Tâm Hướng Phật
Lời Phật Dạy

Phúc đức từ đâu mà tới? 6 loại phúc đức Đức Phật luôn vun bồi

Phúc đức từ đâu mà tới? Phật dậy Phúc phải do chính mình tạo nên chứ không thể cầu mà có. Làm phước thì được phước, cầu phước thì không có phước.

1. Phúc đức từ đâu mà tới?

Trên báo chí thường thuật lại nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra nhưng vẫn có người sống sót hay không hề hấn gì, trong khi tất cả những người chung quanh đều chết hay bị thương nặng. Nhiều người cho đó là may mắn, hay “Phúc đức ông bà để lại”, hay nói cách khác là … “Phúc 70 đời”.

Theo đạo Phật, không có sự may mắn ngẫu nhiên, vì nếu có thì làm sao giải thích tại sao may mắn đến với người này mà không đến với người kế bên, cũng không chắc là do “phước đức ông bà để lại” vì nếu nhìn lại cuộc đời ông bà cha mẹ tổ tiên của mình, nhiều khi cuộc đời của họ thật khốn khổ bất hạnh, phước của họ không đủ đem lại cho họ chút sung sướng hạnh phúc nào, lấy gì họ để lại cho con cháu về sau dùng… nó cũng như tiền bạc gia sản… chỉ khác nhau hữu hình và vô hình thôi.

Chỉ có duy nhất phước đức chính bản thân mình tích tụ từ bao đời trước, như một cái mền bông khổng lồ bao bọc lấy mình khi hoạn nạn ập tới trong cuộc đời, như thuyền to giữa biển, như áo lạnh cực tốt giữa cơn bão tuyết.. hay áo giáp sắt che kín thân trước cung tên giáo mác đạn dược đang phóng tứ tung.

Hoạn nạn từ bên ngoài tới là do những ác nghiệp mình tạo ra đời trước hay đời này, đáo hạn thì nó tới không gì ngăn cản nó được, không tránh đâu thoát nó được, cách duy nhất là hứng chịu… vấn đề là hứng chịu với cái áo giáp phước đức dầy hay mỏng, lành lặn hay rách nát thôi

Vậy làm sao tạo được chiếc áo giáp vạn năng này? Phật dậy Phúc phải do chính mình tạo nên chứ không thể cầu mà có.

Làm phước thì được phước, cầu phước thì không có phước. Giống như kiến thức phải học mới có, sự no bụng phải ăn mới được chứ không thể cầu xin phép lạ từ ai.

Làm phước là làm những việc nhắm vào sự lợi ích của người khác, dẫu mình không huê hưởng hay thậm chí phải chịu hy sinh, thiệt thòi về thời gian công sức của cải..

Nguyên tắc thật đơn giản nhưng chính xác không hề sai chạy mảy may.

Một việc làm như vậy dẫu nhỏ bé đến mấy cũng sinh phước, còn chỉ nhắm cho lợi ích bản thân thì dẫu tốn kém bao nhiêu cũng không mảy may sinh ra chút phước nào.

Người kém phước dẫu ở giữa người thân thuộc quen biết, cũng vẫn phải vất vả khó nhọc tự lo mọi việc, có cần giúp đỡ cũng phải kêu cầu nhưng cũng chẳng được vừa ý bởi trong quá khứ, ngay những người thân này cũng chưa được mình giúp đỡ nên đời này họ không có ý muốn báo đáp.

Người có phước dẫu một mình ở nơi xa lạ trong hoàn cảnh nào cũng được giúp đỡ tận tình và không gặp khó khăn, được che chở bảo bọc an toàn trong hoạn nạn, hay ở giữa kẻ thù. Như trong kinh Pháp cú đã dạy:

“Nay vui, đời sau vui
Làm Phước hai đời vui
Người ấy vui, an vui
Thấy nghiệp tịnh mình làm”.

2. 6 loại phúc đức Đức Phật luôn vun bồi

Ai cũng biết Đức Thế Tôn là bậc Phước trí nhị nghiêm, viên mãn phước đức và trí tuệ. Ấy vậy mà suốt cả cuộc đời, Ngài vẫn tiếp tục vun bồi phước đức không khi nào ngừng nghỉ. Từ việc lớn cho đến việc nhỏ, nhỏ như xâu kim giúp người, Đức Thế Tôn vẫn không nề hà giúp mọi người.

Khi Tôn giả A-na-luật bị mù, không xâu kim để vá y được, Đức Phật đã đến giúp khiến cho đệ tử của ngài là A-na-luật phải ngỡ ngàng cảm động.

Chuyện kể rằng:

“Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Rồi sau A-na-luật vá y phục cũ. Khi ấy mắt đã bị hư và đắc thiên nhãn không có tì vết. A-na-luật dùng pháp thường mà vá y áo, nhưng không thể xâu chỉ qua lỗ kim được. Khi ấy A-na-luật liền nghĩ: “Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi”.

