Con cháu nhiều đời đều được hưởng phú quý, đỗ đạt thành tài là do cha ông biết tu phước kiến tạo chùa chiền, đúc tạo tượng Phật, Bồ Tát.
Trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn, tiên sinh Viên Liễu Phàm có kể cho chúng ta một câu chuyện về Bao Bằng. Bao Bằng người này là ở rể trong gia đình Liễu Phàm tiên sinh, cho nên mối quan hệ của hai người phải nói là rất thân thiết.
Bao Bằng bác học tài cao, nhưng chẳng hiểu sao mỗi lần đi thi đều không đậu. Ông chán nản cho nên thường hay ra ngoài dạo chơi thay vì cứ ngồi nhà đèn sách.
Một hôm ông đi du ngoạn ở Mão Hồ, đi đến ngôi chùa trong một thôn trang, ông nhìn thấy Thánh tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm, lúc đó trời mưa, phòng ốc trong chùa đều bị mưa dột, Thánh tượng Bồ Tát Quán Thế âm cũng bị mưa ướt. Ông thấy vậy thì cảm thấy rất là đau lòng. Ông liền mở ví tiền ra xem, trong đó chỉ còn lại có 10 lạng bạc, ông lấy 10 lạng bạc ra hết và giao cho người trong chùa, ông nói rằng:
“Nhờ thầy tu sửa lại phòng ốc, đừng để Bồ Tát bị mưa ướt”.
Vị suất gia này nói với ông:
“Công trình tu sửa nóc chùa này quá lớn, trong khi 10 lạng bạc này quá ít, sợ rằng không thể làm được”.
Ông có dẫn theo người tuỳ tùng đi du ngoạn cùng, và thường mang theo vài thứ vật tùy thân như áo quần…. Ông gọi tuỳ tùng mở rương ra xem thấy bên trong vẫn còn 7 bộ áo quần mới chưa mặc qua, còn có thêm vài thứ quý giá khác. Người tuỳ tùng thấy ông định quyên góp hết số quần áo và vật tuỳ thân, thì nói với ông rằng:
“Thôi vậy, cần gì phải quyên góp nhiều thứ như thế”.
Bao Bằng đáp:
“Chỉ cần Thánh tượng không sao, có thể sửa được nóc nhà chùa này, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm không bị dầm mưa, thì cho dù tôi không có áo quần để mặc cũng không sao”.
Đây chính là một tấm lòng chân thành. Người xuất gia nghe Bao Bằng nói như thế thì cảm động vô cùng. Người này nói:
“Bố thí tiền bạc và những bộ quần áo không phải là việc gì khó, nhưng tấm lòng chân thành này thì thật là hiếm có”.
Đến khi chùa được sửa xong, Bao Bằng đưa phụ thân đến xem, và ở lại trong chùa. Đêm đó, Bao Bằng mộng thấy Thần Già Lam (là Thần Hộ Pháp). Thần Hộ Pháp đến cám ơn ông, và nói rằng:
“Ông làm được công đức này, con cháu nhiều đời của ông sẽ được quan chức, phú quý”.
Về sau con cháu của ông quả nhiên đều thi đâu Tiến Sĩ, ra làm quan lớn. Đây là quả báo con cháu được quý hiển, quả báo này có được từ việc tu sửa chùa chiền tự viện và tạo tượng Phật.
Chúng ta muốn hỏi: Rốt cuộc thì việc tạo tượng có công đức gì? Trường hợp của Bao Bằng trên đây là một điển hình, quả thật tạo tượng có công đức rất lớn.
Tuy nhiên công đức cần phải có đầy đủ điều kiện, nếu chỉ là tạo hình tượng Phật, Bồ Tát mà thôi, không có hoằng pháp lợi sinh, thì rất dễ khiến người khác nhìn vào nẩy sinh mê tín, như vậy tạo pho tượng này chẳng những không sản sanh công đức, mà còn khiến cho chúng sanh tạo nghiệp.
Khi nhìn vào Thánh tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng ta phải biết rằng chính mình cần phải từ bi giống như Bồ Tát Quán Thế Âm vậy, phải giúp tất cả chúng sanh đang gặp khổ nạn trên thế gian này. Vậy thì công đức tạo pho Thánh tượng này rất lớn.
Nếu như không hiểu rõ cái đạo lý này, chúng ta xem tượng Phật giống như thần linh, rồi hằng ngày đến đó đốt hương lễ lạy cầu phước, cầu tài lộc, cầu con cái, cầu thăng quan tiến chức…. đây thì là mê tín, là sai lầm hoàn toàn.
Tôi nói đến đây chắc có lẽ chư vị đã lãnh hội được phần nào, từ đây biết được trong cuộc sống hằng ngày mình cần phải tu học như thế nào mới có thể đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp.
A Di Đà Phật!
Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của pháp sư Tịnh Không!
Hoan nghinh lưu thông, công đức vô lượng!!!