Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Công phu sâu hay cạn là gì?

Công phu sâu hay cạn là gì? Công phu cạn chính là nói phiền não của bạn mỗi ngày mỗi giảm, mỗi năm mỗi giảm đi, mỗi ngày mỗi nhẹ đi, đây là công phu.

Công phu sâu hay cạn là gì? Công phu cạn chính là nói phiền não của bạn mỗi ngày mỗi giảm, mỗi năm mỗi giảm đi, mỗi ngày mỗi nhẹ đi, đây là công phu. Thuận cảnh cũng không còn ham thích nữa, nghịch cảnh cũng không còn sân nhuế nữa. Cho nên mỗi ngày đều phải khảo nghiệm bản thân mình, giống như học sinh đi học vậy, thầy giáo mỗi ngày đều kiểm tra bài, mỗi ngày bạn phải vượt qua, không thể mỗi ngày đều nộp giấy trắng.

Thí dụ như trong lúc bạn ăn, nếu thức ăn ngon thì có phải là bạn sẽ thích ăn nhiều hơn mấy bát không? Bạn vẫn còn có ý niệm như vậy, cái ý niệm này thì không được, là bạn chưa vượt qua được, chưa đạt yêu cầu. Làm sao trong việc ăn uống hằng ngày, dần dần để nó trở nên bình thường, món ăn ngon thì chỉ ăn một chút, món ăn không ngon thì cũng là ăn một chút, từ chỗ này mà bắt đầu sự công phu.

Công phu được sâu rồi, có thể chuyển hết thảy tất cả vị năm vị. Có thể chuyển năm vị thành một vị, vậy thì công phu cao. Một vị là pháp vị, một vị là bình đẳng vị. Trong bình đẳng vị có chua ngọt đắng cay mặn không? Có! Tại sao gọi là bình đẳng? Bạn đối với chua ngọt đắng cay mặn đều không có sự ưa thích, đều không có sự ưa chuộng hơn, vị nào cũng được, không có vị nào mà không được, ngọt thì có cái hay của ngọt, cay thì có cái hay của cay, đều là bình đẳng, đó chính là một vị.

Không phải là trong một vị thì không có chua ngọt đắng cay mặn, không phải như vậy. Không phải là trộn năm vị lại làm thành một vị, vậy là bạn sai rồi. Phải dùng tâm bình đẳng mà đối với năm vị, tâm đã bình đẳng rồi thì cảnh giới bên ngoài mới bình đẳng, đạo lý là như vậy. Đó là tất cả các pháp không có pháp nào mà không bình đẳng. Mắt thấy sắc, sắc bình đẳng, tai nghe tiếng, tiếng bình đẳng, lưỡi nếm vị, vị bình đẳng, đây là chúng ta tu bình đẳng. Bình đẳng thì không có cao thấp, thanh tịnh thì không có nhiễm ô, không nhiễm một trần.

Sự thật là không có cao thấp, nếu triển khai điều này ra, ngày nay chúng ta nói là đối với tất cả mọi người, tất cả nam nữ già trẻ, đối với người thiện người ác, đều là bình đẳng. Triển khai thêm nữa là sáu cõi, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, chư thiên cũng bình đẳng.

Cho nên bạn phải biết, trong kinh Phật thường nói “sanh Phật bình đẳng” (chúng sanh và Phật bình đẳng), cảnh giới này cao, là Bồ-tát đã giác ngộ rồi. Giác ngộ điều gì? Giác ngộ là Phật cùng tất cả chúng sanh là bình đẳng, Phật cùng với súc sanh là bình đẳng, Phật cùng với địa ngục là bình đẳng, không có cái nào mà không bình đẳng. Vì sao vậy? Hết thảy vật chất, bản thể của vật chất là pháp tánh, vật chất được gọi là pháp tướng. Pháp tướng từ đâu mà có? Là do pháp tánh biến thành. Pháp tánh là bình đẳng nên hết thảy các hiện tướng đâu có đạo lý không bình đẳng, đây là nói trên lý.

Cho nên không bình đẳng là do chúng ta vọng tưởng phân biệt chấp trước mà không bình đẳng, những điều này sau khi khởi lên thì không bình đẳng, lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước thì sẽ bình đẳng. Lìa bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước là Phật, khi vừa lìa bỏ thì liền thành Phật, trong Tông môn nói rất hay: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Kiến tánh tức là bạn thấy được tánh của hết thảy tất cả tướng, vốn dĩ đều là pháp tánh, ngoài pháp tánh ra không có một vật nào có thể đạt được. Pháp tánh là bất sanh bất diệt, pháp tánh là không đến không đi, không nhơ không sạch, không một không khác.

