Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam

Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh Độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, nhiều đạo tràng.

Tịnh Độ là một trong các tông phái chính của Phật giáo. Giáo lý của pháp môn Tịnh Độ đã có từ khi Đức Phật tại thế, sau này trở thành một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với các phật tử tại nhiều nước Phật giáo Đại thừa. Mãi đến thế kỷ thứ IV, pháp môn Tịnh Độ mới trở thành một tông phái chính thức tồn tại và phát triển cùng với nhiều tông phái Phật giáo khác. Và ngày nay, Tịnh Độ tông trở thành một tông phái có nhiều phật tử tu tập đông đảo nhất không chỉ ở phương Đông mà ngay cả ở các nước phương Tây.

Khi Phật giáo phát triển sang Trung Quốc, pháp môn Tịnh Độ đã được các vi đạo sư Trung Quốc ngưỡng mộ đi đến việc thành lập thành một tông phái riêng. Sau này Tịnh Độ lại được truyền sang Nhật Bản và cũng được Phật giáo Nhật Bản phát triển mạnh. Còn ở Việt Nam, ngoài yếu tố từ Trung Quốc truyền sang, còn có những thành tựu trực tiếp từ Ấn Độ truyền sang vào khoảng những thế kỷ đầu sau Công nguyên.

Pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam

Đạo Phật được truyền vào Việt Nam rất sớm ngay từ thời kỳ dựng nước. Phật giáo Việt Nam có thể đã hình thành từ trước Công nguyên và phát triển mạnh từ khoảng thế kỷ thứ II và thứ III sau Công nguyên, khi đất nước còn là đất Giao Chỉ phụ thuộc vào các triều đại phong kiến của Trung Quốc. Sử liệu Phật giáo để lại cho rằng các tăng sĩ Ấn Độ đi truyền giáo theo đường biển đã vào Giao Châu và ở lại đây hoằng pháp.

Mãi đến cuối thế kỷ thứ VI, Phật giáo ở Việt Nam mới có tổ chức hệ thống, mở đầu bởi thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (còn gọi là dòng thiền Nam Phương). Sang thế kỷ thứ IX, có thêm thiền phái Vô Ngôn Thông (còn gọi là dòng thiền Quan Bich) và đến thế kỷ thứ XI đời nhà Lý, lại có thêm thiền phái Thảo Đường. Rồi tiếp theo là thiền phái Yên Tử và Trúc Lâm Yên Tử. Các thiền phái này phát triển và làm cho Phật giáo Việt Nam hưng thịnh. Bên cạnh đó trào lưu niệm Phật theo tư tưởng Tịnh Độ vẫn xuất hiện đan xen trong các thiền phái.

Có thể thấy rằng trào lưu Tịnh Độ ở nước ta dẫu có một lịch sử lâu dài nhưng không tự thân phát triển thành một tông phái, không có vị trí độc lập, tách biệt với các tông phái khác, đồng thời cũng không phong phú trong lý luận và phương pháp thực hành như Tịnh Độ tông ở Trung Hoa hay Nhật Bản. Tuy ở Việt Nam từ trước tới nay Tịnh Độ tông chưa thành một hệ thống pháp môn riêng biệt, nhưng sau thời nhà Trần, khoảng đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XX, phương pháp tu hành của Tịnh Độ dưới hình thức đọc tụng kinh A Di Đà và niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Phương pháp này đã được kết hợp hài hoà với các thiền phái tại Việt Nam thể hiện qua thực tế sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của Phật giáo Việt Nam, thì thấy rằng dấu ấn của pháp môn Tịnh Độ là hết sức sâu đậm. Ta có thể điểm qua một cách hệ thống một số nét phát triển tư tưởng Tịnh Độ tông ở Việt Nam như sau:

Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà được nhắc đến sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong tác phẩm Cựu tạp thí dụ kinh do Khương Tăng Hội (?-280) soạn. Pháp môn niệm Phật cũng đã được đề cập trong cuốn Lục độ tập kinh cũng do Khương Tăng Hội soạn. Đây là những bộ kinh xưa nhất lưu hành tại Việt Nam. Như vậy, ngay từ rất sớm, vào trước thế kỷ thứ III, trong khuynh hướng tư tưởng Phật giáo Đại thừa được giới thiệu tại nước ta, người Phật tử Việt Nam cũng đã bước đầu được tiếp xúc với tư tưởng tín ngưỡng Tịnh Độ. Và sau đó, vói sự xuất hiện của bản kinh quan trọng là kinh Vô lượng thọ do nhà sư Đàm Hoằng (?-455), một vị tăng người Trung Quốc chuyên hành trì pháp môn Tịnh Độ với ước nguyện vãng sinh Cực Lạc, đến Việt Nam tu học tại nước ta, truyền bá.

Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, tức từ sau sư Đàm Hoằng đến nửa đầu thế kỷ thứ IX, chúng ta hiện không có tư liệu nào để lại đề cập đến Tịnh Độ.

Từ giữa thế kỷ thứ XI trở đi, khuynh hướng Tịnh Độ được phổ biến rộng rãi, với sự hình thành của nhiều ngôi Tam bảo, nhiều đạo tràng. Đặc biệt vua Lý Thánh Tông (1023-1072), thuộc Thiền phái Thảo Đường, đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc, pho tượng này hiện nay vẫn còn ở chùa Phật Tích. Ngoài ra, còn có tượng Phật A Di Đà do nhà sư Trì Bát (1049-1117) thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi tạo dựng năm 1099 ở chùa Hoàng Kim, xã Hoàng Ngô, huyện Quốc Oai và tượng A Di Đà trong hội đèn Quảng Chiếu trước Đoan Môn, được tạo lập để cầu nguyện cho hoàng hậu Linh Nhân siêu sinh tịnh độ v.v… chứng tỏ Thiền tông và Tịnh Độ tông kết hợp với nhau. Cùng với tín ngưỡng A Di Đà, tín ngưỡng Quán Thế Âm, vị Bồ tát thân cận của Phật A Di Đà, ở thời kỳ này cũng trở nên phổ biến. Từ giai đoạn này trở về sau, trên phương diện tín ngưỡng, trào lưu Tịnh Độ đã thực sự có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân ta.

Thế kỷ XII, theo tác phẩm Thiền uyển Tập Anh, ta thấy có nhiều thiền sư theo các thiền phái khác nhau nhưng vẫn hành trì theo pháp môn Tịnh Độ, như Thiền sư Tịnh Lực (1111-1175), thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông, thường thực hành sám hối và thâm nhập được pháp môn Niệm Phật tam muội v.v… Đến đời Trần, các nhà tư tưởng lớn như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông cũng bàn đến vấn đề niệm Phật. Tư tưởng Tịnh Độ cũng được đưa vào trong các kỳ thi tuyển nhân tài do triều đình tổ chức mà ta có thể biết được qua bài thi của Lê Ích Mộc (1459-?) thi đỗ Trạng Nguyên trong khóa thi năm Nhâm tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) đời Lê Hiến Tông . Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân tông chủ trương cũng có nói về Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc nhưng cũng ở một khía cạnh khác.

Từ thế kỷ thứ XVI trở đi trào lưu Tịnh Độ cũng được phát triển mạnh mẽ thể hiện qua một vài tác phẩm của các danh tăng nhằm cổ súy và truyền bá tư tưởng Tịnh Độ như cuốn Bồ đề yếu nghĩa của Ngài Viên Văn (1590-1644) nói về Tự tính Di Đà. Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) phiên âm A Di Đà kinh sớ sao của Ngài Châu Hoằng và một số tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh độ của Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) v.v… cho phép ta thấy pháp môn Niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sinh Cực lạc là một khuynh hướng tín ngưỡng lớn thời bấy giờ. Tuy nhiên quan niệm Tịnh Độ của Phật tử Việt Nam mang những đặc thù riêng mặc dù có sự ảnh hưởng của Tịnh Độ Trung Quốc.