Bấy giờ Thế Tôn dùng thiên nhĩ thanh tịnh nghe được âm thanh này: “Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi”. Đức Thế Tôn bèn đến chỗ A-na-luật mà bảo:

– Thầy đưa kim đây Ta xâu cho.

A-na-luật bạch Phật:

– Vừa rồi con gọi các vị muốn cầu phước ở thế gian xâu kim cho con.

Thế Tôn bảo:

– Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta. Như Lai đối với sáu pháp không chán bỏ. Những gì là sáu? Thí; dạy dỗ; nhẫn; nói pháp, nói nghĩa; bảo hộ chúng sanh; cầu đạo Vô thượng Chánh chân. Này A-na-luật! Đó là sáu điều Như Lai không hề chán bỏ.

A-na-luật thưa:

– Thân Như Lai là thân của Chân pháp, lại còn muốn cầu pháp nào nữa? Như Lai đã qua khỏi biển sanh tử, lại thoát khỏi ái trước, và nay cố cầu làm phước.

Thế Tôn bảo:

– Đúng thế, A-na-luật. Đúng như lời thầy nói. Như Lai cũng biết sáu pháp này không chán đủ.

Nếu chúng sanh biết nguồn cội của tội ác do thân, miệng, ý tạo thì hoàn toàn không đọa trong ba đường ác.

Vì chúng sanh chẳng biết nguồn gốc tội phước nên đọa trong ba đường ác.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Các sức mạnh thế gian
Dạo ở trong Trời, Người
Phước lực là hơn hết
Do phước thành Phật đạo.

Thế nên, A-na-luật! Nên cầu phương tiện được sáu pháp này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm”.

Trích Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm 38!

3. Lời Phật dạy về cách tạo dựng phúc đức cho sinh mệnh con người

Làm người nếu biết lấy đức làm gốc rễ ấy là bậc minh trí, bởi đức hạnh chính là đại biểu cho kết quả hàm dưỡng của một người. Nếu một người không ngừng tu tâm tích đức ắt sẽ gia tăng trí huệ, ngộ đạo nhân sinh, tìm được chân lý và hạnh phúc viên mãn cho chính mình.

Mỗi người cần biết “tu hành”

“Tu” nghĩa là sửa, tìm ra cái sai, cái chưa tốt chưa thiện của mình để sửa cho đúng hơn, tốt hơn, thiện hơn. Khi đã sửa được tốt hơn, thiện hơn thì đã lên cảnh giới tầng thứ cao hơn, lại nhìn lại mình, phát hiện ra điều mình vẫn chưa đúng, chưa tốt, chưa thiện rồi lại sửa tiếp. Một quá trình liên tục như vậy sẽ liên tục nâng cao đạo đức, phẩm hạnh cá nhân.

Còn “hành” nghĩa là thực hành, hành động. Sau khi sửa mình cho đúng cho tốt thì áp dụng vào thực tế, vào mối quan hệ với mọi người, để xem cái mình cho là tốt, là đẹp, là thiện, là đúng đó có được mọi người chấp nhận, đồng tình không, có làm tổn hại người khác không, từ đó mà điều chỉnh, sửa đổi, quay lại tu thân. Hành cũng là để kiểm nghiệm xem mình đã tu sửa vững chắc chưa, trước những mâu thuẫn về quan hệ, lợi ích, danh tiếng, những cái xấu của mình còn tái phạm không.

Do đó tu hành là tự xem xét bản thân. Để xem xét bản thân chính xác thì cần lắng lòng, để tâm bình khí hòa rồi nhìn lại mình, xem bao nhiêu thói quen của mình có các loại cố chấp, có các chủng thiên kiến không, có nóng vội, có khoe khoang khoa trương không, có gì giả dối khó nói ra không, còn có rất nhiều những hạn chế mà chưa dám thừa nhận. Cái gốc làm người là tu thân, tự xem xét bản thân là tu hành.

Càng khó mới càng cần tu hành

Vẫn có những câu chuyện các cặp vợ chồng từ khi kết tóc xe tơ, vẫn thủy chung, phu thê hòa thuận, cầm sắt hòa minh, không hề cãi nhau bao giờ. Những cặp vợ chồng như thế này khiến mọi người ngưỡng mộ. Nhưng những cặp đôi thế này vô cùng hiếm gặp, chỉ là những trường hợp cá biệt mà thôi.

Còn các cặp vợ chồng bình thường, phần lớn là qua tháng trăng mật, có khi chỉ qua vài ngày là bắt đầu nảy sinh xung đột. Đầu tiên là bất đồng trong tư tưởng, trong cách suy nghĩ, lối sống, dần dần biến thành cãi nhau nảy lửa, rồi chiến tranh lạnh, nhiều ngày không ai nói với ai lời nào.

