áo kéo lại hỏi: – Tôi với nhà vua hai thân như một, cam khổ cùng chung chịu, sống thác có nhau, điều chi xin nói cho tôi biết?

Nhà vua bất đắc dĩ nói rằng: – Hôm qua tôi ra vườn chơi gặp con quỉ Dạ Xoa bảo cho biết rằng: Hiện nay ở nước nhà La Hầu đại thần đã giết mất vua cha rồi, đang đem quân đi giết các anh ta, nay mai sắp tới đây giết ta, vì thế ta không kịp nói cho ai biết.

Hoàng Hậu nói: – Chao ôi! Một việc nguy như vậy mà ông nỡ bỏ tôi, chực đi một mình, thôi để tôi đi cùng, sống chết có nhau.

Nói rồi bắt đầu đi, mục đích sang nước láng giềng là một ông vua bạn thân, sang nước ấy có hai lối: Một lối đi bảy ngày, một lối đi mười bốn ngày, vì lo sợ quá nên lúc ra đi không chuẩn bị lương thực, nhà vua chỉ đem lương đủ có một người ăn trong bảy ngày, nhưng không may đi phải con đường mười bốn ngày, đi được vài hôm lương thực đã hết, đói khát mê man giữa rừng thực vô phương kế! Vì sợ Thái tử chết nên nhà vua định giết Hoàng Hậu để cứu con, nghĩ rồi giục bà đi trước, rút dao định chém. Thái Tử thấy vậy chắp tay thưa rằng:

– Kính lạy cha, cha cầm dao để làm gì?

Đáp: – Ta giết mẹ để lấy thịt cho con ăn kẻo con chết mất.

Thái Tử thưa: – Kính lạy cha! Xin cha giết con, để ăn dùng cho qua lúc tai nạn này, cha chớ giết mẹ con, không bao giờ con lại ăn thịt mẹ, con tuy chết nhưng cha mẹ lại sinh được con khác, nếu mẹ con chết, thì không bao giờ có mẹ con lần thứ hai nữa, cứ mỗi ngày con xin cắt thịt con để dâng cha mẹ dùng cho tới nước kia.

Thấy Thái Tử nói thế, nhà Vua lòng đau như cắt không biết tính kế gì, nếu không ăn thịt chết cả ba người cũng vô ích, nếu ăn thịt thì thương con, và nhất là sự cứu vãn nước nhà là cần thiết hơn, nghe xong nhà Vua đành nhận lời của Thái Tử, cứ như thế mỗi ngày cắt hai miếng thịt ăn cho khỏi mệt mỏi, để lấy sức đi đường, đã gần hết mà chưa tới, sự đói thúc giục nghèo ngặt quá, nhà Vua cầm dao cắt thêm được chút thịt nữa, tới lúc cha con sắp chia tay thì Thái Tử thưa với cha rằng:

– Thưa cha, mạng con sắp chết, vừa rồi cha cắt được chút thịt xin cho con một phần.

Nhà Vua bèn phân số thịt đó ra làm ba, hai phần để ăn, còn một phần trao cho Thái Tử. Tới đây cha con từ giã nhau, nhà Vua và Hoàng Hậu hai người đi không lâu đã tới nước kia. Còn Thái Tử nằm trơ trên mặt đất giữa khoảng rừng xanh, khi đó Thái Tử nguyện rằng:

– Kính lạy Thập Phương đại giác Tam Hùng Sư chứng minh lòng thành kính của con cắt thịt dâng cha mẹ, xin đem công đức này để cầu thành Phật, tế độ mười phương chúng sinh, hết mọi sự đau khổ, đưa chúng sanh đến cõi Niết Bàn an lạc.

Phát nguyện xong ba ngàn thế giới chấn động sáu lần, cõi trời Dục Giới và Sắc Giới, ngạc nhiên không biết chuyện chi mà chuyển động cả cung điện, họ nhìn xuống nhân gian thấy Thái Tử Tu Xà Đề cắt thịt nuôi cha mẹ, vì lòng hiếu thảo làm chuyển động trời đất, họ bay xuống rất đông, vì lòng hiếu của Thái Tử làm cho mọi người rơi lệ thành mưa. Vua Đế Thích tự hóa thân làm đứa bé con lại xin Thái Tử trao cho miếng thịt đương cầm tay, Đế Thích lại hóa ra con sư tử chồm nhảy gào thét ý muốn ăn thịt, Thái Tử thầm nghĩ:

– Những loài muông thú kia, muốn ăn thịt ta thì cứ ăn, ta rất vui lòng có tiếc chi.