Trong Trung Quán Luận nói tám cái không, đều là miêu tả pháp tánh. Tướng hiện ra của pháp tánh cũng là như vậy, cho nên lúc này mới thật sự khế nhập được tiêu chuẩn của thanh tịnh bình đẳng. Tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của Phật, đạt được tiêu chuẩn này thì gọi là Phật, trong Tông môn thì nói “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Đại Sư Thiên Thai gọi Phật này là “Phần Chứng Tức Phật”. Trong Lục Tức Phật, Phần Chứng Tức Phật là thật chứ không phải giả.

Trong sáu cõi mười pháp giới, chúng ta biết trong mười pháp giới có pháp giới Phật. Phật trong pháp giới Phật đó không bằng Phần Chứng Phật. Phật của mười pháp giới được gọi là “Tương Tợ Tức Phật”, tương tợ chứ không phải là thật. Đại Sư Thiên Thai Trí Giả là Thích-ca Mâu-ni Phật tái lai, Ngài nói rất hay: “Tương tợ không phải là thật”. Ngài có thí dụ cho sự tương tợ này.

Trong Kinh Lăng Nghiêm nói “Niết mục sở kiến”, các bạn có hiểu được cái ý nghĩa này không? Hãy nhìn mặt trăng ở trên trời, mặt trăng tượng trưng cho Phật thật, chúng ta dùng tay ấn vào con mắt một chút thì sẽ thấy ở trên trời có hai mặt trăng, một mặt trăng biến thành hai mặt trăng. Trong hai mặt trăng này thì có một cái là thật, một cái là mặt trăng tương tợ.

Phật trong mười pháp giới thì giống như ấn tay vào mắt mà thấy được, là tương tợ chứ không phải là thật. Phật minh tâm kiến tánh là thật, là thật thì vì sao có 41 cấp bậc? Cổ đức dùng mặt trăng để thí dụ rất là hay. Thí dụ ngày mùng một không nhìn thấy mặt trăng, mặt trăng hoàn toàn bị trái đất che khuất, nhưng đến mùng hai mùng ba thì có trăng non, mặt trăng non tuy rất là nhỏ bé, có một chút ánh sáng nhưng nó là mặt trăng thật, không phải là mặt trăng giả, nó không phải là “niết mục sở kiến” (lấy tay đè mắt mà thấy được), nó là mặt trăng thật.

Giống như Viên Giáo Sơ Trụ, minh tâm kiến tánh, phá một phẩm vô minh thấy một phần chân tánh, các Ngài là thật không phải là giả. Mặt trăng tròn đầy ngày 15 chính là Phật quả cứu cánh. Từ trăng non cho đến mặt trăng của ngày 14 giống như 41 vị pháp thân Đại Sĩ, cả thảy đều là thật không phải là giả, thí dụ này rất hay. Tu hành trong lục đạo, Đại Sư Thiên Thai nói, cái này vẫn không bằng Tương Tợ Tức Phật, nên gọi là “Quán Hành Tức Phật”.

Quán Hành Tức Phật thí dụ cho cái gì? Thí dụ buổi tối chúng ta ngồi bên hồ nước nhìn thấy mặt trăng trong nước, ánh trăng chiếu xuống hồ nước, trong hồ nước cũng có mặt trăng, trong mặt nước cũng có mặt trăng, đó là Quán Hành Tức Phật. Phàm phu chúng ta mới bắt đầu thì được gọi là “quán hành tức”. Gọi là “quán hành” là bạn đã công phu đắc lực rồi. Có được công phu quán hành tức thì chắc chắn bạn sẽ vãng sanh Thế giới Cực Lạc, sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ của Thế giới Cực Lạc. Nếu được tương tợ vị thì bạn sanh về Phương Tiện Hữu Dư Độ. Nếu được phần chứng vị thì sanh về Thật Báo Trang Nghiêm Độ.

Đây là do công phu sâu cạn, công phu sâu cạn là ở đâu? Trong việc ăn cơm mặc áo của cuộc sống hằng ngày, từ trong việc ứng xử mà luyện công phu. Cho nên nếu bạn biết luyện công phu thì nơi đâu mà không phải là đạo tràng. Khắp mọi nơi đều là đạo tràng. Ở đâu mà không phải là thiện tri thức, mỗi người đều là thiện tri thức. Người này là thiện tri thức tán thán ta vài câu, ta cư xử rất khiêm nhường, hoàn toàn không phải thật sự sanh tâm hoan hỷ.

Nếu vừa được tán thán liền vui vẻ dương dương tự đắc, vậy là xong rồi, không đạt yêu cầu rồi. Gặp được thiện tri thức nghiêm khắc phê bình ta một trận, ta cũng vui vẻ chấp nhận, thản nhiên như không có việc gì, trong tâm chẳng có một chút tỳ vết nào cả. Đây là ngày ngày thiện tri thức đến dạy cho ta, mỗi ngày thiện tri thức đến huấn luyện cho ta, luyện tập cho ta thành tựu.