Vợ chồng chung sống hòa thuận xưa nay vốn là việc khó. Vì sự khác biệt giữa nam và nữ giống như sự khác biệt giữa trời với đất. Bối cảnh gia đình và thói quen sống của hai người vốn cũng khác nhau, khó mà dung hòa. Hai bên cũng có những quan điểm cố chấp, thiên kiến khác nhau, cũng chẳng người nào chịu người nào. Xã hội hiện đại cũng khiến tâm hồn con người xơ cứng, đã mất đi tính nhẫn nại, ôn hòa, khiến cho quan hệ vợ chồng trong gia đình dễ bị tổn thương.

Xã hội hiện đại càng ngày càng đề cao cái tôi, đề cao cá tính, vô hình trung đã đẩy sự khác biệt trên của hai vợ chồng về hai thái cực. Mâu thuẫn được đẩy cao lên, cái tôi được bùng nổ ra, như hai trái bóng bơm căng, va chạm nhẹ là nảy bật lên càng xa nhau hơn. Quan hệ càng thêm căng thẳng, không ai chịu nhường ai, ắt sẽ dẫn đến đấu khẩu, chiến tranh lạnh, và ly dị.

Phật dạy 3 cách bố thí để tạo phúc phận cho đời mình

Đức Phật dạy có 3 loại bố thí chúng ta có thể thực hiện: Bố thí tài, bố thí Pháp, bố thí vô úy.

  1. Bố thí tài: Chính là dùng tiền bạc, tài chính cứu giúp những người khó khăn, nghèo khổ.
  2. Bố thí Pháp: Chính là khuyến thiện để chúng sinh học Phật pháp, giảng pháp cho mọi người, dùng thiện niệm để cứu độ, giúp chúng sinh tin Thần Phật.
  3. Bố thí vô úy: Nói một cách đơn giản chính là ăn chay, giới cấm không sát sinh…

Nếu thực sự thực hiện được một cách chân chính ba loại bố thí này thì chính là bạn đang gieo trồng nhân thiện duyên vô cùng to lớn.

Khi hiểu được cần bố thí như thế nào đó chính là “tu phúc”. Cho dù trong đời này bạn không thấy được kết quả nhưng tương lai chắc chắn sẽ được phúc báo tốt lành. Tuy nhiên có một nguyên tắc rất quan trọng trong khi bố thí chính là bố thí trong phạm vi năng lực của bản thân mình.

Có một số người bản thân không có tiền liền đi mượn tiền để giúp đỡ người khác. Phật có dạy bạn công đức trong khả năng làm được của mình, không làm được thì không cần miễn cưỡng. Ngoài ra còn một điểm rất quan trọng khác là: Sự bố thí thật sự không phải ở số lượng nhiều hay ít mà là xuất phát từ tâm của bạn. Nếu tâm bạn chân thành vui vẻ khi bố thí cho người thì rất tự nhiên sẽ tích được phúc báo rất lớn.

Trong cuộc sống số phận cuộc đời mỗi người không ai là giống nhau, có kẻ giàu, có người nghèo khó, lại có những kẻ túng quẫn đến manh áo che thân cũng không lo nổi. Thế nhưng không vì thế mà việc bố thí bị ngăn trở. Bố thí không chỉ bằng vật chất là cho đi, mà bố thí còn có nghĩa là buông bỏ…

Ngay cả lúc tay không, ta vẫn có thể bố thí. Có khi chỉ là một nụ cười nho nhỏ, lời hỏi thăm sức khỏe hay một tiếng chào thân ái. Như vậy đều đã là bố thí, đều đã tạo một cơ sở phúc báo cho chính mình vậy.

Trích: phatgiao.org.vn!

Bài viết cùng chuyên mục

Kinh Pháp Hoa: Phẩm An Lạc Hạnh thứ mười bốn

Định Tuệ

Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy về Pháp môn niệm Phật

Định Tuệ

Kinh Hoa Nghiêm tập 24: Phẩm Đâu Suất Kệ Tán thứ hai mươi bốn

Định Tuệ

Phẩm thứ mười tám: Xuất gia công đức – Hiền Ngu Nhân Duyên Kinh

Định Tuệ

Kinh Pháp Hoa: Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự thứ 23

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ phẩm thứ 18: Siêu thế hy hữu

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ mười: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí

Định Tuệ

Kinh Địa Tạng phẩm thứ bảy: Lợi ích cả kẻ còn người mất

Định Tuệ

Bồ Đề Tâm là gì? Ý nghĩa và lợi ích của việc phát Tâm Bồ Đề

Định Tuệ

Viết Bình Luận