Tâm Hướng Phật
Nhân Quả

Ác giả ác báo là gì? Làm việc ác hại người cuối cùng lại hại mình

Ác giả ác báo là gì? Ác giả ác báo ý nói những người từng làm việc ác, có lúc sẽ gặp lại báo ứng vì những hành động sai trái của mình.

1. Ác giả ác báo là gì?

Ác giả ác báo ý nói những người từng làm việc ác, có lúc sẽ gặp lại báo ứng vì những hành động sai trái của mình. Bạn sống như thế nào thì sẽ nhận lại kết quả như thế ấy, đó là quy luật hiển nhiên.

Sống tốt thì không hẳn là luôn gặp chuyện tốt nhưng ít ra mọi chuyện xui xẻo sẽ sớm được hóa giải, còn sống ác thì chắc chắn phải gánh lại cái nghiệp mà mình đã tạo ra.

“Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, đây được xem như là một quy luật muôn đời không đổi. Có nhiều người không tin vào luật nhân quả nhưng có hàng ngàn câu chuyện chứng minh điều đó là có thật. Thậm chí, cho dù con người không phải trả giá cho những sai lầm của mình đi nữa thì chúng ta lại nỡ hại nhau làm gì? Cùng là đồng loại, là đồng bào thương nhau còn không hết mà cứ muốn hại nhau.

Đừng nói đến những chuyện như giết người, cướp của, sát sinh,…đó là những tội lỗi rành rành. Bây giờ, con người ta lại hại nhau theo một cách tinh vi và thầm lặng hơn. Thức ăn, trái cây,…được tẩm một lượng không nhỏ chất độc để tung ra thị trường mà buôn bán. Người ta vì những cái lợi trước mắt mà dần dần giết nhau trong khổ sở và bệnh tật.

Biết là hại người nhưng vẫn làm. Ngày xưa, không ăn có thể sẽ bị chết nhưng bây giờ, ăn vào có khi còn chết nhanh hơn. Vì người ta chẳng cần quan tâm ai bị hại tiếp theo, miễn mình có tiền là được. Nhưng trớ trêu thay, sai lầm của mình không đổ xuống đầu mình mà do con cái mình gánh chịu.

Sống ở đời nên lấy lương thiện làm cốt yếu, đừng suy tính hại người rồi có khi lại hại lây đến mình. Người cầm đèn trong đêm cũng hưởng được chút ánh sáng, còn ném bùn vào người khác thì chắc chắn tay mình cũng bị vấy bẩn mà thôi.

Vậy nên, cần nhất là sống đúng với đạo lý. Tâm nghĩ thiện và làm điều thiện. Những gì mà bạn làm hôm nay có thể sẽ không báo ứng trên người bạn. Nhưng rủi thay, lớp con cháu của bạn sau này phải gánh chịu món nợ nặng nề đó. Vì vậy, sống sao cho đúng với lương tâm, sống để mai này khỏi phải ân hận vì cái nghiệp mình đã từng gây tạo.

2. Làm việc ác hại người, cuối cùng là hại chính mình

Xưa nay, người đời đều khuyên dạy rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Hại người khác cuối cùng lại là hại chính bản thân mình. Tự mình làm một việc gì thì cuối cùng bản thân mình cũng đều phải chịu nhận hết.

Một người chồng ngang ngược luôn làm những việc hại người khiến mọi người trong thôn đều phải tránh xa. Một lần anh ta cùng nhóm bạn xấu nảy sinh ý định đồi bại làm hại người phụ nữ trú mưa trong ngôi miếu cổ bên sông. Không ngờ, người phụ nữ ấy lại chính là vợ của anh ta… Câu chuyện được viết trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam như sau:

Xưa kia ở trên bờ sông Thành Nam, Thương Châu, có một kẻ vô lại tên là Lữ Tứ. Thường ngày, anh ta hoành hành ngang ngược, không việc ác nào mà không dám làm khiến cho mọi người ai ai cũng đều sợ hãi.

