Người biết tu hành khi tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, vừa khởi tâm động niệm thì liền hồi đầu phản tỉnh, nhận biết mình đã sai rồi.
Đến ngày nào mà lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần (sắc, thanh,hương, vị, xúc, pháp) không còn sinh phiền não thì mới nắm chắc phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Nếu vẫn nhìn người không thuận mắt, không thể sống chung với người khác, thì khó mà niệm Phật vãng sanh…
Giả sử tự mình đem vọng tưởng, chấp trước đều buông xuống thì cảnh giới bên ngoài đều bình đẳng, không có thị phi, thiện ác.
Ngẫu Ích Đại sư nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu”. “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất. “Duyên” là hoàn cảnh của mọi nhân sự. Người và vật không có tốt xấu, không có thị phi, không có thiện ác, không có tà chánh.
Tất cả những tốt xấu, thị phi, thiện ác, tà chánh từ đâu đến? Là từ trong tâm của chính mình mà ra. Do đó, người biết tu hành, khi tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, vừa khởi tâm động niệm thì họ liền hồi đầu phản tỉnh, nhận biết mình đã sai rồi.
Một người mỗi ngày đều phải biết được lỗi lầm của chính mình, đó là giác ngộ. Nhà Phật gọi là khai ngộ. Hôm nay cả ngày đều không có sai trái, đó là ngu muội, là hồ đồ.
Làm sao mà không có lỗi lầm? Biết sai trái là khai ngộ, đem lỗi lầm sửa lại cho đúng là tu hành, là công phu.
Quý vị mỗi ngày phản tỉnh, ngày ngày giác ngộ: Nhìn lại xem chỗ nào có sai trái, cách nghĩ sai rồi, cách nhìn sai rồi, kiến giải sai rồi, lời nói sai rồi, việc làm sai rồi.
Hằng ngày quý vị có thể phản tỉnh, tìm ra chỗ sai trái của mình thì người đó tức đã khai ngộ. Biết rõ lỗi sai của mình lập tức chỉnh sửa lại, ngày mai không tái phạm lỗi giống vậy nữa. Đây là tu hành thật sự, cũng là sám hối thật sự, thì nghiệp chướng tiêu trừ rồi.
Hòa Thượng Tịnh Không!