Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ; nhà tối nhiều năm chỉ cần một ngọn đuốc là sáng. Chắc chắn cõi Tịnh độ không bỏ rơi người ác.
Ngô Quỳnh
Vào đời Tống có người tên Ngô Quỳnh, quê ở Lâm An. Ban đầu ông xuất gia làm tăng, nhưng sau đó lại hoàn tục. Ông kết hôn hai lần và sinh được hai người con. Ông làm nghề bán rượu thịt, không việc gì không làm.
Ông thường đứng bếp, hay giết gà, vịt v.v…, nhưng mỗi khi cầm dao lên ông đều xướng: “A-di-đà Phật! Ngươi hãy thoát khỏi thân này đi!”. Ông vừa xưng niệm danh hiệu Phật vừa xuống dao.
Mỗi khi cắt thịt, miệng ông luôn niệm Phật không dứt. Về sau, trên mắt ông nổi hai khối u như hai quả trứng gà và nó lớn rất nhanh, thật dễ sợ. Ông cất một cái thảo am rồi ở cách li với vợ con. Từ đó, ông lo niệm Phật, lễ sám không kể ngày đêm.
Đến niên hiệu Thiệu Hưng thứ 23 (1153), ông nói với mọi người rằng: “Ngày mai vào giờ Tuất tôi sẽ đi”. Nghe vậy, mọi người đều cười nhạo ông. Đến chiều tối, ông đem cái áo vải thô đổi lấy rượu uống. Uống xong, ông viết bài kệ:
Như rượu, đều không
Hỏi gì Thiền tông
Hôm nay, trân trọng!
Gió mát trăng trong.
Viết rồi, ông ngồi ngay thẳng chắp tay niệm Phật và bỗng la to: “Đức Phật đến!”, rồi ông qua đời.
Kim Thích
Vào đời Tống có người tên Kim Thích, quê ở Cối Kê, làm nghề đánh cá. Một hôm, bỗng nhiên ông tỉnh ngộ, giữ giới rất nghiêm cẩn, mỗi ngày niệm Phật cả vạn tiếng, trải qua một thời gian lâu mà không hề xao lãng.
Sau đó, ông không có bệnh nhưng nói với người nhà: “Phật A-di-đà và hai vị bồ-tát đều đã đến rước tôi. Tôi đi về Tịnh độ đây”.
Nói xong, ông đốt hương, ngồi ngay thẳng và qua đời. Người trong làng nghe có hương thơm lạ và tiếng nhạc trời kéo dài suốt ngày mà vẫn không tan.
Ghi chú của LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ:
Việc của Kim Thích so với hai ông Thiện Hòa, Chung Quỳ hoàn toàn khác. Hai người kia lúc sống tạo nghiệp, đến khi sắp qua đời mới chân thành hối cải. Còn Kim Thích biết sửa đổi lỗi lầm trước và trải qua một thời gian lâu tu tập các nghiệp thiện, cho nên phẩm vị vãng sinh chắc chắn phải hơn hai người kia.
Tổng luận
Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ; nhà tối nhiều năm chỉ cần một ngọn đuốc là sáng. Chắc chắn cõi Tịnh độ không bỏ rơi người ác.
Tuy nhiên, phải nên tỉnh ngộ, bỏ ác làm lành, mà thống thiết tự trách mình và trừng phạt lấy mình, hoàn toàn không nên ỷ lại đới nghiệp vãng sinh mà cứ an tâm làm ác để rồi trông mong vào sự may mắn.
Người làm ác ngày xưa lấy đây làm thuốc, người làm ác đời nay bám vào đây nên thành bệnh. Vì thế nên nói, người làm ác ngày xưa tuy gọi là người ác nhưng thực chất là người thiện, còn người làm ác đời nay gọi là người ác thì đúng là người ác. Ôi! Thật đáng buồn thay!
Trích: Bốn chúng vãng sanh – Đại Sư Châu Hoằng!