Một hôm vào một buổi chiều tối, Lữ Tứ cùng nhóm bạn xấu đi lang thang ra bên ngoài thôn. Bỗng nhiên trở trời, tiếng sấm ầm ầm không dứt, gió mưa kéo đến.

Nhìn thấy có một người phụ nữ vội vã chạy vào ngôi miếu cổ ở bên bờ sông để trú mưa, Lữ Tứ bèn nảy sinh ý định đồi bại. Lúc này trời đã tối đen như mực, không còn nhìn rõ gì nữa. Lữ Tứ dẫn nhóm bạn vô lại của mình xông vào trong miếu, lột hết y phục của người phụ nữ kia, rồi thực hiện những hành vi vô đạo đức.

Đột nhiên một tia chớp lóe lên chiếu vào trong miếu, Lữ Tứ phát hiện người phụ nữ kia chính là vợ mình. Anh ta vô cùng tức giận, muốn mang vợ ra dìm chết ở dưới sông. Người vợ gào khóc nói rằng: “Ngươi muốn hãm hại người khác, kết quả lại làm hại chính người vợ của mình. Thiên lý rõ ràng, ngươi còn muốn giết ta ư?”

Lữ Tứ còn lời nào để nói đành đi tìm quần áo, nhưng quần áo đã bị gió thổi bay xuống sông trôi đi từ tự lúc nào. Anh ta không biết làm thế nào và cũng không còn cách nào khác, đành phải cõng người vợ không có mảnh vải che thân trở về nhà.

Lúc ấy mưa đã tạnh trời quang đãng, ánh trăng chiếu rọi, Lữ Tứ cõng vợ bị người trong thôn nhìn thấy rõ ràng. Mọi người trong thôn đều cười lớn, chen nhau chạy đến hỏi họ xem đã xảy ra chuyện gì. Lữ Tữ quá xấu hổ và nhục nhã nên cuối cùng đã nhảy xuống sông tự tử.

Nguyên lai là vợ của Lữ Tứ về nhà mẹ đẻ, định ở đó tròn một tháng mới rồi mới về. Không ngờ nhà mẹ đẻ của cô đột nhiên bị cháy, không có chỗ ở, cho nên phải trở về sớm dự định. Trên đường về thì lại xảy ra chuyện không hay như vậy.

Sau này, người vợ trong một đêm nằm ngủ đã mơ thấy gặp lại chồng, anh ta nói với cô rằng: “Tội nghiệp của ta vô cùng to lớn, đáng ra phải bị vào địa ngục Nê Lê, vĩnh viễn không được siêu sinh nữa. Nhưng các quan dưới âm phủ xét lại lời nói hành động trong cả một đời của ta, thấy rằng ta tận hiếu phụng dưỡng mẹ đẻ, làm tròn bổn phận người con, nên cho ta làm thân rắn, bây giờ ta phải đi đầu thai rồi! Người chồng sau của nàng không lâu nữa sẽ đến với nàng. Nàng nhớ phải phụng dưỡng cha mẹ chồng mới cho tốt. Luật dưới âm phủ xét tội bất hiếu là tội nặng nhất. Đừng tự mình nhảy vào vạc dầu sôi nơi âm phủ!”

Ngày vợ Lữ Tứ tái giá, cô nhìn thấy ở trên vách của góc phòng có một con rắn đỏ cúi đầu xuống nhìn với dáng vẻ quyến luyến không muốn rời đi. Bấy giờ, cô mới nghĩ lại giấc mơ hôm trước của mình và trong lòng nghĩ rằng đó là Lữ Tứ. Lúc này, bên ngoài cửa vọng vào tiếng nhạc rước dâu, con rắn kia từ trên nhảy xuống rồi nhanh chóng bò đi.

3. Truyện cổ Phật giáo: Một lời ác ý, trăm năm chịu khổ

Người xưa có câu “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”, chỉ một lời nói không hay cũng có thể khiến con người phải chịu quả báo. Câu chuyện Phật giáo về khẩu nghiệp dưới đây sẽ khiến bạn phải cẩn trọng hơn trong từng lời nói của mình.