Những đặc điểm đó thể hiện ở chỗ:

– Danh hiệu đức Phật A Di Đà xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam qua Cựu tạp thí dụ kinh và Lục độ tập kinh vào giữa thế kỷ thứ III. Mặt khác, nhà sư Đàm Hoằng (?-455) chuyên hành trì pháp môn Tịnh Độ với ước nguyện vãng sinh Cực lạc đã đến Việt Nam tu học vào đầu thế kỷ thứ V vào năm 422, cách thời điểm Ngài Huệ Viễn sáng lập Tịnh Độ tông Trung Quốc (năm 422) chỉ khoảng sau 20 năm.

– Tuy tư tưởng Tịnh Độ lễ Phật A Di Đà xuất hiện sớm ở Việt Nam và trở thành một trong những trào lưu chủ yếu của đời sống tín ngưỡng của Phật giáo nước ta, nhưng không hình thành một tông phái với chủ trương, lịch sử truyền thừa chặt chẽ và độc lập, tách biệt với các tông phái khác như Thiền, Mật hay Luật tông ở Trung Hoa và Nhật Bản. Ở nước ta, Tịnh Độ tông không đứng biệt lập và không hề thấy xảy ra những tranh luận với các hệ tư tưởng khác cũng như đấu tranh trong tự thân nó để phát triển.

– Tịnh Độ tông ở Việt Nam phát triển, tồn tại, đan xen và song song với Thiền tông. Vua Trần Thái Tông (1218-1277), một nhà thiền học đã để lại nhiều tác phẩm trong đó có Khóa Hư Lục. Trong tác phẩm Phật học này có hẳn một chương Niệm Phật luận bàn về những lợi ích niệm Phật. Trần Thái Tông quan niệm tự tính Di Đà và tịnh độ chỉ có ở ngay hiện tiền, trong tâm của con người này mà không phải thuộc một quốc độ khác tồn tại ngoài thế gian. Quan điểm đó cũng thống nhất trong các tác phẩm của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) và Trần Nhân Tông (1258-1308). Trong bài phú nổi tiếng Cư trần lạc đạo phú của mình, nói lên chủ trương của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã viết : “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. Như vậy, trên mặt lý luận, quan niệm Tịnh Độ ở đây được nhìn và giải thích theo đôi mắt thiền. Đấy là một trong những đặc điểm của trào lưu Tịnh Độ ở giai đoạn thời Trần nói riêng và cũng là một trong những đặc điểm căn bản trên phương diện lý luận của tư tưởng Tịnh Độ tại Việt Nam nói chung.

Từ thế kỷ XVII, có sự thâm nhập của Tịnh Độ tông Trung Hoa, cũng được các chư tăng như Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644), Minh Châu Hương Hải (1628-1708) và Chân Nguyên (1647-1726) v.v…truyền bá rộng rãi, đã mô tả thế giới Cực lạc và chủ trương niệm Phật để nhẹ nghiệp chướng, được vãng sinh về thế giới Tây phương Tịnh độ. Điều đó phù hợp với nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quảng đại quần chúng Phật tử, nhất là cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX khi đất nước nằm trong tình trạng bị xâm lược, đời sống nhân dân cơ cực dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều đạo tràng chuyên thực hành niệm Phật như Liên Trì xã, Niệm Phật liên xã. Cao trào này được phản ánh qua tác phẩm Phổ Khuyến Niệm Phật của nhà sư Tánh Thiên (1784-1847) và nhiều tác phẩm của các danh tăng khác như các vị Toàn Nhật (1755-1832), Tâm Truyền (1832-1911), Phước Huệ (1875-1863) v.v…

