Tâm Hướng Phật
Nghi Thức

Bài cúng giao thừa năm 2023 đúng theo chánh pháp

Cúng giao thừa là phong tục, tập quán của nhân dân ta từ xưa đến nay trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Dưới đây là bài cúng giao thừa theo chánh pháp.

1. Giao Thừa là gì?

“Cúng giao thừa, cúng ông bà, chào tân niên”, gọi chung là lễ Trừ tịch hay lễ Giao thừa, có ý nghĩa lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này, có lễ Trừ tịch.

Lễ Trừ tịch của người Việt Nam không khác người Trung Hoa, là một lễ diệt trừ ma quỷ, phá tan sự u tối. Phong tục Trung Hoa xưa vào ngày Trừ tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc chín mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, do đó có danh từ Trừ tịch. Lễ Trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ Giao thừa.

Tại các chùa cũng có cúng lễ giao thừa, chưng dọn những lễ vật và đồ chay, đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh lễ rước vía Đức Di Lặc Tôn Phật vào lúc 23:30 giờ. Ở các tư gia xưa thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố không có sân, cũng chưng dọn một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra nơi phòng khách với mâm lễ vật, có đủ hương đăng hoa quả, bánh mứt ngày tết, tiễn đưa năm cũ qua đi, đón chào năm mới đến.

Người Việt Nam trong đêm Giao thừa, sau khi lễ tổ tiên, mừng ông bà cha mẹ hiện tiền xong, còn có những tục lễ riêng cho tới ngày nay từ thôn quê đến thành thị đa phần vẫn còn gìn giữ, như đi chùa lễ Phật, viếng đình, đền, xin hướng xuất hành, hái lộc. “HT. Thích Giác Quang”!

2. Bài cúng giao thừa năm 2023 đúng theo chánh pháp

Cúng giao thừa là phong tục, tập quán của nhân dân ta từ xưa đến nay trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Với bài cúng giao thừa do chùa Ba Vàng soạn thảo, dựa vào lời Đức Phật dạy dưới đây, quý Phật tử và các bạn có thể tham khảo áp dụng, thực hành để nghi thức cúng lễ được đúng Pháp và sinh ra công đức phúc báu cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)…

A. Hướng Dẫn Cúng Lễ Giao Thừa

Sắm Lễ – Bày Lễ

Sắm Lễ: Hương, hoa, nước trà, quả, thực.

– Hương: Các loại hương đốt có hương thơm hoặc nếu không dùng hương đốt thì hướng tâm thành cúng lễ (hương tâm)

– Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).

– Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh.

– Quả: Số lượng tùy ý không kiêng kị 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị (tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).

– Thực: Hiến cúng Phật bày lễ một bát cơm và một cốc nước. Hiến cúng chư Thiên, chư Thần bày lễ một bát cơm và một cốc nước chè. Hiến cúng gia tiên có cơm chay, nếu không có đồ chay thì làm một mâm cơm chay đơn giản bao gồm các đồ thức ăn từ rau củ quả, không có thịt của chúng sinh.

Cách Bày Lễ

– Trước bát hương thờ Phật: quả, một bát cơm, một cốc nước. (Nếu gia đình chưa có bàn thờ Phật thì không sắm lễ cúng Phật, nhưng vẫn đọc phần cúng Phật, khi đọc thì hướng tâm tới Phật, nguyện dâng tất cả lễ đã sắm để cúng Phật, rồi thừa lộc Phật, vẫn hiến cúng được cho chư Thiên, chư Thần và các vong linh).

– Trước bát hương thờ thần linh (chư Thiên, chư Thần, thổ công, thần đất…): quả, một bát cơm, một cốc nước.

– Trước bát hương thờ gia tiên: quả, một mâm cơm hoặc một bát cơm, một cốc nước và một cốc sữa.

Tâm Khi Cúng Lễ

Dùng ba tâm kính Phật, trọng Thần, hiếu nghĩa với tổ tiên. Biết ơn Phật đã ban bố chỉ dạy pháp diệt khổ cho chúng sinh. Biết ơn và tôn trọng các vị chư Thiên, Thiện Thần đã ủng hộ cho mình làm các việc thiện. Biết ơn tổ tiên, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục chúng ta, đã tạo duyên cho chúng ta có họ hàng anh em con cái. Khi cúng lễ với nguồn tâm này, thì gia đình sẽ được gia tăng phúc báu và cảm ứng được với thế giới tâm linh.

Pháp Khí

Tùy duyên có/không dùng pháp khí: chuông, mõ, khánh.