Trong cuộc sống hằng ngày, trong hoàn cảnh đối người tiếp vật, ta phải mài cho sạch sẽ những thứ thị phi nhân ngã, tham sân si mạn thì ta thành công rồi. Vì sao ta thành công? Là những vị thiện tri thức này giúp cho ta, không có ai mà không phải là thiện tri thức, không có ai mà không phải là ân nhân của ta. Người tán thán, hủy báng, mắng ta cũng là có ơn đối với ta. Vì sao vậy? Vì ta luyện tập từ chỗ này, nếu không có cảnh giới này thì ta tìm nơi nào để rèn luyện?

Bởi vậy có người nói tu hành phải vào trong núi sâu, khi chúng tôi còn trẻ chưa hiểu biết, cũng cho rằng phải vào trong núi sâu ở nơi am tranh mà bế quan. Lúc đó có một cơ duyên, có đồng tu có một ngôi biệt thự ở trên núi, đã hai lần dùng để tránh ném bom, phía sau còn có hang phòng thủ máy bay ném bom. Hiện nay thái bình yên ổn rồi, ngôi biệt thự đó không có ai ở, họ mời tôi đến đó ở, chỗ đó xây cất cũng tốt. Tôi cùng với lão sư Lý đến Đài Trung để giảng kinh, tôi có cơ duyên ở am tranh bế quan.

Lão sư đã mắng tôi một trận: “Con chẳng biết tu hành, tu hành thì phải ở trong hoàn cảnh đối người tiếp vật mà rèn luyện, như vậy mới thật sự tu.” Ngài nói: “Con bế quan, con ở am tranh, con ở 10 năm, 20 năm, 30 năm, cảm thấy bản thân mình cũng tốt rồi, vừa xuống núi đi đến nơi thành thị thì tâm lại động, vậy là xong rồi.” Ngài nói từ xưa đến giờ có rất nhiều rất nhiều người như vậy, người thật sự thành công là phải trong thế gian mà trui luyện. Cho nên chúng ta phải hiểu được đạo lý này.

Về sau tôi không dám có cái suy nghĩ này nữa. Lão sư cũng rất từ bi nói cho tôi, người xưa ở trên núi bế quan, sống ở am tranh, là do nhân duyên gì? Là bản thân các Ngài đã thành tựu rồi, sự thành tựu này là minh tâm kiến tánh. Chúng tôi nói ba loại thành tựu thì [các Ngài] là thượng đẳng thành tựu, đã thành tựu rồi. Lúc này thì nên hoằng pháp lợi sanh, giáo hóa chúng sanh, nhưng không có ai mời các Ngài. Không ai mời thỉnh thì bạn không thể đi, bạn không thể tự mình tự giới thiệu, điều này không thể được, như vậy là không tôn trọng đối với đạo, phải tôn sư trọng đạo.

Làm sao để cho người khác biết được ta đã thành tựu rồi? Thì tuyên bố với mọi người là hiện nay ta đã bế quan rồi, ta hiện nay sống ở nơi am tranh, vừa nói điều này thì mọi người liền biết được bạn đã thành tựu rồi, bạn không cần phải tham học nữa. Bạn chưa có thành tựu thì bạn phải đi khắp nơi tầm sư học đạo. Bạn ở trên núi, bạn bế quan thì chẳng khác nào bạn tuyên bố với thiên hạ, tôi đã thành tựu rồi, tôi không cần tham học nữa, các bạn muốn tham học thì đến chỗ của tôi, ở đây có đạo vị.

Vì vậy họ mới làm ra hành động này, chính là mong muốn có người lên núi để mời họ, mời họ xuống núi, ngừng việc bế quan, giảng kinh thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, ý nghĩa là như vậy. Người chưa có thành tựu, nếu bạn bế quan, chẳng khác nào nói là bạn không học nữa, vậy là bạn ngu si cả cuộc đời, làm sao bạn có được thành tựu? Chúng ta phải thực sự hiểu được đạo lý này.

Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 338
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Chúng ta có hai ân nhân không thể quên trong đời này

Định Tuệ

Phật pháp dùng cách gì để nhìn ra chân tướng sự thật?

Định Tuệ

Sám hối phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng không nói lời có ý mơ hồ

Định Tuệ

Nguy cơ to lớn trong thời Mạt Pháp

Định Tuệ

Người thọ trì Tam Quy được 36 vị Thần Hộ Pháp ngày đêm bảo hộ

Định Tuệ

Tam khổ là gì? Cái gì làm cho ta đau khổ nhiều nhất?

Định Tuệ

Chơi game bạo lực có phạm tội sát sanh hay không?

Định Tuệ

Những điều quyến thuộc nên chú ý khi người thân sắp lâm chung

Định Tuệ

Hồi hướng là gì? Người niệm Phật chớ quên phần hồi hướng công đức

Định Tuệ

Viết Bình Luận