Đầu thế kỷ XX, dưới chế độ bảo hộ của Pháp, các tổ chức Phật giáo chỉ được mang danh nghĩa là các Hội đoàn, không được coi là Giáo hội. Vì vậy nhiều tổ chức Phật giáo đầu tiên lần lượt xuất hiện, bắt đầu từ miền Nam, ra miền Trung rồi miền Bắc. Nhất là từ năm 1920 và trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XX, phong trào Chấn Hưng Phật giáo nổi lên rầm rộ ở các các miền Bắc, Trung , Nam. Nhiều hội đoàn về Phật giáo được thành lập và phát triển, nhiều tờ báo Phật học ra đời ở cả 3 miền. Giữa thế kỷ XX, do nhiều biến cố của đất nước, Phật giáo nói chung và Tịnh Độ nói riêng cũng phải qua nhiều khó khăn. Song riêng về pháp môn Tịnh Độ cũng được duy trì, củng cố và phát triển. Năm 1955, cố Hoà thượng Thích Trí Tịnh đã cho sáng lập hội Cực Lạc Liên Hữu, một đạo tràng chuyên tu Tịnh Độ đầu tiên của Việt Nam tại Chùa Vạn Đức, thành phố Hồ Chí Minh.Trong khoảng thời gian này cả Phật giáo đàng trong và Phật giáo đàng ngoài đều rất ưa chuộng pháp môn Tịnh Độ. Đặc biệt năm 1968 cố Hoà thượng Thích Thiền Tâm đã cho thành lập Đạo Tràng Tịnh Độ để chuyên tu ở Đại Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng) và dịch kinh Niệm Phật Ba La Mật. Tới năm 1970 cố Hoà Thượng còn cho mở Hương Nghiêm Tịnh Viện, năm 1974 cho mở khoá chuyên tu Tịnh Độ suốt ba năm. Cho đến ngày nay, pháp môn Tịnh Độ đã được phát triển mạnh mẽ và tỏa khắp các miền trong đất nước.

Tóm lại, trào lưu Tịnh Độ ở Việt Nam ta đã có một lịch sử lâu dài, nhưng không tự thân phát triển thành một tông phái riêng biệt, không có vị trí độc lập và tách rời với các pháp môn khác mà thường hòa quyện cùng với Thiền tông và Mật tông, đồng thời cũng không phong phú trong lý luận và phương pháp thực hành như Tịnh Độ tông Trung Hoa hay Nhật Bản.

Sự không tách biệt độc lập này, có lẽ thuộc về đặc tính của dân tộc ta, cũng như đã thấy trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, qua sự ra đời, sinh hoạt và truyền thừa của các dòng thiền. Dẫu là thiền sư, nhưng trong thực hành tâm linh thì vẫn trì tụng thần chú (Mật tông) và niệm danh hiệu Phật (Tịnh Độ tông).

Đến nay Tịnh Độ tông đã được phát triển khắp đất nước. Rất nhiều đạo tràng niệm Phật A Di Đà xuất hiện khắp nơi, nhiều khóa tu Phật thất và khóa tu Một ngày niệm Phật cũng được phát triển làm cho pháp môn Tịnh Độ ngày càng ăn sâu vào tâm thức các Phật tử, bên cạnh sự phát triển của Thiền tông và Mật tông trong cả nước.

Trích sách: Tìm hiểu Pháp môn Tịnh độ – Phạm Đình Nhân!

Bài viết cùng chuyên mục

Niệm Phật hay Bồ Tát Quán Thế Âm là liều thuốc trị vọng tưởng

Định Tuệ

Thế nào là buông xuống?

Định Tuệ

Thế giới Sa Bà, tương lai có 720 ức người niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

Định Tuệ

Sự thiết yếu của việc niệm Phật cùng Tham thiền

Định Tuệ

Niệm Phật là con đường dẫn tới Tây Phương của Phật A Di Đà

Định Tuệ

Phật pháp thù thắng khôn sánh

Định Tuệ

Lúc niệm Phật hãy buông bỏ tất cả

Định Tuệ

Nên niệm Phật vào lúc nào? Thời gian niệm Phật bao lâu?

Định Tuệ

Sống chết không đáng sợ, cái đáng sợ là sau khi chết rồi sẽ đi về đâu

Định Tuệ

Viết Bình Luận