Có một người xuất gia từ giáo pháp của Như Lai, hay luyện tập thiền định. Một lần, ông ta đi tới thôn nhỏ, nghỉ lại qua đêm ở một ngôi chùa.

Đêm đầu tiên, ông ta ngồi tĩnh tâm như thường hay làm, chuẩn bị tiến vào trạng thái định. Tuy nhiên, lúc này các vị sư trong chùa bắt đầu tụng kinh, khiến tâm của ông không thể an định, liền nghĩ: “Hôm nay thiền định vào giữa đêm thôi!”. Đến giữa đêm, các nhà sư vẫn tụng kinh, ông lại nghĩ: “Để gần sáng bắt đầu vậy!”

Gần sáng, ông ngồi xếp bằng tâm gần tiến vào thế thiền định, các nhà sư lại lớn tiếng tụng kinh. Bởi vì không đạt được nguyện vọng của mình, trong lòng khó chịu, lần này ông ta giận dữ đến mức nói: “Nhà sư trong giáo pháp Như Lai này từ sáng đến tối kêu như ếch”. Vì lời này mà sau khi mất, ông ta chuyển kiếp biến thành con ếch xanh.

Phật dạy hai đại bi kịch của con người sẽ đẩy họ tới khổ đau và tuyệt vọng. Đó là chiếm được thứ mình muốn và không chiếm được thứ mình muốn.

Chú ếch ngụ gần nhà một người chăn gia súc có tên là Hoan Hỷ, sống cách Phật không xa, nghe tiếng Phật Đà giảng pháp, ông ta liền chống gậy đứng nghiêm nghe lời Phật dạy. Lúc này, chú ếch do người xuất gia chuyển kiếp đang ngồi bên bờ sông, bị chiếc gậy của người chăn gia súc không may chống lên lưng.

Mặc dù rất đau, nhưng chú ếch xanh rất thiện lương nghĩ rằng: “Nếu mình kêu ra tiếng, nhất định làm cho tâm người chăn gia súc hoảng hốt, ảnh hưởng đến việc nghe Phật pháp của ông ta”. Thế nên, cứ chịu đau, còn thể hiện tấm lòng thanh tịnh của mình với Thích Ca. Vì vậy mà sau khi chết được cư ngụ trong thiên cung của Tứ đại thiên vương.

Câu chuyện Phật giáo về khẩu nghiệp không dài, không ngắn, đủ để nhắn nhủ tất cả. Vì nói lời không hay về tiếng tụng kinh của các đệ tử Như Lai đã tạo nên nghiệp chướng, trong 500 kiếp phải rơi vào thân phận của một chú ếch. Sau này, bởi vì thể hiện tấm lòng thanh tịnh của mình, nên mới được giải thoát khỏi thân kiếp ếch mà được sinh ra tại Tứ đại thiên vương.

Người xuất gia từng được rèn luyện các hành vi giáo pháp của Như Lai, thế nên mới nhận ra được chân lý. Ta thường nói ác giả ác báo, thiện giả thiện lai, vậy nên cần phải tránh điều ác, tu tâm dưỡng tính làm điều thiện. Giải trừ khẩu nghiệp, trăm sự đều lành.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Thọ mạng của chúng sanh trong sáu cõi là do nghiệp lực làm chủ

Định Tuệ

Tạo tội khẩu nghiệp phải chịu khổ báo dài trong địa ngục

Định Tuệ

Chuyện nhân quả: Người ăn mày và Đức Phật

Định Tuệ

Nhân nào quả nấy – Báo ứng hiện đời tập 1

Định Tuệ

Có nên cả nể sếp và đồng nghiệp mà sát sinh, ăn nhậu không?

Định Tuệ

Vợ chồng thường bất hòa, đánh nhau… bởi ân oán từ kiếp trước

Định Tuệ

Cuộc sống bế tắc của kiều nữ chuyên cặp đại gia được cứu giúp và thức tỉnh nhờ Phật Pháp

Định Tuệ

Khuyên người không nên đánh rắn – An Sĩ Toàn Thư

Định Tuệ

Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều là nhà sư?

Định Tuệ

Viết Bình Luận