Vua Đế Thích thấy Thái Tử một dạ bền bỉ vững chắc, liền hiện lại nguyên hình, rồi thưa rằng:

– Thưa Thái Tử tôi đây là Thiên Đế, thấy Thái Tử có hiếu đối với cha mẹ một cách tuyệt đãi, tất cả trời người phàm thánh không ai làm nổi, xin hỏi, Thái Tử đem công đức ấy hướng về ngôi Đế Thích, Phạm Thiên, Ma Vương hay sao?

Đáp: – Thưa Ngài tôi đem công đức này hướng về cõi Phật, cầu thành Phật độ sinh, chứ không cầu làm những ông vua cõi trời, cõi người như Đế Thích, Phạm Vương, Ma Vương hay Chuyển Luân Thánh Vương để hưởng những dục lạc trong ba cõi.

Đế Thích hỏi: – Thái tử đau đớn như thế thì tâm có hối hận gì không?

– Thưa không có hối gì?

Thái Tử nói không, chúng tôi không lấy gì để làm chứng tỏ.

Nếu Ngài không tin thì xin phát nguyện rằng: – Nếu tâm tôi không hối thì thân tôi lại được phục như cũ.

Tuyên thệ xong, thân thể tự nhiên lại được lành mạnh như cũ, các vết thương biến mất, da dẻ tốt đẹp thân người rạng rỡ.

Thấy sự chứng tỏ có cụ thể như vậy, vua Đế Thích và tất cả mọi người cõi trời ai ai cũng vỗ tay vui mừng và khen Thái Tử chí thành, chí hiếu, rồi cùng nhau biến thân về thiên cung.

Đoạn này nói đến nhà vua khi tới nước kia vào yết kiến vua nước ấy, hai người nói chuyện với nhau hồi lâu và trình bày công cuộc đi, sự hiếu của Thái Tử Tu Xà Đề cho vua láng giềng nghe, nhà vua láng giềng nghe xong, vừa thương vừa cảm động, đồng thời tất cả vua quan sĩ chúng đi thăm Thái Tử, đến nơi thấy Thái Tử được lành mạnh, tới trước chào mừng và thuật rõ câu chuyện để vua nghe. Thấy thế ai ai cũng vui mừng không tả xiết. Nhà vua láng giềng thấy Thái Tử có sự ly kỳ như vậy, lại càng thêm phần kính trọng rồi tất cả trở về kinh thành.

Sau thời gian ấy, vua láng giềng sửa soạn binh những xa quân, mã quân, bộ quân. Cùng với vua Thiện Trụ và Thái Tử Tu Xà Đề về bản quốc tiêu diệt bọn La Hầu, và lập Đại vương cho vua Thiên Trụ, từ đó trở đi trong nước lại được thái bình thịnh trị.

Phật nói tới đây lại nhắc cho tôi biết rằng: “Này A Nan vua Thiện Trụ thuở đó chính là tiền thân Phụ Vương của ta ngày nay (vua Tịnh Phạn), bà mẫu lúc đó chính là tiền thân của ta bây giờ (Ma Gia), Thái Tử Tu Xà Đề chính là tiền thân của ta. Cũng do đời quá khứ ta có từ tâm hiếu hạnh, cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc nguy nạn, bởi phúc ấy trên cõi nhân, cõi thiên ta thường được sinh vào nhà tôn quý hưởng phúc vô cùng vô tận, và nhân thế cho đến ngày nay ta được thành Phật, đặc tôn trên ba cõi.

Bấy giờ trong đại hội được nghe thuở tiền sinh của Phật, ai ai cũng cảm lòng hiếu hạnh của Ngài, thực là hiếm có. Ngay lúc ấy có người đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm cho đến quả A La Hán, có người phát bồ đề tâm, có người trụ ngôi bất thoái, mọi người đều vui vẻ cúi đầu tạ lễ mà lui.

Trích: Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh – Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Địa Tạng phẩm thứ sáu: Như lai tán thán

Định Tuệ

Kinh Pháp Cú phẩm song yếu và hình vẽ minh họa

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Thọ học vô học nhơn ký thứ chín

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 18: Phẩm Minh Pháp thứ mười tám

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 41: Hoặc tận kiến Phật

Định Tuệ

Phẩm thứ 41: Ư Bà Tư – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Phẩm thứ mười chín: Sa Di Hộ Giới – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát thứ hai mươi

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 45: Chỉ lưu lại một kinh này

Định Tuệ