Lưu ý: Các đàn cúng lễ không sát sinh, không đốt tiền vàng, mã, giấy sớ.

B. Nghi Thức Cúng Lễ Giao Thừa

1. Nguyện Hương
(Quỳ dâng hương hoặc cắm hương trước. Thực hiện 1 trong 2 văn nguyện hương dưới đây)

a. Dùng hương đốt, hương trầm,…

Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương C
úng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

b. Dùng tâm hương

Nguyện ý thành, tâm kính
Biến mãn khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 chuông)

2. Văn Khấn Giao Thừa
(Quỳ gối, chắp tay)

Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con/chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh và gia hộ cho con/chúng con. Con/chúng con xin thỉnh chư Thiên, chư Thần Linh cư ngụ tại nơi đất (ở của gia đình; cơ quan; cửa hàng)…, chứng giám lòng thành và ủng hộ cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con.

Đệ tử con tên là:… Pháp danh (nếu có):… ở tại địa chỉ:… (Nếu ở trọ thì đọc thêm: và hiện tại đang ở trọ tại…)

Giờ khắc giao thừa năm… sắp (đã) tới, con/chúng con xin nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh, độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, xin thỉnh mời

+ Cúng tại nhà: vong linh các cụ gia tiên tiền tổ họ… hợp duyên, [các vong linh thai nhi của (tên mẹ)… (nếu có)]…

(Tiếp)

các vong linh có duyên tại nơi đất (ở của gia đình; cơ quan; cửa hàng…)…, vong linh oan gia trái chủ có duyên oán kết đang báo oán (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con, được về đây thọ tài ẩm thực hiến cúng của (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con (nếu tụng kinh thì đọc thêm: nghe kinh thính pháp cầu giác ngộ giải thoát) và được hoan hỷ trong thời khắc sang canh đón mừng năm mới này.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

3. Lễ Tán Phật
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ. (1 chuông)

Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 chuông. 1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (3 chuông. 1 lễ)

4. Tán Pháp
(Ngồi; khai chuông mõ. Nếu không có thời gian tụng kinh thì bỏ qua phần này.)

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chân Đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần. 3 chuông)

5. Tụng Kinh
(Ngồi, pháp khí: mõ. Nếu không có thời gian tụng kinh thì bỏ qua phần này.)

Bài Kinh: Điềm Lành Tối Thượng

Chính tôi được nghe như vầy: Một thời, Thế Tôn trú tại nước Xá Vệ (Sàvatthi), ở tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), khu vườn ông Cấp Cô Độc (Anàthapindika). Rồi một Thiên tử, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng, đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ xong liền đứng sang một bên cung kính bạch Đức Thế Tôn với bài kệ:

Nhiều Thiên tử và người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Để sống đời an lạc,
Xin Ngài hãy nói lên,
Về điềm lành tối thượng.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

1. Không thân cận kẻ ngu,
Nên gần gũi bậc Trí,
Tôn kính người Hiền Thiện,
Là điềm lành tối thượng.

2. Sống trong môi trường tốt,
Để tạo tác nhân lành,
Chân chính hướng thiện tâm,
Là điềm lành tối thượng.

3. Lắng nghe siêng học hỏi,
Chăm chỉ huấn luyện nghề,
Nói những lời chân thật,
Là điềm lành tối thượng.

4. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Yêu thương gia đình mình,
Làm những nghề lành thiện,
Là điềm lành tối thượng.

5. Bố thí, làm việc thiện,
Săn sóc tới bà con,
Không làm các việc ác,
Là điềm lành tối thượng.

6. Chấm dứt các tội lỗi,
Không đam mê nghiện ngập,
Tinh cần làm việc tốt,
Là điềm lành tối thượng.

7. Luôn khiêm cung lễ độ,
Biết đủ và biết ơn,
Luôn nghe giảng Chính Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

8. Kiên nhẫn để phục thiện,
Thường đến gặp chư Tăng,
Đàm luận và thỉnh Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

9. Mong cầu tăng trí tuệ:
Khổ này do nhân gì?
Cách diệt khổ ra sao?
Tìm hiểu Tứ Thánh Đế,
Là điềm lành tối thượng.

10. Khi xúc chạm việc đời,
Do được hiểu, không sầu,
An nhiên, không phiền não,
Là điềm lành tối thượng.

Đức Thế Tôn lại dạy:
Ai sống được như thế,
Không chỗ nào thất bại,
Đến đâu cũng an lành,
Luôn luôn được hạnh phúc.
Vị Thiên tử nghe xong,
Đảnh lễ Đức Thế Tôn
Và hoan hỉ phụng hành.

