Người Phật tử khi chọn nghề mưu sinh cần tránh xa những nghề tà mạng, vì những nghề này không mang đến lợi ích lâu dài.
Trong cuộc sống, có khá nhiều cách để kiếm tiền sinh sống, nhưng ở đây, Phật giáo muốn đề cập đến những nghề nghiệp chính đáng, hợp pháp, không làm tổn hại cho người và vật, nghề đó được gọi là nghề nghiệp chân chính.
Hầu như những bản kinh thuộc về Phật giáo Nguyên thủy có nội dung đề cập đến nghề nghiệp là phương tiện làm việc để sinh sống, nhằm mục đích nuôi sống bản thân và gia đình của người cư sĩ tại gia.
Chánh nghiệp là nghề nghiệp và hành động chân chính. Nghề nghiệp chân chính sẽ đem lại lợi ích chính đáng cho mình và người.
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
– Này các Tỷ kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỷ kheo, có năm nghề buôn bán mà người cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm?
– Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc. Năm nghề buôn bán này, này các Tỷ kheo, người cư sĩ không nên làm”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.646)
Lời bàn:
Thời đại của Thế Tôn (cách nay 26 thế kỷ), Ngài đã chế định cho hàng Phật tử có năm nghề tà mạng: “Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc” là những nghề mưu sinh bất chính, không nên làm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những lời dạy của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị, lợi ích lâu dài cho những ai tin phục, vâng làm.
Tuy nhiên, 26 thế kỷ đã trôi qua, xã hội loài người có nhiều phát triển và tiến bộ không ngừng. Những nghề tà mạng mà Đức Phật đã quy định cần được hiểu rộng hơn, đa dạng hơn, nhằm giúp cho người Phật tử hiểu chính xác lời Phật dạy hơn để tránh không mưu sinh bằng nghề tà mạng.
1. Không buôn bán đao kiếm:
Nghề thứ nhất trong 5 nghề đức Phật đề cập là, cấm người Phật tử không được buôn bán đao kiếm, nói cho đầy đủ là gồm cả súng đạn, những binh khí dùng trong chiến tranh để giết hại lẫn nhau.
2. Không buôn bán người:
Nghề thứ hai mà đức Phật cấm người Phật tử không được làm là buôn bán con người. Nghề này có lẽ ở xã hội phong kiến xa xưa, khi chưa có chính sách luật pháp bảo vệ nhân quyền, nên tình trạng buôn người phổ biến, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Ngày nay, tình trạng này vẫn còn, việc mua bán phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng không công khai mà chỉ bằng nhiều hình thức dụ dỗ, lừa đảo, lời dụng lòng tham của con người.
3. Không buôn bán thịt:
Nghề thứ ba mà đức Phật cấm là buôn bán các loài súc sinh, một là trực tiếp giết mổ, hai là xúi bảo người khác giết, ba là vui vẻ khi thấy người khác giết. Nhân giết hại dẫn đến quả báo ân oán, hận thù, giết hại lẫn nhau không có ngày thôi dứt.
Người giết người, người giết vật, vật giết người, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, nên thế giới chúng ta lúc nào cũng xảy ra chiến tranh, binh đao, tàn sát, giết hại theo quy luật nhân quả vay trả.
4. Không buôn bán rượu:
Ngày nay, “rượu” được hiểu là những cất gây say-nghiện. Bao gồm: Rượu, bia, các loại thức uống có cồn, các chất ma túy, các loại thuốc kích thích khiến mất tự chủ, gây say nghiện.
5. Không buôn bán thuốc độc:
Cụm từ này, ngày xưa là các loại độc dùng để hạ độc con người. Ngày nay, thuốc độc còn bao gồm các hóa chất diệt côn trùng, thuốc bảo vệ thực vật.
Người Phật tử khi chọn nghề mưu sinh cần tránh xa những nghề tà mạng này, vì không mang đến lợi ích lâu dài.
Tâm Hướng Phật/St!