Nhờ vào hai pháp môn này, chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và có được sự an lạc rốt ráo, đạt được kết quả chứng ngộ Phật tánh.
Vì lợi ích cho chúng sinh đời này và đời vị lai. Đức Phật mở bày hai pháp môn: Bình đẳng là pháp “thật” và pháp môn phương tiện là pháp “quyền.” Pháp quyền thì không thực, chỉ dùng tạm thời và không thường xuyên. Còn pháp thật thì chân thực và không bao giờ biến đổi. Đó là hai pháp quyền và thật. Có thể minh họa hai pháp đó bằng câu chuyện sau đây:
Một hôm Đức Phật thấy một đứa bé đang chập chững đi về hướng một cái giếng, chỉ còn một chút xíu nữa là rơi xuống nước, chắc chắn nó sẽ chết đuối trước khi người lớn đến cứu được. Đức Phật biết nếu Ngài gọi đứa bé quay trở lui chưa chắc nó đã nghe lời, mà vẫn cứ đi. Thay vì vậy nên Ngài nói: “Trong tay Như Lai có cây kẹo, hãy trở lui nhanh, Như Lai sẽ cho con cây kẹo ấy.”
Khi đứa bé nghe nói được cho kẹo để ăn, liền quay trở lại. Thực ra chẳng có gì trong tay Đức Phật cả. Nhưng Đức Phật có nói dối không? Ngài có đánh lừa đứa bé không? Không. Đứa bé gần như sắp rơi xuống giếng. Nếu Đức Phật không thuyết phục đứa bé bằng cách như thế để khiến nó quay lui tức khắc thì nó sẽ bị chết đuối. Nên Đức Phật đã nắm bàn tay lại và bảo rằng có kẹo ở trong ấy. Đứa bé đến với Ngài chỉ vì muốn ăn kẹo.
Pháp quyền được dùng để giáo hóa chúng sinh. Vốn là chẳng có gì cả, nhưng Đức Phật lại khéo léo nói với mọi chúng sinh rằng:
“Như Lai có một kho báu, hãy đến đây, Như Lai sẽ cho quý vị một viên ngọc minh châu vô giá và các thứ trân quý khác…” Vốn chúng sanh còn nhiều tâm tham nên họ liền đến với Như Lai để được giáo hóa, được món lợi. Nên chúng sinh được thuyết phục bằng pháp môn phương tiện. Đó là pháp quyền, là phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng hữu tình.
Pháp bình đẳng – pháp thật, và pháp phương tiện – pháp quyền đều được dùng để giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm. Nhờ vào hai pháp môn này, chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và có được sự an lạc rốt ráo, đạt được kết quả chứng ngộ Phật tánh.
Hai pháp này đều làm lợi lạc cho mọi chúng sinh đời này và đời sau. Đời “hiện tại” ở đây có thể là thời Đức Phật giáo hóa, cũng có thể là thời bây giờ. Chúng sinh trong đời hiện tại và vị lai đều có được sự lợi lạc và được thăng hoa nhờ giáo pháp ấy. Khiến cho chúng sinh hiểu được ý nghĩa và sự lợi ích của hai pháp quyền và thật cho chúng sinh đời nay và đời sau là mục đích cuối cùng trong sáu duyên khởi của giáo lý Như Lai.
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 1, phần Mở bày hai pháp môn!