6. Cúng Thực

a. Văn bạch
(Quỳ gối, chắp tay)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con/chúng con kính thỉnh chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng gia hộ, chư Thiên, chư Thần Linh ủng hộ, chư vong linh phù hộ cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con luôn làm được mười điều lành, như Đức Phật dạy trong bài kinh “Điềm Lành Tối Thượng” để con/chúng con có được hạnh phúc.

Nhân dịp sang canh năm mới… (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con xin làm điều lành, thực hành Pháp bố thí cúng dường, thành tâm sắm sửa vật thực, dâng lên cúng dường:

Trường hợp trên mâm cúng có thịt từ việc sát hại chúng sinh thì đọc: Nhân duyên (gia đình; nhân viên cơ quan; cửa hàng)… chưa hiểu Phật Pháp nên có sát hại chúng sinh để cúng lễ trong đàn lễ này, con/chúng con xin bạch không dâng cúng các phần thịt chúng sinh đó. Con/chúng con xin bạch chỉ dâng cúng vật thực từ rau củ quả và vật thực từ tam tịnh nhục.
(Tiếp)

Thượng: Xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.

Trung: Xin dâng lên cúng dường chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh.

Hạ: Xin dâng cúng cho chư Thiên, chư Thần Linh tại nơi đây.

Sau: Xin hiến cúng cho tất cả vong linh mà con/chúng con đã thỉnh mời. Nguyện trong giờ khắc sang canh năm mới, các vong linh được nương sự hiến cúng trong đàn lễ cúng này của con/chúng con mà được thọ thực no đủ, khởi tâm hoan hỷ, hộ trì cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông)

b. Tụng thần chú cúng thực
(Ngồi, pháp khí: mõ)

Biến thực chân ngôn: Nam mô tát phạ đát tha, nga đá phả rô chỉ đế, ám tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7 lần. 1 chuông)

Biến thủy chân ngôn: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần. 1 chuông)

Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần. 3 chuông)

Nguyện cho các vong linh
Được thọ thực no đủ
Nghe kinh giác ngộ Pháp
Sinh lòng kính tín Phật
Nương tựa nơi Tam Bảo
Tu hành cầu thoát khổ

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 vái)

7. Phát Nguyện Bồ Đề
(Quỳ)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thỉnh các chúng đã lãnh thọ phước báu, vật thực tại đàn lễ này, cùng con/chúng con xin tùy hỷ với công hạnh Bồ Đề:

“Phát tâm Bồ Đề
Hộ trì Tam Bảo
Chuyển tải Phật pháp
Rộng khắp thế gian” (3 lần)
Nguyện chư vị tinh tấn Bồ Đề, cầu Vô Thượng Đạo. (1 vái)

8. Kệ Cát Tường
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời thường an lành
Trong tất cả thời thảy an lành
Nguyện ngôi Thượng Sư thương nhiếp thọ
Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời thường an lành
Trong tất cả thời thảy an lành
Nguyện ngôi Tam Bảo thường gia hộ
Nguyện ngày an lành đêm an lành
Ngày đêm sáu thời thường an lành
Trong tất cả thời thảy an lành
Nguyện chư Hộ Pháp thường ủng hộ
Nam mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ Tát Ma Ha Tát! (3 lần)
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát! (7 lần)

9. Phục Nguyện
(Quỳ gối; chắp tay)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Đệ tử con/chúng con xin đem công đức trong đàn lễ này, cùng công đức tạo lập được trong ngày hôm nay hồi hướng cho tất cả các chúng chư Thiên, chư Thần Linh, chư vong linh mà con/chúng con hiến cúng, được kết duyên pháp lữ với (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành cho tới ngày thành Phật.

Con/chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành trong đàn lễ này, cùng công đức tạo lập được trong ngày hôm nay đến cho (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… con/chúng con (đọc mong cầu)… và nguyện cả (gia đình; cơ quan; cửa hàng…)… đủ duyên lành cùng nhau tinh tấn tu hành theo Chính Pháp của Phật, cho tới ngày liễu thoát luân hồi sinh tử.

Con/chúng con xin phát nguyện, sẽ dâng cúng lễ vật thực trong (3, 4, 5,…)… ngày Tết, mỗi ngày một lần, tùy vào thời gian trong ngày con/chúng con sắp xếp được. Đến ngày… con/chúng con xin làm lễ cúng mãn tết.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (1 chuông. 1 lễ)

10. Hồi Hướng
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: mõ)

Công phu công đức có bao nhiêu,
Con xin lấy đó hồi hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh,
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn. (1 chuông)
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ Tát đạo. (1 chuông)
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô Thượng Giác. (3 chuông)

11. Tam Tự Quy
(Quỳ hoặc đứng; pháp khí: khánh)

Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 chuông. 1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 chuông. 1 lễ)

3. Cúng giao thừa và 3 ngày Tết thế nào để được nhiều lợi ích?

Câu hỏi về việc cúng Giao thừa:

Kính thưa Thầy! Vào dịp Tết hằng năm, gia đình con vẫn cúng giao thừa và sáng mùng 1 Tết. Đến khoảng mùng 3 hoặc mùng 4 Tết thì gia đình con hóa vàng. Con mới biết đến chùa nên không biết cúng như thế nào cho đúng và ý nghĩa. Con xin Thầy chỉ bảo cho con ạ!

Đại đức Thích Trúc Thái Minh trả lời:

Chúng ta có truyền thống theo tục lệ cổ truyền vào dịp Tết là cúng giao thừa, cúng sáng mùng 1 và mùng 3 cúng lễ hóa vàng. Với đạo Phật, việc này được hiểu và nên thực hành như thế nào cho tốt?

Cúng giao thừa, mùng 1 và lễ hóa vàng thế nào để được lợi ích?

Theo quan niệm truyền thống, ngày Tết là ngày sum họp, con cháu từ khắp mọi nơi về đoàn tụ, quây quần trong mái ấm gia đình. Không chỉ quây quần những người trên dương thế mà chúng ta cũng muốn cả gia tiên tiền tổ, ông bà, cha mẹ đã mất được về với con cháu. Cho nên, vào ngày 30 chúng ta thường làm mâm cơm cúng Tất niên, tức là mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết với các con, các cháu trong 3 ngày Tết. Đến ngày mùng 3, chúng ta làm lễ hóa vàng để tiễn các cụ trở về nơi âm cảnh.

Tại sao lại gọi là lễ hóa vàng? Việc đốt vàng mã có thực sự mang lại lợi ích?

Gọi là “lễ hóa vàng” vì trong ngày lễ, chúng ta quan niệm Tết thì sắm cho ông bà bộ quần áo mới, đưa ông bà ít tiền để để ông bà xuống âm phủ tiêu. Về tinh thần, chúng ta sống hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ như thế là tốt. Tuy nhiên, chúng ta đã là Phật tử, biết rõ việc đốt vàng mã thực sự không có lợi ích gì nhưng do đó là một tập tục văn hóa nên chúng ta có thể đốt một ít, miễn sao không lạm dụng và hiểu sai về nó là được.

Nên cúng chay hay cúng mặn?

Quý Phật tử ở tại gia, Phật không bắt ăn chay nên quý Phật tử ăn uống như bình thường. Nhưng riêng phần cúng cho tổ tiên, chúng ta nên cúng chay tịnh trong ba ngày Tết để được nhiều lợi ích tốt đẹp. Vì như kinh Địa Tạng, Phật có dạy: Không sát sinh cúng tế là được lợi ích. Trong ba ngày này, chúng ta nên cúng dường Tam Bảo hồi hướng cho ông bà, tổ tiên thì các cụ sẽ được phước báu, chứ không phải đốt thật nhiều vàng mã và sát sinh cúng cho các cụ là tốt. Chúng ta nên cúng lễ như lời Phật dạy, kể cả cúng giao thừa.

Tâm Hướng Phật St/Nguồn: Chùa Ba Vàng!

Bài viết cùng chuyên mục

Nghi thức lạy sám hối 35 vị Phật – Trích Kinh Đại Bảo Tích

Định Tuệ

Bài văn sám hối oan gia trái chủ tại nhà của Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Nghi thức cầu an – Tụng Kinh Phổ Môn Phẩm PDF

Định Tuệ

Nghi thức tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện đầy đủ, chuẩn nhất

Định Tuệ

Nghi thức trì tụng thần chú Diệt Định Nghiệp Chân Ngôn

Định Tuệ

Gia quyến nên làm gì trong vòng 49 ngày khi người thân mất?

Định Tuệ

Nghi thức phóng sanh PDF – HT Thích Nhật Từ biên dịch

Định Tuệ

Nghi thức hồng danh sám hối tại nhà đầy đủ Phật tử nên biết

Định Tuệ

Nghi thức cầu siêu duyên âm – Phương pháp hóa giải duyên âm

Định Tuệ

Viết Bình Luận